Thế nào là Đại học hàng đầu thế giới? (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Dương Phúc Gia (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Lời giới thiệu: Dương Phúc Gia (Yang Fujia, 1936-), tốt nghiệp Đại học Phục Đán (Thượng Hải), nhà vật lý nổi tiếng, Viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội KHKT Trung Quốc, Chủ tịch Hội KHKT Thượng Hải (1992-1996), Giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân nguyên tử Thượng Hải thuộc Viện KH Trung Quốc (1987-2001). Năm 1984 được bình chọn là chuyên gia có cống hiến kiệt xuất cấp nhà nước. Năm 1991 được bầu là Viện sĩ Viện KH Trung Quốc, Viện sĩ Viện KH thế giới thứ ba. Từ 1998 được mời làm GS danh dự Đại học Vanderbilt (Mỹ), Ông cũng là Tiến sĩ KH danh dự Đại học Sōka (Nhật), Tiến sĩ Nhân văn danh dự Đại học bang New York, Tiến sĩ danh dự Đại học Hong Kong, Đại học Nottingham (Anh), và Đại học Connecticut (Mỹ). Dương Phúc Gia từng là Hiệu trưởng Đại học Phục Đán (1993-1998), từ 1996 là Ủy viên chấp hành Hội Hiệu trưởng các trường Đại học trên thế giới.

Từ năm 2001 ông được mời làm Hiệu trưởng Đại học Nottingham (hai nhiệm kỳ liền), trở thành người Trung Quốc đầu tiên nhậm chức hiệu trưởng một trường Đại học nổi tiếng Anh Quốc. Những năm gần đây ông nhiều lần thẳng thắn phát biểu về sự yếu kém của giáo dục Đại học Trung Quốc, ý kiến của ông được lãnh đạo nhà nước và giới giáo dục Trung Quốc rất quan tâm.

Dưới đây là phần lược dịch bài viết “Sứ mệnh và nội hàm văn hoá của trường Đại học” của Dương Phúc Gia, đăng trên Thời báo Học tập [TQ] số ra ngày 27/08/2007. Các phần ghi trong dấu ngoặc vuông [  ] là của người dịch.

Bài này gồm 5 phần: Sứ mệnh của trường Đại học; Nội hàm văn hoá Đại học; Gợi ý từ Đại học hàng đầu; Đại học hàng đầu coi trọng những sinh viên như thế nào; và Trách nhiệm của sinh viên, được đăng thành 4 kỳ trên Nghiencuuquocte.org.

1. Sứ mệnh của trường đại học

Sứ mệnh của trường đại học là gì?

Đại học Yale thuộc nhóm Đại học đứng đầu thế giới, liên tục mấy năm liền xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng Đại học Mỹ, chỉ sau Đại học Princeton và Đại học Harvard. Đại học Yale thành lập năm 1701, hiện nay [năm 2007] có 11.483 học viên, trong đó có 5.316 sinh viên (học ở Học viện Yale) và 2.522 nghiên cứu sinh, 3.552 sinh viên các học viện chuyên ngành (học ở 11 học viện, như Học viện Y khoa, Học viện Luật, Học viện Nhạc, v.v… đều tuyển người đã tốt nghiệp Đại học).

Sứ mệnh của Đại học Yale là gì? Điều đó đã được xác định ngay từ khi sáng lập trường, đó là: Đào tạo thủ lĩnh cho nhà nước và thế giới.

Đại học Yale là nơi đào tạo 5-6 Tổng thống Mỹ (Bush cha và con, Clinton …). Cho tới nay Yale đã đào tạo được 530 nghị sĩ quốc hội Mỹ, còn đào tạo cả Tổng thống cho Mexico và Đức, Thủ tướng cho Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao cho Nhật Bản v.v…. Rất nhiều hiệu trưởng xuất sắc của các Đại học hàng đầu thế giới từng tốt nghiệp tại đây.

Về sau Đại học Yale còn đưa ra các sứ mệnh cơ bản của trường: Bảo vệ, truyền thụ, đẩy mạnh và làm phong phú tri thức và văn hoá.

Thoạt xem có thể có cảm giác tựa như các sứ mệnh đó chỉ là một đống từ ngữ, nhưng suy ngẫm kỹ sẽ có thể hiểu, nếu sứ mệnh chỉ có “truyền thụ tri thức” thì điều đó đều thích hợp với ngót 4.000 Đại học Mỹ; nếu thêm “đẩy mạnh và làm phong phú” thì chỉ 3% số trường Đại học có thể đảm đương được nhiệm vụ đó; nếu lại thêm “văn hoá” nữa thì chỉ còn 1%; còn nếu thêm “bảo vệ tri thức và văn hoá” thì e rằng chưa tới 3 phần nghìn.

Đại học Yale có thư viện sách quý hiếm tốt nhất thế giới chính là để gánh vác sứ mệnh đó. Chẳng hạn chỉ ở đây mới có một số sách hoặc tư liệu độc bản trên thế giới.
Tóm lại, sứ mệnh của trường Đại học phải có tính đặc thù, tính khác biệt. Nếu sứ mệnh của Đại học này lại có thể dùng cho bất cứ Đại học nào khác thì cách diễn tả sứ mệnh đó sẽ không xác đáng lắm..

Học viên Công nghệ California [California Institute of Technology, viết tắt Caltech hoặc CIT] là một học viện đơn nhất, nhưng nó nghiên cứu những vấn đề KHKT cơ bản có tính thách thức nhất trong sự giao thoa của các khoa học. Nó đào tạo một loạt sinh viên kiệt xuất trở thành những thành viên có tính sáng tạo trong xã hội. Ở đây tuy không đề cập tới văn hoá Đại học, nhưng không có nghĩa là Caltech không có văn hoá, chỉ có điều nó chú trọng tới cái khác.
Caltech không được gọi là Đại học mà gọi là Học viện [institute], quy mô rất nhỏ. Năm 2005 toàn trường có 386 giáo viên và nghiên cứu viên, 2172 sinh viên và nghiên cứu sinh. Khi mới thành lập trường này, Hội đồng Quản trị nhà trường đã quy định: “Dù ai làm hiệu trưởng cũng không được mở rộng quy mô nhà trường”. Caltech có sứ mệnh “Kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học để mở rộng tri thức nhân loại và đem lại hạnh phúc cho xã hội”.

Chính dưới ảnh hưởng của nội hàm văn hoá như thế mà tại Caltech xuất hiện 32 giải Nobel, 31 chủ nhân giải Nobel, có đóng góp lớn làm phong phú kho tàng tri thức của loài người. Ngoài 32 giải Nobel, còn có nhiều cựu sinh viên kiệt xuất, trong đó có Chu Bồi Nguyên, nhà nguyên lão vật lý học của Trung Quốc (tiến sĩ Caltech năm 1928), Triệu Trung Nghiêu người đặt nền móng ngành vật lý hạt nhân Trung Quốc (tiến sĩ Caltech 1930), Đàm Gia Trinh người đặt nền móng di truyền học Trung Quốc (tiến sĩ Caltech 1936), Tiền Học Sâm nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc (tiến sĩ Caltech 1939) [cha đẻ tên lửa Trung Quốc]. Tất cả các vị đại sư đó đã đặt nền móng cho địa vị của Caltech trên thế giới. Trên 3 lĩnh vực hàng không-vũ trụ, khoa học sự sống và vật lý, Caltech là hàng đầu của hàng đầu thế giới. Trường nhỏ mà học vấn lớn, thật là đặc sắc!

Các yếu tố cơ bản để hoàn thành sứ mệnh của trường đại học

Ngay từ năm 1931, ông Mai Di Kỳ hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa [Bắc Kinh] từng nói “Một trường Đại học sở dĩ gọi là Đại học, tất cả là ở chỗ trường ấy có giáo sư giỏi hay không.”
Ông nói câu này vào thời điểm Đại học Thanh Hoa vừa cơ bản xây dựng xong, nhà trường bắt đầu đặt trọng điểm vào việc thu hút các đại sư chứ không quá chú ý tới việc xây dựng trường sở.
Thực ra một trường Đại học chỉ có trường sở to và đại sư thì chưa đủ. Cá nhân tôi cho rằng còn phải có “đại ái [tình yêu lớn]”.

Từ bài viết của chủ nhân giải Nobel James Tobin [Nobel kinh tế 1981], ông Richard C. Levin hiệu trưởng Đại học Yale dẫn ra mấy yếu tố cơ bản để thực hiện sứ mệnh của Đại học như sau: Thứ nhất, phải có tài sản hữu hình (tangible assets); thứ hai, phải có tài nguyên con người (human resources); thứ ba, phải có nội hàm văn hoá (internal culture).
Tài sản hữu hình không chỉ gồm có trường sở mà còn có thiết bị, thư viện. Cũng vậy, tài nguyên con người cũng không chỉ có đại sư mà còn có sinh viên và nhân viên quản lý. Một Đại học không có sinh viên giỏi thì không thể trở thành Đại học hàng đầu được.

Trường Đại học sứ mệnh không rõ ràng, không có đặc sắc thì sẽ không có triển vọng

Đại học Princeton 7 năm liền xếp hạng Đại học thứ nhất ở Mỹ. Đại học Harvard 3 năm qua cũng đồng xếp hạng thứ nhất nhưng lần gần đây lại tụt xuống thứ hai, nguyên nhân do Princeton có hai chỉ tiêu vượt trên Harvard. Thứ nhất, số lượng lớp nhỏ dưới 50 sinh nhiều hơn; thứ hai, số lượng cựu sinh viên đền ơn nhà trường nhiều hơn Harvard (không chỉ là tiền, mà nhiều hơn, là sự cảm ơn).

Có người cho rằng Đại học hàng đầu thì phải có số lượng nghiên cứu sinh nhiều hơn sinh viên, nhất định phải có học viện y khoa, nhất thiết phải là Đại học có tính tổng hợp. Nói như vậy không thích hợp với Đại học Princeton – trường này hiện chỉ có 6677 học viên, trong đó 4678 sinh viên, 1999 nghiên cứu sinh. Năm 2006, Đại học Princeton chỉ trao tặng 277 học vị tiến sĩ, 151 học vị thạc sĩ cuối cùng (không học tiếp); tỷ lệ học sinh với giáo viên (chế độ cả ngày) là 5:1; trường này không có học viện y khoa cũng như học viện luật và học viện quản trị kinh doanh (hiện nay ở Trung Quốc các Đại học hàng đầu hầu như đều có học viện quản trị kinh doanh, y khoa và luật khoa); nghiên cứu sinh chỉ chiếm 30% tổng số học viên.
Nhưng Đại học Princeton tuyệt đối là Đại học đứng đầu thế giới. Vậy đâu là cái vĩ đại của Đại học Princeton?

Ngoài việc đào tạo 25 chủ nhân giải Nobel (trong đó 17 giải vật lý) và 12 chủ nhân giải Fields (cả nước Mỹ có 24 người được giải này), Đại học Princeton còn nổi tiếng về không khí học thuật tự do, khoan dung.

Rất nhiều trường Đại học Trung Quốc thiếu những đặc sắc như vậy. Trong 4 lần hội nghị giáo dục cao đẳng do Thủ tướng Ôn Gia Bảo triệu tập trong năm 2006, Thủ tướng có nói về 4 nỗi lo của ông: Thứ nhất, sở dĩ hiện nay Trung Quốc chưa hoàn toàn phát triển, trong đó có một nguyên nhân là chưa có một Đại học nào có thể tổ chức theo mô hình đào tạo nhân tài phát minh sáng tạo KHKT, chưa có sự sáng tạo độc đáo của mình thì không thể đào tạo được nhân tài kiệt xuất cấp đại sư. Thứ hai, vấn đề chất lượng học tập của các trường Đại học cao đẳng; Thứ ba, vấn đề làm thế nào để trường Đại học có đặc sắc của mình. Thứ tư, các trường công ở Trung Quốc đã vay bao nhiêu tiền? 300 tỷ, 400 tỷ hay là 500 tỷ Nhân dân tệ?

[còn nữa]