12/01/1954: Dulles tuyên bố về chính sách ‘trả đũa ồ ạt’

Nguồn: Dulles announces policy of “massive retaliation”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1954, trong một bài phát biểu tại buổi chiêu đãi của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ nhằm vinh danh ông, Ngoại trưởng John Foster Dulles tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh của mình thông qua việc “răn đe bằng trả đũa ồ ạt.” Tuyên bố chính sách này là bằng chứng khác cho thấy chính quyền Eisenhower đang phụ thuộc nhiều vào kho vũ khí hạt nhân quốc gia, xem nó như là phương tiện phòng thủ chủ yếu chống lại sự xâm lược của cộng sản.

Dulles bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách phân tích chiến lược của phe cộng sản và kết luận mục tiêu của nó là “sự phá sản” của Mỹ do chi tiêu quá mức cho sức mạnh quân sự. Cả về mặt chiến lược và kinh tế, vị Ngoại trưởng giải thích, sẽ không khôn ngoan khi “cam kết giữ vĩnh viễn các lực lượng trên bộ của Mỹ tại châu Á,” hay “hỗ trợ vĩnh viễn cho các quốc gia khác,” hay “cam kết các khoản chi tiêu quân sự lớn đến mức chúng dẫn đến sự phá sản trên thực tế.” Thay vào đó, ông tin rằng một chính sách mới giúp “mang lại sự bảo vệ tối đa với chi phí có thể chấp nhận được” nên được phát triển. Mặc dù Dulles không đề cập trực tiếp đến vũ khí hạt nhân, nhưng rõ ràng chính sách mới mà ông mô tả sẽ dựa vòa sức mạnh “trả đũa ồ ạt” của loại vũ khí này để đáp trả các hành động chiến tranh của cộng sản trong tương lai.

Bài phát biểu là sự phản ánh của hai trong số các nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại dưới thời Eisenhower và Dulles. Đầu tiên là niềm tin, đặc biệt là về phía Dulles, rằng chính sách đối ngoại của Mỹ trước mối đe dọa cộng sản dưới thời chính quyền Dân chủ trước đây của Tổng thống Harry S. Truman là còn quá dè dặt. Dulles liên tục nhắc lại sự cần thiết của một cách tiếp cận chủ động và mạnh mẽ hơn để đẩy lùi phạm vi ảnh hưởng của cộng sản. Thứ hai là niềm tin của Tổng thống Eisenhower rằng chi tiêu cho hỗ trợ quân sự và hỗ trợ nước ngoài phải được kiểm soát. Eisenhower là một người bảo thủ về tài chính và tin rằng nền kinh tế và xã hội Mỹ không thể chịu đựng được sự căng thẳng gây nên do một ngân sách quốc phòng quá lớn. Sự phụ thuộc mạnh mẽ hơn vào vũ khí hạt nhân như xương sống của nền quốc phòng Mỹ đã giải quyết cả hai mối lo ngại – vũ khí nguyên tử hiệu quả hơn nhiều trong đe dọa các đối thủ tiềm tàng, và về lâu dài, chúng cũng rẻ hơn nhiều so với chi phí bỏ ra cho một đội quân lớn.