Thế yếu của Huawei và Trung Quốc trước cáo buộc của Mỹ

Nguồn:Huawei and China, Facing U.S. Charges, Have Few Ways to Retaliate”, The New York Times, 29/01/2019.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Sau khi bà Mạnh Vãn Châu [Meng Wanzhou], Giám đốc Tài chính của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, bị bắt giữ tại Canada cách đây gần hai tháng, các quan chức Trung Quốc không ngừng lên án hành động đó là “bất hợp pháp” và “tùy tiện”, là một áp-phe chính trị khoác áo tư pháp.

Giờ đây, khi phía Mỹ đã đưa ra lời buộc tội chi tiết hơn về bà Mạnh thì cả Huawei lẫn Chính phủ Trung Quốc đều khó có thể phản ứng hoặc trả đũa.

Hôm 29/01/2019, Huawei – nhà cung cấp lớn nhất thế giới các thiết bị mạng điện thoại di động và mạng số liệu tuyên bố họ vô tội trước lời buộc tội mà Washington đưa ra hôm 28 – trong đó phía Mỹ lên án Huawei đã lừa dối Chính phủ Mỹ về công việc của Huawei tại Iran, gây trở ngại cho việc điều tra hình sự và đánh cắp các bí mật công nghiệp của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa kêu gọi Mỹ và Canada thả bà Mạnh Vãn Châu – con gái ông Nhiệm Chính Phi [Ren Zhengfei], người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Huawei. Nhưng nếu bà Mạnh bị Canada đưa sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc thì Bắc Kinh sẽ hầu như chẳng có cách nào khiến Washington dừng lại. Các quan chức Mỹ tuyên bố dự kiến sẽ đưa ra yêu cầu dẫn độ trước hạn chót 30/01.

Trung Quốc đang dính vào một cuộc chiến tranh thương mại mà họ đang muốn chấm dứt càng sớm càng tốt bởi nó làm cho nền kinh tế Trung Quốc bị giảm tốc mạnh. Bất cứ cố gắng cứng rắn nào của Trung Quốc đối với Mỹ – chẳng hạn bắt giữ công dân Mỹ như họ đã làm với Canada sau khi bà Mạnh bị bắt – đều sẽ phá hoại cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 30/1 và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói hôm 29 rằng vụ xét xử bà Mạnh sẽ không ảnh hưởng tới các phiên đàm phán đó.

“Vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ là một phần của cuộc đàm phán thương mại,” Mnuchin nói, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ vấn đề nào liên quan tới việc “vi phạm luật pháp Mỹ hoặc các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được tiến hành theo điều tra riêng của Bộ Tư pháp Mỹ.”

Chi nhánh của Huawei tại Mỹ đang trải qua sự điều chỉnh lớn về nhân sự khi dường như họ muốn giảm bớt doanh thu bán hàng ở Mỹ và thay đổi sách lược trong quan hệ với Chính phủ Mỹ. Trong chưa đầy một năm, Huawei lần thứ hai thay đổi ban lãnh đạo của họ tại Mỹ; lần này họ thay Regent Zhang, người phụ trách quan hệ với chính quyền Mỹ tại Washington, bằng Joy Tan, đương kim Giám đốc phụ trách đối ngoại toàn cầu của Huawei.

Những ngôn từ trong văn bản buộc tội của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy các lãnh đạo khác của Huawei, kể cả ông Nhiệm Chính Phi, nguyên là sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, có thể cần phải thận trọng hơn khi tới các nước có ký hiệp định dẫn độ với Mỹ.

“Nếu tôi là luật sư của ông Nhiệm thì tôi sẽ khuyên ông ấy nên thận trọng,” giáo sư luật Julian Ku ở Đại học Hofstra nói.

Nhưng thái độ thận trọng ấy có thể sẽ khiến công việc của Huawei tại những vùng như châu Âu trở nên khó khăn hơn. Do e ngại Chính phủ Trung Quốc có thể lợi dụng các thiết bị của Huawei để phá hoại mạng thông tin ở các quốc gia khác, Mỹ đã gây sức ép về mọi mặt với Huawei.

Trước đó, các quan chức Canada từng nói bà Mạnh bị buộc tội lừa dối các định chế tài chính khiến họ thực thi các giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Hôm 28/01, phía Mỹ công bố hai văn bản khởi tố, trong đó một văn bản cho thấy một nỗ lực có phạm vi rộng lớn hơn của Huawei.

Bản khởi tố cho biết bắt đầu từ năm 2007, Huawei đã trình bày sai sự thực với Chính phủ Mỹ và 4 định chế tài chính đa quốc gia. Văn bản này dẫn ra một chứng cớ: đó là nội dung cuộc phỏng vấn của các nhân viên Cục Điều tra Liên bang FBI với ông Nhiệm Chính Phi vào khoảng tháng 7/2007, khi ông Nhiệm nói rằng công ty ông tuân thủ luật pháp của Mỹ và không có giao dịch trực tiếp với bất cứ công ty nào của Iran.

Văn bản khởi tố còn dẫn lời đối chất trước Quốc hội Mỹ năm 2012, trong đó một lãnh đạo Huawei nói việc kinh doanh tại Iran của công ty không vi phạm lệnh trừng phạt. Vị lãnh đạo ấy là ông Đinh Thiếu Hoa [Charles Ding] Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei. Bản khởi tố công bố hôm 28 không nhắc tới tên ông Đinh, tác giả bài báo này hiện chưa thể liên lạc được với Đinh để nghe bình luận của ông.

Ngoài ra, bản khởi tố còn nhắc tới một tài liệu tìm thấy trong thiết bị điện tử mà bà Mạnh mang theo khi đến sân bay quốc tế Kennedy ở New York năm 2014. Một nguồn thạo tin cho biết khi ấy bà bị giữ lại hai tiếng đồng hồ. Trong thời gian đó các nhân viên Mỹ đã tạm thời tịch thu thiết bị điện tử của bà. Vì vụ việc này chưa được công bố nên nguồn tin muốn được ẩn danh.

Bản khởi tố cho biết có thể tài liệu bà Mạnh mang theo đã được xóa trước khi bị phát hiện – tài liệu đó có liên quan tới “nội dung gợi ý hội đàm” về mối quan hệ giữa Huawei với Skycom, một công ty bị các công tố viên Mỹ buộc tội được Huawei sử dụng làm công ty con không chính thức nhằm thu mua các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ có nguồn gốc từ Mỹ để phục vụ cho việc kinh doanh tại Iran.

Bản khởi tố còn viết Skycom đã tuyển dụng ít nhất một công dân Mỹ ở Iran – việc này vi phạm luật pháp Mỹ. Năm 2017, sau khi phát hiện Mỹ đã triển khai điều tra hình sự, Huawei đã tiêu hủy các chứng cớ và mưu toan điều chuyển về Trung Quốc một nhân chứng biết về công việc kinh doanh ở Iran của Huawei (chưa rõ lai lịch người này) nhằm để Chính phủ Mỹ không thể tiếp xúc được với nhân chứng đó.

Một bản khởi tố khác đề cập tới việc Huawei đánh cắp các bí mật thương mại của T-Mobile, hãng cung cấp dịch vụ viễn thông ở Mỹ, nói tới các thư điện tử nội bộ miêu tả một âm mưu đánh cắp một thiết bị thử nghiệm từ Phòng thí nghiệm của T-Mobille đặt tại Bellevue, Washington.

Huawei biện hộ rằng đó chỉ là hành vi cá nhân của các nhân viên muốn tìm hiểu nhiều hơn những thông tin về robot mà hãng T-Mobile dùng để thử nghiệm điện thoại thông minh có tên gọi là “Tappy”. Nhưng bản khởi tố trích dẫn nhiều email trao đổi giữa các kỹ sư của Huawei, trong đó có nội dung thúc giục các kỹ sư có quyền tiếp cận Tappy cần triển khai lấy các thông số chính xác hơn về thiết bị này.

Bản khởi tố viết, cuối cùng nhờ sự giúp đỡ từ các nhân viên khác của Huawei được phép vào Phòng Thí nghiệm Tappy, một kỹ sư Huawei đã bí mật lẻn vào Phòng thí nghiệm này. Bản khởi tố cho biết người đó đã bị bắt rồi bị đuổi ra, nhưng sau đó lại quay lại.

Bản khởi tố viết, sau này duy nhất chỉ còn một nhân Huawei vẫn còn quyền tiếp cận robot. Nhân viên này đã đánh cắp một cánh tay của Tappy về nhà để nghiên cứu sâu hơn. Bản khởi tố nói rằng trong báo cáo điều tra vấn đề này của Huawei, trong đó kết luận rằng các kỹ sư Huawei đã phối hợp với nhau rất ít, có chứa những nội dung gian dối.

Bản khởi tố còn nhắc tới một chương trình mà Huawei bắt đầu vào năm 2013 nhằm thưởng công cho những nhân viên đánh cắp được các thông tin mật của đối thủ cạnh tranh. Họ được yêu cầu gửi thông tin cho một website nội bộ của Huawei, hoặc trong trường hợp đặc biệt gửi đến một địa chỉ thư điện tử được tăng cường bảo mật. Huawei cho biết ai đánh cắp được thông tin có giá trị nhất sẽ được thưởng.

Giáo sư Ku ở Đại học Hofstra nói các chứng cớ đưa ra trong bản khởi tố công bố vào tuần này đã giúp cho việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ.

“Tiêu chuẩn dẫn độ là một tòa án ở Canada có đưa bà ta ra xét xử hay không,” ông Ku nói. “Về cơ bản, câu hỏi là có đủ chứng cớ để kết tội người này hay không? Tôi cho rằng các chứng cứ này sẽ giúp cho việc đạt được tiêu chuẩn ấy.”

Các công tố viên đã che tên của ít nhất một bị cáo, rất có thể là nhằm để ngỏ khả năng bắt giữ người đó. Giáo sư Ku nói ít khả năng người đó là Nhiệm Chính Phi, bởi lẽ tên ông này đã được nhắc tới ở phần cuối của lệnh khởi tố. Nhưng điều đó không thể bảo đảm sau này các công tố viên sẽ không nhắm tới ông Nhiệm.

Mối quan hệ giữa Huawei với Chính phủ Mỹ đang xấu đi và công ty này luôn cố gắng gây dựng lại mối quan hệ với Washington. Năm ngoái, do phía Mỹ ngày càng tăng cường điều tra Huawei nên AT&T đã hủy bỏ giao dịch về việc bán điện thoại di động của Huawei, vì thế Huawei đã cắt giảm số nhân viên làm việc ở Washington. Các thay đổi nhân sự tiếp theo trong mấy tuần gần đây dường như nhằm vào việc cải thiện hình ảnh của Huawei tại Mỹ.

Bà Tan, người sắp sửa phụ trách công tác liên lạc của Huawei với chính quyền tại Washington, nhiều năm qua từng đóng vai trò quan trọng mối quan giữa công ty với giới truyền thông. Bà sẽ phải tiếp xúc với một chính quyền Mỹ đang ngày càng có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Người tiền nhiệm của bà ở Washington là ông Zhang trước đây phụ trách công tác bán hàng ở Mexico.

Hiện nay các nước trên thế giới đang ngày càng nghi ngờ về Huawei và các công ty cung ứng công nghệ khác của Trung Quốc, điều đã bắt đầu có ảnh hưởng thực tế tới ngành công nghiệp viễn thông.

Hôm 29/01, TPG Telecom, một nhà cung ứng dịch vụ internet tại Australia cho biết họ đã buộc phải hủy bỏ việc xây dựng mạng điện thoại di động bởi hồi năm ngoái Chính phủ Australia quyết định cấm công ty Huawei cung cấp thiết bị mạng di động 5G.

Trong một văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán, TPG nói họ đã đầu tư khoảng 70 triệu USD vào mạng di động mới, phần lớn dùng cho việc mua thiết bị của Huawei. Nhưng TPG cho rằng tiếp tục đầu tư vào một mạng điện thoại sau này chẳng có khả năng nâng cấp thành 5G là một việc vô nghĩa.