04/02/1915: Đức tuyên bố vùng chiến sự quanh Quần đảo Anh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germany declares war zone around British Isles, History.com

Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1915, hai năm trước khi chính sách hải quân hiếu chiến của Đức đẩy Hoa Kỳ vào cuộc chiến chống lại họ, Hoàng đế Đức Wilhelm đã tuyên bố một bước đi quan trọng dẫn tới điều này bằng cách tuyên bố Biển Bắc là một vùng chiến sự, theo đó tất cả các tàu buôn, kể cả những tàu từ các nước trung lập, đều có khả năng bị đánh chìm mà không cần cảnh báo trước.

Đức mở rộng ranh giới của cuộc hải chiến nhằm trả đũa quân Đồng minh và Anh vì đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với Đức ở Biển Bắc, một phần quan trọng trong chiến lược chiến tranh của Anh nhằm bóp nghẹt kẻ thù về kinh tế. Theo tính toán chính thức của Anh, tính đến thời điểm kết thúc Thế chiến I, cuộc phong tỏa đã cướp đi khoảng 770.000 sinh mạng của người Đức.

Bất chấp những nỗ lực để xây dựng lực lượng trong những năm trước chiến tranh, Hải quân Đức vẫn thua kém xa về sức mạnh so với lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh . Sau những thất bại lớn, chẳng hạn như thất bại với tàu tuần dương ở Quần đảo Falkland vào tháng 12 năm 1914, Đức bắt đầu coi các tàu ngầm U-Boat như là niềm hy vọng lớn nhất trên biển. Hermann Bauer, lãnh đạo của lực lượng tàu ngầm Đức, đã đề nghị vào tháng 10 năm 1914 rằng các tàu ngầm U-boat có thể được sử dụng để tấn công các tàu thương mại và cướp hàng hóa của họ, từ đó đe dọa nguồn hàng nhập khẩu tới Anh Quốc, bao gồm cả hàng hóa từ các nước trung lập.

Đầu tháng sau, Anh tuyên bố Biển Bắc là khu vực quân sự, cảnh báo các nước trung lập rằng các khu vực này có thể sẽ bị đặt ngư lôi và tất cả các tàu trước hết phải được đưa vào cảng của Anh, nơi Anh sẽ kiểm tra xem có hàng hóa nào có khả năng được chuyển tới Đức hay không, Anh sẽ tịch thu các hàng hóa này nếu có, và hộ tống các tàu đi qua các bãi ngư lôi mìn. Do sự tăng cường phong tỏa này của Anh, ý tưởng của Bauer đã nhận được sự ủng hộ lớn hơn từ bên trong nước Đức như là cách phản ứng thích hợp duy nhất trước các hành động của Anh.

Mặc dù Thủ tướng Đức Theobald von Bethmann Hollweg và Bộ Ngoại giao Đức lo lắng về việc chọc giận các nước trung lập, áp lực từ các nhà lãnh đạo hải quân và sự tức giận trên báo chí Đức về hành động phong tỏa của Anh đã thuyết phục họ thông qua tuyên bố này. Vào ngày 04 tháng 02 năm 1915, Hoàng đế Đức Wilhelm tuyên bố ý định của nước Đức về việc đánh chìm bất kỳ tàu nào mang cờ Anh, Nga hoặc Pháp được phát hiện trên vùng biển của Anh. Hoàng đế Đức cảnh báo các nước trung lập rằng cả thủy thủ đoàn và hành khách đều không an toàn khi đi trong vùng chiến sự được xác định quanh Quần đảo Anh. Nếu các tàu trung lập chọn đi vào vùng biển của Anh sau ngày 18 tháng 02, khi chính sách có hiệu lực, họ sẽ phải tự chịu rủi ro.

Chính phủ Hoa Kỳ đã ngay lập tức và mạnh mẽ phản đối việc xác định vùng chiến sự này, cảnh báo Đức rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện bất kỳ hành động cần thiết nào để bảo vệ tính mạng và tài sản của Hoa Kỳ. Sau đó, một sự rạn nứt đã diễn ra giữa các chính trị gia Đức –  những người không muốn khiêu khích Mỹ – và lực lượng hải quân của quốc gia này, những người quyết tâm sử dụng tàu ngầm U-boat để tạo lợi thế lớn nhất có thể.

Sau khi một chiếc U-boat của Đức đánh đắm tàu ​​chở khách Luisitania vào ngày 07 tháng 05 năm 1915, giết chết hơn 1.000 người, trong đó có 128 người Mỹ, áp lực từ Hoa Kỳ đã khiến chính phủ Đức hạn chế rất nhiều hoạt động của các lực lượng tàu ngầm; cuộc chiến bằng tàu U-boat đã hoàn toàn bị đình chỉ vào tháng Chín năm đó. Chiến tranh tàu ngầm không giới hạn đã được nối lại vào ngày 01 tháng 02 năm 1917 khiến Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức hai ngày sau.