Dẫn độ là gì?

Nguồn: What is extradition?”, The Economist, 04/02/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Joaquín Guzmán Loera là một trùm ma túy người Mexico được biết đến với biệt danh El Chapo (Gã Lùn), người từng cầm đầu băng đảng tội phạm Sinaloa dẫn đến cái chết của hàng ngàn người ở quê nhà. Khi chính quyền Mexico bắt được Loera lần thứ ba vào năm 2016, sau khi anh ta đã vượt ngục hai lần trước đó, họ đã dẫn độ anh ta đến Hoa Kỳ. Kẻ được chính quyền Mỹ gọi là “tên buôn lậu ma túy khét tiếng nhất thế giới” đang bị xét xử tại một tòa án ở New York với các cáo buộc liên quan đến điều hành một tập đoàn tội phạm và có thể sống cả đời trong nhà tù Mỹ nếu bị kết án. Vậy dẫn độ là gì?

Các thỏa thuận giữa các nhà cai trị để trao đổi những người chạy trốn tồn tại ít nhất từ thời Kinh Thánh, mặc dù chúng chủ yếu tập trung vào các kẻ thù chính trị hơn là những tội phạm thông thường. Hòa ước giữa Ramses II, Pharaoh của Ai Cập, và Hattusili III, một vị vua của người Hittite, được ghi lại bằng chữ tượng hình và được cho là một trong những văn bản ngoại giao đầu tiên quy định về những trao đổi có đi có lại như vậy. Các nhà ngoại giao Pháp hiện đại hóa các hiệp ước dẫn độ với một loạt các công ước giữa các nhà cai trị thời trung cổ. Vào năm 1376, vua Charles V của Pháp và Bá tước Savoy đã đồng ý trao đổi với nhau “các tội phạm theo yêu cầu của bên kia ngay lập tức”. Đến những năm 1700, các thỏa thuận như vậy đã trở nên phổ biến và mặc dù kẻ thù chính trị vẫn nằm trong danh sách dẫn độ, người  ta cũng nhấn mạnh việc trao đổi những người bị coi là phạm tội giết người, hiếp dâm, tấn công bạo lực và các tội ác khác. Theo Hiệp ước Jay năm 1794, Mỹ và Anh đồng ý giao cho nhau những người bị buộc tội giết người hoặc giả mạo giấy tờ.

Ngày nay, dẫn độ vẫn chủ yếu được thực hiện theo các hiệp định song phương. Mỹ có hơn 100 hiệp định như vậy và là thành viên của một số hiệp ước đa phương có thể đóng vai trò là cơ sở cho việc dẫn độ, như Công ước Quốc tế về Ngăn chặn Tiền giả. Các hiệp định thường nói rõ chúng điều chỉnh những loại tội phạm nào (ngày nay tội phạm quân sự hoặc chính trị thường được loại trừ), các bước mà mỗi quốc gia sẽ phải thực hiện, và các tiêu chí phải được đáp ứng nếu muốn dẫn độ. Ví dụ, theo các điều khoản của hiệp định dẫn độ giữa Canada với Hoa Kỳ, loại tội phạm mà Mỹ muốn dẫn độ để xét xử ở Mỹ cũng phải được coi là tội phạm ở Canada.

Vấn đề, ít nhất là đối với nước yêu cầu dẫn độ, là dẫn độ không phải được thực hiện một cách dễ dàng hay nhanh chóng. Các chính phủ có thể từ chối tuân thủ, như Hồng Kông vào năm ngoái đã từ chối theo đề nghị của chính phủ Trung Quốc một yêu cầu dẫn độ của Mỹ đối với Iat Hong, người bị Mỹ buộc tội xâm nhập máy tính của hai công ty luật của Mỹ và buôn bán thông tin thu được.

Những người phải đối mặt với dẫn độ có thể trốn việc bị bắt giữ. Julian Assange, người nổi tiếng với hiện tượng WikiLeaks, đã sống ở Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012. Anh ta đã xin tị nạn ở đó sau khi Thụy Điển phát lệnh bắt giữ quốc tế sau vì các cáo buộc anh ta phạm tội hiếp dâm và tấn công tình dục, và cũng vì Assange sợ sẽ bị dẫn độ về Hoa Kỳ liên quan đến vụ rò rỉ các bức điện ngoại giao. (Cuộc điều tra của Thụy Điển hiện đã bị hủy, và Assange phủ nhận cáo buộc tấn công tình dục, nhưng anh ta vẫn có nguy cơ bị Anh bắt giữ vì vi phạm các điều kiện tại ngoại của mình.)

Còn những người giàu và có luật sư giỏi có thể tiến hành các cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm. Rakesh Saxena, một công dân Ấn Độ, đã đấu tranh chống lại lệnh dẫn độ từ Canada sang Thái Lan trong 13 năm.

Tất cả những điều này cho thấy chúng ta sẽ không thể chứng kiến sự kết thúc sớm của một câu chuyện dẫn độ khác mà báo chí đang đưa tin hiện nay, đó là trường hợp bà Mạnh Vãn Châu của Huawei. Bà đang bị quản thúc tại Vancouver trong khi chính quyền Canada xem xét yêu cầu của Mỹ đối với việc dẫn độ bà để xét xử tại Mỹ về các cáo buộc gian lận liên quan đến lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.