Trung Quốc đang chuốc lấy thảm họa ở Hồng Kông

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Min Xinpei, “China Is Courting Disaster in Hong Kong”, Project Syndicate, 13/06/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Thế giới đã bị choáng ngợp bởi các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông chống lại việc chính quyền thành phố này đề xuất một đạo luật cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục. Khoảng một triệu người – gần một phần bảy dân số của thuộc địa cũ này của Anh – đã xuống đường vào ngày 9 tháng 6 để phản đối dự luật, và một cuộc biểu tình lớn khác vào ngày 12 tháng 6 đã dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.

Tuy nhiên, bất chấp các cuộc biểu tình lớn, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm đạt được mục đích của mình. Thay vì rút lại dự luật, các nhà lãnh đạo Hồng Kông do Bắc Kinh kiểm soát đã tiến hành thủ tục rút gọn và định tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật tại Hội đồng Lập pháp của thành phố vào cuối tháng này. Việc thông qua dự luật này sẽ là một thảm họa không chỉ đối với Hồng Kông mà cả với Trung Quốc.

Dự luật dẫn độ được đề xuất sẽ vi phạm cam kết của Trung Quốc là họ sẽ tuân thủ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông. Và bằng cách trao cho chính quyền Bắc Kinh một công cụ pháp lý thuận tiện để bắt giữ những cá nhân được coi là “kẻ thù” của nhà nước Trung Quốc, dự luật này cũng sẽ đe dọa tự do của công dân Hồng Kông – cũng như của người nước ngoài cư trú ở đó.

Mặc dù dự thảo luật không chính thức áp dụng cho các tội phạm chính trị, nhưng điều này sẽ không mang lại cho người dân sự bảo vệ trong thực tế. Trong hệ thống pháp luật Trung Quốc – vốn bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc – sự khác biệt giữa các tội phạm chính trị và các tội phạm thông thường rất mờ nhạt. Trên thực tế, nhà nước Trung Quốc ngày càng đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền bằng cách buộc tội họ vi phạm các tội hình sự, chứ không phải tội chính trị. Những buộc tội phổ biến bao gồm cáo buộc “điều hành một doanh nghiệp bất hợp pháp” và “gây rối”.

Nếu dự luật được thông qua, chính quyền đại lục sẽ có thể bắt giữ bất cứ ai ở Hồng Kông một cách dễ dàng bằng cách buộc tội đối tượng phạm các tội có thể bị dẫn độ. Với ngưỡng chứng cứ thấp – khi các công tố viên sẽ không cần phải cung cấp bằng chứng ngoài nguyên nhân họ đưa ra – việc bảo vệ người dân chống lại các yêu cầu dẫn độ có động cơ chính trị là rất khó.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nên biết rằng thế giới bên ngoài đang theo dõi những diễn biến hiện tại với sự cảnh giác lớn. Trừ khi chính phủ Trung Quốc lùi bước, còn không các nước khác, nhất là Hoa Kỳ, rất có thể sẽ thực hiện các bước đi khiến chính phủ Trung Quốc phải trả giá đắt.

Kể từ khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, các chính phủ phương Tây đã duy trì các đặc quyền kinh tế đặc biệt để giúp củng cố niềm tin vào thành phố này. Năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông nhằm tiếp tục coi thành phố này là một thực thể riêng biệt với Trung Quốc đại lục. Đạo luật này cung cấp cho Hồng Kông các đặc quyền kinh tế và thương mại, như tiếp tục được tiếp cận các công nghệ nhạy cảm và tự do trao đổi đồng đô la Mỹ với đồng đô la Hồng Kông.

Nhưng những lợi ích như vậy phụ thuộc vào việc Trung Quốc thực hiện các cam kết của mình theo Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 về Hồng Kông, trong đó vạch ra các điều khoản cho việc chuyển giao thành phố này về tay Trung Quốc trong tương lai. Trong số các điều kiện, Trung Quốc đã cam kết sẽ duy trì một mức độ tự chủ, tự do và pháp quyền cao cho Hồng Kông trong vòng 50 năm.

Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông có năng lực răn đe Trung Quốc không được vi phạm các cam kết của mình. Cụ thể, đạo luật này trao quyền rõ ràng cho tổng thống Hoa Kỳ ban hành một sắc lệnh hành pháp đình chỉ một số hoặc tất cả các đặc quyền của Hồng Kông nếu họ xác định rằng “Hồng Kông không đủ tự chủ để xứng đáng với một sự đối xử đặc biệt theo một đạo luật cụ thể của Hoa Kỳ”. Khi đưa ra một nhận định như vậy, tổng thống sẽ xem xét các “điều khoản, nghĩa vụ và kỳ vọng được thể hiện trong Tuyên bố chung liên quan đến Hồng Kông”.

Chỉ cần đọc lướt qua Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông cũng đủ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy rằng những hành động của họ trong những năm gần đây đã đe dọa nghiêm trọng vị thế tự chủ của thành phố này. Những hành động này bao gồm việc bắt cóc năm doanh nhân ngành xuất bản Hồng Kông, việc loại bỏ các nhà lập pháp thành phố được bầu cử dân chủ dựa trên các lý do đáng ngờ, và bỏ tù các nhà hoạt động dân chủ. Đối với Hoa Kỳ, việc thông qua dự luật dẫn độ cũng có thể là giọt nước làm tràn ly.

Cuộc đối đầu đang diễn ra giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các công dân Hồng Kông sẽ cung cấp lý do mới cho các chính trị gia diều hâu của Hoa Kỳ, những người đã ủng hộ một lập trường quyết liệt chống lại chính phủ Trung Quốc. Thu hồi các đặc quyền của Hồng Kông sẽ thúc đẩy mục tiêu đó bởi hành động này sẽ gây tổn hại đáng kể cho Trung Quốc.

Rốt cuộc, khi chiến tranh lạnh kinh tế Trung-Mỹ leo thang, và các rào cản pháp lý và quy định gia tăng khiến các công ty Trung Quốc khó huy động vốn ở Mỹ, Hồng Kông sẽ trở thành một trung tâm tài chính hải ngoại vô cùng quý giá đối với Trung Quốc. Nhưng nếu Hoa Kỳ quyết định rút các đặc quyền của Hồng Kông với lý do các hành động của Trung Quốc không còn đủ biện minh cho việc coi Hồng Kông là một thực thể riêng biệt, thì giá trị thành phố trong vai trò một trung tâm tài chính sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Các công ty Trung Quốc sẽ có ít khả năng tiếp cận nguồn vốn hơn và định giá của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông sẽ giảm xuống.

Ngay cả khi Mỹ không thực hiện các biện pháp trừng phạt này, Trung Quốc sẽ gánh chịu hậu quả từ những hành động họ gây ra. Việc thông qua dự luật dẫn độ sẽ có khả năng làm suy yếu nền pháp quyền của Hồng Kông và sức hấp dẫn của nó trong vai trò là một trung tâm thương mại quốc tế. Trừ khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận những hậu quả tai hại này, họ nên rút dự luật này trước khi quá muộn.

Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.