Lục địa không nghỉ: Thịnh vượng, đối đầu, và địa chính trị mới của Châu Á

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Malcolm Cook | Biên dịch: Đinh Nho Minh

Restless Continent: Wealth, Rivalry and Asia’s New Geopolitics. Tác giả: Michael Wesley. Collingwood, Victoria: Black Inc., 2015. Bìa mềm: 210 trang.

Lục địa Không nghỉ của Michael Wesley là một cuốn sách rất hay. Nó rất tham vọng trong việc phân tích tương lai quan hệ quốc tế Châu Á và vị trí trung tâm của khu vực này trong hòa bình và an ninh quốc tế. Đề tài của cuốn sách rất rộng, từ huyền thoại về Melaka cho đến đụng độ hải quân gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản, từ địa điểm của một thị trấn biên giới nhỏ ở Ấn Độ cho đến tác động xã hội học từ tuyên bố của thực dân Châu Âu về sự văn minh ưu việt của họ lên căng thẳng giữa các láng giềng Châu Á hiện giờ. Cuốn sách trả lời các câu hỏi rất lớn và cấp bách từ ảnh hưởng của việc Hoa Kỳ không còn thống trị về mặt chiến lược ở Châu Á cho đến quan hệ không rõ ràng giữa sự hội nhập kinh tế và gia tăng phụ thuộc lẫn nhau ở Châu Á xoay quanh Trung Quốc và sự nghi kỵ ngày càng gia tăng giữa các cường quốc Châu Á với nhau cũng như giữa các nước nhỏ với các cường quốc này. Nó rất tinh tế và sâu sắc trong ngôn ngữ, cũng như dễ đọc và súc tích. Tất cả đều được gói gọn trong chưa tới 180 trang và phù hợp để đọc trong kì nghỉ trên bãi biển cũng như làm sách tham khảo trong thư viện. Cuốn sách để lại cho độc giả nhiều quan sát, câu hỏi mới, và tranh cãi với tác giả.

Lục địa Không nghỉ  là một cuốn sách khó để đánh giá bình luận, đặc biệt là để in trên một tạp chí học thuật có tiếng. Giống như các nghiên cứu trước của cùng tác giả như There Goes the Neighbourhood: Australia and the Rise of Asia [Láng giềng xa cách: Australia và sự trỗi dậy của Châu Á] năm 2011, Lục địa Không nghỉ giống như một nồi thập cẩm. Các học giả nặng về học thuật sẽ tìm ra nhiều điều để phê bình và phản bác. Cuốn sách không tìm các khoảng trống trong văn liệu hiện nay để lấp đầy; không có một giả thuyết trung tâm (mà là nhiều giả thuyết liên kết với nhau); không có một hệ thống lý thuyết; không dựa trên nghiên cứu về dân tộc học; không có nhiều dẫn nguồn; không tập trung nhiều vào các chi tiết; thường được viết dưới dạng kể chuyện hơn là giảng dạy; và khái quát nhiều khía cạnh thay vì tập trung vào một chủ đề với sự trợ giúp của phương pháp nghiên cứu khoa học. Nếu được công bố dưới dạng luận văn hoặc luận án, cuốn sách này nhiều khả năng sẽ bị đánh trượt, hoặc phải chỉnh sửa rất nhiều.

Giống như các nồi thập cẩm tốt, chính việc có nhiều thông tin nhưng không bị gò bó bởi khuôn khổ chuẩn mực của nghề nghiệp tác giả đã giúp cuốn sách dễ đọc hơn với một số lượng độc giả lớn hơn. Mặc dù không được tác giả thừa nhận, Lục địa Không nghỉ phát triển dựa trên một loạt các giả định cổ điển của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế. Lịch sử thường đi theo chu kỳ và bị chi phối bởi sự thay đổi trong phân bổ sức mạnh giữa các cường quốc. Wesley cho rằng Châu Á đang trong thời kì dịch chuyển từ sự thống trị của Hoa Kỳ, trước đó là sự thống trị bởi thực dân Châu Âu (và Hoa Kỳ), đến một thời kì mới gần giống với trước khi Châu Á bị thực dân đô hộ. Wesley viết rằng, “Châu  Á càng giàu có thì cạnh tranh giữa các xã hội Châu Á càng giống  với cạnh tranh giữa các cường quốc. Một sự “bình thường hóa” của an ninh Châu Á đang diễn ra” (trang 163). Vì vậy, cuốn sách khá bi quan, thể hiện qua tiêu đề sách và các chương của nó. Quốc gia và các tương tác giữa chúng với nhau được nhân cách hóa với lòng tự tôn, đố kỵ, lo ngại, tôn trọng và hận thù, đều là những động cơ ngầm cho hành động của các quốc gia này. Như Wesley viết, “Một phiên bản Châu Á của cái mà học giả an ninh John Herz gọi là “lưỡng nan an ninh” đang hình thành: các quốc gia lo ngại về việc bị bao vây hoặc kìm hãm bởi địch thủ, nên đang tìm đồng minh và xây dựng các các cơ sở để đối phó, nhưng đồng thời trong quá trình đó cũng khiến chính địch thủ của họ lo sợ về việc bị bao vây hoặc kìm hãm” (trang 127).

Cuốn sách được hoàn thiện bởi mối quan tâm và kiến thức sâu rộng của tác giả về lịch sử các cường quốc Châu Á và Đông Nam Á. Nó giúp cuốn sách miêu tả được nhiều chi tiết, bối cảnh và màu sắc hơn so với một công trình nghiên cứu chỉ dựa vào các suy luận, giả định chung của trường phái hiện thực. Cuốn sách cũng tập trung nhiều hơn vào các nước bé hơn và mối lo lắng an ninh của họ, cũng như các nỗ lực nhằm trấn an các nỗi lo ấy. Việc bao quát toàn bộ lục địa Châu Á và vùng ven biển phía Đông nghĩa là cuốn sách vượt ra khỏi phạm vi của bộ môn Nghiên cứu Châu Á và việc chia Châu Á thành các tiểu vùng riêng biệt của học giả phương Tây trong chuyên ngành này. Như tác giả viết “một Châu Á bị chia nhỏ như vậy sẽ hòa nhập với thế giới nhưng lại chia rẽ bên trong lục địa” (trang 43). Với tư cách là một học giả bộ môn Nghiên cứu Châu Á vốn thường tập trung vào vùng ven biển phía đông lục địa này, tôi thấy trọng tâm dành cho Ấn Độ và vai trò trung tâm của nó tại Châu Á là rất mới mẻ.

Các lựa chọn hàn lâm trong cuốn Lục địa Không nghỉ phản ánh các công việc đa dạng nhưng liên quan chặt chẽ mà tác giả từng làm, một học giả nhưng cũng đóng góp vào phân tích tình báo, từng một thời gian lãnh đạo một viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hàng đầu của Úc, và là một người của công chúng. Lục địa Không nghỉ là một bổ sung tốt cho nhiều thư viện. Nó sẽ hấp dẫn độc giả quan tâm đến tương lai Châu Á và chính trị thế giới, cũng như với những người trong chính phủ, truyền thông và viện nghiên cứu về các vấn đề liên quan. Với giới học giả Quan hệ Quốc tế, Nghiên cứu An ninh, Nghiên cứu Châu Á và Lịch sử Hiện đại, nó sẽ đồng thời hấp dẫn, thách thức, và phản bác họ.

Malcolm Cook là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yussof Ishak Institute), Singapore.