28/03/1774: Nghị viện Anh thông qua Đạo luật Cưỡng chế

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: British Parliament adopts the Coercive Acts, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1774, thất vọng trước sự kiện Tiệc Trà Boston (Boston Tea Party) và các hành động phá hoại tài sản trắng trợn khác của dân Mỹ thuộc địa, Nghị viện Anh ban hành Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts) bất chấp sự phẫn nộ của nhóm Ái quốc (Patriot).

Đạo luật Cưỡng chế là một loạt bốn đạo luật được chính phủ Anh thông qua với mục đích khôi phục trật tự ở Massachusetts và trừng phạt người Boston vì sự kiện Tiệc Trà của họ, trong đó các thành viên của nhóm Những Đứa con của Tự do (Sons of Liberty) có tư tưởng cách mạng đã lên ba chiếc tàu chở trà của Anh ở Cảng Boston và đổ 34 thùng trà – trị giá gần 1 triệu USD theo tỷ giá ngày nay – xuống biển để phản đối Đạo luật Trà (Tea Act)

Được thông qua để đáp trả sự bất tuân của người Mỹ, Đạo luật Cưỡng chế bao gồm:

  • Đạo luật Cảng Boston (Boston Port Act): đóng cửa cảng Boston cho đến khi thiệt hại từ Tiệc trà Boston được thanh toán.
  • Đạo luật Chính phủ Massachusetts (Massachusetts Government Act): hạn chế quyền lực ở Massachusetts; ngăn cấm các cuộc họp dân chủ của thị trấn và biến hội đồng thống đốc thành một cơ quan do Anh chỉ định.
  • Đạo luật Quản lý Tư pháp (Administration of Justice Act): giúp các quan chức người Anh được miễn toàn bộ truy tố hình sự ở Massachusetts.
  • Đạo luật Đóng quân (Quartering Act): yêu cầu người dân thuộc địa cung cấp nơi ở cho lính Anh theo yêu cầu, kể cả ở trong nhà riêng của họ nếu đó là phương sách cuối cùng.
  • Đạo luật thứ năm, Đạo luật Quebec (Quebec Act), trong đó mở rộng quyền tự do tôn giáo với người Công giáo ở Canada, cũng như trao cho người Canada quyền tiếp tục hệ thống tư pháp của họ, cũng đã được kết hợp vào Đạo luật Cưỡng chế trong bối cảnh những người dân thuộc địa Mỹ đa số theo đạo Tin lành không thích việc người Công giáo ở Canada được hưởng quyền tự do thờ phụng.

Điều quan trọng hơn bản thân các đạo luật này chính là phản ứng của người dân thuộc địa đối với chúng. Nghị viện Anh hy vọng rằng các đạo luật sẽ cô lập Boston và New England khỏi phần còn lại của nhóm thuộc địa và ngăn chặn các thuộc địa đoàn kết chống lại sự cai trị của Anh. Họ hy vọng các thuộc địa còn lại sẽ từ bỏ Boston theo thiết quân luật của Anh. Thay vào đó, các thuộc địa khác lại đổ xô bảo vệ thành phố này, gửi đồ tiếp tế và thành lập các Quốc Hội Vùng (Provincial Congresses) của riêng họ để thảo luận sự sai trái của Anh và huy động sự kháng cự chống lại Anh.

Tháng 09/1774, Quốc Hội Lục địa đầu tiên (First Continental Congress) đã họp tại Philadelphia và bắt đầu lập kế hoạch cho một cuộc kháng chiến thống nhất chống lại sự cai trị của Anh ở Mỹ.