Trung Quốc học được gì từ các bộ phim James Bond?

Nguồn: China’s leaders should study James Bond films”, The Economist, 21/03/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Khi các nhà kiểm duyệt Trung Quốc cuối cùng cho phép một bộ phim James Bond được trình chiếu tại một rạp chiếu phim ở đại lục vào năm 2007, chuỗi phim này đã tồn tại hơn bốn thập niên. Nhưng nhờ tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan mà người Trung Quốc từ lâu đã quen thuộc với điệp viên người Anh này, vốn thường được gọi bằng biệt danh Ling ling qi (007). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thấy hữu ích nếu nghiên cứu một tình tiết được yêu thích trong các bộ phim đầu tiên: Một kẻ ác nhân thiên tài đang giải thích kế hoạch thống trị thế giới của mình cho Bond, người đang bị trói, tin rằng chẳng mấy chốc nữa Bond sẽ chết. Với sự giúp sức của một chiếc siêu xe Aston Martin, sự khoe khoang hóa ra lại diễn ra quá sớm. Trong phút chốc Bond được giải thoát, còn hang ổ của kẻ ác nhân phản diện bốc cháy và âm mưu thống trị thế giới của hắn bị chặn đứng.

Ngày nay trong thế giới thực, Trung Quốc phải đối mặt với một sự kháng cự bất thường đối với nỗ lực trở thành một cường quốc toàn cầu. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là những tai ương đó của Trung Quốc lại xuất phát từ những gì các nhà phê bình phim có thể gọi là những sai lầm ngớ ngẩn của kẻ ác nhân trong phim Bond liên quan đến sự phô trương tham vọng quá sớm.

Lấy ví dụ như chiến dịch đang diễn ra của các quan chức Mỹ nhằm khiến các đồng minh xa lánh công nghệ 5G của Trung Quốc cho các mạng viễn thông di động. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ có thể từ chối chia sẻ thông tin tình báo với chính phủ nào đồng ý sử dụng thiết bị từ những công ty công nghệ lớn như Huawei, một công ty mà Pompeo cáo buộc có mối liên hệ sâu sắc với các cơ quan tình báo Trung Quốc. Các đồng minh phàn nàn rằng các quan chức Mỹ đã không đưa ra được bằng chứng cụ thể để biện minh cho yêu sách của họ.

Vào ngày 15/03, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ không bao giờ yêu cầu các công ty vi phạm luật pháp và do thám các quốc gia khác. Ông nhấn mạnh rằng đây không phải là cách hành xử của Trung Quốc. Nhưng các lời nói của ông Lý không thể trấn an các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài, những người biết luật pháp Trung Quốc công khai cho phép những gì. Đáng chú ý, một đạo luật tình báo năm 2017 quy định rằng tất cả các tổ chức và công dân Trung Quốc có nghĩa vụ phải hợp tác với các hoạt động thu thập thông tin tình báo của quốc gia. Không ai có thể phản đối nếu các cơ quan tình báo trưng dụng các cơ sở hoặc thiết bị của họ.

Phái diều hâu chống Trung Quốc ở Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho bang Florida, đã nêu lên một chỉ dấu khác: Kế hoạch Made in China 2025, một lộ trình đầy tham vọng về chính sách công nghiệp công nghệ cao được thông qua bốn năm trước. Một ủy ban Thượng viện mà ông Rubio làm chủ tịch đã đưa ra một báo cáo hồi tháng 2, trong đó xem xét các mục tiêu liên quan đến kế hoạch Made in China 2025,  kêu gọi các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường nội địa dành cho các sản phẩm như thiết bị bán dẫn và xe điện. Báo cáo thừa nhận rằng, ở một khía cạnh nào đó, người Mỹ nên cảm ơn các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vì đã xác định rõ các ngành công nghiệp được Trung Quốc ưu tiên. Các kế hoạch của Trung Quốc cung cấp cho Mỹ thông tin để lên “kế hoạch chi tiết nhằm phòng vệ hiệu quả”, từ áp thuế trừng phạt việc ép buộc chuyển giao công nghệ không công bằng, cho đến các kế hoạch nhằm hỗ trợ các công ty của Mỹ, ủy ban của Rubio viết.

Châu Âu cũng không phải dễ dàng bị lung lạc. Vào ngày 12/03/2019, Cơ quan Hành động Đối ngoại EU, một cơ quan chuyên về chính sách đối ngoại của Ủy ban Châu Âu và Liên minh Châu Âu, đã ban hành một báo cáo chiến lược cực kỳ ảm đạm về Trung Quốc. Tài liệu này gọi Trung Quốc là một đối tác trong việc chống các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời gọi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Ngoài ra báo cáo cũng gọi Trung Quốc là một “đối thủ hệ thống”, nước chỉ tuân thủ các quy tắc, quy chuẩn và các tổ chức đa phương một cách “chọn lọc”, và thậm chí còn làm suy yếu trật tự đó. Giống như báo cáo của Thượng viện Mỹ, báo cáo này cũng tập trung sự chú ý vào kế hoạch Made in China 2025, coi đó như là một kế hoạch nhằm bảo vệ các công ty công nghệ cao chủ chốt của Trung Quốc khỏi sự cạnh tranh, trong khi các công ty của EU cũng buộc phải chuyển giao các công nghệ quý giá cho các đối tác Trung Quốc nếu muốn thâm nhập thị trường nước này. Báo cáo của EU cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu duy trì sự đoàn kết khi họ yêu cầu Trung Quốc thực hiện các điều khoản thương mại có đi có lại.

Sự đoàn kết của Châu Âu sẽ được kiểm nghiệm khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Ý trong khoảng thời gian từ ngày 22 đến 24 tháng 3. Tại đó, ông đặt mục lôi kéo Ý tham gia vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu. Mỹ và một số chính phủ châu Âu đã thúc giục Ý thận trọng trong việc ủng hộ sáng kiến này, vốn bị các nhà phê bình coi là một kế hoạch dựa vào các khoản cho vay nhằm xây dựng một trật tự toàn cầu song song do Trung Quốc lãnh đạo. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Ý làm ngơ trước những chỉ trích như vậy và ủng hộ BRI, nói rằng: “Chúng tôi tin tưởng các bạn sẽ kiên định với quyết định mà các bạn đã đưa ra một cách độc lập”. Đối với kế hoạch Made in China 2025, các quan chức Trung Quốc đã hạ thấp tầm quan trọng của nó, gọi đó chỉ là một kế hoạch như bao kế hoạch khác tại một quốc gia đầy các quan chức làm công tác kế hoạch, và các mục tiêu gây quan ngại  nhất là khiến nước ngoài mua các sản phẩm của Trung Quốc chỉ nằm trong các tài liệu hướng dẫn không bắt buộc.

Trong một nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho cuộc đàm phán chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc tuyên bố sẽ ban hành một luật đầu tư nước ngoài mới vào tháng Giêng. Trong số các hứa hẹn có quy định rằng bí mật của các công ty nước ngoài sẽ không bị rò rỉ khi được chia sẻ với các cơ quan quản lý của chính phủ. Các phòng thương mại nước ngoài tại Trung Quốc đã phản ứng thận trọng, lưu ý rằng luật này thiếu các quy định chi tiết. Đối với nhiều giám đốc điều hành người nước ngoài tại Trung Quốc, các chính sách công nghiệp được Trung Quốc công bố trong bốn năm qua là một ví dụ điển hình cho các lời hứa ngọt ngào kiểu từ các nhân vật phản diện trong phim Bond. Đó là khi họ nhận ra rằng tầm nhìn dài hạn về tương lai của Trung Quốc có thể không bao gồm họ trong đó.

Người ta thường nói rằng Trung Quốc ngày nay xác quyết hơn. Chắc chắn Trung Quốc đã từ bỏ phương châm “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời) đầu thập niên 1990 được đặt ra bởi nhà lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình. Sự thật là Trung Quốc bây giờ quá lớn để có thể ẩn mình được. Nước này luôn pha trộn sự quyết đoán với những lời hứa sẽ mở cửa thị trường và bảo vệ các công ty nước ngoài. Cái mới là Trung Quốc nay thiếu kiên nhẫn. Các quan chức ngày càng bực bội khi các cường quốc nước ngoài trích các quy tắc và quy chuẩn toàn cầu làm căn cứ để từ chối các đề nghị của Trung Quốc. Công chúng bị tuyên truyền ngày đêm về sự vĩ đại của Trung Quốc cảm thấy phẫn nộ khi đất nước họ không nhận được sự tôn trọng đáng có. Tất cả những điều đó khơi dậy sự mất kiên nhẫn.

Liệu điều đó có gây tác dụng xấu hay không còn phụ thuộc vào cách các quốc gia khác phản ứng ra sao. Mỹ có thể cấm các công ty công nghệ cao của mình không được tham gia một số hình thức kinh doanh nhất định với Trung Quốc. Chính phủ châu Âu có thể bắt đầu sàng lọc các khoản đầu tư của Trung Quốc một cách nghiêm ngặt hơn. Dự đoán phản ứng của phương Tây trở nên khó hơn bởi Tổng thống Donald Trump. Ông cảm thấy nhàm chán bởi các quy chuẩn, và bị ám ảnh bởi sự tôn trọng từ đối thủ, như bất kỳ nhân vật phản diện nào trong phim Bond. Nhưng các nhà hoạch định chính sách thông minh của Trung Quốc vẫn thầm trách sự khoe mẽ mới của Trung Quốc. Nhiều quan chức Trung Quốc sẽ không lắng nghe; họ vẫn còn có quá nhiều việc để làm.