Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha: Bi kịch của một vị Bồ Tát (P2)

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Xem thêm: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha: Bi kịch của một vị Bồ Tát (P1)

Cuộc đời Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha rẽ ngoặt kể từ khi nơi ông tạm trú là ấp Đồng Tâm, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên bắt đầu phát động phong trào Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Đây là một cuộc đấu tranh giai cấp long trời lở đất chưa từng thấy ở nước ta, có sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc theo đường lối giáo điều không thích hợp với tình hình Việt Nam.

Đầu năm 1953, cán bộ Đội CCRĐ về ấp Đồng Tâm “phóng tay” phát động nông dân đấu tranh đánh đổ uy quyền của địa chủ, đòi giảm tô rồi trả lại ruộng. Cán bộ Đội ít kinh nghiệm và đều là người ở nơi khác đến, không nắm được tình hình địa phương. Nông dân thì bảo sao nghe vậy, dễ bị xúi giục, và khi đã được kích động họ vùng lên với một sức mạnh vô biên nhiều khi mất phương hướng. Lại thêm từ lâu bọn địa chủ giảo quyệt đã chui vào chính quyền địa phương nắm quyền lãnh đạo, phá hoại CCRĐ từ bên trong. Không khí đấu tranh nóng hừng hực, đời sống vùng quê đang yên lành bỗng rối tung lên vì người ta đấu tố lẫn nhau; trắng đen, thật giả lẫn lộn. Cuối cùng Thiều Chửu bị vu khống là địa chủ! Đội CCRĐ sai lầm nghe theo luận điệu đó và quy thành phần ông là địa chủ.

Ngày 16 tháng 6 năm 1954, Đội gọi ông lên. Cán bộ Đội “xỉa xói mắng nhiếc luôn ba bốn giờ, vu cho tôi đủ các tội ác, dùng những lời nói rất khinh bỉ hà khắc, chỉ khác với đấu tố là chưa phải quỳ thôi” “Tôi không được cãi, vì cãi cũng vô ích, nói vài câu là bị cắt; ai nghe theo lẽ phải nữa mà nói.”— ông kể lại.

Vô cùng oan ức mà không được thanh minh, ông tâm sự: “Tôi toan tự tử ngay tối 16, nhưng nghĩ tới Hồ Chủ tịch sáng như mặt trời, vả lại tôi thật sự không có tội, tự hỏi lương tâm không thấy hổ thẹn nên tôi phải gượng sống để đợi ngày sáng tỏ. Đối với tôi, sự chết không có giá trị như người khác nên muốn chết lúc nào cũng được. Nhưng …thực ra sống oan uổng như tôi thì thường tình mấy ai nhẫn nổi.[1]

Rốt cuộc chính ông cũng không chịu đựng được nữa. Rạng sáng ngày 15 tháng 7 năm 1954 tức 16 tháng 6 Giáp Ngọ (12 ngày trước hôm ký Hiệp định Đình chiến Geneva), Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha bí mật tự giải thoát đời mình trên sông Cầu, chỗ đập Thác Huống. Là người cực kỳ hiếu thảo, ông chọn ngày ra đi đúng một ngày sau giỗ thân phụ mình là cụ Cử Cầu. Các học trò ông tìm thấy trên bờ sông còn lưu lại hương hoa ông làm lễ bái lạy vĩnh biệt tổ quốc, nhân dân và tổ tiên trước khi lao mình xuống dòng nước.

Cái chết “Thiên cổ kỳ oan”, vì nước vì dân, không oán hận, không cầu minh oan, chỉ có Bồ Tát mới làm được ấy” (lời thiền sư Lê Mạnh Thát)[2] đã gây ra sự chấn động kinh hoàng và nỗi tiếc thương vô hạn trong dân chúng địa phương và giới Phật Tử cả nước, khiến Đội CCRĐ không thể không rút kinh nghiệm.

Ba ngày sau, Đội sửa sai bằng cách hạ thành phần ông xuống trung nông. Nhưng ở cái thời kỳ ngạt thở “Nhất Đội nhì Trời”, vụ tự vẫn bi thảm đó đã bị một số người lợi dụng để phủ bóng đen lên quá khứ sáng ngời của Thiều Chửu. Nhiều năm sau không ai dám nhắc đến ông nữa. Cuối thập niên 1960, bài vị và ảnh của ông trong chùa Quán Sứ bỗng dưng biến mất. Một số quan chức xưa kia từng cùng ông hoạt động trong Hội Tế Sinh, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Phật giáo Bắc kỳ, ngay cả một thầy giáo được ông thuê dạy học các em Tế Sinh liền nhiều năm trời… đều phủ nhận sạch trơn mối quan hệ với ông. Cho tới đầu thế kỷ 21 vẫn có người thân còn ngại việc minh oan cho ông sẽ ảnh hưởng xấu tới tiền đồ con cháu họ! Thật khó hiểu vì sao con người trở nên sợ hãi đến thế?

Ni sư Đàm Ánh kể: Thiều Chửu có dặn đừng vớt xác ông, để ông trở về với biển cả, nhưng các hậu duệ và học trò ông không làm thế. Sau hòa bình lập lại, họ trân trọng rước hài cốt ông về Hà Nội an táng. Hiện nay mộ ông đặt tại nghĩa trang Thanh Tước, số mộ 170-C3. (Đáng tiếc là mới đây hậu duệ người có ngôi mộ bên cạnh, khi xây lại mộ đã trắng trợn lấn sang phần mộ của ông).

Tháng 6 năm 2002, các hậu duệ ông cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học Công nghệ) đã tổ chức “Sinh hoạt lịch sử tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn hóa Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha” tại Nhà Thái Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Ngót hai trăm người đến dự, trong đó có nhiều học giả nổi tiếng, tăng ni, hậu duệ, bà con quê ông. Tất cả các phát biểu đều ca ngợi ông là nhà văn hóa lớn của nước ta.

Trước khi về với tổ tiên, Thiều Chửu thức trắng đêm viết bản Tự BạchThư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ Tịch, Thư căn dặn các học trò phấn đấu theo Kháng chiến chống Pháp đến cùng. Ông kết thúc bản Tự Bạch bằng một câu thể hiện nỗi lòng cực kỳ đau xót và tuyệt vọng của một người từng vì quá cả tin mà nay đã mất hết niềm tin vào cuộc sống:

Cái án [mạc tu hữu, ông viết bằng chữ Nho, tức có lẽ có] mà ông Nhạc Phi phải chịu đời phong kiến còn có lẽ; ai ngờ đời nay chính bản thân tôi lại bị, thì tôi còn biết van vỉ làm sao được nữa“.

Tiếng kêu thống thiết đứt ruột đứt gan ấy là lời lên án sâu sắc tư tưởng Mao-ít mà cách mạng Việt Nam hồi ấy không may bị ép nhiễm phải: Cuộc cách mạng ruộng đất do cố vấn Trung Quốc chỉ đạo đã sai lầm phục hồi hệ tư tưởng phong kiến từng bị nhân dân ta lật đổ. Mao-ít chính là tư tưởng phong kiến thối nát khoác cái áo gấm chủ nghĩa Mác-Lê.

Dường như những người thực lòng tu theo trường phái Phật giáo Nhân gian do Đại sư Thái Hư (, 1889-1947, Trung Quốc) đề xướng đều có kết cục bi kịch. Nếu sống đến ngày nay có lẽ họ sẽ còn tuyệt vọng hơn khi thấy Phật giáo nước nhà có nơi suy đồi tới mức để mất cả tính tôn nghiêm thiêng liêng nhất thiết phải có của một triết lý-tôn giáo vĩ đại.

Trong số những tâm hồn tu nhân thế, tu nhân gian, có không ít người về sau đã tuyệt vọng vì đã quá gần nhân thế. Thiều Chửu đã trải qua những giờ khắc thơ mộng, nhiệt thành và đắng cay như vậy. Đời Ngài đầy đủ những đức tính cao đẹp. Ngài chỉ có một nhược điểm là quá lãng mạn, quá trong trắng, quá thơ mộng… Tận cùng con đường người như thế chỉ là sự Tuyệt vọng.” – nhà văn Phạm Toàn nhận xét về sự ra đi của ông.[3]

Thiều Chửu quả là quá trong sạch, ngây thơ chính trị, chưa hiểu quy luật tàn nhẫn của đấu tranh giai cấp. Tự Bạch cùng Thư Tuyệt mệnh ông để lại nhờ Đội CCRĐ chuyển tới Hồ Chủ tịch sau đó đã biến mất, không bao giờ đến tay người nhận. May sao trước khi nộp văn bản ấy cho Đội, các học trò ông đã thức đêm chia nhau mỗi người chép một đoạn vào một cuốn vở học trò nhỏ xíu và giấu biến đi. Một học trò là Vũ Thế Vinh có làm hai câu thơ viếng thầy như sau:

Liễu ngộ chân như, ngon giấc nghìn năm dòng Tịnh Thủy,

Điểm chuông cảnh giác, nương mình muôn thủa Vệ Linh Sơn.

Ở đây liễu ngộ là hiểu rõ ngọn nguồn; chân như là thực tại khách quan; Tịnh Thủy và Vệ Linh Sơn là tên con sông Thiều Chửu gieo mình và tên quả núi gần chỗ đoàn Tế Sinh đóng trại; cả hai tên đều đã thi vị hóa.

Đạo Phật cho rằng đời người là bể khổ. Cư sĩ Thiều Chửu từng cứu được nhiều người thoát khổ nhưng ông lại không cứu được chính mình. Tuy đã tu tới mức siêu thoát nhưng vì lòng thương người quá ư sâu sắc, mãnh liệt, ông vẫn ở lại cùng chúng sinh với ảo tưởng có thể mượn cuộc cách mạng ruộng đất long trời lở đất này để giải thoát họ. Rốt cuộc ông lại bị những sai lầm của cuộc cách mạng ấy làm hại. Bi kịch của Thiều Chửu xảy ra chỉ vì ông có tấm lòng của một vị Bồ Tát.

Trang đầu bản “Tự bạch”, do các học trò của Thiều Chửu chép lại.

Trang cuối cùng Thư Tuyệt mệnh của Thiều Chửu gửi Hồ  Chủ tịch, do các học trò của ông chép lại vào cuốn vở học trò năm 1954.

Thư Thiều Chửu gửi ông Hoàng Đạo Thúy, lúc đó là lãnh đạo Bộ đội Thông tin Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhờ ông Thúy là người quen cũ giúp nhận mầy nhà sư (như sư Trần Việt Quang, sau là Đại tá) trong Đoàn Tế Sinh được vào bộ đội Thông tin. Nguồn: Tác giả cung cấp.

——

[1] Tự Bạch của Thiều Chửu.

[2] Nguyễn Đại Đồng: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2008.

[3] Nguyễn Đại Đồng: Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2008.