Phát thanh viên ‘huyền thoại’ Hanoi Hannah qua đời

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Orbituary: Hanoi Hannah died on September 30th”, The Economist, 15/10/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trịnh Thị Ngọ (tức “Hanoi Hanna”), phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, qua đời ngày 30/09/2016, hưởng thọ 87 tuổi.

Giọng nói không rõ ràng vì tín hiệu truyền từ Hà Nội đến Tây Nguyên rất yếu. Tuy vậy, vào lúc 8 giờ tối theo giờ Sài Gòn, sau một ngày phải tránh bẫy và truy tìm Việt Cộng, lính Mỹ thường cố gắng giải khuây bằng cách nghe giọng của người phụ nữ mà họ gọi là “Hanoi Hannah”. Trong khi họ lau súng, rít thuốc hay làm vài li bia, chiếc radio quý giá được bọc bởi những mảnh băng dính đen nhằm bảo vệ nay đã sờn rách lại phát ra giọng nói nghe như của một cô nàng hoạt náo viên trung học đầy sức sống. “GI Joe (tên gọi chỉ lính bộ binh Mỹ), hôm nay các anh có khỏe không?” cô gái có chất giọng ngọt ngào ấy hỏi. “Các anh đang bối rối đúng không? Không gì bối rối bằng việc bị ra lệnh phải bước vào một cuộc chiến hoặc phải chết hoặc bị tàn tật trọn đời mà không hề biết về những gì đang diễn ra. Chính phủ các anh đã bỏ rơi các anh. Họ ra lệnh cho các anh chết. Đừng tin họ. Họ lừa các anh rồi.”

Một vài binh sĩ sẽ chế giễu hoặc nói chuyện to giọng trong lúc chương trình phát sóng. Những người còn lại thì ném những chiếc lon rỗng về phía chiếc radio. Dù vậy họ vẫn nghe những bài hát do cô chọn từ những người ủng hộ chế độ như Joan Baez, Bob Dylan, Elvis Presley và bản nhạc yêu thích của cô, bản tình ca buồn “Where Have All the Flowers Gone?” của Pete Seeger. Những bản nhạc sôi động như “Downtown” của Petula Clark có thể khiến những người đàn ông mỏi mệt phải nhảy nhót điên cuồng. Nhưng sau đó Hannah sẽ đổi tâm trạng, đọc tên (theo nguồn của tờ Stars and Stripes, tờ báo của những người lính) những binh sĩ Mỹ vừa tử vong cùng với nguyên quán của họ. “Đào ngũ đi GI”, cô thúc giục mỗi người. “Tốt hơn hết là hãy thoát khỏi con tàu đắm. Các anh thừa biết các anh không thể thắng được cuộc chiến này.”

Những điều cô biết thật gây khó chịu. Cô nói chính xác vị trí của các đơn vị, dù các phân đội reo hò khi được cô nhắc đến, nhưng họ lại rất lo sợ vì bị lần ra dấu vết. Cô biết tên của tất cả thành viên trên chuyến tàu vừa cập bến, và từng gửi lời chúc sinh nhật đầy tiếc nuối cho một người lính vừa tử trận. Nhiều người nghe chương trình vì thông tin cô có được, vốn do Bộ Quốc phòng Bắc Việt biên soạn, và đôi khi còn chính xác hơn cả những thông tin đã bị cắt gọt từ Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ: ví dụ cô đã tiết lộ về cuộc bạo loạn năm 1967 tại Detroit. Một số người còn tin rằng cô thậm chí biết luôn cả việc bạn gái của họ ở nhà có đang lừa dối họ không, và với gã nào nữa.

Học hỏi từ những ngôi sao

Dĩ nhiên là cô không hề quyền năng đến thế: cô chỉ là một người phụ nữ nhỏ nhắn, hay cười và trẻ trung đầy sức sống chuyên dịch và đọc những bản tin được trao một cách hoàn hảo bằng thứ tiếng Anh giọng Mỹ. Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập vào năm 1945 khi Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập; nhưng 10 năm sau, khi cô gia nhập đài ở độ tuổi 25, cô chỉ đọc những bản tin tiếng Anh chứ không phải những nội dung tuyên truyền toàn diện. Với cuộc đổ bộ quy mô lớn của quân đội Mỹ vào năm 1965, chương trình của cô vốn trước đó chỉ diễn ra 5 đến 6 phút mỗi ngày đã được kéo dài lên 30 phút và phát sóng một ngày ba lần. Và cũng chính cô là người được trao vinh dự thông báo với toàn thế giới vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 rằng Sài Gòn đã được giải phóng và Việt Nam đã thống nhất.

Cô lên tiếng vì sự nghiệp của đất nước nhưng cũng bởi vì lòng đam mê đối với tiếng Anh: thứ ngôn ngữ được truyền tải nhờ Hollywood và những ngôi sao. Được sinh ra trong một gia đình giàu có dưới thời Pháp thuộc, cô được học tại trường của người Pháp nhưng lại bị điện ảnh và “chất nhạc” tuyệt vời của tiếng Anh cuốn hút từ rất sớm. Cô thừa nhận đã đi xem phim “Cuốn theo chiều gió” năm lần, ăn bánh mì và xúc xích trong suốt chiều dài bộ phim, lắng nghe chăm chú theo niềm vui sướng của Vivien Leigh và những lời được phát ra dưới bộ ria của Clark Gable. Sau đó là những giờ học tiếng Anh tại nhà và tại trường đại học. Cô cũng uốn tóc và bôi son sáng màu để trông giống một nữ minh tinh, và cô cố gắng luyện ngữ điệu tiếng Anh. Trong những ngày đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam, dù có những hướng dẫn viên người Úc nhưng cô lại nói giọng Mỹ.

Chính vì vậy mà chương trình của cô không hề khiêu khích. Ý thức hệ chỉ là một phần nhỏ; cô không hề gia nhập Đảng Cộng sản vì cô cho rằng mình đã đủ yêu nước. Cách cô truyền tải được nắn nót để nghe thuyết phục, không hề quá gần gũi hay gai góc: cố gắng làm họ thoái chí, khuyên họ đào ngũ hay cho chỉ huy ăn lựu đạn nhưng vẫn bày tỏ sự lo lắng cho họ. Chỉ có vụ đánh bom ở Hà Nội vào đợt Giáng sinh năm 1972 khiến mọi người ở Đài phải sơ tán làm cô tức giận. Chương trình rõ ràng là dành cho “nhân dân Mỹ” hay “những người bạn Mỹ của chúng tôi” – tất cả những người Mỹ phản chiến. Vào thời gian đầu, cụm từ đó dùng để chỉ những người như Jane Fonda, người đã bí mật gửi băng ghi âm cho cô rồi sau đó dường như từ bỏ sự nghiệp phản chiến, điều làm cô thấy bối rối. Sau đó, cô cảm thấy mình giành được sự ủng hộ ngầm từ hầu hết người dân Mỹ.

Những cựu binh đến thăm cô những năm sau này khi cô đã ngưng công việc phát thanh tại Hà Nội để chuyển vào Sài Gòn nóng bức và ồn ào hơn, được chứng kiến cô với phong thái hoàn hảo trong chiếc áo lụa trắng trang nhã và chuỗi vòng ngọc trai. Cô mơ về ngày được theo người con trai họa sĩ đến nước Mỹ, tham quan New York và Cầu Cổng Vàng. Cô không hề có ác cảm với người Mỹ. Tuy nhiên, tiếng Anh của cô đã yếu đi và cần phải cố gắng mới nói được. Vì vậy, mỗi lần được hỏi, cô đều vui vẻ và cười, nói: “Let bygones by bygones” (Chuyện gì đã qua rồi hãy để nó qua đi).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]