Nguồn: Yaelle Azagury & Anouar Majid, “The Moroccan Exception in the Arab World”, The New York Times, 09/04/2019.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên
Vào một buổi chiều xuân êm dịu gần đây, một nhóm sinh viên Ma-rốc người Hồi giáo đến thăm đền thờ Rabbi Akiba, một đền thờ Do Thái tráng lệ tọa lạc dọc một con đường có vòm che ở khu Siaghine của Tangier. Được xây vào giữa thế kỷ 19, đền thờ được trùng tu một cách kỹ lưỡng và gần đây được mở cửa lại với vài trò là một bảo tàng.
Các sinh viên nhìn xuống sàn đá cẩm thạch bóng loáng và xem một bản đồ được vẽ bằng tay đã sờn rách miêu tả các đền thờ Do Thái trong khu vực. Chuyến thăm đền Rabbi Akiba chỉ là một trong nhiều cách mà các sinh viên Hồi giáo ở Ma-rốc có thể học hỏi về di sản Do Thái của đất nước họ.
Dù Do Thái giáo ở Trung Đông và Bắc Phi thường khơi gợi những hình ảnh hận thù, thì ở Ma-rốc, nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên, trong các gia đình Do Thái (bà Azagury) và Hồi giáo (ông Majid), hình ảnh đó không hoàn toàn chính xác. Đất nước chúng tôi có lịch sử chung sống lâu đời giữa người Do Thái và người Hồi giáo, và trong những năm qua, vương quốc này đã có những bước tiến đáng kể để củng cố truyền thống đó.
Hiến pháp năm 2011 công nhận rằng bản sắc của Ma-rốc được “nuôi dưỡng và làm giàu” một phần bởi những thành tố “Do Thái”. Cùng lúc đó, Vua Mohammed VI đã bắt đầu một dự án phục hồi rộng khắp, phản ánh sự “quan tâm đặc biệt” của đức vua về di sản văn hóa và tâm linh của cộng đồng người Do Thái ở Ma-rốc.
Hơn 160 nghĩa trang Do Thái với hàng ngàn bia mộ đã được tìm thấy, dọn dẹp và thống kê với sự hỗ trợ tài chính từ nhà nước. Bên cạnh các đền thờ Do Thái, các trường học Do Thái cũ cũng đã được trùng tu dưới sự ủng hộ của đức vua. Những cái tên gốc của các khu dân cư Do Thái, nơi nhiều đền thờ đã tọa lạc trong nhiều thế kỷ, cũng đã được phục hồi. Vào năm 2013, Abdelilah Benkirane, lúc đó là thủ tướng của chính quyền theo chủ nghĩa Hồi giáo, đã đọc một thông điệp từ đức vua trong dịp mở cửa trở lại đền thờ Do Thái Slat al Fassiyine mới được trùng tu ở Fez, trong đó ông hứa hẹn bảo vệ cộng đồng Do Thái.
Các đền thờ khác, như đền thờ thế kỷ 19 tráng lệ Nahon ở Tangier, giờ là bảo tàng. Đền thờ Ettedgui ở Casablanca và bảo tàng Do Thái El Mellah, được thành lập vào năm 1997 bởi những người Do Thái Ma-rốc tin vào một tương lai chung giữa người Do Thái và người Hồi giáo, được trùng tu và tái khánh thành bởi nhà vua vào năm 2016. El Mellah là bảo tàng Do Thái toàn diện duy nhất trong thế giới Ả rập. Hiện tại, Ma-rốc có kế hoạch xây thêm ba bảo tàng nữa.
Các cử chỉ thiện chí cũng được nhìn thấy ở hệ thống giáo dục và cộng đồng trí thức Ma-rốc. Vào mùa thu trước, Vua Mohammed ra lệnh đưa việc giáo dục về nạn diệt chủng Do Thái vào chương trình học phổ thông. Cùng lúc đó, Zhor Rehihil, giám đốc người Hồi giáo của bảo tàng El Mellah, bắt đầu phát sóng một chương trình radio hàng tuần về văn hóa Do Thái, với khách mời là những người Do Thái nói tiếng darija, một thổ ngữ Ả-rập ở Ma-rốc. Bà Rehihil nói với chúng tôi rằng mục đích của chương trình, nơi những người Do Thái Ma-rốc hồi tưởng về tuổi thơ ở các ngôi làng khắp đất nước, là để họ được tiếp cận những thính giả Hồi Giáo thường liên tưởng người Do Thái với những người ngoại bang.
Vào tháng 11, Hội đồng các Cộng đồng người Ma-rốc Hải ngoại và cộng đồng người Do Thái trong nước mời các phóng viên, học giả và lãnh đạo cộng đồng người Do Thái gốc Ma-rốc đang sinh sống ở nước ngoài đến viếng thăm Marrakesh để tham dự một hội nghị dài một tuần, trong đó nhấn mạnh sự “tôn trọng của người Do Thái dành cho Hồi giáo và sự tôn trọng của người Hồi Giáo dành cho Do Thái giáo”.
Vẫn còn nhiều điều phải làm, nhưng đây là những tiến triển đầy hứa hẹn. Một câu hỏi đặt ra là: “Tại sao lại lúc này?”
Với con số chỉ có 2.500 người Do Thái còn lại ở vương quốc, so với khoảng 240.000 người vào thập niên 1940, nỗ lực này dường như chỉ mang tính tượng trưng, hay thậm chí được thiết kế nhằm xây dựng hình ảnh của Ma-rốc với thế giới. Nó sẽ không đem người Do Thái trở về nhiều. Nhưng sự đón nhận di sản Do Thái của vương quốc này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về chỗ đứng xứng đáng của người Do Thái trong lịch sử Ma-rốc, bất chấp một số giai đoạn căng thẳng.
Vào thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dân phương Tây, sự thành lập nhà nước Israel và sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc Ả-rập, đi kèm một số phương diện của chủ nghĩa bài Do Thái, đã chia rẽ cộng đồng Do Thái và Hồi giáo, đẩy họ đi các con đường khác nhau. Với nỗi lo sợ bạo lực và bị bức hại, người Do Thái đã chuyển sang Israel hoặc các nơi khác. Nhưng cộng đồng người Do Thái gốc Ma-rốc ở Canada, Pháp, Israel và Venezuela vẫn giữ những mối quan hệ mật thiết với quê hương, với những nỗ lực nhằm trùng tu các công trình Do Thái.
Trong tiềm thức chung, chúng ta hay nghĩ người Do Thái và người Hồi giáo đã xung đột muôn đời, những điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Từ Ma-rốc đến Iran, người Do Thái đã sinh sống trên lãnh thổ của người Hồi giáo trong nhiều thế kỷ, với hai cộng đồng phát triển những mối quan hệ sâu rộng về ngôn ngữ, văn hóa và thương mại. Sự chung sống giữa hai cộng đồng không hoàn toàn hoàn hảo, nhưng như sử gia Michel Abitbol và những người khác đã cho thấy, người Do Thái đã có cuộc sống tốt đẹp hơn ở các vùng đất Ả-rập so với những người anh em của họ sinh sống ở Trung và Đông Âu. Từ thời trung cổ đến thời kỳ cận đại, người Do Thái có nguồn gốc từ bán đảo Iberia (Sephardic Jews) thường trở nên giàu có với vai trò là thương lái, thông dịch viên, các nhà quản lý, và đặc phái viên cho các quốc vương Hồi giáo.
Giờ đây, hệ thống truyền thông toàn cầu, vốn thường khai những chủ đề gây chia rẻ hơn là đoàn kết người Do Thái với người Hồi giáo, cộng với sự lan truyền của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống cực đoan trên mạng Internet, đã khiến cho giới trẻ Ma-rốc không biết rằng từng có một cộng đồng Do Thái lớn chung sống với họ chỉ 60-70 năm trước. Như lập luận của nhà nhân học người Ma-rốc Aomar Boum, người Hồi giáo chỉ có những “ký ức về sự vắng mặt” của các hàng xóm người Do Thái. Các cử chỉ cởi mở của Ma-rốc giúp nhắc nhở người dân Ma-rốc, và thế giới, rằng lịch sử của người Do Thái ở Ma-rốc có tầm quan trọng và xứng đáng được tôn vinh.