Hơn 800 triệu người châu Á hiện nay là hậu duệ của 11 cụ tổ thời xưa?

Tổng hợp và ghi chú: Nguyễn Hải Hoành

Một nghiên cứu mới đây cho thấy hơn 800 triệu người đang sống thời nay đều là hậu duệ của 11 cụ tổ, trong đó có Genghis Khan, tức Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), vị hoàng đế tàn bạo của Mông Cổ.

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học di truyền ở Đại học Leicester nước Anh. Họ đã phát hiện 11 trình tự [sequence] độc đáo trong nhiễm sắc thể Y (đoạn DNA chỉ có ở nam giới) hiện vẫn tồn tại trong cơ thể người châu Á hiện đại. Qua phân tích một cách hệ thống DNA của hơn 5000 nam giới, nhóm nghiên cứu đã truy ngược dòng phụ hệ [huyết thống nam giới – male lineages] đến những tổ tiên gần nhau của họ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện các hậu duệ của Khan – vị vua có mấy trăm con đẻ – hiện cư trú tại phần lớn châu Á. Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn truy nguyên được 10 phả hệ còn lại.

Genghis Khan được coi là cha đẻ của mấy trăm người con, quân đội của ông từng chiếm rất nhiều vùng ở châu Á. Đồng thời với việc mở rộng cương vực đế quốc Mông Cổ, những người con ấy cũng truyền bá nhiễm sắc thể Y của ông tới nhiều nơi trên thế giới.

Các phả hệ này được cho là có nguồn gốc ở vùng từ Trung Á đến Đông Nam Á trong thời gian từ năm 2100 trước CN tới năm 1100 sau CN trên một vùng đất rộng. Nhóm nghiên cứu phát hiện trong hơn 5.000 người được xét nghiệm có 37,8% thuộc vào một trong 11 phả hệ đó.

Nếu tỷ lệ 37,8% nói trên được phản ánh trong toàn bộ số dân ở châu Á thì điều đó có nghĩa là khoảng 830 triệu người hiện sống tại châu Á đều mang nhiễm sắc thể Y được di truyền từ một trong số 11 người nói trên.

Trong số 11 phả hệ này, có một phả hệ có thể truy ngược tới một vị vua từng cai trị Trung Quốc. Đó là Giocangga [Ái Tân Giác La-Giác Xương An], 1526-1583. Cháu nội ông là Nurhaci [Nỗ Nhĩ Cáp Xích, 1559-1626, tức Thanh Thái Tổ] đã đặt nền móng cho triều đình nhà Thanh thống trị Trung Quốc từ năm 1644 đến 1912.

Giocangga có rất nhiều con với các thê thiếp của mình, và là tổ tiên trực hệ của khoảng hơn 1,5 triệu người.

Bản đồ hàng hải của người Catalonia [ở Tây Ban Nha] vẽ vào khoảng thời gian 1325~1387 mô tả một trong các dòng họ phụ hệ từng chiếm ưu thế ở châu Á và dường như dòng họ này khởi nguồn từ một trong các đế quốc trỗi dậy dọc theo Con đường tơ lụa.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện, một chi khác có thể truy ngược tới phả hệ có cụm dân cư sống tập trung dọc Con đường tơ lụa [Silk Road], một con đường buôn bán xuất hiện vào khoảng năm 850 sau CN. Điều đó cho thấy tổ tiên họ có thể bắt nguồn từ những nhà cai trị đầy quyền lực chiếm giữ vùng đồng cỏ mà Con đường tơ lụa đi qua – Khitan, Tanguts Xia, Juchin, Kara-Khitan [Khiết Đan, Tây Hạ, Nữ Chân, Ca Lạt Khiết Đan] và đế quốc Mông Cổ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Abaoji [Gia Luật A Bảo Cơ] tức Liêu Thái Tổ [Emperor Taizu of Liao, hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Liêu] và Great Khan [Đại Khả Hãn, tức Đại vương] của dân tộc Khitan – mất năm 926 sau CN tại lãnh thổ Khitan của Trung Quốc – có thể là ứng viên thủy tổ của phả hệ này.

Giáo sư Mark Jobling, nhà di truyền học của Đại học Leicester phụ trách công trình nghiên cứu mà kết quả đã đăng trên tạp chí European Journal of Human Genetics, nói rằng trước khi xác định được các vị thủy tổ kể trên, nhóm của ông đã tiến hành rất nhiều công việc điều tra nghiên cứu.

Trong số các thủy tổ sống từ năm 2100 trước CN tới năm 300 sau CN ấy, có vị đã sống trong cả hai cộng đồng làm nghề nông cũng như bộ lạc làm nghề du mục, GS Jobling cho biết.

Ông nói: “Tỷ lệ sinh đẻ thành công cao thường có liên quan tới địa vị xã hội cao, những người có địa vị hiển hách thì có tỷ lệ sinh đẻ trong hôn phối khá cao và hậu duệ của họ có tỷ lệ chết khá thấp, họ cũng có số thê thiếp nhiều hơn mức bình quân. Những người có nguồn gốc ban đầu trong thời kỳ lịch sử này hầu như chỉ xuất hiện trong quần thể dân du mục nói tiếng Altai. Điều đó có thể phản ánh sự thay đổi tổ chức chính trị trong nền kinh tế du mục và sự dễ dàng truyền bá nhiễm sắc thể Y thoát khỏi sự hạn chế của không gian và thời gian, nhờ việc sử dụng ngựa để đi lại.

Các chế độ xã hội mới và sự thích ứng về kinh tế của các chế độ đó đã xuất hiện sau khi người ta thuần hóa được loài ngựa. Việc dùng ngựa để cưỡi đã tăng cường mạnh mẽ mối liên hệ Đông-Tây và buôn bán Nam-Bắc giữa Siberia với vùng phía Nam, và sinh ra một kỹ thuật chiến đấu mới [tức chiến thuật dùng kỵ binh]. Đây là yếu tố chủ yếu giải thích vì sao các dân tộc du mục đều chiến thắng các dân tộc sống định cư khi họ có xung đột với nhau.”

Nhóm nghiên cứu đã phân tích nhiễm sắc thể Y của 5321 người đàn ông đến từ 127 quần thể tộc hệ khác nhau tại các nơi ở châu Á. Trong các nhóm gene đã kiểm tra, họ phát hiện thấy 11 trình tự nhiễm sắc thể Y chung. Qua tìm kiếm các đột biến độc đáo mà những người này tích lũy được theo thời gian, nhóm nghiên cứu ước tính được thời điểm khởi nguồn của các trình tự nhiễm sắc thể Y đó.

Qua quan sát sự phân bố của các trình tự nhiễm sắc thể Y trong số người được giám định, nhóm nghiên cứu có thể thông qua việc tra tìm tộc hệ để phỏng đoán nơi khởi nguồn của họ. Kết quả nghiên cứu thực hiện vào năm 2003 đã cho thấy khoảng 16 triệu người trên toàn thế giới có thể có quan hệ huyết thống với thủ lĩnh Mông Cổ Genghis Khan chết năm 1227. Các nhà khoa học đã truy ngược tộc hệ có nhiễm sắc thể Y cực kỳ giống nhau đến một tổ tiên đơn nhất nào đó từng sống ở Mông Cổ cách nay 800 năm. Nhóm nghiên cứu tin rằng người cha duy nhất từng có cơ hội sinh nhiều con như thế có thể là Genghis Khan, nhà chỉ huy quân sự Mông Cổ. Trong vòng 80 năm, ông đã lập nên một đế quốc bao trùm phần lớn Trung Quốc, Iran, Pakistan, Triều Tiên và miền Nam nước Nga. Đế quốc này tiếp tục mở rộng sang phần lớn châu Á và lan đến châu Âu. Điều đó có nghĩa là con cháu Genghis Khan có dịp truyền bá rộng rãi gene của ông.

Giocangga, được cho là tổ tiên trực hệ của 1,5 triệu người hiện sống tại Trung Quốc và Mông Cổ. Cháu nội ông là Nurhaci [Nỗ Nhi Cáp Xích, 1559-1626, người trong hình] trở thành vị vua đặt nền móng cho vương triều nhà Thanh.
Tom Robinson, vị giáo sư kế toán học có tổ tiên ở Vùng Hồ [Lake District, một vùng núi ở Tây Bắc nước Anh], là người đầu tiên được xác nhận là người không phải châu Á nhưng mang nhiễm sắc thể của Genghis Khan. Người ta phát hiện thấy tổ tiên phụ hệ của GS Robinson trước kia từng ở vùng núi Caucasus [tức Kapkaz] gần Biển Đen.

Một nghiên cứu tương tự cho thấy Giocangga rất có thể cũng là đầu nguồn của một dây nhiễm sắc thể Y độc đáo khác, có thấy ở người Trung Quốc và người Mông Cổ hiện nay.

Thế nhưng nếu muốn truy tìm các nhiễm sắc thể Y trội hơn khác trong các nhân vật khác thì phải tìm kiếm những người có quyền thế và có tiềm lực sinh nuôi nhiều con vào thời gian thích hợp [với khả năng sinh lý] của họ, khi các trình tự gene được tìm thấy xuất hiện đầu tiên, từ đó đưa ra phỏng đoán tương tự có căn cứ khoa học.

Tìm phần mộ Genghis Khan từ trên vũ trụ

Hiện nay các nhà khoa học đang sử dụng công nghệ vũ trụ để tìm kiếm nơi yên nghỉ cuối cùng của Genghis Khan. Cho dù vị hoàng đế này thống trị một đế quốc trải rộng suốt hầu hết châu Á, nhưng cho đến nay địa điểm phần mộ chôn ông ta vẫn là một bí ẩn. Genghis Khan bỗng dưng phát bệnh và mất vào năm 1227, thọ 72 tuổi. Truyền thuyết kể lại rằng để giữ bí mật tuyệt đối địa điểm mai táng Genghis Khan, tất cả những người từng gặp đám rước thi hài nhà vua trên đường tới nơi chôn cất đều bị giết, toàn bộ đội hộ vệ linh cữu sau đó cũng bị buộc phải tự tử.

Nhóm nghiên cứu đã lùng sục một vùng rộng 2.316 mẫu Anh trên đất Mông Cổ và xác định được 55 chỗ có khả năng là nơi chôn cất Genghis Khan.

Lãnh thổ mà Genghis Khan chiếm được rộng gấp 4 lần lãnh thổ của Đại đế Alexander. Hiện nay Genghis Khan vẫn còn được tôn sùng tại Mông Cổ và tại một phần Trung Quốc.

Một trong số 11 vị thủy tổ khai quốc kể trên có thể đã sống vào năm 700 trước CN tại miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, trong khi các vị khác sống ở Iran vào năm 1100 sau CN. Những vị khác có thể khởi nguồn tại Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ năm 2100 trước CN đến năm 1500 sau CN. Trong thời gian đó những người làm nghề nông đi qua Myanmar tiến về phía Nam, đến Lào, Thái Lan và Campuchia, đi thẳng tới Mon [một vùng ở Ấn Độ] và đế quốc Cao Miên.

Biện pháp duy nhất có thể xác định chính xác lai lịch của 11 vị thủy tổ kể trên là tìm thấy hài cốt và lấy được DNA của họ. Nếu tìm ra và khai quật được phần mộ của các thủ lĩnh như Genghis Khan thì sẽ có thể thực hiện việc giám định quan hệ họ hàng bên nội cuối cùng của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Chris Tyler-Smith, nhà khoa học di truyền tiến hóa làm việc tại Viện nghiên cứu Wellcome Trust Sanger Institute ở Hinxton, Anh Quốc, năm 2003 từng lãnh đạo một nghiên cứu đầu tiên về vấn đề trình bày trong bài này, nói với tạp chí Nature rằng tìm kiếm mối liên kết giữa những người có quan hệ họ hàng nói trên là một công việc rất hấp dẫn.

Hình: Bản đồ thể hiện thời gian khởi đầu của 10 (đánh dấu DC) trong số 11 phả hệ và đường khuếch tán của các phả hệ đó trên châu lục; mũi tên thể hiện đường khuếch tán các phả hệ.

Tham khảo: