Hoàng Vạn Lý: Nhà khoa học Trung Quốc dám nói thật

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Nếu các nhà khoa học thuỷ lợi Trung Quốc hồi những năm 1950 đều dám nói thật thì chắc chắn nhân dân hai bờ sông Hoàng Hà sẽ không phải gánh chịu một tai hoạ – hồ nước Tam Môn Hiệp,[1] một công trình xây dựng sai lầm làm cho đời sống nhân dân các vùng liên quan điêu đứng khổ sở mấy chục năm qua và không biết còn bao lâu nữa mới hết.

Những năm gần đây, việc Trung Quốc thừa nhận thất bại của công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng đã làm cho người Trung Quốc biết đến cái tên Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli, 黄万里, 1911-2001), được đánh giá là một trong số không nhiều nhà khoa học chân chính của Trung Quốc. Sự vĩ đại của Hoàng Vạn Lý không phải ở chỗ ông dự kiến được công trình Tam Môn Hiệp sẽ thất bại, mà là ở chỗ trong khi tập thể chuyên gia thuỷ lợi Trung Quốc đều đánh mất lập trường đúng đắn, thì một mình ông dám bảo vệ chân lý và lương tâm của mình, dám chống lại “ý dân” và ý kiến của lãnh đạo cao nhất.

Thất bại lớn nhất trong lịch sử xây dựng của Trung Quốc

Hoàng Vạn Lý là chuyên gia thuỷ lợi, thuỷ văn có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc, giáo sư trường đại học Thanh Hoa. Ông là con trai cụ Hoàng Viêm Bồi, nhà giáo dục và nhân sĩ dân chủ yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Dĩ nhiên, khi nhà nước đặt vấn đề xây dựng công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp, ông là người đầu tiên được tham gia.

Năm 1952, Chính phủ Trung Quốc mời Liên Xô giúp lập dự án trị thuỷ Hoàng Hà, con sông thường xuyên gây nạn lụt lớn trong lịch sử Trung Quốc. Tháng 10/1954, dưới sự chỉ đạo của đoàn chuyên gia Liên Xô, Uỷ ban Quy hoạch Hoàng Hà (do Bộ Thuỷ lợi và Bộ Công nghiệp nhiên liệu Trung Quốc là lực lượng chính) hoàn thành bản “Quy hoạch lợi dụng tổng hợp Hoàng Hà”.

Đây là một công trình quy mô vĩ đại: trên dòng chính của sông Hoàng sẽ xây dựng 46 đập nước lớn, tổng công suất máy phát điện của các đập này là 23 triệu KW, bình quân hàng năm sản xuất 110 tỷ KWH, gấp 10 lần sản lượng điện toàn Trung Quốc năm 1954, diện tích đất được tưới nước sẽ từ 16,59 triệu mẫu Trung Quốc tăng lên 116 triệu mẫu, xà lan 500 tấn có thể chạy từ biển vào đến tận Lan Châu. Trong đó, đập Tam Môn Hiệp lớn nhất và quan trọng nhất; chính việc xây đập này đã gây hậu quả là trong 40 năm tiếp theo hàng trăm nghìn nông dân Trung Quốc phải rời bỏ ruộng đất mầu mỡ ở quê hương cũ của mình để dời đến các vùng đất cằn cỗi ở xa và sâu, một số dân phải di dời nhiều lần mất sạch cơ nghiệp. Nhân dân Nhật báo ngày 16/02/2006 đưa tin: năm 2005 dân quanh hồ phải dời nhà 2 lần do nước dâng lên vào mùa mưa ; 9 trong 10 năm qua bị hạn hán; thu nhập bình quân năm của nhân dân vùng hai bờ sông phía thượng lưu năm 2004 có 1172 Yuan (kém 1164 Yuan so với mức trung bình cả nước); 297 nghìn dân thuộc diện nghèo, trong đó 114 nghìn nghèo tuyệt đối; nhiều hộ tài sản cộng lại chưa quá 200 Yuan (24USD). Tóm lại nông dân bị thiệt hại quá nhiều từ công trình thuỷ điện, thuỷ lợi này. Khi đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ đến nơi quan sát, các vị này ai cũng khóc và nói Nhà nước thật có lỗi với nông dân.

Vậy vấn đề là do đâu? Ngay từ đầu, Hoàng Vạn Lý đã phát biểu: Liên Xô có nhiều kinh nghiệm xây dựng thuỷ điện, nhưng họ chưa hiểu vấn đề của Hoàng Hà. Khác hẳn các con sông ở Liên Xô, sông Hoàng ở Trung Quốc có rất nhiều phù sa và chính điều đó sau này sẽ là nguồn gốc gây tai hoạ. Đáng tiếc là đoàn chuyên gia Liên Xô này gồm toàn chuyên gia công trình thuỷ chứ không phải chuyên gia thuỷ lợi.

Thế nhưng hồi ấy mọi người Trung Quốc, từ chuyên gia cho đến các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ai nấy đều chỉ nghe theo ý kiến của chuyên gia Liên Xô, không một ai dám công khai phản đối công trình này, trừ Hoàng Vạn Lý. Lãnh đạo nhà nước lại càng đồng tâm nhất trí với giấc mơ “Thánh nhân xuất, Hoàng Hà thanh” tức Thánh nhân xuất hiện thì nước sông Hoàng Hà sẽ trong vắt.

Trong không khí cực đoan một chiều như thế, các chuyên gia hữu trách đều không dám kiên trì quan điểm của mình, cá biệt còn có người xuyên tạc sự thật, a dua vào hùa để thừa dịp thăng tiến. Trong cuộc họp lần đầu tiên về quy hoạch Hoàng Hà, nhiều chuyên gia Trung Quốc hết lời ca ngợi bản quy hoạch của đoàn chuyên gia Liên Xô.

Duy nhất Hoàng Vạn Lý nói: “Các vị đều nói Thánh nhân xuất, Hoàng Hà thanh. Tôi bảo: Hoàng Hà không thể thanh [trong] được. Hoàng Hà thanh không phải là công mà là tội.”

Ngày 10/6/1957, hội nghị bàn về Khu đầu mối thuỷ lợi Tam Môn Hiệp họp tại Bắc Kinh; lúc ấy công trình này đã bắt đầu chuẩn bị xây dựng. Trong hội nghị diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa phái đồng ý với phái phản đối chỉ có một người là Hoàng Vạn Lý. Phái đồng ý vẽ nên bức tranh hoành tráng: xây đập cao, ngăn nước lũ, tích cát lại, làm cho nước chảy từ hồ ra sẽ là nước trong không có phù sa. Riêng Hoàng Vạn Lý nói: Không thể đắp đập trên đoạn sông có trầm tích; nếu không, nạn lụt ở hạ lưu Hoàng Hà sẽ chuyển dịch đến đoạn trung lưu ở đồng bằng Quan Trung. Ông cho rằng phù sa trong nước sông có tác dụng tự nhiên chia cắt thượng lưu, tạo lục địa hạ lưu, xây đập ngăn sông làm trong nước Hoàng Hà là đi ngược quy luật thiên nhiên, là không hiện thực, huống hồ nước trong ra khỏi hồ chứa là không có lợi cho lòng sông phía hạ lưu. Ông nói: sau khi đắp đập thì sẽ ngập ruộng, gây ra thiệt hại cho các thành phố gần hồ.

Đa số các chuyên gia dự họp đều đồng ý với thiết kế của chuyên gia Liên Xô, cuộc tranh cãi kéo dài 7 ngày dẫn đến thất bại của Hoàng Vạn Lý. Cuối cùng ông đành phải rút lui và chỉ đề xuất: Nếu nhất định phải đắp đập thì kiến nghị chớ nên bịt kín 6 hầm thoát nước để sau này có thể đặt cống xả cát. Quan điểm này được toàn thể hội nghị thông qua. Nhưng khi thi công, các chuyên gia Liên Xô giữ nguyên thiết kế cũ bịt kín cả 6 cống ngầm. Đến những năm 1970, Trung Quốc phải bỏ ra 10 triệu Yuan (1,2 triệu USD) để mở lại các cống này.

Các dự kiến và phân tích của Hoàng Vạn Lý về công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp được chứng tỏ là đúng ngay từ khi công trình xây dựng xong. Tháng 9/1960 hồ chứa nước Tam Môn Hiệp hoàn thành. Từ năm thứ hai, đoạn sông Hoàng và sông Vị từ Đồng Quan trở lên đều bị nạn ngập đọng. 800 nghìn mẫu ruộng lúa hai bờ sông đều bị ngập, phải di dời cả một huyện; thành phố Tây An bị đe doạ nghiêm trọng. Ngày nay thuỷ thổ lưu vực Hoàng Hà ngày càng tồi tệ, nước sông phía hạ lưu hầu như chẳng còn lại bao nhiêu. Từ năm 1972, Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy, những năm 1990 hàng năm bình quân dòng chảy bị ngắt hơn 100 ngày không có nước.

Kỹ sư thuỷ lợi Vương Duy Lạc định cư ở Đức trong bài viết “Kỷ niệm 40 năm hoàn thành xây dựng công trình Tam Môn Hiệp” cho biết chí phí công trình này tương đương giá thành làm 40 cây cầu Trường giang Vũ Hán; các phí tổn cải tạo sau đó và thiệt hại kinh tế do công trình này gây ra cho các vùng chịu tai hoạ lớn tới mức không thể nào tính nổi. Theo Nhân dân Nhật báo ngày 16/02/2006, điều tra của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho biết vốn đầu tư cho 13 nhà máy thuỷ điện (công suất phát điện 11,72 triệu KW) trên Hoàng Hà hết 50 tỷ Yuan (6 tỷ USD).

Chỉ vì nói thật mà 22 năm bị chụp mũ “phái hữu”

Lẽ ra sự bất đồng với ý kiến của chuyên gia Liên Xô chỉ là một vấn đề kỹ thuật, thế nhưng trong tình hình ngày ấy lại bị coi là một vấn đề chính trị lớn. Ngoài ra, trong phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, Hoàng Vạn Lý có viết một bài báo hơn 3000 chữ đăng trên tạp chí của trường ĐH Thanh Hoa, nhân việc xác định phương án thiết kế Tam Môn Hiệp đề xuất sự cần thiết mở rộng dân chủ để nhân dân giám sát và góp ý cho các quyết sách của nhà nước.

Sau khi đọc bài này, Mao Trạch Đông tức giận bảo cụ Hoàng Viêm Bồi: Nhà cụ thế là cũng chia ra làm 3 phái tả, trung, hữu rồi đấy; bài báo của Hoàng Vạn Lý viết gì (mà bậy bạ) thế !

Tiếp đó Nhân dân Nhật báo đăng bài phê phán Hoàng Vạn Lý, bắt đầu 22 năm đầy ải cực khổ của nhà khoa học. Năm 1958, Hoàng Vạn Lý chính thức bị quy định là phần tử “phái hữu”, tiền lương bị giảm từ giáo sư bậc 2 xuống giáo sư bậc 4. Dù bị trù dập như thế, ông vẫn không nói câu nào tỏ ra hối cải. Sau này, khi các tai hoạ của công trình Tam Môn Hiệp đã lộ rõ, lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc nói qua cụ Hoàng Viêm Bồi gợi ý cho Hoàng Vạn Lý biết nếu ông chịu làm kiểm thảo thì sẽ tháo mũ “phái hữu” cho ông. Hoàng Vạn Lý chẳng những không viết kiểm điểm mà còn căn vặn lãnh đạo: “Nhà nước nuôi trí thức bao lâu nay là để làm gì?”

Có người nói: nếu Hoàng Vạn Lý chịu nghe lời lãnh đạo thì có lẽ cuộc đời ông đã khác hẳn. Năm 1935, ông tốt nghiệp thạc sĩ khoa thuỷ văn ở Mỹ, năm 1937 nhận bằng tiến sĩ xây dựng trường đại học Illinois, là người Trung Quốc đầu tiên nhận vinh dự này, sau đó thực tập tại công trình Tennessee. 26 tuổi, ông về nước, làm kỹ sư chính thuỷ lợi tại Uỷ ban kinh tế của Chính phủ Quốc dân, Vụ trưởng Vụ công trình, kỹ sư giám sát Bộ Thuỷ lợi, Cục trưởng Cục Thuỷ lợi tỉnh Cam Túc kiêm Tổng công trình sư. Có thể nói, dù về học vị hay về kinh nghiệm, tại Trung Quốc rất ít người đạt được trình độ như Hoàng Vạn Lý. Khi làm công tác giảng dạy ở đại học Thanh Hoa, ông cũng thể hiện năng lực nghiên cứu khoa học rất xuất sắc. Thời gian 1953-1957, ông viết 2 chuyên khảo “Tính toán dòng lũ” và “Thuỷ văn học công trình”, được đánh giá là 2 bộ sách tiêu biểu rất quan trọng về khoa học thuỷ văn thập niên 1950.

Giáo sư Hoàng Vạn Lý qua đời năm 2001. Trong những ngày cuối đời, ông cũng kịch liệt phản đối việc xây dựng công trình thủy lợi-thủy điện Tam Hiệp trên sông Trường Giang.

Con ông nói về ông như sau: “Cha tôi chỉ biết nói thật, không bao giờ nói dối. Đối với vấn đề học thuật hay quan điểm chính trị cũng vậy; đối với việc có lợi hay không có lợi cho mình cũng vậy, bao giờ  ông cũng chỉ nói thật.”

Thiết tưởng việc ôn lại bài học nói trên là điều cần thiết cho tất cả những nhà lãnh đạo chưa biết thực sự tôn trọng khoa học và dân chủ. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cần hiểu rằng sự thiếu trung thực của họ có thể gây tai hoạ lớn chừng nào.

—————

[1] Đây là nói công trình xây dựng các đập nước tại vùng Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà (三门峡黄河大坝, Yellow River Sanmenxia Dam), xây dựng 1957 – 1961. Xin chớ nhầm với công trình đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang (三峡大坝, Three Gorges Dam), xây dựng 1994 – 2006, quy mô lớn nhất thế giới.