Đối tác bất bình đẳng: Nga đang trở nên phụ thuộc vào TQ như thế nào?

Nguồn: Partnership is much better for China than it is for Russia“, The Economist, 27/07/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Đó là một mối quan hệ tay ba của chính trị toàn cầu. Kể từ sau Thế chiến II, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ đã nhiều lần hoán đổi đối tác với nhau. Sự sụp đổ của hiệp ước Trung-Xô sau cái chết của Josef Stalin dẫn đến chuyến thăm của Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm 1972 và chính sách hòa hoãn của Mikhail Gorbachev với Trung Quốc 30 năm trước. Cặp đối tác ngày nay, giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình, đã được củng cố vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Trong mỗi trường hợp, quốc gia bị bỏ lại một mình dường như luôn phải trả giá, bằng cách bị dàn trải về mặt quân sự và ngoại giao.

Lần này thì lại khác. Mặc dù nước Mỹ bị bỏ rơi một mình, cái giá chủ yếu là do Nga gánh chịu. Trung Quốc thống trị mọi khía cạnh của quan hệ đối tác song phương. Nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp sáu lần nền kinh tế Nga (tính về sức mua) và sức mạnh của nó đang tăng lên, trong khi của Nga giảm đi. Điều tưởng là một cách tuyệt vời để Putin quay lưng lại với phương Tây và phóng đại ảnh hưởng của Nga đang trông giống như một cái bẫy, nơi đất nước ông sẽ khó thoát ra. Còn lâu mới là một quan hệ đối tác bình đẳng, Nga thậm chí đang dần trở thành một nước “chư hầu” của Trung Quốc.

Điều đó nghe có vẻ như là một nhận định quá cay nghiệt. Nga vẫn là một quốc gia có vũ khí hạt nhân với một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Họ đã hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình và, như ở Syria, đã không ngần ngại sử dụng chúng. Tuần này các máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra chung lần đầu tiên, gây ra báo động khi Hàn Quốc cho biết một máy bay Nga đã xâm nhập vào không phận của họ.

Nhưng thực tế thì Nga đang nhanh chóng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nguyên liệu thô của Nga: Rosneft, công ty dầu khí quốc gia Nga, phụ thuộc vào tài chính của Trung Quốc và đang ngày càng chuyển hướng nguồn dầu xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Nga tìm cách đối phó với vị thế bá quyền của đồng đô la, đồng nhân dân tệ lại đang dần chiếm một phần lớn hơn trong dự trữ ngoại tệ của nước này (tỷ lệ đô la Mỹ giảm một nửa xuống còn 23% trong năm 2018, trong khi tỉ lệ của đồng nhân dân tệ tăng từ 3% lên 14%) . Trung Quốc cung cấp các thành phần quan trọng cho các hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Và Trung Quốc là nguồn cung cấp các thiết bị an ninh và thiết bị mạng mà Putin cần để kiểm soát người dân của mình. Tháng trước, Nga đã ký một thỏa thuận với Huawei, một công ty viễn thông Trung Quốc bị Mỹ liệt vào danh sách đen, để phát triển thiết bị 5G, khiến Nga càng bị cắm sâu vào không gian Internet do Trung Quốc kiểm soát.

Điều này phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc muốn có một tình bạn lâu dài với Nga, ít nhất để bảo đảm an ninh biên giới phía bắc, nơi từng xảy ra đụng độ vào năm 1969 và là một nguồn gây quan ngại vào những năm 1990 khi Nga trông như thể đang trôi dạt vào quỹ đạo của phương Tây. Nga cũng đóng vai trò tiên phong trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm đâm thủng các tư tưởng phương Tây về nhân quyền và dân chủ phổ quát, điều mà cả hai nước đều coi là một sự kích động hướng tới “cách mạng màu”.

Putin có thể chỉ ra một số lập luận nhằm nâng đỡ cho mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, bên cạnh sự thù địch chung của họ đối với các tư  tưởng tự do. Một là sự ứng phó tùy biến. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, được áp đặt sau khi Putin sáp nhập Crimea, sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và việc sử dụng chất độc thần kinh ở Anh hai năm sau đó, đã khiến Nga không còn nhiều lựa chọn thay thế. Ông Tập cũng đã che chắn cho hành động quân sự của Nga ở Syria, và, ở một mức độ nào đó, là ở Crimea. Trái ngược với cuối thế kỷ 17, khi Peter Đại đế coi Châu Âu là tấm gương về sự tiến bộ, Putin lại có thể lập luận một cách chính đáng rằng tương lai bây giờ thuộc về Trung Quốc cùng hệ thống chủ nghĩa tư bản nhà nước của nước này.

Tuy nhiên, Putin đã nhầm. Thứ nhất, phiên bản chủ nghĩa tư bản nhà nước của Nga chủ yếu nhằm tìm kiếm đặc lợi, tham nhũng, mang lại những “giấy phép” làm giảm năng suất cho các nhóm thân tín của Putin, giúp họ tự do rút ruột kho bạc quốc gia – đây cũng là một lý do tại sao đầu tư của Trung Quốc vào Nga khá hạn chế. Ngoài ra còn có mâu thuẫn giữa các tuyên bố của Putin về khôi phục lại sự vĩ đại của Nga và thực tế ngày càng rõ ràng cho thấy Nga ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này tạo ra căng thẳng ở Trung Á. Bởi vì sự ổn định ở khu vực này rất quan trọng đối với an ninh nội địa của Trung Quốc – Bắc Kinh muốn Trung Á ngăn chặn từ xa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan – Giải phóng quân Trung Quốc hiện đang đóng quân ở Tajikistan và tiến hành các cuộc tập trận ở đó mà không cần tham khảo ý kiến của Nga.

Và, ở một mức độ nào đó, mục tiêu của Nga và Trung Quốc là khác nhau. Có một giới hạn đối với việc người dân Nga bình thường chấp nhận từ bỏ các quyền tự do kiểu phương Tây. Nếu chế độ nắm giữ quyền lực thông qua các công nghệ của Trung Quốc, nó sẽ gây ra sự phẫn nộ của người dân đối với Trung Quốc và các cơ quan Nga mua sắm các công nghệ đó.

Ai có thể nói khi nào các mâu thuẫn đó sẽ được biểu hiện? Hãy tưởng tượng Putin về hưu vào năm 2024, theo đúng quy định của hiến pháp, và người kế nhiệm ông cố gắng đánh dấu sự thay đổi bằng cách đưa Nga rời xa Trung Quốc và quay về châu Âu. Chỉ lúc đó mới rõ là ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nga sâu đậm đến mức nào và Bắc Kinh sẵn sàng gây áp lực tới đâu nhằm duy trì ảnh hưởng của mình. Vị tổng thống tiếp theo của Nga có thể thấy Nga đã không còn không gian để tự xoay sở nữa.

Điều này có đồng nghĩa với việc phần còn lại của thế giới, đặc biệt là phương Tây – nên tìm cách kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc trước khi quá muộn hay không? Ý tưởng đó sẽ hấp dẫn đối với các nhà ngoại giao và nhà phân tích cho rằng Nga quá quan trọng đến mức phương Tây không nên xa lánh. Nhưng có vẻ không phải vậy. Hiện nước Mỹ không phải chịu hậu quả đáng kể nào từ sự liên kết giữa Tập và Putin như trong thời Chiến tranh lạnh trước đây. Mặc dù Nga và Trung Quốc thực sự làm suy yếu quan niệm của phương Tây về các giá trị phổ quát, nhưng với việc Tổng thống Donald Trump đang nắm quyền tại Nhà Trắng, các giá trị đó cũng hầu như không còn được áp dụng phổ quát nữa.

Hơn nữa, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga cũng có mặt tích cực. Một cường quốc đang suy yếu và đầy giận dữ như Nga có thể nguy hiểm; họ có thể cảm thấy cần phản kháng để cho thấy mình vẫn là một thế lực đáng kể, ví dụ như bằng cách bắt nạt Belarus, hoặc bằng cách khơi dậy nỗi sợ hãi lâu đời về sự bành trướng của Trung Quốc vào vùng Siberia rộng lớn. Nhưng Trung Quốc không hứng thú với các cuộc khủng hoảng quốc tế, trừ khi các cuộc khủng hoảng đó do họ tự tạo ra. Với tư cách là đối tác của Nga, Trung Quốc có thể giúp đảm bảo an ninh dọc theo biên giới chung giữa hai nước và kiềm chế những hành động thái quá của Nga trên phạm vi toàn cầu.

Sự kiên nhẫn ngọt ngào

Thay vì tìm cách chọc ngoáy Nga hoặc cố gắng dụ dỗ Nga quay đầu lại, phương Tây nên chỉ ra sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc và kiên nhẫn chờ đợi. Sớm hay muộn, một vị tổng thống như Alexei Navalny (thủ lĩnh phe đối lập Nga) hoặc một người như ông sẽ lại nhìn về phía Tây. Đó là khi Nga sẽ cần nhất sự giúp đỡ từ phương Tây. Và đó cũng là khi chủ nhân Phòng Bầu dục nên học theo Nixon, và đến thăm Moskva.