Thương chiến và ‘sóng thần’ địa chính trị Mỹ – Trung

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Ngày 01/08/2019 chứng kiến đợt leo thang mới nhất trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc kể từ ngày 1-9.

Có thể rút ra một số nhận định từ động thái mới này của Mỹ.

Thứ nhất, trái với nhận định của một số nhà quan sát Trung Quốc cho rằng trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào mùa bầu cử tổng thống năm 2020, ông Trump sẽ muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, hoặc chí ít không leo thang cuộc chiến, bởi nếu không có thỏa thuận hoặc cuộc chiến leo thang thì nền kinh tế Mỹ sẽ bị tổn thương, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng tái đắc cử của ông Trump.

Tuy nhiên, nhìn từ góc nhìn của người Mỹ, đây không chỉ là cuộc chiến thương mại đơn thuần mà còn là cuộc đối đầu địa chính trị giữa hai siêu cường. Mỹ sẵn sàng chấp nhận một số tổn thất kinh tế để đạt được mục tiêu chiến lược lớn hơn là kiềm chế Trung Quốc.

Mặt khác, nếu như Mỹ duy trì được nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ thay thế từ các quốc gia khác, tác động của sự leo thang chiến tranh thương mại lên người tiêu dùng Mỹ có thể không đáng kể. Dường như ông Trump đang đặt cược vào khả năng này.

Thứ hai, nếu Trung Quốc không chấp nhận xuống nước và đáp ứng một số đòi hỏi của Mỹ, dư địa cho việc Mỹ leo thang cuộc chiến vẫn còn.

Trước mắt, Mỹ vẫn có thể tăng mức thuế đối với một phần hoặc toàn bộ 300 tỉ USD hàng hóa kể trên lên mức 25%, như đã xảy ra với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hồi tháng 5. Chắc chắn đó là một kết cục Trung Quốc không hề mong muốn.

Trung Quốc đang đối mặt với thế lưỡng nan, đó là nếu nhượng bộ sớm thì bị coi là yếu thế, quay lại cảm giác bị “ức hiếp” như trong giai đoạn lịch sử “bách niên quốc sĩ” trước đây, nhưng nếu chần chừ để cuộc chiến tiếp tục leo thang thì thiệt hại lại càng lớn hơn.

Kể cả khi Mỹ chấp nhận xuống thang sau này thì cũng khó quay lại điểm xuất phát ban đầu. Rõ ràng trong cuộc chiến này, Mỹ đang ở thế tay trên và chủ động hơn.

Thứ ba, thế giới phải chấp nhận sống với những bất định và rối loạn có thể tiếp tục xảy đến thời gian tới, khi đối đầu chiến lược Mỹ – Trung tiếp tục gia tăng mà trong đó cuộc chiến thương mại chỉ là một trong nhiều biểu hiện.

Cuộc chiến tranh lạnh mới hiện nay dù khác về phương tiện và tính chất so với cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ 20, nhưng xét về tác động thì có nhiều điểm tương đồng.

Thế giới sẽ trở nên bị chia rẽ, phân mảnh; cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường sẽ lan tỏa sang các cấp độ thấp hơn, khi mỗi siêu cường đều tìm kiếm đồng minh và đối tác. Khi đó, như lịch sử thế kỷ 20 cho thấy, việc các quốc gia chọn đứng về bên nào sẽ có tác động sâu sắc tới vận mệnh của quốc gia đó.

Đương nhiên, “phù thịnh” và đứng về bên thắng sẽ luôn mang lại kết quả tốt nhất, dù lựa chọn đó không phải dễ dàng khi “phần thưởng” luôn đi kèm rủi ro.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng như các quốc gia khác phải luôn chuẩn bị tâm thế và có các bước đi phù hợp để giảm thiểu rủi ro, đồng thời gặt hái được những lợi ích tối đa từ cơn sóng thần địa chính trị đang diễn ra.

Bài viết được đăng lần đầu trong chuyên mục Thời sự & Suy nghĩ của báo Tuổi Trẻ.