Bản chất chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là về công nghệ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Martin Feldstein, “There Is No Sino-American Trade War”, Project Syndicate, 29/01/2019.

Biên dịch: Lê Hồng Hiệp

Cuộc xung đột hiện tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không phải là một cuộc chiến tranh thương mại. Mặc dù Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, nhưng đó không phải là lý do tại sao nước này áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ tăng thêm thuế sau khi kết thúc thỏa thuận “ngừng bắn” 90 ngày hiện tại vào ngày 01/03/2019. Mục tiêu của việc áp thuế là nhằm thúc ép Trung Quốc chấm dứt chính sách ăn cắp công nghệ của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc gọi cuộc xung đột là một cuộc chiến thương mại vì hy vọng rằng nếu Trung Quốc mua một số lượng lớn các sản phẩm của Mỹ thì Mỹ sẽ chấm dứt việc áp thuế. Các nhà đàm phán Trung Quốc gần đây đã đề nghị mua đủ số sản phẩm của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ xuống 0% vào năm 2024. Tuy nhiên các nhà đàm phán Mỹ đã bác bỏ biện pháp này như là một cách để chấm dứt cuộc tranh chấp.

Mỹ muốn Trung Quốc ngừng yêu cầu các công ty Mỹ muốn kinh doanh tại Trung Quốc phải có một đối tác bản địa và phải chia sẻ công nghệ của họ với đối tác đó. Chính sách này đã bị cấm theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một quy định mà Trung Quốc buộc phải tuân thủ kể từ khi họ gia nhập WTO năm 2001. Trung Quốc phủ nhận rằng họ đang vi phạm quy tắc đó, cho rằng các công ty Mỹ không bị buộc phải chia sẻ công nghệ: các công ty này tự nguyện làm như vậy để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc và các cơ hội sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng các công ty Mỹ coi hành vi của Trung Quốc là một hình thức tống tiền.

Mỹ cũng muốn Trung Quốc ngừng sử dụng gián điệp mạng để đánh cắp công nghệ và các bí mật công nghiệp khác từ các công ty Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý chấm dứt hành vi trộm cắp qua mạng các công nghệ của Mỹ sau khi gặp Tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Thật không may, thỏa thuận đạt được vào thời điểm đó rất hẹp, chỉ đề cập đến hành vi ăn cắp của cả hai chính phủ. Mặc dù thỏa thuận đó có dẫn đến việc giảm tạm thời hành vi trộm cắp công nghệ, các cuộc tấn công mạng vào các công ty Mỹ, có thể được thực hiện bởi các công ty quốc doanh Trung Quốc và các tổ chức tinh vi khác, đã tăng trở lại trong những năm gần đây.

Người Trung Quốc sử dụng công nghệ đánh cắp được để cạnh tranh với các công ty Mỹ ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ gần đây ước tính rằng hành vi trộm cắp công nghệ này đang gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ từ 225 đến 600 tỷ đô la mỗi năm. Và FBI đã khẳng định rằng hành vi trộm cắp công nghệ qua mạng của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Tương tự như vậy, một bản báo cáo dài 142 trang về cuộc xung đột Mỹ-Trung của Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã nhấn mạnh vấn đề trộm cắp công nghệ. Báo cáo không hề đề cập đến vấn đề cán cân thương mại.

Điều đó chắc chắn là vì các tác giả hiểu các thực tiễn kinh tế cơ bản rằng sự mất cân bằng thương mại toàn cầu của Hoa Kỳ là do các điều kiện kinh tế ở Mỹ – đầu tư quá mức so với tiết kiệm. Nếu người Trung Quốc mua đủ hàng hóa của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương, thì sự mất cân bằng của Mỹ sẽ chỉ chuyển sang các nước khác mà không làm giảm tổng thâm hụt thương mại của Mỹ nói chung.

Thuế quan của Mỹ rõ ràng đang gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã suy giảm đáng kể và nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng GDP thực tế (sau khi trừ lạm phát) hàng năm trong quý IV năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 4%. Chính quyền Trung Quốc đang tuyên bố cho thấy họ nóng lòng ký được thỏa thuận với Mỹ nhằm ngăn chặn sự suy thoái kinh tế và đảo ngược sự suy giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhà Trắng cũng đưa ra những tuyên bố tích cực về cuộc đàm phán, bởi làm như vậy có tác dụng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng thực tế là chưa có tiến bộ nào trong việc xử lý vấn đề cơ bản là trộm cắp công nghệ.

Chính phủ Hoa Kỳ không muốn chấm dứt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hay sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp công nghệ cao của nước này. Nhưng ăn cắp công nghệ là việc làm sai trái. Nó đã diễn ra quá lâu và không thể được phép tiếp diễn.

Mỹ quyết tâm ngăn chặn điều này. Nếu vấn đề này không được giải quyết trước ngày 01/03, Mỹ sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ đô la hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ 10% lên 25%. Điều đó sẽ làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc hơn nữa và khiến chính quyền Trung Quốc phải thực hiện các yêu cầu của Mỹ một cách nghiêm túc hơn – và tiến hành đàm phán một cách tương ứng.

Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch danh dự của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984. 

Copyright: Project Syndicate 2019