Thế giới hôm nay: 14/08/2019

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

TIN VẮN HÔM QUA

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ, cho biết mức thuế 10% đối với một số hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm máy tính xách tay, điện thoại di động và quần áo, sẽ được hoãn lại cho đến giữa tháng 12. Đầu tháng này, Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế bổ sung đối với 300 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1 tháng 9. Các nhà bán lẻ hiện có thời gian để nhập khẩu hàng hóa miễn thuế trước mùa mua sắm Giáng sinh.

Trong tuần thứ mười của các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông, sân bay Lãnh thổ này đã hủy các thủ tục check-in trong ngày thứ hai liên tiếp. Các cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa người biểu tình và cảnh sát trong các nhà ga sân bay. Trung Quốc đã gây áp lực lên phong trào phản kháng bằng cách lưu hành một video nhằm mục đích cho thấy một đoàn xe quân sự đang di chuyển qua Thâm Quyến, một thành phố của Trung Quốc nằm giáp Hồng Kông.

John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, cho biết trong chuyến thăm tới London, Anh, rằng ông sẽ là người đầu tiên ủng hộ một thỏa thuận thương mại của Anh với Mỹ sau Brexit, lặp lại quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Ông nói rằng một loạt các thỏa thuận theo từng ngành có thể được ký, một sự thừa nhận rõ ràng rằng việc ký một hiệp định thương mại toàn diện sẽ khó khăn như thế nào.

Tổng thu nhập ở Anh, bao gồm tiền thưởng, tăng 3,7% so với cùng kỳ trong Quý II/2019, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2008. Thập niên vừa qua chứng kiến sự phục hồi tiền lương thực tế hậu suy thoái chậm nhất kể từ sau Thế chiến II. Tin tốt đã đến bất chấp nền kinh tế Anh thu hẹp 0,2% trong Quý II.

Rolls-Royce đã bị hạ xếp hạng tín dụng bởi Moody’s. Nhà sản xuất động cơ của Anh đã phải chịu một số tổn thất lớn gần đây do chi phí liên quan đến việc thay thế cánh quạt bị lỗi trong động cơ trên máy bay Boeing 787. Tin tức được đưa ra vài ngày sau khi một động cơ Rolls trên chiếc 787 bị trục trặc và làm rơi hàng loạt mảnh vở lên đất Ý trong chuyến bay từ Rome đến Los Angeles.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 7 so với tháng 6, một tin vui đối với Cục Dự trữ Liên bang, cơ quan đang lo lắng rằng nền kinh tế đang chậm lại. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá nhiên liệu và năng lượng dễ biến động ) cũng là 0,3%. Nhưng thị trường tiếp tục kỳ vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng Chín.

CBS và Viacom, được tách ra vào năm 2006, đã đồng ý tái hợp trong một thỏa thuận chứng khoán trị giá hơn 28 tỷ đô la. Siêu công ty mới này hy vọng sẽ chống lại những gã khổng lồ truyền thông lớn hơn, như Netflix và Disney, trong một ngành công nghiệp giải trí đang củng cố nhanh chóng (tức giảm số công ty thông qua mua bán sáp nhập – ND). Việc sáp nhập diễn ra sau nhiều năm đàm phán thường xuyên bị gián đoạn.

TIÊU ĐIỂM HÔM NAY

Nội chiến ở Yemen

Cuối cùng thì các nhà lãnh đạo của Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đã công khai thống nhất một tiếng nói chung về sự bùng nổ giao tranh ở Aden. Song khi họ kêu gọi đối thoại thì liên minh của chính họ cũng đang rạn nứt. Hai nước này tham chiến ở Yemen bốn năm trước với mục đích khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận, vốn đã bị thay thế bởi phiến quân Houthi dòng Shia do Iran hậu thuẫn.

Các cường quốc vùng Vịnh đều tranh thủ các nhóm phiến quân địa phương, mỗi nhóm có một mục tiêu riêng và thường mâu thuẫn nhau. Hầu hết các nhóm này đều không ủng hộ chính phủ Yemen, lực lượng vốn bị đẩy ra khỏi vị trí quyền lực tạm thời của họ ở Aden hồi tuần trước, bởi phe ly khai được chính UAE hậu thuẫn, những đồng minh trên danh nghĩa của chính phủ này. Liên minh đã bị chia rẽ bởi những sự cạnh tranh như vậy, và đây là một trong những lý do giải thích vì sao họ đã không thể đánh bại phiến quân Houthi ở miền bắc. UAE đã đủ mệt mỏi, và sự rút lui của họ càng làm cho triển vọng chiến thắng của liên minh trở nên mờ nhạt. Câu hỏi bây giờ là liệu Yemen có còn là một quốc gia thống nhất hay không.

 Australia duy trì ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Scott Morrison đã đến thăm bốn quốc gia Thái Bình Dương trong năm qua kể từ khi được bổ nhiệm làm thủ tướng Úc. Hôm nay, ông đến thăm quốc gia thứ năm – Tuvalu – nhằm  tham gia Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương hàng năm của khu vực. Hiếm có người tiền nhiệm nào của ông lại dành cho những người hàng xóm của mình một sự chú ý không ngừng như vậy. Song, thực tế Australia ngày nay lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong “lãnh địa” của riêng mình và mong muốn trở thành “đối tác được lựa chọn”, như các chính trị gia thường nói.

Tuy nhiên, ông Morrison được chào đón không mấy niềm nở tại các đảo quốc Thái Bình Dương. Nếu có một điều mà các quốc gia đảo san hô này có thể cùng đồng ý, thì đó là việc họ đang bị đe dọa: họ muốn có các động thái quyết liệt nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và ngăn nước biển dâng cao. Trong khi đó, chính phủ của liên minh bảo thủ ở Australia lại lo lắng nhiều hơn về phiếu bầu từ các khu vực bầu cử phụ thuộc vào khai thác mỏ. Để xoa dịu các nước này, ông Morrison đã hứa sẽ chuyển 500 triệu đô la Úc (tương đương 339 triệu đô la Mỹ) nhằm giúp các đảo quốc Thái Bình Dương xây dựng “khả năng phục hồi” trước biến đổi khí hậu. Một số người khác thì muốn nhìn thấy ông đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ở Australia hơn.

Đạo luật Nạn nhân Trẻ em của New York

Một phần ba số nạn nhân bị lạm dụng tình dục trẻ em không bao giờ tiết lộ rằng họ bị lạm dụng. Độ tuổi trung bình của họ khi tiết lộ là 52, thường quá muộn để đệ đơn tố giác hoặc đơn kiện. Ở New York, một nạn nhân sống sót sau lạm dụng tình dục trẻ em phải nộp các đơn này trước 23 tuổi. Song nhờ vào Đạo luật Nạn nhân Trẻ em có hiệu lực từ hôm nay, những người sống sót sẽ có thời gian đến khi 28 tuổi để nộp đơn tố cáo và đến 55 tuổi để đâm đơn kiện dân sự – kể cả chống lại các tổ chức che chở cho những kẻ lạm dụng.

Đạo luật này bao gồm một năm đầu tiên cho phép mọi người có thể nộp đơn kiện bất kể việc lạm dụng đã xảy ra bao lâu. Nhà thờ, trường học, các nhóm hướng đạo và các nhóm Do Thái đã bắt đầu tự chuẩn bị (đối đầu với các vụ kiện). Đại học Rockefeller và Tổng giáo phận New York đã kiện các công ty bảo hiểm của họ vì từ chối cung cấp bảo hiểm cho việc giải quyết các vụ kiện liên quan đến đạo luật mới. Nicholas DiMarzio, Giám mục Công giáo Brooklyn, đã cảnh báo các giáo dân của mình rằng, “chúng tôi không biết chúng tôi sẽ phải đối mặt với bao nhiêu vụ kiện … và liệu chúng tôi có phải tuyên bố phá sản hay không”.

Kinh tế Đức dưới tác động của thương chiến

Khi cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, các nền kinh tế định hướng xuất khẩu đang bị dính đạn lạc nhiều hơn bao giờ hết. Số liệu hôm nay dự kiến ​​sẽ cho thấy nền kinh tế Đức chậm lại, hoặc thậm chí là suy giảm, trong Quý II. Xuất khẩu dường như đã bị trúng đòn đau. Sản xuất công nghiệp cũng tương tự như vậy, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô, khi mà ngành này bị giáng một đòn nặng nề bởi những thay đổi vào năm ngoái của các quy tắc kiểm tra khí thải. Chuỗi cung ứng sản xuất quan hệ mật thiết có nghĩa là thiệt hại có thể lan rộng về phía đông đến các quốc gia như Hungary và Slovakia, những nước cũng sẽ công bố số liệu vào hôm nay.

Mặc cho tình hình ì ạch của khu vực chế tạo của Đức, chi tiêu hộ gia đình vẫn giữ vững. Nhưng liệu người tiêu dùng có thể cầm cự lâu hơn? Trước nhu cầu giảm, BASF, một nhà sản xuất hóa chất, đang cắt giảm 6.000 việc làm. Một số công ty đang giảm bớt giờ làm việc. Các nhà kinh tế hy vọng rằng chính sách tài khóa có thể giải quyết tình hình. Nhưng cho đến nay các chính trị gia Đức cho thấy không sẵn sàng thay đổi phong cách “ki bo” của họ để duy trì tăng trưởng.

Hệ thống đường sắt của Anh

Hôm nay, Anh sẽ công bố số liệu lạm phát giá tiêu dùng, từ đó quyết định mức tăng giá vé tàu hàng năm. Nhưng người Anh còn lâu mới hài lòng với đường sắt của họ, và bất mãn hơn khi phải trả nhiều tiền hơn cho điều tệ hơn. Sau khi đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi được tư nhân hóa vào những năm 1990, chất lượng dịch vụ đã và đang bị đảo ngược. Số lượng các vụ trễ chuyến và hủy tàu hồi năm ngoái đã đạt đến mức tồi tệ nhất trong gần một thập niên qua. Và sau nhiều năm tăng nhanh lượng hành khách, năm ngoái chứng kiến mức giảm 1,4%, lần đầu tiên trong bối cảnh không có suy thoái, kể từ năm 1995.

Vào mùa thu năm nay, một báo cáo độc lập của Keith Williams, một sếp cũ của British Airways, sẽ công bố cách thức cải tổ hệ thống nhượng quyền đường sắt hiện đang cung cấp hầu hết các chuyến tàu ở Anh. Song quốc hữu hóa lại là lựa chọn ưa thích của cộng đồng: theo một cuộc thăm dò được công bố năm ngoái bởi đài truyền hình Sky, khoảng 60% người Anh ủng hộ việc quay trở lại sở hữu nhà nước.