Thế giới hôm nay: 17/02/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Số ca nhiễm mới covid-19 được báo cáo ở Trung Quốc đã giảm trong ngày thứ ba liên tiếp. Các quan chức cho biết vào Chủ nhật thêm 2.009 người đã bị nhiễm virus, đưa tổng số lên khoảng 68.500. Với việc chính phủ ban hành các hạn chế đi lại thậm chí còn nghiêm ngặt hơn tại tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch bệnh bắt đầu, WHO đã ca ngợi những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc.

Trong khi đó, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận thức được về vụ bùng phát dịch hai tuần trước khi ông lần đầu công khai đề cập vấn đề này. Điều này sẽ đặt dấu hỏi về tốc độ phản ứng chính thức chậm chạp. Ông Tập đã bị chỉ trích vì tránh ra mặt giữa cuộc khủng hoảng.

Cuộc không kích ở Yemen của các lực lượng do Saudi dẫn đầu đã giết chết 31 thường dân, theo Liên Hợp Quốc. Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại nước này đã mô tả hành động của Ả Rập Saudi là “gây sốc”. Các cuộc tấn công được cho là nhằm trả đũa việc phiến quân Houthi bắn hạ máy bay chiến đấu của Ả Rập Saudi hôm thứ Sáu.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Stephanie Williams, một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Libya, đã gọi lệnh cấm vận vũ khí nước này là “một trò đùa”, và nói rằng lệnh ngừng bắn “đang ngàn cân treo sợi tóc”. Một số cường quốc, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hỗ trợ các phe đối lập nhau trong cuộc nội chiến Libya. Mặc dù tất cả đều đồng ý chấm dứt can thiệp, song hành động của họ vẫn chưa đi đôi với lời nói.

Cũng phát biểu tại Munich, Mark Esper, bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đã kêu gọi các đồng minh châu Âu cảnh giác hơn với Trung Quốc, nước theo ông mang lại một mối đe dọa kinh tế, an ninh và ý thức hệ đối với lục địa già. Tăng trưởng đáng kinh ngạc của Trung Quốc “được thúc đẩy bởi ăn cắp, ép buộc và lạm dụng các nền kinh tế thị trường tự do, các công ty tư nhân, và các trường đại học”, ông nói.

Các nghị sĩ thuộc ủy ban tình báo Úc đã hủy chuyến thăm theo kế hoạch tới Anh. Quyết định này theo sau việc Anh cho phép Huawei xây dựng một số bộ phận mạng 5G của họ –  và một cuộc tranh luận gay gắt giữa Dominic Raab, bộ trưởng ngoại giao Anh, và các thành viên của ủy ban Úc. Úc đã xa lánh công ty Trung Quốc này vì lý do an ninh.

Một thành viên nội các Boris Johnson thừa nhận dự thảo ngân sách của Anh có thể bị hoãn lại. Bộ trưởng tài chính dự kiến sẽ trình bày kế hoạch của ông trước Quốc hội vào ngày 11 tháng 3. Tuy nhiên, tuần trước Sajid Javid, người giữ vị trí này, đột ngột từ chức sau một cuộc tranh cãi với thủ tướng. Điều này để lại cho người thay thế ông, Rishi Sunak, quá ít thời gian để lập ra kế hoạch của riêng mình.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Nhật gặp khó

Nhật Bản đang căng mình đón tin xấu khi số liệu GDP quý 4/2019 được công bố vào hôm nay. Các nhà phân tích dự đoán suy giảm mạnh, sau khi thuế tiêu dùng tăng 2% vào mùa thu năm ngoái. Chính phủ hai lần hoãn tăng thuế để tránh ảnh hưởng đến tiêu dùng tư nhân nhưng điều đó chỉ có tác dụng trì hoãn chứ không ngăn được điều đương nhiên sẽ xảy ra – chi tiêu hộ gia đình giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12. Bão Hagabis, tấn công đất nước vào tháng 10, cũng gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế.

Chính phủ đang đặt cược rằng tác động của gói chi tiêu 26 nghìn tỷ yên (tương đương 237 tỷ đô la), được phê duyệt vào tháng 12, sẽ thúc đẩy nền kinh tế, cùng với Thế vận hội Tokyo vào mùa hè này. Nhưng hầu hết các dự báo đều cho thấy tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay. Theo một cuộc thăm dò của Reuters, coronavirus, vốn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và du lịch, có thể làm giảm 0,2% GDP. Đây là tin xấu cho thủ tướng Abe Shinzo. Bị dính vào bê bối, một số nhà lập pháp đã mất niềm tin vào ông. Nền kinh tế yếu ớt sẽ càng chẳng giúp gì.

Cuộc đua tìm lãnh đạo Công đảng Anh lên sóng truyền hình

Tối nay, ba ứng viên đã đi đến chặng cuối cùng của cuộc đua vào ghế lãnh đạo Công đảng  sẽ đối mặt nhau trong một cuộc tranh luận trên truyền hình. (Emily Thornberry, bộ trưởng ngoại giao đối lập, đã bị loại tuần trước vì không nhận đủ đề cử từ các đảng bộ địa phương.) Cho đến nay, cuộc đua tìm lãnh đạo phe đối lập đang yếu thế của Anh chỉ xoay quanh việc huy động sự ủng hộ từ các nhóm quyền lực của đảng, như các nghị sĩ và các nghiệp đoàn. Giờ đây trọng tâm được chuyển sang việc giành phiếu bầu từ các thành viên bình thường.

Do đó, màn thể hiện trên sóng truyền hình rất quan trọng. Sir Keir Starmer, người ôn hòa nhất trong ba người, đang dẫn đầu. Rebecca Long-Bailey, ứng cử viên của cánh tả, đứng thứ hai. Nhưng cả hai đều cứng nhắc. Lisa Nandy có thể là người đáng theo dõi: ngoài sức hút tự nhiên của mình, bà còn có thể là lựa chọn thứ hai của cả hai phe đối lập nhau này.

Con đập mới của Ethiopia và tranh cãi với Ai Cập

Các pharaoh đã làm chủ sông Nile; còn hậu duệ của họ chỉ là những người đi van xin kẻ khác. Sameh Shoukry, bộ trưởng ngoại giao Ai Cập, đã dành tuần trước tại Washington để trao đổi khẩn cấp về một con đập mới khổng lồ sắp hoàn thành ở Ethiopia. Khởi công vào năm 2011, nó sẽ là đập thủy điện lớn nhất châu Phi, một nguồn năng lượng rất cần thiết và là niềm tự hào quốc gia của Ethiopia. Nhưng đối với Ai Cập, nước phụ thuộc vào sông Nile, nó có vẻ là một mối đe dọa nghiêm trọng. Họ cho rằng dự án sẽ làm cạn kiệt dòng sông và muốn con đập được trữ nước chậm rãi, ít nhất trong 10 năm.

Ethiopia đề xuất chỉ bốn năm. Nhiều tháng đàm phán do Mỹ làm trung gian có thể mang lại một thỏa thuận trong vòng vài tuần. Nhưng ngay cả khi họ làm thế, tương lai của dòng Nile vẫn có vẻ ảm đạm. Ô nhiễm, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đều đã làm giảm mực nước sông và làm thay đổi dòng chảy của nó. Mối đe dọa càng hiển hiện hơn khi Ai Cập chào đón công dân thứ 100 triệu trong khi ông Shoukry đang dự các cuộc đàm phán vào thứ Ba.

New York yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục nhận thanh toán bằng tiền mặt

Nhiều doanh nghiệp thích khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc điện thoại di động – và vì lý do chính đáng. Giao dịch không tiền mặt giúp tăng tốc độ thanh toán trong khi có thể làm giảm trộm cắp và sự không hiệu quả. Song các nhà bán lẻ ở New York sẽ sớm không còn có thể buộc mọi khách hàng quẹt thẻ hay vuốt điện thoại. Hội đồng thành phố đã thông qua một biện pháp buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận tiền mặt, còn văn phòng Thị trưởng Bill de Blasio cho biết nó sẽ sớm trở thành luật.

Cứ chín hộ gia đình ở New York thì có một hộ không có tài khoản ngân hàng, và một phần năm sử dụng giải pháp thay thế như các cửa hàng thanh toán bằng séc và tiền mặt, đặt biệt là người da đen. Người ủng hộ chính của dự luật này nói ông muốn kiềm chế “sự tăng trưởng quá nhanh của nền kinh tế kỹ thuật số” bằng cách phạt các doanh nghiệp “phân biệt đối xử với những khách hàng không thể tiếp cận thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ”. Làn sóng chống lại nền kinh tế phi tiền mặt đang lên cao: Philadelphia và San Francisco đã thông qua các lệnh cấm tương tự vào năm ngoái, và hội đồng thành phố Washington cũng đang cân nhắc xem có nên làm theo hay không.

Mark Zuckerberg thăm châu Âu để bàn về chính sách

Hôm nay, ông chủ Facebook sẽ tới Brussels để gặp các thành viên của Ủy ban châu Âu. Họ sẽ có nhiều điều để thảo luận. EU đã tìm cách kiểm soát gã khổng lồ công nghệ, phạt 9,5 tỷ euro (10,3 tỷ đô la) chỉ riêng Google, mở một cuộc điều tra chống độc quyền vào Amazon và cân nhắc một cuộc điều tra khác vào Apple, cũng như thông qua luật quyền riêng tư GDPR vào năm 2016 – luật mà Facebook đang bị điều tra vì bị cáo buộc vi phạm.

Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới đã đặt công nghệ lên ưu tiên hàng đầu, với các kế hoạch cho một thị trường dữ liệu châu Âu duy nhất và các quy tắc kiểm soát trí tuệ nhân tạo và nội dung truyền thông xã hội. Thuế là phần quan trọng nhất trong cuộc tranh cãi. Tuy nhiên, về điều này, ông Zuckerberg dường như đang nhượng bộ: theo một bản sao bài phát biểu của ông được rò rỉ sớm, ông dự định tuyên bố rằng ông chấp nhận “trả thêm thuế, và trả ở nhiều nơi khác nhau”. EU chắc sẽ hài lòng.