Nguồn: The nuclear deal fuelling tensions between Iran and America, The Economist, 23/07/2019.
Biên dịch: Lê Hồng Loan
Tổng thống Barack Obama gọi đó là “thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân chặt chẽ nhất từng được đàm phán”. Tổng thống Donald Trump đã chế giễu nó là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay”. Giờ đây, Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) – tên gọi rắc rối được đặt cho thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia được ký giữa Iran và sáu cường quốc thế giới năm 2015 – đang gặp phải khó khăn trong việc duy trì sự tồn tại của mình. Ông Trump đã giáng một đòn chí mạng vào thỏa thuận này vào năm ngoái bằng cách rút Mỹ ra khỏi hiệp định. Và Iran đã gây ra thêm nhiều rạn nứt hơn vào tháng 7 năm nay bằng cách vi phạm một số giới hạn đã thỏa thuận, về quy mô dự trữ uranium độ giàu thấp và về nồng độ vật liệu phân hạch. Khi căng thẳng gia tăng ở vùng Vịnh, Mỹ và Iran dường như cũng đang trong quá tiến tới xung đột với nhau. Vậy, chính xác JCPOA là gì?
Năm 2002, thế giới biết đến một địa điểm làm giàu uranium lớn, bí mật của Iran được xây dựng sâu dưới lòng đất. Iran tuyên bố họ dự định sản xuất uranium độ giàu thấp cho các nhà máy điện hạt nhân. Phần còn lại của thế giới nghi ngờ đây là một phần của chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân bí mật, nhằm cung cấp cho Iran khả năng sản xuất những vật liệu độ giàu cao để chế tạo bom. Năm 2003, ngay sau khi Tổng thống George W. Bush tuyên bố “cuộc chiến toàn cầu với khủng bố” và Mỹ xâm chiếm Iraq, Iran tuyên bố sẽ đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến làm giàu hạt nhân, như một phần trong chính sách ngoại giao với châu Âu. Nhưng khi căng thẳng khu vực gia tăng trong thập niên tiếp theo, chương trình hạt nhân Iran đã nhanh chóng phát triển. Các cường quốc phương Tây, do lo ngại sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran và cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông có thể tiếp nối, liên tiếp đưa ra các lệnh trừng phạt ngày càng hà khắc để buộc Iran phải lùi bước. Tin đồn lan truyền rằng Israel có thể tiến hành các cuộc không kích, giống như đã làm đối với một lò phản ứng của Iraq năm 1981 và một địa điểm của Syria năm 2007.
Vào tháng 07 năm 2015, Iran đã đạt được một thỏa thuận với năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) cũng như với Đức và Liên minh châu Âu. Nó đã khiến hàng ngàn máy ly tâm (máy làm giàu uranium) của Iran bị bỏ xó. Iran cũng đồng ý chỉ làm giàu uranium ở mức độ thấp không phù hợp với việc chế tạo bom và tích lũy không quá 300kg. Họ đổ bê tông vào lõi lò phản ứng nước nặng của mình tại Arak, nơi nếu không có thể đã tạo ra plutonium cho một quả bom. Và Iran đã đồng ý với một chế độ thanh sát nghiêm ngặt nhất so với bất cứ đâu trên thế giới. Đổi lại, một số lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ, mang lại sự cứu trợ cho nền kinh tế bị tổn hại của Iran.
Những người đề xuất thỏa thuận đã lập luận rằng các hạn chế này đã khiến Iran ngừng bước tại thời điểm hơn một năm nữa sẽ có thể sản xuất lượng nhiên liệu tương đương một quả bom, chứ không phải một vài tháng. Theo ông Obama, “hành động quân sự sẽ chỉ có thể làm chậm lại chương trình của Iran trong một vài năm là nhiều nhất, tương ứng với một phần nhỏ của những hạn chế được áp đặt bởi thỏa thuận này”. Và ngay cả khi Iran lừa dối, về lý thuyết, nó chỉ có thể thực hiện một cách chậm chạp để tránh bị phát hiện. Không mấy ấn tượng với điều này, những nhân vật hiếu chiến ở Mỹ, Israel và các quốc gia vùng Vịnh đã chế giễu rằng ông Obama đã cho đi quá nhiều. Họ phàn nàn rằng Iran sẽ được phép tiếp tục một vài hoạt động làm giàu và mở rộng chương trình của mình khi các hạn chế giảm đi (hạn chế đầu tiên sẽ hết hạn sau 10 năm). Trong khi đó, Iran sẽ nhận được hàng tỷ đô la vốn có thể được họ chuyển cho các nhóm chiến binh đồng minh trong khu vực.
Vào tháng 05 năm 2018, ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi JCPOA và sớm áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Iran. Các nước châu Âu hứa sẽ bảo vệ quan hệ thương mại với Iran theo cách tốt nhất có thể, nhưng hầu hết các công ty muốn hy sinh các thỏa thuận với Iran hơn là chịu nguy cơ mất công việc kinh doanh tại thị trường Mỹ. Iran đơn phương duy trì thỏa thuận hạt nhân trong một năm. Nhưng vào tháng 04 năm 2019, ông Trump đã chấm dứt các lệnh miễn trừ cho phép một số quốc gia tiếp tục mua dầu mỏ của Iran. Đó là giọt nước làm tràn ly. Vào tháng 05 năm 2019, Iran thông báo rằng họ sẽ bắt đầu rút khỏi thỏa thuận, từng điều khoản một, trừ khi châu Âu có thể bảo vệ nền kinh tế Iran.
Kể từ đó, sự thù địch giữa Mỹ và Iran đã tăng lên. Các con tàu đã bị tấn công trong hoặc gần eo biển Hormuz, nơi một phần năm sản lượng xuất khẩu dầu toàn cầu phải đi qua. Vào tháng 06, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ; các máy bay ném bom của Mỹ được bố trí cách mục tiêu ở Iran chỉ mười phút khi ông Trump kêu gọi một cuộc tấn công trả đũa. Vào tháng 07, Mỹ tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã xác minh rằng Iran đã phá vỡ giới hạn 300kg vào ngày 01 tháng 07, sau đó là ngưỡng tinh khiết 3,67% vào ngày 08 tháng 07.
Trừ khi Mỹ và Iran có thể tìm cách đàm phán một lần nữa, Iran sẽ trở lại với khả năng chế tạo bom hạt nhân; và ông Trump sẽ đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những người hiếu chiến muốn không kích Iran. Điều gì có thể ngăn chặn một trong những cơn ác mộng này trở thành hiện thực? Có lẽ là một thỏa thuận tương tự như JCPOA.