Có gì trong Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự?

Tác giả: Thôi Thanh Minh

Ngày 20/8/2019 đã diễn ra Hội nghị phổ biến Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế tổ chức. Sự kiện đã được một số báo đài đưa tin vắn tắt, có đăng tải trên website chính thức của Cục Lãnh sự. Vậy Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration, viết tắt là GCM) là gì và nó có ý nghĩa đến đâu?

GCM là một văn kiện thể hiện ý chí của lãnh đạo các nước, được xây dựng dựa trên Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững và Tuyên bố New York 2016 về người tị nạn và người di cư. GCM được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 19/12/2018 với 152 phiếu thuận, 5 phiếu chống, 12 nước không bỏ phiếu, 24 nước không dự cuộc họp bỏ phiếu. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Đây là Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư hướng đến tăng cường quản trị di cư toàn cầu nhằm ứng phó với những thách thức hiện nay của di cư và thúc đẩy sự đóng góp của người di cư đối với phát triển bền vững, qua đó hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” được nêu tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững”.

GCM nói gì?

Trong văn bản dày hơn 30 trang này, GCM nhấn mạnh 10 nguyên tắc làm kim chỉ nam: lấy con người làm trung tâm; thắt chặt hợp tác quốc tế; tôn trọng chủ quyền quốc gia; pháp quyền; phát triển bền vững; tôn trọng nhân quyền; tôn trọng các đặc điểm về giới tính; nhạy cảm đối với trẻ em; triển khai cách tiếp cận toàn chính phủ; tiếp cận toàn xã hội.

Dựa trên 10 nguyên tắc trên, GCM đề ra 23 mục tiêu để các quốc gia vươn tới. 23 mục tiêu này có thể được nhóm lại thành bốn mảng lĩnh vực lớn, đó là: đảm bảo an toàn cho người di cư cũng như an ninh các quốc gia; người di cư được hội nhập về mặt xã hội và kinh tế; thúc đẩy di cư đóng góp cho phát triển và thịnh vượng; tăng cường hợp tác giữa các chủ thể. Để đạt được những mục tiêu đó, GCM đặt ra hàng loạt các nhiệm vụ, hoạt động cần thực hiện một cách tương đối chi tiết, toàn diện cũng như đề ra được cơ chế hành động và rà soát, đánh giá việc thực hiện GCM.

GCM không tệ như người ta gán

Không có gì bất ngờ, việc bất đồng ý kiến về một vấn đề vô cùng phức tạp như di cư đã diễn ra không chỉ giữa các quốc gia mà còn rất nhiều tranh luận trái chiều trong từng nước về việc có chấp nhận GCM hay không. Khi tình hình thế giới hiện đang cực kỳ khó đoán định (unpredictable) đối với người di cư, không chỉ ở Bắc Mỹ mà còn cả châu Âu hay những đích đến mơ ước khác, những bên ủng hộ GCM khẳng định rằng, như cách diễn đạt trong một bài báo bênh vực GCM trên The Washington Post: “các dịch chuyển dân cư hiện nay, đặc biệt là dịch chuyển không mong muốn, không còn có thể được giải quyết bởi một quốc gia riêng lẻ nào”, nói cách khác, di cư là vấn đề quốc tế và các nước phải chung tay mới giải quyết được. GCM chứa đựng những lời kêu gọi tha thiết rằng cần phải nhìn nhận những đóng góp của người di cư và giá trị họ đem lại một cách thật công bằng – điều hoàn toàn có lý: ví dụ trong lĩnh vực kinh tế, người di cư đã tham gia đóng góp vào 6,7 ngàn tỷ USD vào GDP toàn cầu năm 2015, tương đương với 9,4% tổng GDP toàn cầu trong năm đó,[1] hay trong lĩnh vực khoa học, kể từ năm 2000, gần 40% tổng số người Mỹ đoạt giải Nobel là người nhập cư (thậm chí năm 2016 cả sáu người Mỹ đoạt các giải Nobel về kinh tế và khoa học đều là người nhập cư). Ít nhất thì tại GCM người ta có thể thấy được sự bao trùm rộng lớn và đa chiều của di cư để ghi nhận và có cái nhìn bớt phiến diện hơn.

Ngoài ra, có lẽ phe phản đối GCM đã quá “cả nghĩ” khi cho rằng GCM có thể biến di cư trở thành một quyền con người, tương tự như quyền được học hành chẳng hạn, hoặc có thể đánh đồng người di cư với người xin tị nạn. Điều này đã được GCM loại trừ một cách tường minh ngay trong lời văn của nó: “…người di cư và người tị nạn là các nhóm riêng biệt được quản lý bằng những khuôn khổ luật pháp khác nhau”, “chỉ người tị nạn mới được hưởng sự bảo hộ quốc tế như định nghĩa tại luật pháp quốc tế về tị nạn”. Trên thực tế, đã nhiều tháng trôi qua kể từ thời điểm GCM được thông qua, chúng ta chưa ghi nhận được sự bùng phát di cư ồ ạt nào do GCM gây ra, và cũng chưa thấy có nỗ lực nào lợi dụng diễn giải GCM để tạo ra những cuộc di cư như vậy.

Nhưng cũng không phải là bản đồ dẫn đến kho báu

Trong cuốn sách kinh điển “Sự va chạm của các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới”, tác giả Samuel P. Huntington cho rằng có ba lĩnh vực chia rẽ phương Tây với các xã hội khác, nói cách khác là ba lĩnh vực đáng chú ý gây ra sự va chạm của các nền văn minh: chống phổ biến vũ khí, lan tỏa nhân quyền và dân chủ theo kiểu phương Tây, và lĩnh vực thứ ba chính là vấn đề di cư. Huntington cũng chỉ ra rằng, khác với việc chống phổ biến vũ khí hay dân chủ nhân quyền, các nước (kể cả trong khối phương Tây hay “nền văn minh phương Tây”) có quan điểm và thái độ có thể rất khác nhau đối với vấn đề di cư trong từng giai đoạn lịch sử. Giờ đây, ta có thể lờ mờ liên tưởng đến sự cạnh tranh và va chạm âm ỉ giữa các nền văn minh và các luồng quan điểm khi nhìn lại kết quả phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc với danh sách 5 nước phản đối (Séc, Hungary, Israel, Ba Lan, đặc biệt là Mỹ) và 12 nước không bỏ phiếu (Algeria, Australia, Áo, Bulgaria, Chile, Italy, Latvia, Libya, Liechtenstein, Romania, Singapore, Thụy Sĩ), không liệt kê 152 nước ủng hộ.

Có lẽ vì rào cản không thể dỡ bỏ mang tên “lợi ích quốc gia”, GCM chỉ dừng lại ở mức độ của những lời tuyên bố cao cả và văn vẻ, bỏ ngỏ việc thực thi cho ý chí, pháp luật và chính sách của từng nước. GCM không phải là một công ước quốc tế, không ràng buộc về pháp lý, không tạo nghĩa vụ buộc các quốc gia phải thay đổi cách nhìn hay nội luật của mình. Tờ The Economist viết: GCM “là một văn bản nhạt nhẽo. 23 mục tiêu của nó được rải rắc bằng những tuyên bố mơ hồ, những lời vô vị và những quan điểm khác biệt”, nó “hối thúc các nước hợp tác trong những lĩnh vực xuyên biên giới đầy rắc rối trong khi lại chẳng buộc các nước phải làm gì cả”. Giáo sư Thomas Bauer (German Foundations on Integration and Migration) thì trả lời Forbes rằng, đối với Đức, gần như chẳng có gì GCM khuyến nghị mà Đức chưa làm.

Nói tóm lại, Thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn, trật tự đã vẽ ra một ước mơ và lý tưởng chung đầy sáng lạn để các nước và các bên liên quan cùng hướng tới. Tuy nhiên, từ mơ ước đến hiện thực còn cả một chặng đường dài đầy chướng ngại, việc đi đến đó phụ thuộc cả vào nỗ lực và chính sách của từng quốc gia.

————

[1] IOM Global Migration Indicators 2018 (dẫn nghiên cứu của McKinsey).