Nguồn: Joseph S. Nye, “Trump’s Effect on US Foreign Policy”, Project Syndicate, 04/09/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
Hành vi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp G7 gần đây ở Biarritz đã bị chỉ trích là bất cẩn và gây rối loạn bởi nhiều nhà quan sát. Những người khác lập luận rằng báo chí và các học giả chú ý quá mức đến những trò hề cá nhân, các dòng tweet và các trò chơi chính trị của Trump. Họ lập luận, về lâu dài, các nhà sử học sẽ chỉ coi những hành động đó là những chuyện vặt. Câu hỏi lớn hơn là liệu tổng thống Trump có chứng tỏ mình là một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, hay cũng chỉ là một sự thay đổi nhỏ trong lịch sử mà thôi.
Cuộc tranh luận hiện tại về Trump làm dấy lên một câu hỏi đã có từ lâu: Liệu các kết quả lịch sử quan trọng là sản phẩm từ sự lựa chọn của con người hay chúng chủ yếu xuất phát từ các yếu tố cấu trúc chi phối được tạo ra bởi các lực lượng kinh tế và chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta?
Một số nhà phân tích ví dòng chảy lịch sử với một dòng sông ào ạt, được định hình bởi khí hậu, lượng mưa, địa chất và địa hình, chứ không phải bởi bất cứ thứ gì mà nó mang theo. Nhưng ngay cả khi điều này là sự thật, con người không đơn giản giống như những con kiến bám vào một khúc gỗ bị cuốn theo dòng chảy. Họ giống như những người chèo thuyền trên mặt nước trắng xóa cố gắng lèo lái và chống đỡ những tảng đá, đôi khi bị lật và đôi khi thành công trong việc chèo lái con thuyền đến một đích mong muốn.
Hiểu được các lựa chọn và thất bại của các nhà lãnh đạo trong chính sách đối ngoại Mỹ trong thế kỷ vừa qua có thể giúp chúng ta có cơ sở tốt hơn để đối phó với những câu hỏi mà chúng ta gặp phải ngày nay về nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Các nhà lãnh đạo ở mọi thời đại đều nghĩ rằng họ đang đối phó với những lực lượng thay đổi vô tiền khoáng hậu, nhưng bản chất con người vẫn không đổi. Lựa chọn có thể quan trọng; việc không hành động cũng có thể có những tác động lớn tương tự như khi hành động. Việc các nhà lãnh đạo Mỹ không có hành động gì trong những năm 1930 đã góp phần gây ra thảm họa trần gian (Thế chiến II); cũng giống như việc các tổng thống Mỹ đã từ chối sử dụng vũ khí hạt nhân khi Hoa Kỳ vẫn còn nắm độc quyền về chúng.
Vậy những lựa chọn quan trọng như vậy được định hình bởi tình huống hay con người? Nhìn lại một thế kỷ trước, Woodrow Wilson đã phá vỡ truyền thống và gửi các lực lượng Hoa Kỳ đến chiến đấu ở châu Âu, nhưng điều đó cũng có thể đã xảy ra dưới thời một nhà lãnh đạo khác (giả sử như Theodore Roosevelt). Sự khác biệt lớn trong trường hợp Wilson nằm ở giọng điệu đạo đức trong quá trình biện minh của ông, và sự khăng khăng bướng bỉnh, phản tác dụng, của ông về việc Hoa Kỳ phải tham gia đầy đủ vào Hội Quốc Liên. Một số người đổ lỗi chủ nghĩa đạo đức của Wilson cho việc Mỹ quay lại với chủ nghĩa biệt lập trong những năm 1930.
Franklin D. Roosevelt đã không thể đưa Hoa Kỳ tham gia Thế chiến II cho đến khi trận Trân Châu Cảng nổ ra, và điều đó cũng có thể đã xảy ra ngay cả dưới thời một tổng thống theo chính sách biệt lập, bảo thủ. Tuy nhiên, việc Roosevelt đóng khung mối đe dọa do Hitler gây ra, cũng như sự chuẩn bị của ông nhằm đối mặt với mối đe dọa đó, đóng vai trò rất quan trọng trong sự tham gia của Mỹ vào cuộc chiến ở châu Âu.
Sau Thế chiến II, cấu trúc lưỡng cực của hai siêu cường đặt ra khuôn khổ cho Chiến tranh Lạnh. Nhưng phong cách và thời điểm của các phản ứng của Mỹ có thể đã khác nếu Henry Wallace (người mà Roosevelt đã loại khỏi chức phó tổng thống năm 1944), thay vì Harry Truman, trở thành tổng thống Mỹ. Sau cuộc bầu cử năm 1952, một người theo chủ nghĩa biệt lập như Robert Taft hoặc một tổng thống quyết đoán như Douglas MacArthur có thể đã phá vỡ sự củng cố tương đối suôn sẻ của chiến lược ngăn chặn của Truman, một chính sách được người kế nhiệm của ông, Dwight D. Eisenhower, tiếp tục duy trì.
John F. Kennedy có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba, và sau đó ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân đầu tiên. Nhưng ông và Lyndon B. Johnson đã khiến Mỹ sa lầy vào những thất bại không cần thiết và tốn kém trong Chiến tranh Việt Nam. Vào cuối thế kỷ, các lực lượng cấu trúc đã gây ra sự suy yếu của Liên Xô và Mikhail Gorbachev đã đẩy nhanh sụp đổ của nước này. Nhưng kỹ năng đàm phán và chương trình xây dựng quốc phòng của Ronald Reagan, cũng như kỹ năng của George H.W. Bush về quản lý khủng hoảng, cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại kết thúc hòa bình cho Chiến tranh Lạnh.
Nói cách khác, các nhà lãnh đạo và kỹ năng của họ có vai trò quan trọng. Theo một nghĩa nào đó, đây là tin xấu, bởi vì điều đó có nghĩa là các hành vi của Trump khó có thể dễ dàng bị bỏ qua. Quan trọng hơn các tweet của Trump là việc ông ta làm suy yếu các thể chế, liên minh cũng như sự hấp dẫn từ sức mạnh mềm của Mỹ, điều mà các cuộc thăm dò cho thấy đã suy giảm dưới thời Trump. Ông là tổng thống đầu tiên sau 70 năm đã quay lưng lại với trật tự quốc tế tự do mà Mỹ tạo ra sau Thế chiến II. Tướng James Mattis, người đã từ chức sau khi giữ cương vị bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Trump, gần đây đã than thở về việc tổng thống lơ là các liên minh.
Các tổng thống cần sử dụng cả sức mạnh cứng và mềm, kết hợp chúng theo những cách bổ sung chứ không phải loại bỏ lẫn nhau. Kỹ năng chính trị thực dụng và tổ chức là rất cần thiết, nhưng quan trọng không kém là trí tuệ cảm xúc, thứ tạo ra các kỹ năng tự nhận thức và tự kiểm soát, cũng như sự nhạy cảm tình huống, thứ cho phép các nhà lãnh đạo hiểu được môi trường đang chuyển biến, tận dụng các xu hướng và áp dụng các kỹ năng khác của mình cho phù hợp. Trí thông minh cảm xúc và sự nhạy cảm tình huống không phải là các thế mạnh của Trump.
Nhà lý luận về kỹ năng lãnh đạo Gautam Mukunda đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo được sàng lọc cẩn thận thông qua các quá trình chính trị vững chắc có xu hướng có thể dự đoán được. George H.W. Bush là một ví dụ tốt. Những người khác không được sàng lọc, và cách họ thực hiện quyền lực là rất khác nhau. Abraham Lincoln là một ứng cử viên tương đối chưa được sàng lọc nhưng là một trong những tổng thống tốt nhất của Mỹ. Trump, người chưa bao giờ nắm cương vị nào trong chính quyền trước khi giành chức tổng thống và tham gia chính trị với vốn liếng trong ngành truyền hình thực tế và bất động sản ở New York, đã chứng tỏ là có kỹ năng phi thường trong việc làm chủ phương tiện truyền thông hiện đại, thách thức các nhận thức thông thường và tạo ra những thay đổi sáng tạo đầy rối loạn. Trong khi một số người tin rằng điều này có thể tạo ra kết quả tích cực, ví dụ như với Trung Quốc, thì những người khác vẫn còn hoài nghi.
Vai trò của Trump trong lịch sử có thể phụ thuộc vào việc ông có tái đắc cử hay không. Thể chế, niềm tin và sức mạnh mềm có nhiều khả năng bị xói mòn nếu ông ta ở lại Nhà Trắng trong tám năm chứ không phải bốn năm. Nhưng trong cả hai trường hợp, người kế nhiệm ông sẽ đối đầu với một thế giới đã thay đổi, một phần vì những tác động từ các chính sách của Trump, một phần vì các thay đổi lớn trong cấu trúc quyền lực chính trị thế giới, chuyển từ Tây sang Đông (sự trỗi dậy của Châu Á) và từ chính phủ sang các tác nhân phi nhà nước (được tăng thêm sức mạnh bởi trí tuệ nhân tạo và mạng internet). Như Karl Marx đã nhìn nhận, chúng ta làm nên lịch sử, nhưng không phải theo những điều kiện do chính chúng ta lựa chọn. Chính sách đối ngoại của Mỹ sau Trump vẫn còn là một câu hỏi mở.
Joseph S. Nye, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, hiện là Giáo sư Đại học Havard. Ông là tác giả của cuốn Is the American Century Over?