Nùng Trí Cao đánh Tống (P1)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Cuộc trường chinh từ Ung Châu đến Quảng Châu

Năm 1048 Nùng Trí Cao giao tranh với quân nhà Lý bất lợi, bèn xin hàng để củng cố nội bộ; rồi quay sang gây hấn với Trung Quốc. Cuộc chiến tuy châm ngòi vào năm 1049, nhưng sau đó tạm hòa; để rồi bùng nổ khốc liệt trong năm 1052. Trong vòng 1 năm, đạo quân bách chiến bách thắng của Nùng Trí Cao lần lượt chiếm từng thành từ Ung Châu [Nam Ninh] đến Quảng Châu; rồi lại quay trở về Ung Châu, cuối cùng bị tiêu diệt bởi kỵ binh của Địch Thanh tại Qui Nhân Phố. Tục Tư Trị Thông Giám Trường Biên của Lý Đào chép về cuộc chiến khởi sự như sau:

Trường Biên, quyển 167. Năm Hoàng Hựu thứ nhất [1049]                    

Ngày Ất Tỵ tháng 9 [14/10/1049], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ báo man Quảng Nguyên cướp phá Ung Châu; chiếu ban cho các lộ Giang Nam [tỉnh Giang Tây], Phúc Kiến phát binh phòng bị.

Châu Quảng Nguyên vị trí tại phía tây nam Ung Châu, thượng nguồn sông Uất,[1] đất hiểm trở, sản xuất vàng, chu sa, sống cư tụ. Dân búi tóc phía bên trái, thiện chiến, coi thường cái chết, ham làm loạn. Tổ tiên họ Vi, họ Hoàng, họ Chu, họ Nùng làm thủ lãnh, tranh nhau cướp phá; Kinh lược sứ đời Đường Từ Thân Hậu chiêu phủ. Họ Hoàng nạp chức cống, nên 13 bộ, 29 châu đều yên định. Từ khi man Giao Chỉ chiếm cứ An Nam,[2] châu Quảng Nguyên tuy do Ung Châu ràng buộc ky my, nhưng kỳ thực phục dịch Giao Chỉ.

Trước kia có Nùng Toàn Phúc giữ chức Tri châu Thảng Do,[3] em là Tồn Lục Tri châu Vạn Nhai,[4] em vợ Toàn Phúc là Nùng Đương Đạo Tri châu Vũ Lặc. Một hôm Toàn Phúc giết Tồn Lục, Đương Đạo, thôn tính đất đai. Giao Chỉ giận, mang binh bắt Toàn Phúc, cùng con là Trí Thông mang về. Vợ là A Nùng vốn người châu Vũ Lặc, Tả Giang; A Nùng rời đến châu Thảng Do, Toàn Phúc lấy làm vợ. Khi Toàn Phúc bị bắt, A Nùng bèn lấy thương nhân, sinh ra Trí Cao. Lúc Trí Cao 13 tuổi, giết người cha thương nhân, và bảo rằng:

Trong thiên hạ há lại có người 2 cha!’

Nhân mạo họ là Nùng, cùng mẹ đến ở động Lôi Hỏa;[5] người mẹ lại lấy Nùng Hạ Khanh, người đạo Đặc Ma. Lâu sau đó, Trí Cao lại cùng người mẹ đến chiếm châu Thảng Do, lập nước gọi là Đại Lịch. Giao Chỉ lại chiếm châu Thảng Do, bắt Trí Cao, rồi tha, cho làm Tri châu Quảng Nguyên. Lại lấy động Lôi Hỏa, 4 động Tần Ba, cùng châu Tư Lang[6] cho phụ thêm. Nhưng trong lòng oán Giao Chỉ, 4 năm sau bèn chiếm châu An Đức, tiếm xưng là nước Nam Thiên,cải niên hiệu Cảnh Thụy; rồi xin nội phụ triều Tống, nhưng chưa được, bèn bắt đầu cướp phá.[7]

Trong trận đánh đầu tiên với quân Tống, quân Nùng Trí Cao bắt được viên Chỉ sử Ung Châu Nguyên Bân; viên này khuyên Nùng Trí Cao nên theo Trung Quốc. Trí Cao bèn dâng biểu xin cống, nhưng triều Tống cho rằng đất Quảng Nguyên vốn thuộc nước Đại Cồ Việt, nên từ chối:

Trường Biên, quyển 170. Năm Hoàng Hựu thứ 3 [1051]

Ngày Ất Dậu tháng 2 [18/3/1051], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ tâu Nùng Trí Cao, man châu Quảng Nguyên xin nội thuộc. Chiếu ban Chuyển vận sứ, cùng Đề điểm hình ngục lộ này, Ty kiềm hạt, tâu trình đầy đủ những điều lợi hại.

Trước đó Giao Chỉ phát binh đánh Trí Cao, nhưng không dẹp được. Bấy giờ Chuyển vận sứ Tiêu Cố người đất Tân Dụ [ thuộc Giang Tây] sai Chỉ sử Ung Châu Nguyên Bân thám thính; nhưng Bân tự tiện đánh Trí Cao, nên bị bắt. Bị thẩm vấn tin tức về Trung Quốc, Bân trình bày đại lược và khuyên Trí Cao nội phụ. Bèn tha cho Bân về, rồi dâng biểu xin hàng năm cống sản vật địa phương. Triều đình cho rằng Quảng Nguyên lệ thuộc Giao Chỉ, nên chưa chấp thuận. Tiêu Cố tâu:

Người man thấy lợi thì động tâm, tất giữ cái chiếm được, thần không thể làm gì hơn. Nhưng xem ra hiện tại, Trung Quốc chưa thể gây sự với bọn man; đối với bọn Trí Cao nên chiêu phủ mà thôi. Vả lại tài năng về vũ lực, Giao Chỉ không thể tranh đấu chế ngự được. Cho dù chúng tranh nhau, thì ta cũng yên bình vô sự thôi.’

Cuối cùng triều đình không nghe lời Cố. Những lời Tiêu Cố, lấy từ mộ bia Vương An Thạch.[8]

Nùng Trí Cao dâng biểu hiến voi và vàng, Vua Tống sai viên Chuyển vận sứ Quảng Tây cho biết trong trường hợp đưa đồ cống gộp chung với Sứ thần nhà Lý thì chấp thuận, nhưng Trí Cao không tuân:

Trường Biên, ngày Qui Dậu tháng 3 [5/5/1051], Chuyển vận ty Quảng Nam Tây Lộ tâu rằng Nùng Trí Cao dâng biểu hiến voi thuần, cùng vàng bạc các loại sống và luyện.[9] Chiếu ban Chuyển vận sứ và Kiềm hạt ty cho dừng lại; và lấy tư cách Ty chuyển vận đáp rằng châu Quảng Nguyên lệ thuộc vào Giao Chỉ, nếu đưa gộp với nước này cùng tiến phụng thì chấp nhận.”[10]

Bấy giờ Trí Cao giận vì bị khước từ, lại có 2 viên Tiến sĩ Trung Quốc bất mãn với triều Tống đến kết đảng xúi dục, nên quyết định tập kích trại Hoành Sơn, vị trí bên dòng sông Hữu Giang cách thành Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] khoảng 20km về phía tây:

Trường Biên, quyển 172. Năm Hoàng Hựu thứ 4 [1052]

Ngày Bính Tuất tháng 4 [12/5/1052], trước đó Nùng Trí Cao cống sản vật địa phương xin nội thuộc, bị triều đình khước từ. Sau đó dâng thư viết trên vàng lá, Tri Ung Châu Trần Cung tâu lên, nhưng không được trả lời. Trí Cao đã xin không được, lại cừu địch với Giao Chỉ, bèn dựa vào lợi thế sông núi đất Quảng Nguyên, chiêu tập những thành phần vong mệnh. Mấy lần mang y phục cũ xin đổi gạo ăn, nói dối rằng dân trong động đói, bộ lạc ly tán; Ung Châu tin rằng chúng yếu nhược, nên không phòng bị. Bèn cùng với các viên Tiến sĩ đất Quảng Châu [Quảng Đông] Hoàng Vi, Hoàng Sư Mật; cùng đồng đảng Nùng Kiến Hầu, Nùng Chí Trung, ngày đêm mưu vào cướp phá. Một buổi chiều, đốt sạch sào huyệt, lừa dối bảo bộ hạ rằng:

Từ lâu nay tích tụ, nay thiên tai thiêu hủy, không còn gì để sống, kế cùng rồi. Cần phải đánh Ung Châu, chiếm cứ Quảng Châu làm Vương; nếu không thì chết.’

Vào ngày này, mang 5.000 quân xuôi dòng sông Uất tiến sang phía đông, đánh chiếm trại Hoành Sơn.[11] Trại chủ Hữu thị cấm Trương Nhật Tân, Ung Châu Đô tuần kiểm tả ban điện trực Cao Sĩ An, Khâm Hoành châu đồng tuần kiểm hữu ban điện trực Ngô Hương đều tử trận.”[12]

Sau khi chiếm Hoành Sơn, vào 19 ngày sau chiếm nốt Ung Châu; nếu trừ hao thời gian di chuyển, việc đánh hạ thành tương đối nhanh. Ung Châu là thành lớn, ắt phải có quân phòng thủ bên ngoài; do bởi quân Trí Cao với đồng phục màu ráng, trông dữ tợn, với chiến thuật một tay cầm thuẫn che ngực, một tay cầm gươm đao đâm chém, nên tên bắn vô sự, xông lên như một bức thành di động nên khí thế rất mạnh; riêng quân Tống yếu nhược, thiếu tinh thần, khiến mau tan rã. Thành bị hãm, trong lúc viên Chủ soái Trần Cung còn đang mở tiệc mừng đạo quân mới đến tăng viện:

Trường Biên, quyển 172. Ngày mồng một Ất Tỵ tháng 5 [31/5/1052]. Nùng Trí Cao đánh chiếm Ung Châu, bắt Tri châu Bắc tác phòng sứ Trần Cung, Thông phán điện trung thừa Vương Càn Hữu, Quảng Tây đô giám Trương Lập.

Trước đó giặc vây thành, Cung ra lệnh cho Càn Hữu giữ cửa Lai Viễn; Quyền đô giám tam ban phụng chức Lý Túc giữ cửa Đại An, Chỉ sử Vũ Cát giữ cửa Triều Thiên. Trương Lập từ Tân Châu[13] đến tăng viện; khi mới đến, Cung cho khao quân tại trên thành, lúc đang uống rượu thì thành phá. Cung, Lập, Càn Hữu, cùng Tiết độ suy quan Trần Phụ Nghiêu, Quan sát suy quan  Đường Giám, Ty hộ tham quân Khổng Tông Đán đều bị bắt, quân tử trận 1.000 người. Trí Cao duyệt kho quân tư, bắt được thư dát vàng gửi cho triều đình, tức giận bảo Cung rằng:

Ta xin nội thuộc, muốn một chức quan để cai trị các bộ lạc, người không đưa lên là tại sao?’

Cung đáp, đã từng tâu nhưng triều đình không trả lời; Cao đòi xem bản thảo tờ tâu nhưng không thấy, bèn dắt Cung ra ngoài. Cung mắt đau, không thấy gì, kinh hoảng hô “Vạn tuế” mong được tha, nhưng vẫn bị giết. Rồi lại giết hại luôn bọn Lập, Càn Hữu, Phụ Nghiêu, Giám, Tông Lập. Lập bị hành hình, chửi to không khuất phục; hơn tháng sau, tìm được thi thể, trông như còn sống. Còn Lý Túc, Vũ Cát, Vũ Duyên Lệnh, Mai Vi Chi, Chi sử Tô Tòng vốn quen với giặc Hoàng Sư Mật, nên được miễn. Lúc Trí Cao chưa làm phản, có bạch khí bay lên giữa sân Ung Châu, nước sông dâng lên; Tông Đán cho rằng có điềm về việc binh, đoán rằng Trí Cao sẽ làm phản, bèn gửi thư cho Cung, nhưng Cung không nghe. Tông Đán tiếp tục báo động, Cung giận, trách rằng:

Ty hộ điên ư!’

Đến lúc Trí Cao phá trại Hoành Sơn, Đán bèn cho gia đình di tản đến Quế Châu [Quế Lâm, Quảng Tây] và bảo rằng:

Ta có việc quan không đi được, không có nhiệm vụ thì đừng chết theo.”

Giặc bắt Tông Đán, muốn giao việc cho, Tông Đán chửi rồi bị giết. Tông Đán người đất Lỗ [tây nam tỉnh Sơn Đông], trước kia làm quan tại Đông Kinh, cùng với bọn Lý Đạo, Từ Trình, Thượng Đồng 4 người làm tai mắt cho Giám ty, bị nhiều người ghét; nhưng giữ tiết được như vậy.

Sau khi Trí Cao chiếm được Ung Châu, lập nước ngụy Đại Nam, tiếm hiệu là Nhân Huệ Hoàng đế, cải niên hiệu Khải Lịch, tuyên bố xá tội; bọn Sư Mật trở xuống đều được chức quan giống như Trung Quốc.”[14]

Sau khi chiếm xong thành Ung châu, quân Trí Cao dùng thuyền xuôi dòng sông Uất, kế tiếp là sông Tây Giang, thủy trình trên 500 km xuống tận Quảng Châu [Quảng Đông]; liên tục đánh phá 9 châu: Hoành, Quí, Cung, Tầm, Đằng, Ngô, Phong, Khang, Đoan trong vòng hơn 1 tháng; có thể gọi đây là một cuộc hành quân lướt gió, nhanh chóng như qua chỗ không người. Sử liệu cung cấp chi tiết như sau:

-“Trường Biên, quyển 172, ngày Quí Sửu tháng 5 [8/6/1052]. Nùng Trí Cao chiếm Hoành Châu [huyện Hoành tỉnh Quảng Tây], Tri châu Điện trung thừa Trương Trọng Hồi, Giám áp đông đầu cung phụng quan Vương Nhật Dụng đều bỏ thành.”[15]

-“Trường Biên, quyển 172, ngày Bính Thìn [11/6/1052], vào chiếm Quí Châu [huyện Quí tỉnh Quảng Tây]; Tri châu Bí thư thừa Lý Cư bỏ thành.”[16]

-“Trường Biên, quyển 172, ngày Canh Thân [15/6/1052], vào Cung Châu [huyện Bình Nam tỉnh Quảng Tây], Tri châu Điện trung thừa Trương Tự bỏ thành.”[17]

-“Trường Biên, quyển 172, ngày Tân Dậu [16/6/1052], vào Đằng Châu [huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây], rồi vào Ngô Châu [Ngô Châu Thị, tỉnh Quảng Tây], Phong Châu [Phong Khai, tỉnh Quảng Tây]. Tri Đằng Châu Thái tử trung xá Lý Thực, Tri Ngô Châu Bí thư thừa Giang Tư đều bỏ thành.

Tri Phong Châu Thái tử trung xá Tào Cận chết. Người dân Phong Châu chưa từng biết việc binh; quân lính chỉ có 100 người không quen chiến trận, không có thành quách để phòng thủ. Có kẻ khuyên Tào Cận nên tránh giặc; Cận nghiêm mặt bảo:

Ta là quan giữ lãnh thổ, chỉ biết chết mà thôi, ai bảo tránh giặc sẽ chém.

Rồi ra lệnh Đô giám Trần Hoa mang quân đánh giặc, viên Lệnh Phong Châu đốc suất dân đinh cùng lính bắn cung kế tục tiến. Giặc đông đến hàng trăm lần, quân Hoa thua chạy, dân đinh cũng tan, Cận đốc suất tùy tòng đánh nhưng thua rồi bị bắt. Giặc không giết, nắm đầu bắt bái rồi dụ dỗ:

Theo ta, sẽ được chức quan tốt, cho cầm quân, tìm gái gả cho.”

Cận không chịu bái, mắng lại rằng :

Làm bầy tôi chỉ hướng về phương bắc bái Thiên tử, ta há lại theo người để sống cẩu thả ư; mong các người mau giết ta.”

Giặc còn tiếc chưa giết, bèn đưa xuống thuyền. Cận không ăn trong 2 ngày, rồi lấy ấn chương dấu trong túi giao cho viên lính hầu và dặn:

Ta sẽ chết, hãy tìm đường tắt đưa vật này dâng lên quan.”

Giặc biết rằng Cận không muốn hàng, bèn giết; cho đến lúc gần chết vẫn chửi không ngừng. Rồi giặc ném thây xuống sông; Cận mất năm 35 tuổi.”[18]

-“Trường Biên, quyển 172, ngày Nhâm Tuất [17/6/1052], quân Trí Cao vào đánh Khang Châu; viên Tri châu Thái tử hữu tán thiện đại phu Triệu Sư Đán, Giám áp hữu ban điện trực Mã Quí đều chết. Sư Đán là cháu Sư Tích.

Sau khi giặc đánh phá Ung Châu bèn xuôi dòng sông sang phía đông, Sư Đán sai người trinh sát giặc, khi họ trở về báo rằng:

“Các châu phòng thủ đều bỏ thành chạy.”

Sư Đán la lên:

Ngươi lại muốn ta bỏ chạy ư!”

Bèn cho làm cuộc lục soát lớn, bắt được 3 điệp viên, đem ra chém để răn. Nhưng giặc kéo đến đầy thành, Sư Đán chỉ có 300 quân, vẫn mở cửa nghênh chiến, giết được mấy chục tên. Đến chiều, áp lực quân giặc hơi giảm; Sư Đán sai vợ mang con đi trốn cùng mang ấn tín theo và bảo rằng:

Hôm sau đại quân giặc sẽ đến, ta biết rằng không địch nổi, nhưng không thể trốn; nàng ở lại đây chết, vô ích.”

Bèn cùng với quân lính dưới quyền Mã Quí cố thủ thành. Sư Đán bảo Quí đi ăn, Quí không ăn nổi; một mình Đán ăn no như bình thường; đêm Quí nằm không yên chiếu, riêng Đán ngáy như sấm. Đến sáng, giặc đánh thành gấp; kẻ xung quanh khuyên nên tránh né; Sư Đán nói:

“Bị giặc giết, hoặc đánh giặc chết, cái nào hơn!”

Quân lính đều bảo:

“Nguyện vì nước tử chiến.”

Cho đến lúc thành bị phá, không một ai trốn. Tên hết, Đán cùng Quí quay trở về ngồi tại công đường. Trí Cao điều binh la hét, tranh vào uy hiếp, Sư Đán chửi lớn:

Bọn man liêu đói! Triều đình có gì phụ bạc các người đâu, lại dám làm phản? Khi Thiên tử phạt một đạo binh đến, thì bọn người không còn!”

Trí Cao giận, bắt giết Đán cùng Quí.”[19]

-“Trường Biên, quyển 172, ngày Quí Hợi [18/6/1052], quân Trí Cao vào Đoan Châu [Triệu Khánh, Quảng Đông], viên Tri châu Thái thường bác sĩ Đinh Bảo Thần bỏ thành chạy; Bảo Thần người đất Tấn Lăng [Thường Châu, Giang Tô]. Âu Dương Tu, Vương An Thạch soạn mộ bia cho Bảo Thần đều ghi Bảo Thần từng  xuất chiến, đánh bắt được giặc, nhưng cuối cùng không thắng; đó chỉ là những lời văn chương che đậy tội, không đúng sự thực, nên không đưa vào sử.”[20]

Sau khi đánh chiếm Đoan Châu, chỉ mấy ngày sau Trí Cao xua quân vây thành Quảng Châu, khiến dân chúng vùng phụ cận thành hoảng hốt, phải đạp nhau, tranh vào thành để tỵ nạn.

(còn tiếp)

———————

[1] Sông Uất: do 2 sông Tả Giang và Hữu Giang hợp lại tại phía tây nam Nam Ninh thị, tỉnh Quảng Tây.

[2] Ý chỉ thời Khúc Thừa Dụ dành quyền tự chủ cho nước Việt Nam.

[3] Châu Thảng Do: theo sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu của Cố Tố Vũ, châu Thảng Do giáp châu Quảng Nguyên.

[4] Châu Vạn Nhai: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Châu Vạn Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên. Xưa gọi là châu Vạn Nhai (nhai là sườn núi); nhà Lý gọi là Vạn Nhai (nhai là bến nước); khi thuộc Minh gọi là Vũ Lễ; nhà Lê gọi là Vũ Nhai, tức là châu Vũ Nhai ngày nay.

[5] Động Lôi Hỏa: theo sách Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu của Cố Tố Vũ, động Lôi Hỏa ở phía tây bắc phủ Lạng Sơn, khoảng giữa châu Quảng Nguyên và châu Thảng Do.

[6] Châu Tư Lang: theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Tư Lang trước thuộc tỉnh Thái Nguyên, bây giờ thuộc tỉnh Cao Bằng. Nhà Lý gọi là Tư Lang; nhà Trần vẫn theo như trước; khi thuộc Minh chia làm Thượng Tư Lãng và Hạ Tư Lãng; nhà Lê đổi làm Thượng Lang và Hạ Lang, tức là huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang bây giờ.

[7] 乙巳,廣南西路轉運司言廣源州蠻寇邕州,詔江南、福建等路發兵備之。廣源州在邕州西南鬱江之源,地峭絕深阻,產黃金、丹砂,頗有邑居聚落。俗椎髻左衽,善戰鬥,輕死好亂。其先韋氏、黃氏、周氏、儂氏為酋領,互相劫掠,唐邕管經略使徐申厚撫之。黃氏納職貢,而十三部二十九州之蠻皆定。自交趾蠻據有安南,而廣源雖號邕管西羈縻州,其實服役於交趾。

初,有儂全福者知儻猶州,其弟存祿知萬涯州,全福妻弟儂當道知武勒州。一日,全福殺存祿、當道,并有其地。交趾怒,舉兵擄全福及其子智聰以歸。其妻阿儂,本左江武勒族也,按宋史蠻貊傳及王惟儉宋史記,俱作左江,原本作佐江,誤,今改正。轉至儻猶州,全福納之。全福見擄,阿儂遂嫁商人,生子名智高。智高生十三年,殺其父商人,曰:「天下豈有二父耶?」因冒姓儂,與其母奔雷火洞,其母又嫁特磨道儂夏卿。久之,智高復與其母出據儻猶州,建國曰大曆。交趾復拔儻猶州,執智高,釋其罪,使知廣源州。又以雷火、頻婆四洞案宋史蠻貊傳及王惟儉宋史記,皆作頻婆,原本作平婆,誤。今改正。及思浪州附益之。然內怨交趾,居四年,遂襲據安德州,僭稱南天國,改年景瑞。求內附,未即得,於是始入寇。

[8] 乙酉,廣南西路轉運司【二】言,廣源州蠻儂智高請內屬,詔轉運使與本路提點刑獄、鈐轄司具利害以聞。

初,交趾發兵討智高,不克,轉運使新喻蕭固遣邕州指使亓贇往刺候,而贇擅發兵攻智高,為所執。因問中國虛實,贇頗為陳大略,說智高內屬。乃遣贇還,奉表請歲貢方物。朝廷以其役屬交趾,未聽也。固言智高必為南方患,願賜一官以撫之,且使抗交趾。詔問固能保交趾不爭智高,智高終不內寇,則具以聞。固言:「蠻人見利則動,必保其往,非臣所能。顧今中國勢未可以有事於蠻方,如智高者,宜撫之而已。且智高才武強力,非交趾所能爭而畜也。就其能爭,則蠻人方自相攻,吾乃得以閒而無事矣。」朝廷訖不從固言。蕭固云云,據王安石墓誌增入。

[9] Nguyên văn “sinh thục kim ngân生熟金銀”: sinh kim là loại vàng lấy từ mỏ lên, chưa tôi luyện; thục kim, loại vàng rộng đã qua tôi luyện; sinh ngân là loại bạc lấy từ mỏ lên, chưa tôi luyện; thục ngân loại bạc đã luyện.

[10] 癸酉,廣南西路轉運司言儂智高奉表獻馴象及生熟金銀。詔轉運鈐轄司止作本司意答以廣源州本隸交趾,若與其國同進奉,即許之。

[11] Trại Hoành Sơn: thuộc huyện Tuyên Hóa, phía tây Ung Châu [ Nam Ninh, Quảng Tây], khác với huyện Hoành tại phía đông Nam Ninh.

[12] 初,儂智高貢方物,求內屬,朝廷拒之。後復貢金函書以請,知邕州陳珙上聞,亦不報。智高既不得請,又與交趾為仇,且擅廣源山澤之利,遂招納亡命,數出弊衣易穀食,紿言峒中饑,部落離散,邕州信其微弱,不設備也。乃與廣州進士黃瑋、黃師宓及其黨儂建侯、儂志中等案宋史作儂志忠。日夜謀入寇。一夕,焚其巢穴,紿其眾曰:「平生積聚,今為天火所災,無以為生,計窮矣。當拔邕州,據廣州以自王,否則必死。」是日【三二】,率眾五千沿鬱江東下,攻破橫山寨,寨主右侍禁張日新,邕州都巡檢、左班殿直高士安,欽橫州同巡檢、右班殿直吴香死之。

[13] Tân Châu: châu tại phía đông bắc Ung Châu, nay gọi là huyện Tân Dương, Quảng Tây.

[14] 五月乙巳朔,儂智高破邕州,執知州、北作坊使陳珙,通判、殿中丞王乾祐,廣西都監、六宅使張立。
初,賊圍城,珙令乾祐守來遠門,權都監、三班奉職李肅守大安門,指使武吉守朝天門。張立自賓州來援,既入,珙犒軍城上,酒行而城破。珙、立、乾祐及節度推官陳輔堯、觀察推官唐鑑、司戶參軍孔宗旦皆被執,兵死者千餘人。智高閱軍資庫,得所上金函,怒謂珙曰:「我請內屬,求一官以統攝諸部,汝不以聞,何也?」珙對嘗奏不報,索奏草,不獲,遂扶珙出。珙病目,不能視,惶恐呼萬歲,求自效,不聽,并立、乾祐、輔堯、鑑、宗旦害之。立臨刑,大罵不為屈,逾月,得其尸,面如生【三三】。而李肅、武吉、武緣令梅微之、支使蘇從與賊黃師宓有舊,獲免。當智高未反時,邕州有白氣出庭中,江水溢,宗旦以為兵象,度智高必反,以書告珙,珙不聽,宗旦言不已,珙怒,詆之曰:「司戶狂耶!」及智高破橫山寨,即載其親桂州,曰:「吾有官守,不得去,無為俱死也。」既而賊執宗旦,欲任以事,宗旦叱賊,且大罵,遂被害。宗旦,魯人,始官京東,與李道、徐程、尚同等四人為監司耳目,號為「四〈目牚〉」【三四】,人多惡之,然其立節乃如此.
智高既得邕州,即偽建大南國,僭號仁惠皇帝,改年啟曆,赦境內,師宓以下皆稱中國官名。

[15] 癸丑,儂智高入橫州,知州殿中丞張仲回、監押東頭供奉官王日用棄城。

[16] 丙辰,入貴州,按原本作「費州」。考宋史地里志廣南西路無費州,乃「貴」字之誤,今改正。知州、祕書丞李琚棄城。

[17] 庚申,入龔州,知州、殿中丞張序棄城.

[18] 辛酉,入藤州;又入梧州、封州,知藤州、太子中舍李植,知梧州、祕書丞江鎡,並棄城。知封州、太子中舍曹覲死之。封州人未嘗知兵,士卒才百人,不任鬥,又無城隍以守,或勸覲避賊,覲正色叱之曰:「吾守臣也【四一】,有死而已,敢言避賊者斬。」麾都監陳曄引兵迎擊賊,封川令率鄉丁、弓手繼進【四二】。賊眾數百倍,曄兵敗走,鄉丁亦潰,覲率從卒決戰不勝,被執。賊戒勿殺,捽使拜,且誘之曰:「從我,得美官,付汝兵柄【四三】,以女妻汝。」覲不肯拜,且罵曰:「人臣惟北面拜天子,我豈從爾苟生耶!幸速殺我。」賊猶惜不殺,徙置舟中。覲不食者兩日,探懷中印章授其從卒曰:「我且死,若求間道以此上官。」賊知其無降意,害之,至死罵賊聲不絕。投其尸於江,時年三十五。

[19] 壬戌,智高入康州,知州太子右贊善大夫趙師旦、監押右班殿直馬貴死之。師旦,稹從子也。賊既破邕州,順流東下,師旦使人覘賊,還報曰:「諸州守皆棄城走矣。」師旦叱曰:「汝亦欲吾走耶!」乃大索,得諜者三人,斬以徇。而賊已薄城下,師旦止有兵三百,開門迎戰,殺數十人。會暮,賊稍卻,師旦語其妻,取州印佩之,使負其子以匿,曰:「明日賊必大至,吾知不敵,然不可以去,爾留死,無益也。」遂與貴部士卒固守城。召貴食,貴不能食,師旦獨飽如平時。至夜,貴臥不安席,師旦即臥內大鼾【四四】。遲明,賊攻城愈急,左右請少避,師旦曰:「戰死與戮死何如?」眾皆曰:「願為國家死。」至城破,無一人逃者。矢盡,與貴俱還,據堂而坐。智高麾兵鼓譟,爭入脅之,師旦大罵曰:「餓獠!朝廷負若何事,乃敢反耶?天子發一校兵,汝無遺類矣。」智高怒,并貴害之。

[20] 癸亥,智高入端州,知州、太常博士丁寶臣棄城走。寶臣,晉陵人也。歐陽修、王安石作寶臣墓碑,皆稱寶臣嘗出戰,有所斬捕,卒不勝【四五】,乃去。蓋飾說也,今不取.