Hợp tác và cạnh tranh giữa ADB và AIIB

Nguồn: Kearrin Sims, “Cooperation and contestation between the ADB and AIIB”, East Asia Forum, 24/10/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã phát triển thành một tổ chức 100 thành viên kể từ sau khi được thành lập vào năm 2016, với 45 dự án đang hoạt động tại 18 quốc gia thành viên. AIIB là ngân hàng phát triển đa phương lớn thứ hai nếu tính theo số thành viên, chỉ xếp sau Ngân hàng Thế giới.

Khi số thành viên của AIIB tiếp tục mở rộng, nhiều người đặt câu hỏi liệu nó có giúp củng cố hay thách thức các tiêu chuẩn, chuẩn tắc và thông lệ tài chính đa phương hiện có hay không. Mối quan hệ của AIIB với đối thủ cạnh tranh và đồng thời là đối tác đa phương gần gũi nhất, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nằm ở trung tâm của những câu hỏi này.

ADB có 68 thành viên và tổng số vốn góp là 150 tỷ USD. Năm 2018, nhu cầu đối với hỗ trợ từ ADB ngày càng tăng đã đẩy lượng cam kết mới lên mức 21,58 tỷ USD dành cho các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại, và mức tăng trưởng 37% hàng năm đối với các cam kết dành cho khu vực tư nhân.

Sau bốn năm hoạt động, AIIB có cùng số vốn góp như ADB nhưng danh mục đầu tư nhỏ hơn với tổng trị giá 3,5 đến 4,5 tỷ đô la cho 15 đến 20 dự án trong năm 2019. Mức này tương đương với chỉ một phần sáu danh mục đầu tư của ADB trong năm 2018.

Châu Á cần khoản đầu tư cơ sở hạ tầng ước tính trị giá 26 nghìn tỷ đô la Mỹ cho tới năm 2030. Có nhiều cơ hội để AIIB có thể phát triển danh mục các dự án mới nổi mà không cần phải cạnh tranh với ADB.

ADB và AIIB có tầm nhìn chung về tài trợ phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng. Hai bên đã nhanh chóng hình thành các mối quan hệ hợp tác. Tính tới năm 2019, AIIB đã ký các biên bản ghi nhớ với ADB, Ngân hàng Thế giới và 12 ngân hàng và quỹ phát triển khác. AIIB đã háo hức nhấn mạnh vị thế của mình như là “một thành viên của gia đình quốc tế gồm các ngân hàng phát triển”. Nhiều nhân viên cấp cao của AIIB là cựu nhân viên của ADB và Ngân hàng Thế giới.

Dù cộng tác giữa ADB và AIIB đang phát triển, điều này tồn tại song song với những căng thẳng địa chính trị dai dẳng tồn tại giữa các cổ đông của các tổ chức này. Quyết định của Hoa Kỳ và Nhật Bản không tham gia AIIB và sự chỉ trích của Hoa Kỳ đối với các đồng minh kinh tế – chính trị vì đã trở thành thành viên của AIIB chứng minh cho điều này.

Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai cổ đông hàng đầu của ADB, mỗi nước đóng góp 15,6% tổng số vốn góp và duy trì 12,8% số quyền biểu quyết. Tổ chức này đã luôn đóng vai trò như một phương tiện để thúc đẩy các lợi ích địa chiến lược của hai quốc gia này – đặc biệt là Nhật Bản. Tất cả các chủ tịch ADB từ trước  tới nay đều là người Nhật Bản, nhân viên Nhật Bản thống trị nhiều vị trí cấp cao trong ngân hàng này, và các dự án do ADB tài trợ đều phù hợp với các ưu tiên địa chính trị của Nhật.

Trong khi ADB chủ yếu do Nhật lãnh đạo, thì AIIB lại là một tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của AIIB và nắm giữ 26,6% số quyền biểu quyết – lớn hơn năm quốc gia có số phiếu lớn nhất tiếp theo cộng lại. Điều này giúp Trung Quốc có quyền phủ quyết trên thực tế đối với tất cả các quyết định cần số phiếu đa số. Trung Quốc đã sử dụng các quyền hạn như vậy để bác đơn xin gia nhập AIIB của Đài Loan.

Trung Quốc hiện là một nhà tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở phương Nam và AIIB là một trong nhiều tổ chức mà thông qua đó Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng việc tài  trợ phát triển cơ sở hạ tầng (các tổ chức khác còn có Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải). Các thể chế này là một phần của sự thay đổi mang tính lịch sử trong bức tranh kinh tế – chính trị toàn cầu vốn đã chứng kiến ​​Trung Quốc ngày càng định hình quỹ đạo phát triển tương lai của Châu Á.

AIIB cũng cung cấp nhiều lợi ích khác cho Đảng Cộng sản Trung Quốc – bao gồm một phương tiện để rót nguồn dự trữ vốn vào các dự án đầu tư mới có lợi cho các công ty xây dựng của Trung Quốc, đồng thời đạt được các lợi ích ngoại giao. Việc quản lý thành công một ngân hàng phát triển đa phương giúp nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia đi vay trong khi định hình quá trình khu vực hóa theo những cách giúp thúc đẩy lợi ích địa kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc.

Các ngân hàng phát triển đa phương gắn liền với các mối quan hệ song phương của nước cho vay, nhưng điều này không có nghĩa là chúng không thể duy trì một khoảng cách nhất định với các mối quan hệ đó. Các ngân hàng phát triển đa phương có thể cung cấp một cơ chế để tài trợ cho các dự án vốn sẽ gây ra vấn đề chính trị nếu tài trợ qua kênh song phương. Các mô hình cho vay của cả ADB và AIIB – vốn đã tài trợ cho các dự án ở các quốc gia không phải là đồng minh của Nhật Bản, Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc – đã phản ánh điều này. Tính đến tháng 4 năm 2019, Ấn Độ đã được phân bổ 28 phần trăm trong tổng số tất cả các khoản vay của AIIB mặc dù Ấn Độ là cường quốc cạnh tranh số một của Trung Quốc trong khu vực.

Tuy nhiên, do tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những phương thức mà sức mạnh địa chính trị và địa kinh tế được triển khai, một mức độ cạnh tranh nào đó giữa ADB và AIIB dường như là không thể tránh khỏi.

Trung Quốc có thể có vai trò quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng sự hợp tác trong tương lai giữa ADB và AIIB. Trung Quốc là một cổ đông hàng đầu trong cả hai tổ chức và là quốc gia nhận được các khoản vay lớn thứ ba của ADB. Trung Quốc cũng đã tiến hành chỉnh sửa đáng kể đề xuất ban đầu về AIIB nhằm xoa dịu các quốc gia có quan ngại và xây dựng một tập hợp thành viên rộng lớn hơn. Nói cách khác, Trung Quốc đã cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp về việc điều hành một ngân hàng phát triển đa phương vượt xa mức độ cởi mở của Hoa Kỳ.

Kearrin Sims là nghiên cứu viên của Viện Cairns và là Giảng viên ngành nghiên cứu phát triển tại Đại học James Cook, Cairns, Australia.