Karl Marx tiên tri về Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 như thế nào?

Tác giả: Leo Panitch | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Dưới đây là tóm tắt nội dung bài Marx hoàn toàn hiện đại (Thoroughly Modern Marx) của giáo sư Leo Panitch ở Đại học York tại Toronto, Canada, biên tập viên tập san Socialist Register, đăng trên tạp chí Mỹ Chính sách ngoại giao (Foreign Policy) số 5-6 năm 2009. Các ghi chú trong ngoặc và các tiêu đề phụ là của người dịch.

Đi trước thời đại

Khủng hoảng kinh tế một lần nữa kích thích mọi người quan tâm đến Karl Marx. Lượng tiêu thụ bộ sách Tư bản (tiếng Đức Das Kapital) tăng vọt; riêng một nhà xuất bản ở Đức năm 2008 bán được trên 10 nghìn cuốn, so với hơn 100 cuốn bán được năm 2007. Đây là một chỉ dấu cho thấy cuộc khủng hoảng có quy mô rộng và ảnh hưởng lớn đến mức khiến chủ nghĩa tư bản toàn cầu và các “vệ sĩ” của nó rơi vào một cuộc khủng hoảng hình thái ý thức.

Thế nhưng dù niềm tin vào chủ nghĩa tự do mới (neoliberal orthodoxies) đã tan vỡ, thì tại sao chủ nghĩa Marx bây giờ trỗi dậy?

Trước hết, Marx đi trước thời đại của mình rất xa, ông đã dự đoán được sự toàn cầu hóa thành công của chủ nghĩa tư bản trong mấy chục năm gần đây. Marx dự đoán chính xác một số yếu tố quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay: trong một thế giới gồm các thị trường cạnh tranh nhau, nền sản xuất hàng hóa và sự đầu cơ tài chính tiền tệ, những gì ông gọi là “mâu thuẫn” chính là thứ cố hữu bẩm sinh của thế giới đó.

Marx hoàn tất bộ tác phẩm lớn của mình vào lúc cuộc đại cách mạng Pháp và cuộc chiến tranh độc lập ở Mỹ mới kết thúc chưa đầy 100 năm (bộ Tư bản tập I xuất bản năm 1867; hai tập sau do Engels chỉnh lý xuất bản năm 1885 và 1894, khi Marx đã qua đời), nhưng ông đã dự kiến trước được sự chao đảo của công ty AIG và Bear Stearns xảy ra hơn một thế kỷ rưỡi sau. Ông nhìn thấy rất rõ cái ông gọi là “tác dụng cách mạng nhất” của giai cấp tư sản phát huy được trong lịch sử loài người – các nhà tư sản ấy là bậc tiền bối của những chủ ngân hàng và cán bộ lãnh đạo cấp cao các công ty ở phố Wall hiện nay. Đúng như Marx viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Nếu giai cấp tư sản không thường xuyên cải tiến công cụ sản xuất, từ đó không làm cho quan hệ sản xuất – cũng tức là toàn bộ mối quan hệ xã hội, thường xuyên được cải cách, thì giai cấp đó không thể tồn tại.”

Song dù là ở thời đại Marx hay thời đại chúng ta, Marx đều không phải là người thúc đẩy công cuộc toàn cầu hóa tư bản. Nhưng Marx cho rằng “Nhu cầu không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đã thúc đẩy giai cấp tư sản đi tới khắp nơi trên toàn cầu”, và thấy được sự phát triển chủ nghĩa tư bản sẽ không thể tránh khỏi dẫn tới việc “mở đường cho những cuộc khủng hoảng sâu sắc rộng khắp hơn”. Marx hiểu rõ các hành vi đầu cơ sẽ gây ra khủng hoảng và làm cho nó xấu đi, các hành vi ấy có sức phá hoại rất lớn toàn bộ nền kinh tế. Hơn nữa ông còn nhìn rõ biện pháp gọi là thông qua cải cách kiểu tiệm tiến (incremental reform) để mãi mãi tránh khỏi khủng hoảng chẳng qua là một ảo tưởng chính trị.

Như mọi cuộc cách mạng, Marx mong muốn trong đời mình sẽ nhìn thấy trật tự cũ bị lật đổ. Nhưng chủ nghĩa tư bản còn có sức sống khá mạnh mẽ; cho dù Marx có sức nhìn thấu suốt, ông chỉ có thể nhìn được thoáng qua những sai lầm và những bước rẽ nhầm đường của những thế hệ giai cấp tư sản trong tương lai. Nhưng lời của Marx hôm nay vẫn rất có ý nghĩa.

Chủ nghĩa tư bản là “Thầy phù thủy” không kiểm soát nổi ma quỷ

Nếu Marx nhìn thấy sự suy thoái kinh tế hiện nay, nhất định ông sẽ muốn trình bày nguyên lý các khiếm khuyết bẩm sinh của chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông sẽ hiểu rõ sự phát triển lĩnh vực tài chính tiền tệ như chứng khoán hóa và các sản phẩm phái sinh của tiền tệ đang làm cho thị trường gặp đầy những rủi ro về sự hội nhập kinh tế. Mấy chục năm nay, hệ thống tài chính toàn cầu có ảnh hưởng lớn và không ổn định đã có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song nó cũng tạo ra một loạt các bong bóng tiền tệ không tránh khỏi. Trong đó bong bóng nguy hiểm nhất xuất hiện trong ngành nhà đất Mỹ. Do ngành này phát huy tác dụng nòng cốt trong lĩnh vực duy trì nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường tài chính quốc tế nên bong bóng sụp đổ đã gây tác động sâu sắc trên toàn thế giới. Không nghi ngờ gì nữa, Marx hẳn sẽ cho rằng cuộc khủng hoảng này là một thí dụ hoàn mỹ chứng tỏ chủ nghĩa tư bản giống như một “thầy phù thủy (sorcerer), song lại bất lực trong việc điều khiển bầy ma quỷ do mình gọi ra.”

Tuy rằng chúng ta hiện đang lún sâu vào cảnh khốn khó nhưng Marx không hề có ảo tưởng với quan điểm cho rằng bản thân các khó khăn kinh tế sẽ có thể mang lại sự thay đổi. Marx hiểu rất rõ: chủ nghĩa tư bản sản sinh và nuôi dưỡng sự cô lập của xã hội. Ông viết: Trong hệ thống đó, “ngoài mối quan hệ lợi hại trắng trợn và sự trao đổi tiền mặt tàn nhẫn ra, giữa người với người chẳng còn bất kỳ mối liên hệ nào khác”. Trước những khủng hoảng cá nhân như công nhân bị nhà máy sa thải, sự cô lập xã hội gây ra bởi tính vị kỷ sẽ dẫn tới trạng thái tiêu cực của mọi người. Tình trạng cô lập xã hội đó cũng ngăn cản việc tập hợp những công dân hành động tích cực, tư tưởng giác ngộ để áp dụng các phương thức cấp tiến nhằm thay thế chủ nghĩa tư bản.

Trước hết Marx sẽ hỏi làm thế nào để khắc phục tình trạng tiêu cực xã hội đó. Marx cho rằng công đoàn và chính đảng công nhân khi ấy đã tiến lên một bước. Bởi vậy trong Tư bản ông viết: “Mục tiêu trước mắt” là “tổ chức những người vô sản thành một giai cấp” và “nhiệm vụ quan trọng” của giai cấp này là “giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho dân chủ”.

Tìm kiếm các phương án thay đổi chủ nghĩa tư bản

Song hiện nay còn chưa xuất hiện quan điểm hăng hái thực hiện biến đổi. Khoảng trống này có lẽ là điều làm Marx đau đầu hơn cả. Tại Mỹ gần đây có nhiều kiến nghị thu hút sự chú ý của dư luận bị châm biếm là “chủ nghĩa xã hội”; nhưng đó chẳng qua là các kiến nghị ấy tiến bộ hơn so với các đề nghị của phái tả trong đảng Dân chủ mà thôi.

Điều mỉa mai là phương án cấp tiến nhất, được nhiều người nói tới nhất lại là phương án của một người vốn không theo chủ nghĩa Marx. Đó là nhà kinh tế Williem Buiter ở trường Kinh tế London (London School of Economics), cựu thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc Ngân hàng Anh.

Buiter đề nghị chuyển toàn bộ ngành tài chính tiền tệ thành một ngành phục vụ công ích (public utility). Ông cho rằng không có lý do nào để các ngân hàng tiếp tục tồn tại như những tổ chức kiếm lời của tư nhân. Đề nghị này dường như đáp ứng yêu cầu của Marx viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “tập trung mọi khoản tín dụng vào ngân hàng nhà nước (centralization of credit in the banks of the state)”. Đối với Marx, việc triệt để thay đổi hệ thống ngân hàng sẽ nâng cao ý nghĩa quan trọng của việc giai cấp công nhân giành thắng lợi trong cuộc “đấu tranh dân chủ (the battle of democracy)”.

“Từ tài chính hóa nền kinh tế tới xã hội hóa ngành tài chính tiền tệ là một bước nhỏ của các luật sư, song lại là một bước tiến lớn của nhân loại” – Buiter viết. Rõ ràng, để có được những chủ trương cấp tiến, bạn không cần phải là một nhà Mác-xít. Song bạn cần nhận thức được là sự thay đổi cấp tiến không thể bắt đầu từ “một bước nhỏ của các luật sư”. Bạn cần có một chút tư duy của chủ nghĩa Marx. Karl Marx sẽ bảo bạn là nếu không dựa vào các phong trào cấp tiến và đảng phái để phát triển lực lượng quần chúng thì sẽ không thực hiện được việc xã hội hóa ngành tài chính tiền tệ (nguyên văn: sẽ rơi trên một mảnh đất cằn cỗi).

Về cơ bản, trong vài thập niên tới các đảng phái (ở Mỹ) sẽ không nghiêm chỉnh thảo luận vấn đề có nên dùng phương thức cấp tiến để thực hiện việc dân chú hóa nền kinh tế hay không. Còn chúng ta thì cho tới nay vẫn cứ trả giá cho sự bài bác những ý tưởng đó. Marx từng phân tích các nhân tố phi lý trí trong logic cơ bản bắt rễ từ thị trường tư bản chủ nghĩa, mà giờ đây các nhân tố đó đang tái xuất hiện. Để duy trì cán cân thu chi, tất cả các nhà  máy và công ty đều sa thải lao động và giảm lương; mà tình trạng công việc không ổn định thì sẽ làm giảm nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế. Đúng như Marx nói, hành vi lý trí vi mô sẽ gây ra kết quả xấu nhất cho nền kinh tế vĩ mô. Giờ đây chúng ta đã thấy là việc coi nhẹ (lý luận của) Marx mà chỉ tin vào “bàn tay vô hình” của Adam Smith, sẽ đưa người ta đến tình huống (khó khăn) như thế nào.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không chỉ hé lộ những tư duy phi lý trí trên lĩnh vực tài chính. Chẳng hạn Tổng thống Mỹ Obama đề nghị dùng việc mua bán hạn ngạch tín dụng các-bon (carbon credits) làm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu: các doanh nghiệp phù hợp tiêu chuẩn khí thải có thể bán hạn ngạch tín dụng các-bon cho các doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn đó. Nghị định thư Kyoto kêu gọi xây dựng hệ thống trao đổi tương tự giữa các quốc gia với nhau.

Nhưng cả hai đề án này đều có một vấn đề tồn tại nguy hiểm: chúng đều phụ thuộc vào thị trường các sản phẩm phái sinh yếu đuối dễ thay đổi, bản chất dễ chịu ảnh hưởng của sự thao túng của nhà nước và sự sụp đổ của tín dụng. Marx sẽ kiên trì nói việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như vấn đề khí hậu đòi hỏi chúng ta phải phá bỏ tư duy thị trường tư bản chủ nghĩa chứ không phải là sử dụng nhà nước để tăng cường kiểu tư duy ấy.

Nhưng việc xây dựng các thể chế mới và phát động các phong trào mới nhằm tạo ra sự thay đổi thì phải bắt đầu từ trong nước. Marx kêu gọi “Lao động toàn thế giới đoàn kết lại” và khẳng định rằng giai cấp công nhân mỗi nước đều “trước tiên phải giải quyết các vấn đề với giai cấp tư sản trong nước mình (settle things with their own bourgeoisie)”. Các biện pháp thay đổi thể chế kinh tế, chính trị và luật pháp hiện có “dĩ nhiên cần tùy theo tình hình mỗi nước”. Song dù trong tình hình nào, Marx đều sẽ nhấn mạnh phải tạo ra sự thay đổi tận gốc, trước hết mọi người phải mạnh dạn suy nghĩ lại.

Khả năng xảy ra tình hình nói trên như thế nào? Ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính đang hút cạn máu của nhân dân nhiều nước, khiến cho dân chúng khắp nơi cảm thấy bất ổn, hơn nữa hệt như trước kia, nhân dân lao động bình thường vẫn chịu sự bóc lột và áp bức nặng nề, do đó họ không thể đưa ra sự phán đoán chính xác. Giả thử Marx còn sống tới bây giờ, ông sẽ không trình bày chính xác cuộc khủng hoảng hiện nay bao giờ sẽ kết thúc và kết thúc bằng cách nào. Nhưng Marx hẳn sẽ vạch ra cuộc khủng hoảng đó là một bộ phận không thể tách rời trong sự tồn tại năng động của chủ nghĩa tư bản. Các nhà chính trị cải lương cho rằng họ có thể loại bỏ được sự bất bình đẳng giai cấp cố hữu, loại bỏ khủng hoảng chu kỳ liên tục trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Chính họ mới là những nhà không tưởng đích thực của thời đại chúng ta.

Nếu như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay nói lên một vấn đề gì, thì đó là: Karl Marx là nhà hiện thực vĩ đại (Marx was the greater realist).