24/11/2017: Khủng bố tấn công nhà thờ Hồi giáo ở Sinai, Ai Cập

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Terrorists Attack Mosque in Sinai, Egypt, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2017, một quả bom đã phát nổ ở nhà thờ Hồi giáo al-Rawdah tại Sinai, miền bắc Ai Cập, khi những kẻ khủng bố nổ súng vào nhóm tín đồ vừa kết thúc buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu. Vụ tấn công đã khiến 305 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, và làm 120 người khác bị thương – trở thành sự kiện khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử đương đại của Ai Cập.

Cuộc tấn công đẫm máu này là một bước ngoặt tàn khốc đối với đất nước. Dù tấn công khủng bố đã phổ biến từ năm 2013, khi tổng thống đương nhiệm lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhưng việc khủng bố nhắm vào các nhà thờ Hồi giáo là điều rất hiếm thấy ở Ai Cập. Những kẻ khủng bố trước đây thường lựa chọn mục tiêu là các nhà thờ Thiên Chúa giáo và lực lượng an ninh, nhưng tránh các nhà thờ Hồi giáo.

Nhà thờ Hồi giáo al-Rawdah có tín đồ chủ yếu là người Hồi giáo Sufi, một giáo phái huyền bí của đạo Hồi, với mong muốn trực tiếp kết nối cá nhân với Chúa. Nhóm này bị ISIS căm ghét.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày trước sinh nhật của nhà tiên tri Muhammad, khi nhà thờ Hồi giáo chật cứng người đến cầu nguyện. Bất thình lình, có khoảng 25 đến 30 chiến binh Hồi giáo xuất hiện trên bốn chiếc xe địa hình. Họ xả súng vào các tín đồ từ cửa chính và 12 cửa sổ lớn của nhà thờ. Kinh hoàng hơn, bom và lựu đạn đã được phóng ra khi mọi người cố gắng chạy trốn. Các tay súng đã đốt cháy những chiếc ô tô đậu bên ngoài nhà thờ và bắn vào xe cứu thương nhằm cản trở các nạn nhân trốn thoát.

Không có nhóm nào đứng ra chịu trách nhiệm, bằng chứng chỉ ra rằng ISIS đứng sau vụ tấn công. Trong bài phỏng vấn được công bố trên một tạp chí Nhà nước Hồi giáo, một thủ lãnh ở Sinai đã tiết lộ sự thù hận của ISIS đối với Sufis và xác định al-Rawda là mục tiêu.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố rằng chính phủ sẽ đáp trả bằng “vũ lực mạnh mẽ” (brute force). An ninh là một trong những lý do quan trọng khiến ông nhận được ủng hộ, và với khả năng ông sẽ tái đắc cử, hành động trả đũa dường như đã được định sẵn.

Vài giờ sau cuộc tấn công, quân đội Ai Cập đã tiến hành không kích vào nhiều mục tiêu ở các khu vực miền núi quanh thành phố, và chính phủ cũng tuyên bố ba ngày quốc tang.