Tác giả: Nguyễn Thanh Minh
Tóm tắt: Trong bối cảnh hiện nay, khu vực Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên một số vùng biển đảo, quần đảo, với những quan điểm và cách thức tiếp cận giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia còn khác nhau. Có quốc gia lựa chọn biện pháp pháp lý, có quốc gia kiên định biện pháp đàm phán, có quốc gia kiên trì giữ nguyên trạng. Các vấn đề thảo luận giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo luôn phức tạp, khó tìm được tiếng nói chung, thậm chí khu vực Biển Đông cũng đã chứng kiến một số sự kiện Trung Quốc sử dụng biện pháp vũ lực để giải quyết tranh chấp, vào các năm 1956, 1974, 1988. Nhưng vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông không phải là vấn đề hoàn toàn không giải quyết được. Trong hệ thống pháp luật đã có những biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, bài viết sẽ góp phần luận giải những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông.
1. Phân loại các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo
Hiến chương Liên hợp quốc là một văn bản pháp lý quan trọng, được xem là một trong những nguồn của luật quốc tế hiện đại. Trong bản hiến chương này, có quy định cụ thể một số cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế mà lịch sử gọi là biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Trên thế giới ở các khu vực biển đảo đang diễn ra sự tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ít nhiều đã có sự vận dụng các biện pháp này.
Theo Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm: (i). Đàm phán ngoại giao trực tiếp. (ii). Điều tra, trung gian, hòa giải. (iii). Tòa án, trọng tài. (iv). Các tổ chức, hiệp định khu vực. (v). Các biện pháp hòa bình khác. Các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp còn được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau tại Liên hợp quốc, thể hiện trong quá trình soạn thảo như văn kiện sử dụng môi giới, trung gian, hòa giải và sổ tay việc giải quyết tranh chấp. Thực tiễn cho thấy, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp có thể là các biện pháp do các bên trực tiếp giải quyết như đàm phán trực tiếp, hoặc giải quyết với sự hỗ trợ của bên thứ ba như Ủy ban điều tra, Ủy ban hòa giải, trung gian. Giải quyết nhờ sự can thiệp của cơ quan tư pháp, trọng tài hoặc các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực v.v…
Thực tiễn cho thấy, luật quốc tế đã đưa ra nhiều biện pháp có thể giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế mà cụ thể là tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển đảo, quyền tự do lựa chọn các biện pháp thuộc về các bên tham gia tranh chấp. Trên thực tế, nhiều trường hợp các bên tranh chấp phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp khác nhau mới giải quyết hòa bình bất đồng tồn tại giữa các bên. Việc lựa chọn biện pháp cụ thể nào chủ yếu phụ thuộc vào bản chất của tranh chấp và ý chí của các bên liên quan. Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp không thỏa thuận được với nhau về việc lựa chon các biện pháp để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, các bên có thể nhờ sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nếu xét thấy cần thiết có thể yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp trên cơ sở những biện pháp đã được quy định tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong số những biện pháp và các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các tổ chức quốc tế và các dàn xếp mang tính khu vực được đề cập tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, các biện pháp có tính chất hỗ trợ như điều tra và hòa giải được hiểu là sự hỗ trợ của Ủy ban điều tra và Ủy ban hòa giải. Ngoài ra, có thể liệt kê thêm vào danh sách các biện pháp có tính chất hỗ trợ của bên thứ ba vào quá trình giải quyết tranh chấp được sử dụng từ lâu đời trong quan hệ quốc tế là biện pháp môi giới. Như vậy, có thể phân loại các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông theo nhóm sau: (i). Đàm phán trực tiếp. (ii). Các biện pháp hỗ trợ như môi giới, trung gian, Ủy ban điều tra, Ủy ban hòa giải. (iii). Các biện pháp tư pháp như tòa án, trọng tài. (iv). Giải quyết tranh chấp tại các tổ chức quốc tế hoặc trên cơ sở dàn xếp quốc tế mang tính chất khu vực.
2. Một số biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khó giải quyết, quan điểm của các bên liên quan còn quá xa nhau, một số quốc gia đã có những hành động gia tăng căng thẳng trên thực địa. Vậy cách thức nào để góp phần giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông mà đã được luật pháp quốc tế quy định, đó chính là các bên liên quan cần phải nghiên cứu vận dụng những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế.
2.1. Biện pháp đàm phán trực tiếp
Đàm phán trực tiếp là sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên hữu quan-chủ thể luật quốc tế để giải quyết, những vấn đề mà các bên quan tâm. Trong trường hợp tranh chấp xảy ra, các bên hữu quan trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận để tìm ra giả pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Đàm phán trực tiếp là biện pháp cơ bản, hữu hiệu và thông dụng nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trên cơ sở các bên trực tiếp trình bày quan điểm của mình và xem xét ý chí, quan điểm của mỗi bên đối thoại, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau.
Do tầm quan trọng của biện pháp đám phán trực tiếp, cho nên Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc đã đưa biện pháp đàm phán trực tiếp lên hàng đầu trong số các biện pháp khác. Biện pháp này còn được ghi nhận ở vị trí hàng đầu tại các một số điều ước quốc tế khác như Điều 24 của Điều lệ tổ chức các nước châu Mỹ, Điều lệ tổ chức thống nhất châu Phi, Văn kiện cuối cùng của hội nghị Helsinki, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 v.v… Thực tế quan hệ quốc tế cũng chứng minh rằng, biện pháp đàm phán trực tiếp là biện pháp hiệu quả và linh hoạt nhất trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp.
Đàm phán trực tiếp có thể là biện pháp do các bên tranh chấp tự lựa chọn hoặc do có sự hỗ trợ của các bên thứ ba thông qua việc áp dụng các biện pháp môi giới, trung gian điều tra, hòa giải v.v… Đàm phán trực tiếp cũng có thể xảy ra trên cơ sở phán quyết của Tòa án quốc tế đối với những vụ việc tranh chấp cụ thể.
Đàm phán trực tiếp có thể diễn ra ở cấp độ khác nhau: giữa những người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ hoặc giữa những đại diện có thẩm quyền của các bên. Theo pháp luật quốc tế hiện đại, đám phán trực tiếp giữa các chủ thể pháp luật quốc tế về bất kỳ vấn đề gì mà các bên cùng quan tâm phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không được gây sức ép, đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào, không vi phạm chủ quyền của các bên v.v… Về mặt thời gian và không gian, các bên tùy ý lựa chọn, xem xét và trên cơ sở tính chất cấp bách của các tranh chấp mà quyết định thời hạn đàm phán.
Đàm phán có thể diễn ra dưới hình thức đàm phán ở bàn hội nghị hoặc đàm phán thông qua một trung gian. Đàm phán ở bàn hội nghị hoặc đàm phán thông qua một trung gian. Đàm phán ở bàn hội nghị được áp dụng đối với tranh chấp giữa hai bên và nhiều bên. Đàm phán ở bàn hội nghị đảm bảo cho các bên tham dự thể hiện được quan điểm của mình, bảo đảm quyền lợi của các bên trực tiếp tham gia tranh chấp và các bên có lợi ích liên quan khác. Do vậy, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực biển đông có trường hợp liên quan đến hai nước tức song phương, có trường hợp liên quan đến nhiều nước tức đa phương, do vậy cần thiết sử dụng hình thức đàm phán tại bàn hội nghị[1]. Đàm phán thông qua trung gian là việc các bên tham gia tranh chấp không trực tiếp trao đổi quan điểm, lập trường, ý chí của mình mà thông qua trung gian.
Đàm phán trực tiếp được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng nhau với sự thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp của các bên có tính đến sự nhượng bộ lẫn nhau, tức các bên liên quan đều có bước nhượng bộ nhất định. Thực tiễn lịch sử cho thấy, mọi tranh chấp chủ quyền về biển đảo đều bắt nguồn từ sự bất đồng về lợi ích, quan điểm, cho nên để giải quyết được chúng cần có sự nhượng bộ nhất định trong một vài khía cạnh nào đó với tinh thần mong muốn thực sự chấm dứt tranh chấp.
Đàm phán trực tiếp là một biện pháp hữu hiệu và quan trọng. Nó có thể giải quyết hoàn toàn được tranh chấp nhưng cũng có thể chỉ dừng lại ở sự thỏa thuận của các bên, sẽ áp dụng biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp như lập ra các ủy ban điều tra, hòa giải, quyết định đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài hay Tòa án quốc tế.
Từ lịch sử cho thấy, đàm phán trực tiếp là biện pháp được Nhà nước Việt Nam áp dụng đối với mọi trường hợp giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ trong lịch sử hiện đại của mình. Từ khi chưa còn là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN ngày 18/3/1995. Trong tuyên bố của mình, Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh lập trường của mình: mọi tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo ngoài Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta cũng thể hiện lập trường như trên thông qua Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được ký giữa hai nước tại Hà Nội ngày 19/10/1993. Thỏa thuận này ghi nhận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ như sau:
(i). Thông qua thương lượng giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và tồn tại hòa bình.
(ii). Hai bên đồng ý đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ bao gồm trên biển và trên bộ v.v… Trong quá trình đàm phán giải quyết vấn đề, hai bên đều không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.
(iii). Hai bên canh cứ vào tiêu chuẩn và nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận và tham khảo thực tiễn quốc tế để giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ.
2.2. Những biện pháp hỗ trợ như môi giới và trung gian
Môi giới và trung gian là các biện pháp hỗ trợ với sự tham gia của bên thứ ba-bên không tham gia tranh chấp dàn xếp, thuyết phục các bên tranh chấp gặp gỡ, trao đổi hoặc ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Trong vai trò môi giới, bên thứ ba[2] không tham gia đàm phán với các bên tranh chấp và không kiến nghị giải pháp giải quyết tranh chấp. Vai trò môi giới của bên thứ ba kết thúc khi các bên gặp gỡ hoặc tổ chức đàm phán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, môi giới cũng có thể tham gia đàm phán nhưng phải được sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Trong trường hợp này, bên thứ ba đã đóng vai trò trung gian. Môi giới có thể do bên thứ ba tự nguyện thực hiện hoặc theo đề nghị của các bên tham gia tranh chấp và các bên tham gia tranh chấp có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận môi giới tùy theo ý chí của họ.
Trung gian là sự tham gia tích cực của bên thứ ba dàn xếp các bên tranh chấp gặp gỡ, ngồi vào bàn đàm phán và cùng tham gia vào quá trình đàm phán với các bên tranh chấp. Trung gian thường đề xuất những sáng kiến cụ thể giải quyết từng phần hoặc toàn bộ tranh chấp. Những sáng kiến này có tính chất khuyến nghị đối với các bên tranh chấp, trách nhiệm lựa chọn giải pháp cuối cùng thuộc về các bên tham gia tranh chấp. Như vậy, vai trò trung gian tích cực và chủ động hơn vai trò môi giới. Môi giới chỉ áp dụng nhằm mục đích thúc đẩy các bên tranh chấp gặp gỡ, đàm phán trực tiếp. Còn trung gian không chỉ tạo điều kiện cho các bên tranh chấp ngồi vào bàn đàm phán mà còn cùng tham gia vào quá trình đàm phán với mục đích dung hòa lợi ích các bên, đưa ra những giải pháp cụ thể khuyến nghị các bên áp dụng. Trong khi thực hiện vai trò trung gian, bên thứ ba phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng chủ quyền của các bên tranh chấp, không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên tranh chấp. Cuối cùng, môi giới hay trung gian cũng chỉ là biện pháp hỗ trợ các bên tham gia tranh chấp. Để có được kết quả cuối cùng, một sự nhất trí của các bên đối với phương án giải quyết tranh chấp, các bên tham gia tranh chấp phải thể hiện thiện chí và sự tích cực của mình giải quyết bất đồng một cách hợp lý nhất. Các biện pháp môi giới và trung gian được đề cập đến trong Công ước La Hay 1899 và được bổ sung trong Công ước La Hay 1907. Công ước cho phép các quốc gia ký kết có quyền đề nghị môi giới hoặc trung gian, ngay cả trong thời kỳ chiến tranh. Công ước cũng buộc các bên tranh chấp, trong trường hợp có thể phải sử dụng biện pháp môi giới, trung gian trước khi sử dụng vũ lực. Các biện pháp này được chi tiết hóa trong các điều ước quốc tế khu vực châu Mỹ[3]. Biện pháp trung gian còn được đề cập đến trong Hiến chương Liên hợp quốc. Từ năm 1983-1988 Ủy ban đặc biệt về Hiến chương Liên hợp quốc đã thảo luận dự thảo các điều khoản về môi giới trung gian. Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy sự thông dụng của các biện pháp này trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể của pháp luật quốc tế.
2.3. Các ủy ban điều tra và hòa giải
Khi tranh chấp phát sinh, các bên có thể thỏa thuận thành lập ủy ban điều tra hoặc ủy ban hòa giải để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo một cách hòa bình hoặc để tạo cơ sở áp dụng các biện pháp hòa bình khác nhằm giải quyết tranh chấp. Ủy ban điều tra và hòa giải quốc tế thường được thành lập trên cơ sở nhất trí của các bên tranh chấp theo nguyên tắc đồng đều đại diện. Quy chế pháp lý về ủy ban điều tra giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế được quy định trong các Công ước La Hay năm 1899 và 1907. Ủy ban hòa giải quốc tế được đề cập đến muộn hơn vào năm 1909. Hai biện pháp nay được ghi nhận một lần nữa tại Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc. So với các biện pháp môi giới và trung gian, những biện pháp này được áp dụng theo trình tự chặt chẽ hơn.
Ủy ban điều tra có nhiệm vụ xác minh các yếu tố, sự kiện dẫn tới tranh chấp. Ủy ban hòa giải có nhiệm vụ lớn hơn, không chỉ xác định các yếu tố, sự kiện dẫn tới tranh chấp mà còn nêu ra giải pháp cho việc giải quyết tranh chấp. Cũng như các giải pháp bên trung gian kiến nghị, giải pháp của ủy ban hòa giải chỉ có tính chất khuyến nghị, không có hiệu lực bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Các ủy ban điều tra, ủy ban hòa giải thường được thành lập để giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ. Trên cơ sở xác định các sự kiện thực tế phát sinh tranh chấp, các bên có thể giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình, tránh xung đột vũ trang. Các bên tranh chấp ký kết thỏa thuận về việc thành lập ủy ban điều tra, ủy ban hòa giải khi tranh chấp chủ quyền biển đảo phát sinh cần giải quyết hoặc hoặc cũng có thể ký trước với nhau hiệp định trong đó quy định việc thành lập ủy ban nếu phát sinh tranh chấp.
Ủy ban điều tra thông thường được thành lập từ 5 thành viên trong đó mỗi bên chỉ định hai người, bốn người này sẽ thỏa thuận để cử người thứ năm. Ủy ban hòa giải cũng được thành lập theo trình tự tương tự. Cụ thể hơn nữa, theo định ước chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/4/1949 về hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, ủy ban hòa giải được thành lập với thành phần 5 thành viên theo trình tự: mỗi bên cử ra một ủy viên từ công dân nước mình, hai bên thỏa thuận về việc mời 3 ủy viên khác là công dân ba nước khác, một trong ba người đó sẽ đóng vai trò chủ tịch ủy ban. Ủy ban hòa giải sau khi xác minh sự kiện thực tế, sẽ kiến nghị giải pháp giải quyết tranh chấp để các bên tham khảo. Báo cáo của ủy ban hòa giải sẽ được công bố nếu sự đồng ý của các bên tranh chấp.
Trong quá trình các ủy ban điều tra và ủy ban hòa giải làm việc, các bên tranh chấp cung cấp tài liệu, hồ sơ có liên quan đến vụ tranh chấp, tạo điều kiện để các ủy ban đánh giá đúng sự kiện thực tế. Các báo cáo của các ủy ban được chuyển cho các bên tranh chấp. Trên cơ sở kết quả của các ủy ban đệ trình, quyết định về giải pháp sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp thuộc về chính các bên tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể của luật pháp quốc tế, ủy ban điều tra được thành lập trong nhiều vụ việc khác nhau trên cơ sở thỏa thuận của các bên tranh chấp. Đến năm 1988, Ủy ban đặc biệt về Hiến chương Liên hợp quốc đã thảo luận dự thảo về việc thành lập Ủy ban tìm hiểu tình hình[4] theo đề nghị của Liên Xô trên cơ sở của hai dự thảo: một của Tiệp Khắc và Cộng hòa Dân chủ Đức nhấn mạnh vai trò của Hội đồng bảo an trong việc cử đoàn tìm hiểu tình hình nếu có dấu hiệu xâm lược hoặc vai trò của Tổng thư ký Liên hợp quốc trong việc đề xuất cử đoàn tìm hiểu tình hình trường hợp có nguy cơ đe dọa hoặc vi phạm hòa bình an ninh quốc tế. Một dự thảo khác của Cộng hòa Liên bang Đức, Ý, Nhật nhấn mạnh vai trò của Tổng thư ký Liên hợp quốc trong việc cử các đoàn tìm hiểu tình hình. Trong thực tế, theo đề xuất của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Hội nghị quốc tế Paris đã chấp thuận cử phái đoàn tìm hiểu tình hình Campuchia từ ngày 09 đến ngày 14/8/1990.
So với ủy ban điều tra, ủy ban hòa giải được sử dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp muộn hơn nhưng theo thời gian, biện pháp này trở nên phổ biến và có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các bên tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Ví dụ: để giải quyết tranh chấp đảo Jan Mayen giữa Ireland và Na Uy, hai bên tranh chấp đã thỏa thuận thành lập ủy ban hòa giải. Trên cơ sở tính đến quyền lợi kinh tế của các bên, ủy ban đã tìm hiểu tình hình và đề xuất giải pháp. Mặc dù báo cáo của ủy ban mang tính chất khuyến nghị những đã tính đến quyền lợi hợp pháp của các bên trong tranh chấp.
Các bên tham gia tranh chấp có thể sử dụng biện pháp thành lập ủy ban điều tra hoặc ủy ban hòa giải nhưng dù sử dụng biện pháp nào thì quyết định về một giải pháp cuối cùng giải quyết tranh chấp thuộc về chính các bên tranh chấp chủ quyền biển đảo đó.
2.4. Các biện pháp xét xử
Các bên tham gia tranh chấp chủ quyền biển đảo có thể thỏa thuận áp dụng biện pháp trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp chủ quyền về biển đảo. Biện pháp này được áp dụng nhiều trong quan hệ giữa các nước có tranh chủ quyền một số nơi trên thế giới. Thực tiễn đã có những án lệ giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trở thành những án lệ kinh điển mà các thể hệ sau không thể không tham khảo và viện dấn. Nhất là ở các nước Tây Âu, nơi có sự đồng đều về các điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội v.v… Các biện pháp xét xử tại tòa án hoặc trọng tài được đề cập đến trong Công ước La Hay 1907 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982 v.v…
Các bên có thể thỏa thuận trước về tài phán bắt buộc của Tòa án hoặc trọng tài. Theo thỏa thuận đó, nếu trong các trường hợp tranh chấp xảy ra, một bên có quyền đưa tranh chấp ra xét xử tại tòa án hoặc trọng tài theo Khoản 2 Điều 36 Quy chế Tòa án quốc tế.
2.4.1. Trọng tài quốc tế
Trọng tài quốc tế là cơ quan xét xử quốc tế được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hay còn gọi là hiệp định về trọng tài giữa các bên liên quan đến tranh chấp. Trọng tài có thể là một cá nhân hoặc một hội đồng, quyết định của trọng tài có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, giải quyết tranh cháp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp trọng tài được áp dụng từ lâu đời. Ví dụ, trong vụ giải quyết tranh chấp chủ quyền đảo đảo Palmas giữa Hòa Kỳ và Hà Lan. Thẩm phán Max Huber đã ra phán quyết: Tây Ban Nha không thể chuyển nhượng hợp pháp cái mà họ không sở hữu. Bởi quả nhiên họ nắm giữ sở hữu ban đầu khi khám phá đảo, nhưng sau đó không thực thi quyền lực thực sự với đảo nên đòi hỏi của Hoa Kỳ là yếu ớt, mờ nhạt và không được chấp nhận. Ngược lại các hoạt động của Hà Lan đối với đảo Palmas là đặc trưng quyền lực của nhà nước, nó diễn ra trong hòa bình bởi không có xung đột nào giữa các quốc gia, nó liên tục trong suốt thời gian dài, mặc dù cũng có những khoảng trống nhất định cụ thể từ năm 1726 đến năm 1825. Như vậy, Palmas là lãnh thổ thuộc sở hữu của Hà Lan[5].
Công ước La Hay năm 1899 và 1907 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế đã chú trọng đến trọng tài quốc tế và xem đó là một biện pháp hữu hiệu công bằng và hợp lý để giải quyết tranh chấp trong những trường hợp áp dụng biện pháp ngoại giáo không thành công. Theo công ước này, các bên tranh chấp có thể lựa chọn biện pháp trọng tài, kể cả trọng tài thường trực tùy thuộc vào ý chí của các bên. Trên cơ sở Công ước La Hay 1899 và 1907, trọng tài thường trực được thành lập năm 1900. Trọng tài thường trực không có một hội đồng thẩm phán cố định mà chỉ có danh sách các trọng tài viên do các nước cử ra, theo đó mỗi nước tối đa cử ra 4 người. Các bên tranh chấp sẽ chọn trong danh sách đó, thông thường theo trình tự sau: mỗi bên chọn 02 trọng tài viên[6], 4 người được chọn sẽ thỏa thuạn chọn người thứ 5 làm chủ tọa. Các bên tranh chấp sẽ ký một hiệp định trong đó xác định đối tượng tranh chấp và thỏa thuận về hiệu lực pháp lý bắt buộc của quyết định trọng tài. Trọng tài thường trực đã giải quyết một số tranh chấp chủ quyền biển đảo tương đối thành công, nhưng số vụ việc được giải quyết không đáng kể trong lịch sử hoạt động của nó. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Ủy ban luật quốc tế của Liên hợp quốc đã soạn thảo quy chế mẫu về thủ tục trọng tài và được đại hội đồng thông qua năm 1958. Thủ tục trọng tài cũng được đề cập khá chi tiết trong các điều ước quốc tế khu vực như hiệp định về hòa bình giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia châu Mỹ năm 1948, nghị định thư thống nhất châu Phi về trung gian, hòa giải và trọng tài năm 1964 v.v…
Hiện nay, trọng tài được thành lập từ số lẻ các trọng tài viên. Nếu trọng tài được thành lập với một trọng tài viên duy nhất, thì người này nhất thiết phải là công dân của nước thứ ba, tức là công dân của nước không có liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trường hợp hội đồng trọng tài gồm 3 hoặc 5 thành viên thì mỗi nước được cữ 1 hoặc 2 trọng tài viên là công dân của nước mình hoặc nước thứ ba. Chủ tịch hội đồng là người của nước thứ ba do các bên tranh chấp cùng lựa chọn hoặc do các trọng viên được các bên cử ra sẽ thỏa thuận lựa chọn. Trong trường hơp các bên không lựa chọn được chủ tịch hội đồng thì có thể ủy quyền cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chánh án Tòa án quốc tế Liên hợp quốc hoặc Chánh án Tòa án Luật Biển[7] lựa chọn.
Việc đưa tranh chấp chủ quyền biển đảo ra xét xử tại trọng tài tùy thuộc vào ý chí của các bên tranh chấp. Các bên có thể ghi nhận sự nhất trí của mình trọng hiệp định về trọng tài, trong cam kết hoặc thỏa thuận giữa các bên về việc đưa tranh chấp nhất định nào đó nảy sinh giữa họ ra trọng tài, hoặc trong những điều khoản đặc biệt của những hiệp định ký kết giữa hai nước. Các bên có thể thỏa thuận đưa một phần hoặc toàn bộ tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài.
Luật áp dụng giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia tại trọng tài là luật quốc tế, tuy nhiên, trong một số trường hợp hội đồng trọng tài có thể viện dẫn pháp luật một quốc gia để giải quyết[8]. Quyết định của trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên tranh chấp. Quyết định của trọng tài chỉ được xem xét lại trong trường hợp có những sự kiện mới có ảnh hưởng cơ bản đến nội dung quyết định mà trước đó trọng tài chưa được biết đến.
2.4.2. Trọng tài quốc tế
Tòa án quốc tế là cơ quan xét xử thường trực bao gồm những thẩm phán được bầu ra với nhiệm kỳ nhất định và giải quyết các vụ việc mà các bên tranh chấp yêu cầu. Quyết định của tòa án có hiệu lực pháp lý bắt buộc đối với các bên tranh chấp.
Cũng như đối với trọng tài, các bên tham gia tranh chấp có thể tự nguyện lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua tòa án. Trong trường hợp đó, tòa án quốc tế sẽ đứng ra xét xử tranh chấp giữa các bên. Trong lịch sử, tòa án quốc tế đầu tiên được thành lập là Tòa án quốc tế Hội quốc liên, hoạt động từ năm 1920 đến năm 1940. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Tòa án quốc tế Liên hợp quốc được thành lập trên cơ sở của Hiến chương Liên hợp quốc với một bộ phận cấu thành của Hiến chương là Quy chế Tòa án quốc tế.
Tòa án quốc tế Liên hợp quốc có hai chức năng: (i). Giải quyết tranh chấp giữa các nước. (ii). Đưa ra kết luận tư vấn về những vấn đề pháp lý cho hội đồng bảo an và đại hội đồng hoặc cho các cơ quan, tổ chức chuyên môn khác của Liên hợp quốc nếu đại hội đồng cho phép.
Tòa án quốc tế chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ kiện giữa các quốc gia, trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các quốc gia, trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan đó. Tòa không có thẩm quyền xét xử những vụ việc mà đương sự là thể nhân[9], pháp nhân[10], trừ khi quốc gia đồng ý đứng ra là nguyên đơn thì tòa án sẽ xét xử để bảo vệ quyền lợi thể nhân và pháp nhân này. Thẩm quyền xét xử của tòa án phụ thuộc vào ý chí của các quốc gia có liên quan. Các quốc gia là thành viên của quy chế tòa án có thể tuyên bố về việc chấp nhận thẩm quyền xét xử bắt buộc của tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp có nội dung liên quan đến: (i). Giải thích điều ước. (ii). Vấn đề công pháp quốc tế. (iii). Vi phạm nghĩa vụ quốc tế. (iv). Tính chất và mức độ bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
Sự chấp nhận của các thành viên có thể là vô điều kiện hoặc trên cơ sở điều kiện có đi có lại đối với một vài quốc gia khác hoặc chấp nhận với điều kiện trong thời gian nhất định. Các quốc gia không phải là thành viên quy chế tòa án có thể chấp nhận thẩm quyền xét xử của Tòa án thể hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ, trong một hiệp định.
Tòa án quốc tế gồm 15 thẩm phán do Đại hội đồng và Hội đồng bảo an bầu ra với nhiệm kỳ 9 năm, cứ 3 năm bầu lại 1/3 thẩm phán. Trong số các thẩm phán đó, không thể có hai người cùng quốc tịch. Thành phần của hội đồng thẩm phán phải đảm bảo được tính đại diện, công bằng giữa các hệ thống pháp luật khác nhau, giữa những nước có mức độ phát triển khác nhau. Theo truyền thống, trong hội đồng bao giờ cũng có đại diện của 5 nước thường trực Hội đồng bảo an. Thẩm phán của Tòa án quốc tế không được đảm nhiệm một chức vụ chính trị, hành chính hoặc nghề nghiệp nào trong thời gian đương nhiệm. Việc bãi miễn họ chỉ được thực hiện trên cơ sở nhất trí của tất cả các thành viên còn lại.
Quyết định của tòa án quốc tế được thông qua theo nguyên tắc đa số, tính trên tổng số thẩm phán có mặt. Trong trường hợp số phiếu thuận và phiếu chống bằng nhau thì chủ tọa của phiên tòa sẽ có tính chất quyết định. Theo Điều 38 của Quy chế Tòa án, khi xét xử tòa án quốc tế sẽ sử dụng những nguồn sau: (i). Các điều ước quốc tế chung hoặc riêng bao gồm các quy phạm được các bên tranh chấp thừa nhận. (ii). Tập quán quốc tế đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn và được xem như quy phạm pháp luật quốc tế. (iii). Những nguyên tắc pháp lý chung được các dân tộc văn minh thừa nhận. (iv). Các phán quyết tư pháp và các học thuyết của các học giả có uy tín của các quốc gia khác nhau nếu đáp ứng được những điều kiện quan trọng trong Điều 59 của quy chế thì sẽ được xem là các nguồn hỗ trợ giải thích quy phạm pháp lý.
Trong quá trình xét xử, tòa án có thể đưa ra các biện pháp tạm thời cần áp dụng để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự. Các biện pháp này cần được báo cho các bên liên quan và hội đồng bảo an Liên hợp quốc biết. Phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp lý bắt buộc với các bên đương sự. Nếu một trong các bên đương sự không thực hiện phán quyết của tòa án thì bên tranh chấp kia có quyền yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Do những hạn chế về thẩm quyền, về thủ tục còn mang nặng tính hình thức, không năng động, mềm dẻo, tòa án quốc tế đóng vai trò khiêm tốn trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia. Một số phán quyết của tòa án trong thực tế đã gây ra tranh cãi cho các quốc gia về tính trung thực và khách quan của nó. Tuy nhiên, tòa án quốc tế cũng có đóng góp vào việc phát triển pháp luật quốc tế và có những cải tổ để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Ví dụ: Phán quyết của Tòa án quốc tế đối với vụ phân chia thềm lục địa tại Biển Bắc đã có tác động tích cực đến quá trình pháp điển hóa Luật Biển quốc tế tại Hội nghị lần thứ 3 về Luật Biển quốc tế.
Song song với việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, tòa án quốc tế còn đưa ra những ý kiến tư vấn cho các cơ quan, các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Những ý kiến này chỉ mang tính chất khuyến nghị nhưng có thể được các bên công nhận và xem xét như kết luận có tính chất bắt buộc. Những ý kiến của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế.
Ngoài tòa án quốc tế của Liên hợp quốc, phải kể đến một số tòa án khác như Tòa án quốc tế về Luật Biển được thành lập theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Tòa án quốc tế về luật biển có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp và khiếu nại phù hợp với quy định của Công ước về Luật Biển năm 1982. Tòa án cũng có thẩm quyền xem xét các tranh chấp về giải thích, áp dụng các điều ước và công ước khác nhau, nếu thành viên của điều ước, công ước này thỏa thuận.
Trên thế giới còn tồn tại những tòa án quốc tế mang tính chất khu vực như Tòa án Liên minh châu Âu hoạt động trong khuôn khổ các nước thuộc Liên minh, Tòa án châu Âu về nhân quyền, được thành lập trên cơ sở Công ước về quyền con người năm 1950 với sự tham gia của các nước Tây Âu v.v…
3. Giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển đảo tại các tổ chức quốc tế
Giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo tại các tổ chức quốc tế được xem là một trong những nội dung cơ bản của luật quốc tế hiện nay. Tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới nói chung, khu vực Biển Đông nói riêng cần được giải quyết hòa bình tại các tổ chức quốc tế.
3.1. Liên hợp quốc
Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế liên chính phủ mang tính chất phổ cập. Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận mục đích quan trọng của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc đề cập đến những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trong số các cơ quan của Liên hợp quốc, ngoài tòa án quốc tế chức năng giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia đã được đề cập ở trên, còn có Đại hội đồng và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thực hiện các chức năng giải quyết tranh chấp quốc tế, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Đại hội đồng là cơ quan bao gồm tất cả các thành viên Liên hợp quốc và có thẩm quyền lớn nhất thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc. Đại hội đồng có thẩm quyền xem xét những nguyên tắc chung về hợp tác duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, trong đó có vấn đề giải trừ quân bị, có quyền kiến nghị đối với các thành viên và Hội đồng bảo an về vấn đề trên. Đại hội đồng có thẩm quyền thảo luận mọi vấn đề liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế các nước thành viên, Hội đồng bảo an hoặc các nước không phải thành viên Liên hợp quốc đưa ra Liên hợp quốc giải quyết. Trên cơ sở những sự kiện đó, Đại hội đồng sẽ đưa ra kiến nghị đối với các thành viên và Hội đồng bảo an.
Trong trường hợp cần phải hành động nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Đại hội đồng chuyển cho Hội đồng bảo an giải quyết trước hoặc sau khi thảo luận. Nếu như vấn đề được Hội đồng bảo an đang xem xét thì Đại hội đồng không được đưa ra kiến nghị, trừ phi được Hội đồng bảo an hỏi ý kiến. Đại hội đồng có thể lưu ý với Hội đồng bảo an về các tình trạng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế theo Điều 11 và 12 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Hội đồng bảo an là cơ quan có trách nhiệm chủ yếu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thay mặt Liên hợp quốc và các thành viên tiến hành các hoạt động linh hoạt và có hiệu quả để thực hiện mục đích này[11]. Hội đồng bảo an có trách nhiệm yêu cầu các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình[12]. Hội đồng bảo an có thẩm quyền điều tra mọi tranh chấp hoặc mọi tình huống có thể dẫn đến sự bất hòa hoặc tranh chấp giữa các quốc gia, trên cơ sở đó xác định nguy cơ đe dọa hòa bình của những tình huống này. Theo sự xem xét của Hội đồng bảo an, nếu có dấu hiệu đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng bảo an có thể kiến nghị các bên tranh chấp dùng biện pháp hòa bình để giải quyết trong trường hợp các bên tranh chấp không tự giải quyết trên cơ sở tự lựa chọn biện pháp được đề cập đến tại Khoản 1 Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc, các bên phải đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Hội đồng bảo an. Hội đồng bảo an sẽ kiến nghị các thủ tục, phương thức giải quyết thích hợp. Hội đồng bảo an có thẩm quyền xem xét các vấn đề mà các nước thành viên hoặc không thành viên của Liên hợp quốc cũng như các vấn đề Đại hội đồng đề nghị Hội đồng bảo an xem xét. Hội đồng bảo an là cơ quan duy nhất có thể quyết định áp dụng các biện pháp phi quân sự và các biện pháp cưỡng chế đối với các bên tranh chấp nếu như nhận thấy nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh không được cải thiện mà có xu hướng diễn biến xấu đi.
Tóm lại, Hội đồng bảo an thực hiện các chức năng môi giới[13], trung gian[14], điều tra[15] . Đại hội đồng Liên hợp quốc có thẩm quyền thông qua các nghị quyết về hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế.
3.2. Các tổ chức quốc tế khu vực
Khoản 1 Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc quy định việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua các tổ chức quốc tế khu vực bằng các dàn xếp, các thỏa thuận, hiệp định mang tính chất khu vực được xem là một trong các phương thức giải quyết do Liên hợp quốc kiến nghị với các nước thành viên.
Hiến chương Liên minh các nước Ả Rập quy định Hội đồng liên minh có chức năng hòa giải các tranh chấp giữa các nước thành viên. Hội đồng có thể giữ vai trò môi giới hoặc trọng tài. Vai trò quan trọng trong việc hòa giải các bên tranh chấp trong khu vực thuộc về Hội nghị định kỳ của nguyên thủ quốc gia.
Hiến chương tổ chức thống nhất châu Phi quy định giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các nước thành viên bằng đàm phán, trung gian, hòa giải và trọng tài. Ngoài ra, Hiến chương cũng quy định các thủ tục giải quyết tranh chấp khác. Vai trò quan trọng giải quyết tranh chấp giữa các nước trong khu vực về hội đồng thường trực, hội đồng tư vấn các Bộ trưởng Ngoại giao, hội đồng thường kỳ những người đứng đầu quốc gia, chính phủ và các nước thành viên.
Tổ chức các nước châu Mỹ cũng đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết tranh chấp giữa các nước trong khu vực bằng các biện pháp hòa bình.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á -ASEAN với 10 thành viên chính thức trong đó có Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các nướ thành viên với nhau, nhất là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. Theo Điều 2 Hiệp định thân thiện và hợp tác Đông Nam Á ký tại Ba Li ngày 24/02/1976 ghi nhận giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là một trong 6 nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước thành viên. Chương IV của Hiệp ước đề cập đến vấn đề giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Các bên tham gia Hiệp ước cam kết ngăn chặn tranh chấp và trong trường hợp tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết trên cơ sở hòa bình, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Các bên đề cao việc giải quyết bằng thương lượng các tranh chấp trước khi áp dụng các biện pháp được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Các nước thành viên hiệp ước thỏa thuận: Sau khi tranh chấp xảy ra, sẽ thành lập một hội đồng cao cấp gồm đại diện cấp bộ trưởng của mỗi bên tham gia ký kết hiệp ước để ghi nhận tranh chấp, đóng vai trò trung gian, điều tra, hoặc hòa giải, đưa ra những đề xuất có tính chất khuyến nghị về các biện pháp giải quyết thích đáng tranh chấp. Hiệp ước Ba Li cũng ghi nhận việc áp dụng các điều khoản về giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ ASEAN phải có sự đồng ý của các bên tham gia tranh chấp. Tuy vậy, không có loại trừ khả năng các bên khác không tham gia tranh chấp có thể đưa ra mọi sự giúp đỡ cần thiết hỗ trợ các bên tranh chấp. Cuối cùng, để giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới, trong lịch sử nhân loại đã áp dụng các biện pháp khác nhau, song trong quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo cũng như kết quả cuối cùng của quá trình đó phụ thuộc chủ yếu vào thiện chí của chính các bên tham gia tranh chấp chủ quyền.
4. Kết luận
Khu vực Biển Đông đang đứng trước vòng xoáy địa chiến lược, do lịch sử để lại những tranh chấp chủ quyền biển đảo khó giải quyết, quan điểm về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia giữa các bên liên quan khá xa nhau, còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Do vậy, vấn đề căn cơ là các bên cần cùng nhau xây dựng lòng tin chiến lược, thỏa thuận với nhau biện pháp giải quyết tranh chấp, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình.
Không còn con đường nào khác để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, biện pháp sử dụng vũ lực quân sự sẽ càng khiến khu vực này rời vào vòng xoáy của bất ổn và thảm họa của chiến tranh tổng lực, toàn diện, vì các bên liên quan sẽ đấu tranh đến cùng bảo vệ quan điểm chủ quyền./.
Trung tá, TS. Nguyễn Thanh Minh hiện đang công tác tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
———————
[1] Hình thức này thường được các nước chưa đủ mạnh về tiềm lực quân sự, kinh tế sử dụng để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nước, các tổ chức quốc tế và dư luận tiến bộ thế giới.
[2] Bên thứ ba có thể là cá nhân, một nước hoặc một nhóm nước.
[3] Hiệp ước về môi giới và trung gian năm 1936, Công ước Bogota năm 1948 và giải quyết tranh chấp.
[4] Một hình thức của ủy ban điều tra thường trực.
[5] Reports of International Arbitral Awards Recueil Dessentences Arbitrales. Island of Palmas case -Netherlands, USA, 4 April 1928, Volume II pp. 829 – 871.
[6] Điều chú ý là chỉ một trong hai người là công dân nước mình.
[7] Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982, như trường hợp Philippines kiện Trung Quốc.
[8] Ví dụ: vụ Trail Smelter giữa Canada và Mỹ, các bên chỉ ra rằng trong trường hợp này luật của Mỹ áp dụng phù hợp hơn các quy phạm pháp luật quốc tế.
[9] Trong luật học, thể nhân hay tự nhiên nhân là một con người có thể cảm nhận được thông qua các giác quan và bị các quy luật tự nhiên chi phối, ngược lại với pháp nhân, là một tổ chức nào đó, mà vì một số mục đích nhất định thì luật pháp xem như là một cá nhân tách biệt với các thành viên và/hoặc chủ sở hữu của nó. Ví dụ, các điều khoản pháp lý như sửa đổi thứ 19 của Hiến pháp Hoa Kỳ đảm bảo quyền bầu cử của phụ nữ, chỉ áp dụng cho thể nhân mà thôi. Trong nhiều trường hợp thì các quyền con người cơ bản hoàn toàn chỉ được dành cho thể nhân; ví dụ một công ty không thể đảm nhiệm một chức vụ trong xã hội, nhưng công ty này có thể khởi kiện hay có thể bị khởi kiện. Mặc dù các truyện khoa học viễn tưởng từ lâu rồi đã mơ tưởng về khả năng tồn tại của các người máy -robot có tri giác, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một tòa án nào xem xét câu hỏi về việc các dạng người máy này có thể được coi là thể nhân hay không.
[10] Pháp nhân là một định nghĩa trong luật pháp về một thực thể mang tính hội đoàn, thường dùng trong luật kinh tế. Về pháp nhân có rất nhiều quan điểm và học thuyết như: có thuyết cho pháp nhân là một chủ thể giả tạo, có thuyết cho nó là một chủ thể thực sự v.v… Nhưng quan trọng nhất pháp nhân chỉ ra được các thực thể hội đoàn có những biểu hiện tương tự như thể nhân. Pháp nhân có nhiều định nghĩa, song theo pháp luật Việt Nam thì pháp nhân là những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý khác như chính trị, kinh tế, xã hội… Một cá nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân thì cũng không được pháp luật công nhận có quyền ký kết các văn kiện pháp lý về kinh tế, chính trị, xã hội nếu cố tình ký kết thì văn bản đó vẫn sẽ bị coi là vô hiệu lực.
[11] Khoản 1 Điều 24 Hiến chương Liên hợp quốc.
[12] Khoản 2 Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc.
[13] Chức năng môi giới được quy định tại Điều 36 của Hiến chương Liên hợp quốc.
[14] Chức năng trung gian được quy định tại Điều 37 của Hiến chương Liên hợp quốc.
[15] Chức năng điều tra được quy định tại Điều 34 của Hiến chương Liên hợp quốc.