Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (nhiệm kỳ 2014-2018) đã có 7 năm đảm nhiệm vị trí trưởng SOM (Senior Oficial Meeting – Quan chức Cao cấp) ASEAN, cũng là thời gian dài nhất với một Trưởng SOM Việt Nam. Với ông, ASEAN như là cái “nghiệp” bởi khi ông gắn bó với ASEAN cũng đúng vào thời điểm tổ chức này có những bước ngoặt chuyển mình rõ rệt, và có nhiều dấu ấn của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN và điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc.
Người ta có thể nhớ đến ông với nhiều danh xưng, gắn với các vị trí mà ông đảm nhiệm, nhưng nhiều phóng viên vẫn có thói quen gọi ông, hoặc như ông tự nhận rất vinh dự được gọi là ông Vinh “SOM”.
Nhân dịp Việt Nam bắt đầu năm Chủ tịch ASEAN 2020, xin trân trọng giới thiệu tới độc giả những hồi ức của Đại sứ Phạm Quang Vinh về quãng thời gian ông tham gia và làm việc trực tiếp tại tổ chức này cũng như dấu ấn của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
1.
Tôi có khoảng 7 năm 4 tháng, từ cuối tháng 7/2007 đến hết tháng 1/2014, làm ASEAN.
Cá nhân tôi đến với ASEAN bằng một sự rất ngẫu nhiên, tình cờ và là cái duyên. Tính từ khi ra trường là 1980, và đến thời điểm chính thức đảm nhiệm nhiệm vụ trưởng SOM (Senior Officials Meeting – quan chức cấp cao) ASEAN thì 27 năm tôi thuộc biên chế của Vụ Các tổ chức quốc tế, tức là nhiệm vụ làm về các vấn đề đa phương, về LHQ là chính và cũng đã có 2 nhiệm kỳ ở phái đoàn Nữu Ước (phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở New York, Mỹ).
Thời điểm đó có sự chuyển giao của trưởng SOM, tôi thực sự bất ngờ khi biết mình có thể được bổ nhiệm làm trưởng SOM ASEAN Việt Nam. Ở đây, tôi luôn ghi nhớ đến 2 hai vị lãnh đạo, hai người anh, đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Thứ trưởng Thường trực phụ trách vấn đề này lúc đó là ông Lê Công Phụng đã tin tưởng và đề xuất bố trí tôi vào vị trí này, khi tôi mới là một phó Vụ trưởng. Kế đó, cũng trong năm 2007, tôi được đề bạt Vụ trưởng để làm trưởng SOM ASEAN. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lắm, vì việc này vốn lâu nay thường do một lãnh đạo Bộ đảm nhận, không phải ở cấp Vụ trưởng.
Tôi luôn ghi nhận đó là một vinh dự và thực sự cũng là duyên may. Và càng quan trọng, khi cái duyên lại đến vào thời điểm ASEAN đang chuyển mình sâu sắc, bắt đầu là câu chuyện soạn thảo Hiến chương ASEAN từ 2007 và rồi là Kế hoạch tổng thể 3 trụ cột Cộng đồng.
Cá nhân tôi được thừa kế và tham gia vào nửa sau của việc soạn thảo Hiến chương ASEAN, cũng là thời điểm chốt nhiều vấn đề cho ASEAN hiện nay, như về tôn chỉ mục đích, tổ chức bộ máy, lề lối làm việc. Rồi sau đó tham gia vào xây dựng khung các trụ cột của Cộng đồng, mà phần trực tiếp nhất là trụ cột về chính trị – an ninh. Tiếp theo đó là một loạt những “va đập” trong câu chuyện gai góc và phức tạp nhất trong ASEAN, đó là về vấn đề Biển Đông, cùng những câu chuyện gặp phải trong quá trình tham vấn và đàm phán trong ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc.
Quay trở lại câu chuyện ASEAN, một ASEAN đang trong quá trình vận động, chuyển mình như thế, nếu mà hỏi cá nhân có cảm nhận như thế nào sau hơn 7 năm, thì có thể trả lời ngay: đó là đam mê, đam mê thực sự. Đó là đam mê cá nhân với công việc và cả cái đam mê về những “cuộc cờ” được đấu trí, đóng góp vào lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia.
Thực sự, càng cọ sát, càng thấu hiểu thêm về cái gắn bó của lợi ích quốc gia mình với môi trường khu vực, với ASEAN, nếu không thì không thể phát huy được tối đa vai trò, vị thế và cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đây là cái chắc chắn những người làm về ASEAN và những người làm về đối ngoại cần phải luôn nắm chắc, để khi đi vào thực tế, trong các hoạt động ở các hoàn cảnh khác nhau, mới biết là mình cần phải làm gì, vận dụng ra sao tối ưu nhất về kết hợp lợi ích quốc gia và khu vực khi đại diện đất nước tham gia vào ASEAN.
Trong hơn 7 năm đó, cũng có rất nhiều câu chuyện gắn với Việt Nam, gắn với tham gia trong ASEAN, gắn với sự chuyển biến của ASEAN, kể cả những tác động nhiều chiều khi soạn thảo Hiến chương ASEAN, khi chuẩn bị cho ASEAN đi vào Cộng đồng, khi ASEAN tương tác quan hệ với các đối tác. Chuyện dài và cũng lâu rồi, đến giờ cũng chỉ còn giữ được vài ba kỷ niệm thôi.
2. Người biểu tình xông vào cuộc họp ở Thái Lan và bản tuyên bố soạn trên điện thoại “cục gạch”
Còn nhớ, cái năm đầu tiên của một ASEAN mới sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ cuối năm 2008. Để có thể chuyển tiếp đi vào Hiến chương, Thái Lan là quốc gia đầu tiên đến phiên làm Chủ tịch ASEAN, đã đồng ý đảm nhận chức vụ này trong một năm rưỡi, kết nối ASEAN từ hội nghị AMM từ giữa năm 2008 cho đến hết 2009, để các nước sau đó bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch duy nhất trọn vẹn trong một năm (single chairmanship).
Đáng ra Thái Lan sẽ là nước đưa ASEAN hoạt động theo quy định mới và đưa Hiến chương đi vào cuộc sống, thì năm đó xảy ra câu chuyện biểu tình của các phe áo đỏ, áo vàng, dẫn tới đổ bể các cuộc họp ngay từ cấp cao đầu tiên từ tháng 4/2009 tại Pattaya.
Tại Pattaya, sau khi vừa xong cấp cao của ASEAN, đến phiên họp Đối thoại cấp cao đầu tiên với các đối tác là ASEAN – Trung Quốc thì nhóm người biểu tình áo đỏ tràn vào Trung tâm Hội nghị, buộc nước chủ nhà phải hủy họp và phải tổ chức sơ tán các nhà lãnh đạo, bằng 2 con đường: có người thì bằng đường thủy vì nằm ngay bên bờ sông, có người thì bằng trực thăng đỗ trên nóc nhà cung Hội nghị, đưa lãnh đạo các nước ra sân bay. Các thành viên còn lại thì vẫn chờ ở đó cho đến khi tình hình yên ắng. Đoàn Việt Nam còn lại khi đó, trong đó có Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn và tôi cùng Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, anh em cùng phối hợp với nước chủ nhà lo bảo đảm an toàn, ăn uống cho khoảng 50 – 60 người trú lại ngay nơi tổ chức họp. Nước chủ nhà cấp nước, lương thực cho các đại biểu ngay tại phòng họp.
Sự việc xảy ra khoảng 9 – 10 giờ sáng thì đến 3 – 4 giờ chiều, người biểu tình rút đi. Khi tình hình an toàn, nước chủ nhà mới bố trí xe đưa các đoàn chạy ngược về Bangkok. Phần đoàn ta, do đã có phối hợp chặt chẽ với Hàng không Việt Nam, nên khi đoàn đến sân bay Bangkok, thì một chuyến bay tăng cường của Vietnam Airlines đã đợi sẵn ở đó, đưa đại biểu của đoàn ta về nước.
Có một việc, vậy ta phải nói gì, nhất là với báo chí. Khi đó, tôi đã trực tiếp điện thoại báo cáo PTTg, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm xin ngay hai việc: Thứ nhất là, phải khẳng định mục đích Việt Nam dự họp để đóng góp cho ASEAN; Thứ hai, mình cũng cần bày tỏ thái độ ủng hộ phù hợp với nước Chủ tịch ASEAN, dù nội bộ nước bạn có chuyện. Họp không thành là do nước sở tại, nhưng đoàn Việt Nam vẫn phải có một tiếng nói tích cực, vì ASEAN, cũng không thể đi thì có “kèn trống” mà quay về lại không nói gì thì không được.
Lúc đó tôi ngồi trên xe SOM, trên đường chạy ra sân bay, đã phải soạn ngay dự thảo bản thông báo với báo chí ngay trên xe ô tô, bằng điện thoại. Mà hồi đó là điện thoại “cục gạch” Nokia, ấn đến 3 nhát mới được 1 chữ cái, rồi loay hoay mãi mới gửi được cho cán bộ báo chí đoàn đang ở một xe khác, với nội dung đại ý rằng: Thứ nhất, đoàn Việt Nam dự Hội nghị cấp cao lần này thể hiện rất coi trọng ASEAN và mong muốn cùng các nước đóng góp tích cực vào nâng cao vai trò và chương trình hành động của ASEAN. Thứ 2 là rất tiếc rằng do những câu chuyện nội bộ mà các cuộc họp bị ngắt quãng nhưng Việt Nam tiếp tục ủng hộ Thái Lan đảm nhận thành công vị trí Chủ tịch, mong muốn các hoạt động của ASEAN trong năm Thái Lan làm Chủ tịch vẫn được tiếp tục và phát huy vai trò của ASEAN không chỉ trong nội khối và hợp tác quốc tế và vai trò khu vực.
Động thái này sau đó được phía Thái Lan đánh giá rất cao.
Dù sao, Thái Lan khi đó đã không có được một năm Chủ tịch suôn sẻ. Vì vậy, khi năm tiếp sau đó, 2010, đến Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN, cũng tự nhiên trở thành là năm đầu tiên triển khai Hiến chương và single chairmanship – Chủ tịch duy nhất của ASEAN, bao gồm cả việc phân lịch họp các cấp cao, các hội đồng và các cuộc họp khác của ba trụ cột như thế nào..
Để chuẩn bị cho một đợt họp cấp cao của ASEAN, phải cần một loạt các cuộc họp trước đó, báo gồm cả từ cấp SOM, cấp Bộ trưởng. Rồi đến các cuộc họp của 3 hội đồng cộng đồng chính trị – an ninh, cộng đồng kinh tế, cộng đồng văn hóa xã hội, và hội đồng điều phối. Ngay để điều phối ba cộng đồng, thì cấp SOM cũng phải họp ba trụ cột, tức là 3 SOM của 3 cộng đồng – và cái tên “Họp trù bị chung” cho cuộc họp 3 SOM mà đến nay vẫn dùng, tôi nhớ là do đồng chí Vụ trưởng ASEAN của Bộ Ngoại giao ta khi đó nghĩ ra và đặt tên.
Và cái lịch họp trong một năm nay đã trở thành tập quán của ASEAN cũng chính là từ thời ta làm Chủ tịch cách đây 10 năm. Tức là, một năm ASEAN có hai đợt cấp cao, vào đầu năm là nội khối và cuối năm với các đối tác, giữa năm có các hội nghị Bộ trưởng chính, trong đó có AMM và ARF của cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Quay lại 2010, ta lên lịch họp cấp cao nội khối đầu vào tháng 4 và đợt cấp cao sau với các đối tác vào tháng 10. Từ cái đó, để khởi động năm Chủ tịch và cũng là định hướng cho năm đó, sẽ bắt đầu bằng cuộc gặp không chính thức (Retreat) của các Ngoại trưởng vào tháng Giêng, trước đó có cấp SOM chuẩn bị.
Mặt khác, trong năm Chủ tịch, ta cũng nhân đây muốn giới thiệu đất nước, con người với bạn bè, nên mới có chuyện xếp lịch các cuộc họp ở các địa phương khác nhau của Việt Nam, trong đó 2 đợt hội nghị cấp cao ở Hà Nội, còn các hội nghị Bộ trưởng, các hội nghị SOM có thể tổ chức ở các tỉnh thành khác.
Hành trình kết nối khởi đầu từ Chiang Mai của Thái Lan, đi ô tô bằng đường bộ qua Lào, và từ cửa khẩu Lao Bảo đến Đà Nẵng để họp tại nước chủ tịch là Việt Nam.
Đáng chú ý, ngay từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đầu năm ở Đà Nẵng, ta bàn và thống nhất với ASEAN lên kế hoạch về chuyến đi trải nghiệm kết nối ASEAN. Đó là hành trình kết nối khởi đầu từ Chiang Mai của Thái Lan, đi ô tô bằng đường bộ qua Lào, và đến cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam, để dự Hội nghị đầu tiên trong năm Việt Nam làm Chủ tịch tại Đà Nẵng. Chỉ trong một ngày, đến tối thì các Bộ trưởng đã đến Đà Nẵng, một ngày đi qua 3 nước, với 3 điểm dừng, 3 nền văn hóa, thưởng thức 3 phong cách ẩm thực khác nhau, để minh họa cho việc kết nối du lịch, văn hóa, hạ tầng, kết nối, giao lưu, thương mại, từ đó xem xét lợi ích của việc kết nối hành lang Đông Tây và kết nối trên bộ, đồng thời cũng có ý nghĩa kết nối trên biển và kết nối giữa đường bộ và đường biển, đường không.
Đây là lần đầu tiên và cái đó có ý nghĩa lắm, gắn cùng với Hiến chương, cùng với Cộng đồng, việc ASEAN xây dựng MPAC – Master plan for ASEAN connectivity (Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN). ASEAN và các Bộ trưởng đều đánh giá cao trải nghiệm này và lợi ích kết nối khu vực.
3. Dấu ấn Việt Nam và vấn đề Biển Đông cùng câu chuyện tàu Trung Quốc hai lần cắt cáp
Năm 2009, Việt Nam đảm nhận công việc là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc nhiệm kỳ 3 năm, từ tháng 7/2009 cho đến giữa năm 2012, tức là từ ASEAN ở thủ đô Bangkok, đến Hà Nội, qua Jakarta đến Phnom Penh. Như vậy, phải cùng lúc làm 2 câu chuyện: Trước hết là làm sao thúc đẩy quan hệ chung ASEAN – Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược, tức là thúc đẩy các cơ hội hợp tác, cả về hòa bình, an ninh lẫn về kinh tế, phát triển. Nhưng, trong quan hệ đó, còn có câu chuyện Biển Đông, bao gồm cả về hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, quản lý tranh chấp, trong khi ở tình hình Biển Đông vẫn đứng trước nguy cơ trở nên nóng bỏng.
Giữa ASEAN và Trung Quốc, từ năm 2002, đã có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). DOC quy định cả về việc bảo đảm hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, không được làm phức tạp tình hình, cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Đây là văn bản rất quan trọng, khi nào họp, dù là bàn cái gì, khi hợp tác hay khi phê phán các hành vi sai trái, nhìn chung trong tất cả mọi câu chuyện giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông, cũng đều phải dựa vào DOC, vì đây là văn bản duy nhất được thỏa thuận và ký kết giữa hai bên.
Còn nhớ, đúng trong giai đoạn Việt Nam làm điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, cũng có nhiều vụ việc xảy ra, như 2 vụ tàu Trung Quốc cắt cáp các tàu Bình Minh 02 và Viking, khi các tàu này đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Đó là vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2011.
Thế thì sai quá chứ, nhưng trong ASEAN, vẫn phải dựa vào DOC và các văn bản của ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, thì mới tranh thủ và “đấu” được.
Ngày 26/5/2011, Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, rồi sau đó, lại vụ cắt cáp tàu Viking, vào 9/6. Lúc đó cũng là dịp họp SOM, tại Indonesia, khi đi thì đã chuẩn bị và đoàn ta phát biểu phản ứng, tại họp ASEAN, về vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02.
Nhưng sau đó khi chuyển sang và đang họp SOM ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN), thì xảy ra vụ Viking, khi đó bắt buộc lại phải lên tiếng, phải nêu cả hai vụ luôn, trong một diễn đàn (ARF) có đại diện của cả các nước đối tác của ASEAN, bao gồm cả Trung Quốc. Chắc chắn phải phê phán cái sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế và DOC, gây phức tạp tình hình và phương hại đến hòa bình, ổn định, hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực. Những chuyện như vậy, luôn phải nắm chắc mà vận dụng và phải phối hợp rất chặt chẽ trong và ngoài nước.
Nhưng trong giai đoạn này cũng có những động thái tích cực. Cũng vào giữa tháng 6/2011, giữa cái khó khăn, thì có tín hiệu là có thể khai thông bế tắc 9 năm để sớm được bản hướng dẫn thực hiện DOC (guidelines). Đây là văn bản vốn vẫn tồn tại nhiều khác biệt. Ví dụ như điều 2, ASEAN muốn ghi trong dự thảo rằng ASEAN sẽ họp nội bộ trước khi tham vấn với Trung Quốc, đây là điều lâu nay Trung Quốc phản đối, trong khi ở những điều khác, Trung Quốc cũng muốn ghi quan điểm của mình như DOC chỉ nên tập trung về các hợp tác cụ thể. ASEAN thì lại muốn nêu đậm thực hiện các nguyên tắc. Đó là cái khó và làm bế tắc nhiều năm. Trong lúc bị phê phán trong vụ cắt cáp nêu trên, thì Trung Quốc cũng tỏ ý có thể linh hoạt về tháo gỡ bế tắc đối với hoàn bản hướng dẫn DOC nếu ASEAN linh hoạt ở điều 2.
Nắm bắt quan điểm các nước, với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đoàn ta đã tích cực tham vấn ASEAN và với Trung Quốc. Cuối cùng đã khai thông bế tắc và đạt công thức: Trung Quốc chấp nhận việc nâng việc báo cáo về thực hiện DOC, thực chất là vấn đề Biển Đông, lên cấp cao hơn – cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc (là điều chưa hề có vì lâu nay Trung Quốc chỉ muốn DOC ở cấp thấp, bàn những vấn đề kỹ thuật, tránh các nội dung chính trị, an ninh); đổi lại, ASEAN đồng ý bỏ điều 2 trong dự thảo, vì thực tế ASEAN muốn tham vấn nội bộ lúc nào thì đó là quyền và thông lệ của ASEAN, không nhất thiết phải ghi trong một thỏa thuận với Trung Quốc.
Bản hướng dẫn này, đã tạo cơ sở để ASEAN và Trung Quốc sau đó đi vào trao đổi về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngày 19/6 thì hai bên thống nhất ở cấp SOM, và đến họp Bộ trưởng tháng 7 năm đó, bản hướng dẫn thực hiện DOC được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc thông qua, trở thành văn bản chính thức như ta biết hiện nay.
Nói là thế, nhưng cuộc họp SOM hôm đó cũng vất lắm và phải đến tối muộn mới xong. Câu chuyện nắm bắt tình hình, động thái các nước, rồi chủ động điều phối và tham vấn là ở chỗ đó và qua đó, để đi đến thỏa thuận, có lợi chung cho ASEAN, cho ta và cho việc thực hiện DOC về Biển Đông. Còn nhớ SOM ASEAN – Trung Quốc về DOC khi đó họp ở Surabaya, Indonesia, báo chí khu vực và bên ngoài quan tâm và săn tin ghê lắm, để cho thấy vấn đề cũng được xem là khá nóng.
Sau đó, từ 2011 cho đến giữa 2012, ASEAN đã khởi động việc tham vấn nội bộ về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đến tháng 6/2012, trước khi Việt Nam bàn giao cho nước tiếp theo về điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ta đã tổ chức cuộc họp riêng của SOM ASEAN ở Hà Nội, đã chốt và thông qua được Tài liệu “Các thành tố của ASEAN về COC”, với mục đích là để phối hợp trong ASEAN khi đi vào đàm phán với COC (sau được cấp Bộ trưởng ASEAN thông qua vào tháng 7/2012).
Tài liệu này nhấn mạnh nhiều nguyên tắc quan trọng liên quan đến vấn đề Biển Đông, và ngay từ khi đó, lần đầu tiên nhấn mạnh, một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trong tương lai phải có quy định nguyên tắc “tôn trọng Thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước luật biển”. Có được bổ sung quy định này chính là sự vận động để đạt nhất trí chung của các nước, sau các phức tạp nảy sinh từ vụ cắt cáp các tàu Bình Minh 02 và Viking trong vùng biển của Việt Nam. Đến 2013, lần đầu tiên ASEAN – Trung Quốc tham vấn không chính thức về Bộ quy tắc COC, làm cơ sở cho hai bên khởi động đàm phán về COC sau này.
4. Bức ảnh thể hiện nhiều thất vọng và lời kêu gọi “thức tỉnh” với ASEAN
Tháng 7/2012, lần đầu tiên, một Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), khi đó họp tại nước Chủ tịch Campuchia, không ra được Thông cáo chung. Các nước nói đến nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại này, nhất là câu chuyện về Biển Đông. Vào 2012, xảy ra câu chuyện về bãi cạn Scarborough, Philippines tố cáo Trung Quốc đã chiếm trái phép bãi cạn này của mình. Đây là một câu chuyện rất lớn vào thời điểm đó (một vụ việc dẫn tới việc Philippines sau này kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế). Vấn đề được bàn từ cấp SOM và cũng đã đạt được một văn bản, nhưng sau không được nước Chủ tịch chấp nhận.
Vì vậy, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã phải trực tiếp bàn, tuy nhất trí chung về câu chuyện hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng cũng đã nảy sinh những khác biệt rất lớn, nhất là về vụ việc Scarborough và liên quan đến Trung Quốc. Các Ngoại trưởng ASEAN, trong đó có Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia, đã phối hợp với Philippines và nước Chủ tịch, cố gắng cứu vãn đến tận phút chót của Hội nghị. Đã có rất nhiều phương án, công thức, ở các mức độ khác nhau, được đưa ra, nhưng đều đã không đạt được nhất trí, nhất là từ nước chủ nhà khi đó.
Tôi còn nhớ vào ngày cuối cùng của hội nghị, sau khi Hội nghị đã kết thúc, một số Bộ trưởng Ngoại giao bắt đầu ra sân bay, thì Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Việt Nam thuyết phục nước Chủ tịch tổ chức tham vấn thêm một lần nữa, thậm chí, khi đó Ngoại trưởng Singapore đang trên đường ra sân bay, cũng được gọi quay ngược trở lại.
Các Bộ trưởng họp ngay trong một phòng làm việc rất hẹp và đã phải họp bàn rất “căng”, đa phần các cán bộ là phải đứng để theo dõi, nhưng những nỗ lực cứu vãn cuối cùng cũng không thành. Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao đã không ra được Thông cáo chung, tại một hội nghị quan trọng nhất ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao – Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tổ chức hàng năm vào giữa năm. Các nước thành viên, kể cả khi đó cũng như về sau, đều rất quan ngại về hình ảnh một ASEAN thất bại và chia rẽ: Không thể chấp nhận một ASEAN như vậy và quan trọng hơn là phải làm gì để cứu vãn?
Về cuộc họp này, tờ Straits Times của Singapore ngay sau đó đã đăng bài, với một bức ảnh chụp rất “đắt”, chớp được đúng cái thần sắc và không khí cuộc họp đó. Trong bức ảnh, tiền cảnh là Ngoại trưởng Philippines lúc đó Albert del Rosario, còn phía sau, được lấy nét trong bức ảnh là 3 trưởng SOM Philippines (phía trái), Singapore (phải) và Việt Nam ở giữa (không hiểu sao khi đó tôi cũng được vào khuôn hình của báo); cả Bộ trưởng Rosario và cả trưởng SOM đều rất đăm chiêu, có lẽ nếu chụp bất cứ ai tại phiên họp lúc đó thì chắc cũng sẽ đều như vậy – lo lắng, trăn trở về ASEAN.
Tờ Straits Times giật tiêu đề và gọi đó là một “wake up call” – một lời kêu gọi thức tỉnh đối với ASEAN, cảnh báo về một ASEAN phải biết khôi phục lại hình ảnh và đoàn kết, để có thể thực sự đóng vai trò trung tâm của mình ở khu vực. Báo chí, dư luận cả trong và ngoài khu vực khi đó đều bày tỏ quan ngại.
Rõ ràng không thể để ASEAN như vậy và cần phải làm điều gì đó. Chính điều này đã dẫn đến những cuộc tham vấn sau đó, mà nổi bật nhất là chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Netarawan Marty của Indonesia, đi một loạt nước, trong đó có Philippines, Việt Nam, Campuchia… để sau đó ASEAN thống nhất ra được Tuyên bố 6 điểm về các nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông. Theo đó, ASEAN đã khôi phục được phần nào hình ảnh, đồng thời, dù Thông cáo chung không được thông qua, nhưng những kết quả chính đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng cũng vẫn sẽ được tôn trọng và triển khai.
Lần đó, ASEAN phải mất hơn 1 tháng, bằng những tham vấn con thoi và trực tiếp ở cấp Bộ trưởng mới đạt được Tuyên bố 6 điểm nêu trên (Sau này, Ngoại trưởng Marty đã viết khá kỹ về việc này, trong cuốn sách về ASEAN-Cái nhìn của người trong cuộc của ông).
Qua đây, càng nhận thấy vai trò của ASEAN quan trọng lắm với khu vực, nhưng việc duy trì được thống nhất trong ASEAN cũng không phải lúc nào suôn sẻ, nhất là khi có những sự việc phức tạp, liên quan đến các nước lớn bên ngoài. Nhưng điều đó cũng cho thấy, từ kinh nghiệm của mình, ASEAN có thể có nhiều phương cách khác nhau để thúc đẩy tham vấn, vượt qua khác biệt và đi đến thống nhất.
Về sau, người ta luôn nhắc đến vụ việc này như một bài học lớn về gìn giữ hình ảnh và đoàn kết ASEAN. Và, cũng có nhiều đúc rút, nhất là về trách nhiệm kết hợp giữa lợi ích quốc gia và Hiệp hội, vai trò của tham vấn và trách nhiệm của Chủ tịch. Những ai đã dự hàng loạt các tham vấn và trao đổi lúc đó thì mới càng thấy giá trị của các bài học này. Để ASEAN thành công, vai trò và trách nhiệm của nước Chủ tịch là rất quan trọng, đó là không chỉ bám giữ quan điểm ý kiến của mình, mà còn phải có trách nhiệm vì cái chung, kiên trì thúc đẩy tham vấn và tìm đồng thuận chung.
Người ta cũng nêu nhiều về các bài học này trên tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ về vấn đề Biển Đông. Đó là, ASEAN đa dạng về nhiều mặt, nên việc có khác biệt cũng là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là làm sao thu hẹp khác biệt và đạt được đồng thuận – Đó mới là cái chốt, là cái thống nhất trong đa dạng của ASEAN. Mặt khác, các nước thành viên, ít nhất đến nay cũng đã 20 năm tham gia ASEAN, đều được hưởng lợi từ một ASEAN đi vào cộng đồng, góp phần tạo thêm vị thế cho các nước thành viên và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Vì anh được hưởng lợi, thì anh cũng phải có trách nhiệm đóng góp vào cái chung đó, vào đoàn kết và các mục tiêu chung của ASEAN.
5. Lời mời Nga, Mỹ gia nhập và bài toán lễ tân ở Cấp cao Đông Á
Cấp cao Đông Á (EAS) được thành lập và họp cấp cao đầu tiên tại Malaysia, thông qua Tuyên bố Kuala Lumpur về các mục tiêu và nguyên tắc của Cấp cao Đông Á, một diễn đàn mạng tính chiến lược của lãnh đạo cấp cao 16 nước: 10 nước ASEAN, cùng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Đó là một tầm nhìn chiến lược mới của ASEAN, mở rộng khu vực Đông Á và kết nối với Ấn Độ, một cường quốc đang vươn lên mạnh mẽ và coi trọng hướng đông. Người ta cũng đã tính đến hai nước lớn Nga, Mỹ. Theo đó, ASEAN sẽ dẫn dắt một khuôn khổ hợp tác mới có sự tham gia của hầu hết các đối tác chủ chốt, tạo sự cân bằng và không để khu vực bị chi phối, hay độc tôn của bất cứ nước nào, cả về địa chiến lược và địa kinh tế. Tuy nhiên, thời điểm đó, Mỹ chưa sẵn sàng.
Trở lại câu chuyện Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2010. Đây cũng là dịp kỷ niệm 5 năm Cấp cao Đông Á. Chúng ta cũng đã tính từ trước về đưa ra một tuyên bố kỷ niệm 5 năm EAS, nhấn mạnh tầm chiến lược của diễn đàn này, nhất là trong cấu trúc khu vực đang được định hình do ASEAN dẫn dắt. Và câu chuyện mở rộng thành viên EAS lại một lần nữa được bàn trong ASEAN. Xin nói lại một chút. Thực tế, ngay từ 2005, Nga đã “đánh tiếng” muốn tham gia Cấp cao Đông Á, còn Mỹ khó đó lại chưa sẵn sàng, trong khi ASEAN mong muốn có cả hai cường quốc này trong EAS. Cũng cần nhớ rằng, lâu nay, Mỹ thường chỉ tham gia các cơ chế nhiều bên do Mỹ sáng lập hoặc Mỹ có thể nắm vai trò lãnh đạo. Cho nên, trước và trong 2010 có một số nước ASEAN cũng đã đưa ra các đề xuất tìm cách gắn kết Mỹ vào cơ chế Cấp cao Đông Á và khu vực.
Chẳng hạn, Singapore đưa ra đề xuất và vận động cho công thức ASEAN+8, tức là: Nhân việc APEC cứ 2 năm 1 lần tổ chức họp cấp cao tại châu Á, ASEAN cũng sẽ họp cấp cao với lãnh đạo 8 nước đối tác (ASEAN + 8) bên lề APEC. Tuy nhiên, đề xuất này cũng nảy sinh vấn đề: Đó là, không phải nước thành viên ASEAN nào cũng là thành viên APEC và Ấn Độ, thành viên của EAS cũng không tham gia APEC.
Khi đó, tại cấp SOM, chúng ta cũng còn nêu thêm với Singapore câu chuyện mang tính chiến lược hơn: Điều quan trọng là làm sao để các nước lớn, trong đó có Nga, Mỹ gắn kết với khu vực này, gắn kết với ASEAN, cùng ASEAN thúc đẩy hoà bình, thịnh vượng ở khu vực, chứ đem ASEAN đi họp chỗ khác, bên lề một cơ chế khác, thì không những không làm được điều này, mà còn làm giảm vai trò trung tâm của ASEAN nữa.
Cá nhân tôi chia sẻ nhiều về ý này với Singapore và mong muốn cùng các nước khác trong ASEAN tìm một phương thức khác, nhất là trong năm 2010. Chẳng hạn, dịp tháng 6/2010, khi họp SOM ASEAN – Ấn Độ ở Campuchia, tôi cũng đã chia sẻ với phía bạn: Nên bàn và đã đến lúc ASEAN cần đưa ra đề xuất mời cả Nga, Mỹ tham dự EAS, còn quyết định thế nào là ở họ, quả bóng là ở phía họ, còn cái thông điệp chính của ASEAN là muốn họ gắn kết ngay chính ở đây, trong cấu trúc khu vực của ASEAN. Đương nhiên có cái khó là Mỹ chưa hẳn quan tâm, tôi còn nhớ nhiều lần trao đổi, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel cũng chỉ nói Mỹ “chỉ ghi nhận”.
Nhưng đến giữa năm thì có chuyển biến quan trọng. Giữa tháng 7/2010, bỗng được tin, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đề nghị gặp và ăn trưa với Đại sứ các nước ASEAN tại Mỹ, và thông điệp của phía Mỹ là: Mỹ bày tỏ mong muốn tham gia Cấp cao Đông Á (EAS). Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là trưa 15/7, giờ Washington DC.
Do lệch múi giờ, sau ăn trưa bên đó, đã là nửa đêm về sáng ngày 16/7 ở Việt Nam, mà sáng hôm đó cũng đúng là bắt đầu họp SOM ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị BTNG ASEAN, ASEAN+1 và ARF. Vậy thì phải xử lý thế nào? Nếu tính về chủ trương, thì rõ ràng đây là cơ hội để gắn kết hai cường quốc còn lại, Nga và Mỹ vào Cấp cao Đông Á, nhưng về thời gian, thì không thể kịp bàn tính. Các SOM ASEAN khác cũng vậy, khi đó họ đã đến Việt Nam để dự họp rồi, trong khi về nguyên tắc, họ sẽ phải về báo cáo và chờ ý kiến thủ đô. Mà chờ, thì sẽ lỡ các cuộc họp lần này, là đợt họp quan trọng nhất của các Bộ trưởng Ngoại giao trong năm (AMM).
Vận dụng phương hướng chủ trương lâu nay của ASEAN và Việt Nam, khi chủ trì SOM ASEAN sáng hôm đó, tôi chủ động thông báo ý kiến mới của phía Mỹ và đề nghị các trưởng SOM ASEAN, hoàn toàn với tư cách cá nhân, sơ bộ cho nhận xét về mời Nga, Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á (nếu không là tư cách cá nhân, thì chưa có ai dám nói cả). Về phần mình, tôi phát biểu đầu tiên, đương nhiên là cũng với tư cách cá nhân, khẳng định đây là cơ hội chiến lược quan trọng, phù hợp với quan điểm chung của ASEAN, nên cần báo cáo cấp Bộ trưởng và Cấp cao quyết định sớm. Lần lượt các trưởng SOM các nước phát biểu, tinh thần chung là hoàn nghênh, nhưng cho rằng cần cân nhắc thêm các hàm ý liên quan, nhất là về vai trò trung tâm của ASEAN khi có thêm nhiều nước lớn tham gia EAS và phản ứng của các đối tác khác trong EAS (như Trung Quốc).
Với tư cách chủ trì, đoàn ta đề nghị nghỉ giải lao, để các trưởng SOM có thêm cơ hội trao đổi. Khác với thông lệ 15 phút, đó có lẽ là một cuộc nghỉ giải lao lâu nhất, tới hơn 45 phút. Trao đổi, tham vấn, khi hai người, khi từng cụm, xoay quanh câu chuyện SOM kiến nghị lên trên như thế nào.
Rất may, qua đó, chúng ta đã xây dựng được một nhận thức chung khá tích cực. Và, khi quay trở lại họp, tôi sơ bộ tóm tắt mấy điểm qua tham vấn cấp SOM (cả khi họp trước đó và lúc nghỉ giải lao), đại thể có hai vế: 1. Các trưởng SOM ASEAN đã trao đổi với tư cách cá nhân và nhận thấy có một số điểm chung, để cá nhân từng trưởng SOM về báo cáo riêng Lãnh đạo của mình; 2. Về nội dung, các trưởng SOM thấy cần hoan nghênh động thái mới và việc Nga, Mỹ sớm tham gia EAS, nhưng đề nghị ASEAN cần bàn ngay trong 2010 về các hàm ý, cũng như trao đổi với các đối tác khác trong EAS để trình lãnh đạo cấp cao quyết định.
Về vấn đề đầu tiên, chủ yếu là thủ tục, nhưng hết sức quan trọng, nó không gắn vào cơ chế chính thức của SOM, nếu không, chắc chắn các trưởng SOM chưa thể bàn bạc được, chứ đừng nói đến kiến nghị. Dù rất không chính thức, nhưng nó đã sơ bộ tạo cơ sở cho một nhận thức và công thức chung để báo cáo lên cấp Bộ trưởng. Đương nhiên, mỗi đại diện có kênh báo cáo gấp trong nội bộ nước mình, nhưng chắc chắn sẽ phản ánh cái nhận thức chính đó. Đến khi họp cấp Bộ trưởng, rất mừng là các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tán thành và chính thức trình kiến nghị này lên Cấp cao.
Nhớ lại, từ cơ sở này, đến tháng 10/2010, thì Lãnh đạo cấp cao, ngay trong năm Việt Nam làm Chủ tịch, đã chính thức hoan nghênh và đưa ra lời mời Nga, Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á, bắt đầu vào năm sau, 2011. Đạt được như vậy, lại trong một hoàn cảnh gấp gáp, về một vấn đề lớn, rất chiến lược, thực sự có ý nghĩa rất lớn.
Quay trở lại, sau khi được cấp Bộ trưởng đồng ý, tháng 7 đến tháng 10, trước khi đến các Hội nghị cấp cao, còn nhiều việc phải chuẩn bị lắm. Chúng ta đã chủ trì một loạt các cuộc họp SOM để bàn về duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh mới, rồi tham vấn 6 nước còn lại trong EAS (Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand). Rồi qua các cuộc họp đó, chúng ta cũng đề xuất và được chấp thuận, đó là: Để chuẩn bị nguyên thủ của hai nước Nga, Mỹ tham gia EAS vào năm tới (2011 ở Indonesia), sẽ mời Đại diện của họ đến đến dự một phần Cấp cao EAS tháng 10/2010 tại Việt Nam, với tư cách khách mời của nước Chủ tịch, để nghe ý kiến của lãnh đạo các nước EAS.
Hai Ngoại trưởng Nga, Mỹ là Sergei Lavrov và Hillary Clinton đã đến Việt Nam vào dịp này. Và, điều này cũng đặt ra những câu chuyện không hề dễ về chính trị và lễ tân. Chẳng hạn như, tuy đồng ý là khách mời, nhưng sắp xếp ghế ngồi như thế nào; rồi dự thì dự ở phần nào, có phát biểu hay không, thủ tục ra sao.
Về tham dự, đề xuất của ta có lý có tình, nên được chấp nhận, đó là: Cấp cao Đông Á họp trước như bình thường, quyết định các vấn đề trong nghị sự của mình, trong đó có việc mời Nga, Mỹ tham gia EAS, xong phần đó, sẽ ngồi lại và dành thêm thời gian, để mời hai Ngoại trưởng Nga, Mỹ vào – Khi đó Chủ tịch EAS (Việt Nam) phát biểu trước giới thiệu về EAS và thông báo quyết định mời Nga, Mỹ. Sau đó, đến lượt Ngoại trưởng Nga, Mỹ phát biểu (thứ tự ABC) và kết thúc.
Riêng câu chuyện thu xếp về chỗ ngồi cũng đặt ra vấn đề không đơn giản.
Lâu nay, EAS có nguyên tắc sắp xếp chỗ ngồi của mình và chệch đi, là các nước có ý kiến ngay. Với hai Ngoại trưởng khách mời, chúng ta cũng đã lường và bàn trước, nhưng thực tế, cũng đã có đoàn có ý kiến, thu xếp ghế ngồi của họ như thế nào, khi mà họ chưa phải thành viên EAS, lại không phải cùng là cấp nguyên thủ, nên không thể cùng một bàn hội nghị được. Thế nên, khác với thông lệ, chúng ta đã bỏ bàn họp chung, mà bố trí các lãnh đạo cấp cao EAS ngồi theo hình thức salon, có bàn phụ riêng bên cạnh, có để quốc kỳ. Xong phần họp nội bộ cấp cao EAS, thì bố trí thêm hai ghế salon nữa, hơi tách ra một chút, và mời hai Ngoại trưởng vào. Cách bố trí đó đã đáp ứng cả về thủ tục và về chính trị. Thực tế, trước cuộc họp, có nước đã cho đại sứ đến kiểm tra cả thực địa nữa tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.
Ngay việc cần phải mời hai Ngoại trưởng vào cùng một lúc, cũng là điều cần bảo đảm, để không phân biệt.
Có chuyện là, đến khi mời hai Ngoại trường từ phòng chờ ở tầng 1, để đến phòng họp EAS ở tầng trên, thì ngẫu nhiên thôi, bà Hillary lên trước, còn ông Lavrov bị trễ lại một chút. Vậy là, tôi được cử ra đón ở cửa phòng họp EAS, đã phải nhờ đến Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, để vừa có người nói chuyện, vừa có người đi tìm, để hai Ngoại trưởng vào phòng họp cùng một lúc. Lúc đó, chỉ 2-3 phút thôi, mà sốt ruột vô cùng, vì bên trong phòng họp thì im phăng phắc và lãnh đạo cấp cao của 16 nước đang chờ (đoàn ta bên trong liên tục nhắn ra và giục). Cuối cùng, mọi việc cũng ổn thoả, nhưng thú thật, cá nhân tôi cũng hú vía!
6. Danh xưng “Mr. Biển Đông”
Có một thời gian rất dài, trong các khuôn khổ của ASEAN và ASEAN – Trung Quốc, câu chuyện Biển Đông tế nhị và nhạy cảm lắm, có lúc bị xem như một điều kị. Chứ không phải như trong thời gian vừa qua, dường như đã có cái nhận thức chung rằng, hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là quan tâm và lợi ích chung, của khu vực, của tất cả các nước. Đương nhiên, thì Trung Quốc chỉ muốn gói riêng giữa ASEAN – Trung Quốc, không muốn nước khác dính vào, dù rằng, nước nào cũng có lợi ích về hoà bình, an ninh, tự do hàng hải ở khu vực này.
Tôi còn nhớ, khi ASEAN trao đổi về danh mục ưu tiên của Kế hoạch về chính trị an ninh, đó là vào 2009 tại Thái Lan, đoàn ta nêu một số ưu tiên, bao gồm cả việc thực hiện Tuyên bố DOC về Biển Đông.
Mới nghe vậy, Ngoại trưởng Thái Lan chủ trì hội nghị khi đó thậm chí còn hỏi lại: “Vậy chúng ta định đánh nhau với Trung Quốc à?”
Nhưng cũng chính từ cuộc họp đó, cùng với Việt Nam, các nước ASEAN, dần xây dựng cái nhận thức chung, rằng hòa bình ổn định ở Biển Đông là câu chuyện rất quan trọng với khu vực; rồi DOC chính là văn bản ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc về Biển Đông, văn bản duy nhất có được giữa hai bên về vấn đề này, việc thực hiện DOC vừa là cam kết vừa là nghĩa vụ, Biển Đông phức tạp thì phải dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào cái thỏa thuận DOC chung đó chứ. Còn, DOC đương nhiên khu đó đã được nhất trí đưa vào danh mục ưu tiên của ASEAN.
Quay lại cấp SOM, cá nhân tôi cũng luôn nêu và nêu đậm về Biển Đông, trong họp ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác, bao gồm cả Trung Quốc. Có cái cần làm rõ, cần nhấn mạnh là, bàn về Biển Đông, không phải là để chống ai, mà là để gìn giữ hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, là để hợp tác xây dựng lòng tin, là để tôn trọng luật pháp quốc tế… Rồi khi có phức tạp, thì không thể không nhấn việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC, cả ASEAN, khu vực, quốc tế cũng cần phải nêu. Rồi cũng phải thường xuyên tham vấn, phối hợp, chia sẻ thông tin, phải làm đều, trong ASEAN, với các nước liên quan. Vì vậy, về Biển Đông, phải phát biểu, phải tham vấn, coi đó là việc thường xuyên, luôn phải trong nghị sự của ASEAN, của khu vực, cả lúc khi biển yên, lẫn khi biển có phức tạp là vì vậy. Như vậy, ta không chỉ nêu lập trường của mình, mà còn nêu cái quan tâm chung của các nước, của khu vực và của ASEAN.
Thêm nữa, trong các năm, Việt Nam lại đảm nhận việc điều phối ASEAN – Trung Quốc, và như vậy, đồng thời cũng chủ trì đối thoại ASEAN – Trung Quốc về DOC. Vì vậy, chúng ta thường xuyên phải tham vấn chung và phát biểu, dù về Biển Đông, cũng phải nêu được cả mặt có phức tạp và mặt có tiến triển. Là quốc gia điều phối, ta không chỉ phát biểu cho ta mà còn thay mặt chung nữa. Rồi, ta cũng phải điều phối, làm sao khi có phức tạp, thì vẫn phải nỗ lực tìm ra điểm đồng, cả trong ASEAN, hay giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong các khuôn khổ của ASEAN, cái câu chuyện về thực hiện DOC, nó gắn cả với hoà bình an ninh, cả hợp tác xây dựng lòng tin, và cả đấu tranh khi có phức tạp, là vì vậy và nó cũng đặc biệt có ý nghĩa cũng vì vậy. Nó là văn kiện duy nhất đến lúc này về Biển Đông ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, phải dựa vào đó mà yêu cầu các bên thực hiện chứ.
Vì vậy, rất nhiều khi họp cấp SOM ASEAN, nhất là giữa ASEAN với các đối tác, họ thường đợi hoặc nói ta phát biểu trước, vì biết rằng ta sẽ nói cả cái riêng và cái chung nữa. Ngay cả khi có các diễn biến phức tạp cũng vậy, như liên quan chuyện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking năm 2011, hay vụ họ hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 năm 2014, thế thì phải tham vấn và phải nêu chứ, nhưng đồng thời, cũng tranh thủ làm sao có được tiếng nói chung của ASEAN. Chính vì thế, ta được tin cậy, xin đơn cử việc đạt được một Tuyên bố riêng cấp Bộ trưởng Ngoại giao bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 5/2014 tại Myanmar về vụ giàn khoan HD981, điều đó đặc biệt lắm, nhằm nêu bật tính khẩn cấp và nghiêm trọng của vấn đề, còn thường thì hiếm khi cấp Bộ trưởng lại ra tuyên bố khi có Hội nghị cấp cao.
7. Trăn trở về thăng trầm ASEAN – Câu chuyện của một Trưởng SOM
Làm ASEAN, ai cũng cần hiểu rằng, mỗi nước có thể một ý, có thể có những quan tâm khác nhau, nhất là về Biển Đông hay những vấn đề phức tạp khác. Kết hợp được mấy cái chung riêng đó, nhiều khi không đơn giản, nhưng phải luôn là ý thức, nhận thức, thì mới tranh thủ được. Hiểu để làm được tối đa những điều có thể, nhưng hiểu cũng là để không đòi hỏi ASEAN “quá cái sức” của nó được. Bên ngoài, người ta hay kêu về ASEAN yếu hay thiếu đoàn kết. Đúng vậy, nhưng cũng không hoàn toàn như vậy.
Trong hoạt động của mình, ASEAN đồng thuận nhiều thứ lắm, cái khác biệt nó chỉ bộc lộ khi có vấn đề lớn, thực sự phức tạp. Và, khi phải có quyết sách lớn như vậy, thì đương nhiên phải tính toán, nỗ lực, trách nhiệm khác chứ. Còn, một tuyên bố của ASEAN, như về Biển Đông, có khi bị kêu là yếu, thì phải nhận thấy rằng, ASEAN nêu đậm lắm chứ các vấn đề mang tính nguyên tắc; các nước đa dạng, khác biệt là bình thường, nhưng quan trọng là đoàn kết trên các nguyên tắc, thì đúng là cách của ASEAN rồi còn gì. Nhưng, một khi ASEAN đồng thuận lên tiếng, thì cái đó là của chung khu vực, sẽ được công luận ủng hộ, rồi lại được phản ánh tại các diễn đàn khu vực khác nữa, đây là điều rất quan trọng.
Trong riêng ASEAN đã khó, khi có yếu tố tương tác nước lớn bên ngoài, lại càng thêm khó, nhất là khi các nước lớn đẩy mạnh cạnh tranh nhau. Vì vậy, mỗi nước thành viên cần phải đóng góp vào mấy cái lớn, cốt yếu của ASEAN: Một là, câu chuyện đoàn kết ASEAN. ASEAN muốn mạnh, muốn phát huy được tiếng nói, vai trò thì phải đoàn kết, phải tham vấn, phải làm sao kết hợp được riêng-chung, thì mới có đồng thuận được. Hai là, vai trò trung tâm của ASEAN.
Thế thì, ASEAN cũng phải có tiếng nói chung, rồi cũng phải làm cho các đối tác họ thấy có lợi ích và nhất là phải cần đến ASEAN, thì mới có vai trò trung tâm được và điều này không phải mặc nhiên, mà ASEAN cần phải luôn phấn đấu. Thứ ba, là nguyên tắc đồng thuận. Cái này gắn với việc tham vấn, với tư cách là cả một quá trình, phải kiên trì, và với câu chuyện kết hợp riêng-chung. Cũng có người phê phán nguyên tắc này cản trở ASEAN. Khi soạn thảo Hiến chương ASEAN, cách đây đã hơn 10 năm, người ta cũng rà soát lại vấn đề này ghê lắm. Nhưng thực sự nguyên tắc này chính là chỗ dựa cho ASEAN tồn tại, không dựa trên đồng thuận, thì khó có thể gắn kết được các nước đa dạng như thế.
Đồng thuận không nên hiểu chỉ là “gật hay lắc”, nhưng đồng thuận không có nghĩa là cho một nước cái quyền veto, phủ quyết. Đó là cả quá trình và phương cách rất riêng của ASEAN, bao gồm kết hợp cả tham vấn, vận động, rồi tìm cách dung hòa lợi ích, kết hợp được riêng-chung. Kết hợp được như vậy, thì kể cả khi có vấn đề khó, vẫn có thể đi đến được đồng thuận. Điều quan trọng ở đây là phải chủ động cái kết hợp này ngay từ đầu, trong các giai đoạn của quá trình tham vấn, chứ không để đến lúc xảy ra khủng hoảng.
Một ASEAN mạnh, đoàn kết, có vai trò, có lợi chung cho khu vực, cho hoà bình, hợp tác và phát triển. Mỗi nước thành viên cũng đều được hưởng lợi ích có được từ ASEAN có vai trò và được coi trọng, cả về vị thế, về hội nhập phát triển và về mở rộng quan hệ với các đối tác. Đó là cái mà cả ASEAN và mỗi nước thành viên cần phải vun đắp, cho ASEAN và cũng là cho chính mình.