Thế giới hôm nay: 17/01/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ukraine mở một cuộc điều tra các dấu hiệu cho thấy Marie Yovanovitch, cựu đại sứ Mỹ tại Kiev, đã bị theo dõi trong những tháng cuối cùng bà tại chức. Lev Parnas, người nhận mình là trung gian trong liên lạc của Tổng thống Donald Trump với Ukraine, đã nhận được thông tin về nơi ở và việc sử dụng điện thoại của bà từ một ứng viên Hạ viện của đảng Cộng hòa và người ủng hộ Trump. Ông Trump sau đó đã sa thải bà Yovanovitch.

Trong khi đó, Văn phòng về Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ (GAO), một cơ quan giám sát trong chính phủ liên bang, đã phát hiện ông Trump phạm luật với việc đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm ngoái. Nhánh hành pháp không được đóng băng các khoản tiền đã được quốc hội thông qua ngay cả khi nhằm thực hiện “các ưu tiên chính sách” của ông Trump, GAO cho biết. Các tài liệu luận tội chống lại ông cho rằng ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ chính trị từ Ukraine.

Ngân hàng trung ương Nam Phi bất ngờ giảm lãi suất cơ bản 0,25%, xuống còn 6,25%, mức thấp nhất trong nhiều năm. Chính quyền đang cố gắng kích thích nền kinh tế trì trệ. Ngân hàng cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng và lạm phát. Tỷ lệ thất nghiệp của đất nước vẫn còn cao, ở mức 29%.

Một số dữ liệu được công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang diễn tiến tích cực. Trong tháng 12 doanh số bán lẻ tăng 0,3%, mức tăng theo tháng thứ ba liên tiếp; và đã tăng 5,8% so với cùng kì năm trước. Một thước đo hoạt động sản xuất ở các bang vùng trung Đại Tây Dương đã tăng lên mức cao nhất trong tám tháng. Trong khi đó, số người Mỹ xin nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần trước.

Ai Cập, EthiopiaSudan đạt được thỏa thuận ban đầu về việc vận hành Đập Đại Phục hưng (Grand Renaissance Dam) sau nhiều năm đàm phán gay gắt. Thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. Ethiopia gần như đã hoàn thành dự án trên Nile Xanh; giờ họ muốn tích nước và bắt đầu sản xuất điện một cách nhanh chóng. Ai Cập lo lắng về hậu quả đối với dòng chảy của sông.

Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hồng Kông, cho biết mô hình “một quốc gia, hai chế độ” có thể tiếp tục được áp dụng ngay cả sau 2047, thời điểm nó hết hạn. Nhưng bà cũng cảnh báo điều này đòi hỏi các nhà hoạt động dân chủ phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đại lục. Anh trao trả lãnh thổ này cho Trung Quốc vào năm 1997 với điều kiện các quyền tự do kiểu phương Tây của họ sẽ được tôn trọng trong 50 năm.

Dữ liệu từ ba cơ quan cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong mười năm đến cuối năm 2019 là cao nhất trong lịch sử. Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), Văn phòng Khí tượng Anh (Met) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cũng cho thấy năm 2019 là năm ấm thứ hai từng được ghi nhận. NASA và Văn phòng Met rõ ràng đổ lỗi cho sự biến đổi khí hậu do con người tạo ra.

TIÊU ĐIỂM

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc

Từng có thời điểm 6% đã là một thảm họa. Nhưng giờ đây nó sẽ là một chiến thắng nhỏ nếu Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP hàng năm trong quý cuối năm 2019 ở mức 6%, phù hợp với dự báo. Điều đó không chỉ có nghĩa là Trung Quốc đã chịu đựng được các đòn thuế quan của Mỹ trong khi nền kinh tế không thiệt hại nặng. Nó cũng sẽ báo hiệu một thoáng tạm dừng trong cuộc giảm tốc kéo dài của kinh tế Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng giữ nguyên như quý ba.

Trung Quốc sẽ cần cảm ơn sự gia tăng các dự án cơ sở hạ tầng vào cuối năm ngoái, một “cứu tinh” thường được chính phủ dùng để kích thích tăng trưởng. Thỏa thuận một phần trong cuộc thương chiến với Mỹ, được ký hôm thứ Tư, sẽ bổ sung cho đà tăng của Trung Quốc. Nhưng bức tranh tổng thể vẫn là một nền kinh tế cố gắng đối phó với các khoản nợ cao chót vót tích lũy từ thập niên qua. Giữ mức tăng trưởng 6% trong tương lai sẽ không dễ dàng.

Thi đại học ở Nhật Bản

Khoảng nửa triệu thanh thiếu niên trên khắp Nhật Bản sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn ngày hôm nay. Những người phản đối nói các bài kiểm tra trắc nghiệm là một thước đo kém về khả năng học tập. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng hệ thống giáo dục kiềm hãm sự sáng tạo và đào tạo các kỹ năng không có ích trong một nền kinh tế tri thức. Tuy vậy vẫn chưa thấy có cải cách. Hagiuda Koichi, bộ trưởng giáo dục, đã bị buộc phải hoãn việc áp dụng đề thi tự luận – dạng đề khuyến khích khả năng suy nghĩ độc lập và bày tỏ ý kiến – sau khi thừa nhận thiếu người chấm thi.

Một kế hoạch để chính phủ ủy quyền việc kiểm tra tiếng Anh cho các nhà cung cấp khác cũng đã bị bãi bỏ. Kỳ thi hàng năm này rất căng thẳng đối với học sinh. Các công ty lớn vẫn tuyển dụng hàng loạt nhân viên trực tiếp từ các trường đại học và sàng lọc ứng viên dựa trên bảng xếp hạng đại học; vấp ngã trong các bài kiểm tra có thể đồng nghĩa với thất bại cả đời. Các bài kiểm tra bị cho là làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thất bại trong học tập là lý do chính dẫn đến tự tử ở Nhật trong độ tuổi 10-19.

Tập Cận Bình đến thăm Myanmar

Hôm nay Tập Cận Bình sẽ lần đầu đến thăm Myanmar với tư cách chủ tịch Trung Quốc. Ông sẽ ca ngợi mối quan hệ “pauk-phaw”, hay anh em, giữa hai nước. Nhưng ông sẽ nhanh chóng tập trung vào mục đích của mình. Myanmar là một nút thắt quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, kế hoạch hội nhập kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. Trung Quốc dự định xây dựng tuyến đường sắt nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, đến Kyaukphyu, thị trấn nằm cạnh biển của bang Rakhine ở tây Myanmar, nơi họ sẽ xây dựng một cảng trị giá 1,3 tỷ đô la.

Điều này giúp Trung Quốc có được một con đường đến Ấn Độ Dương. Ông Tập sẽ ủng hộ chính phủ Myanmar về cách họ đối xử với người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo ở Rakhine, nhưng cũng thúc giục giải quyết xung đột tại bang này để giảm thiểu rủi ro cho lợi ích của Trung Quốc tại đây. Myanmar cũng lo lắng về các mối đe dọa đối với chủ quyền và gánh nặng nợ nần có thể xuất phát từ các dự án này. Tuy nhiên, hai nước dự kiến ​​sẽ ký hàng chục thỏa thuận trong chuyến thăm của ông Tập. Người anh lớn sẽ hài lòng.

Cử tri và mức độ hạnh phúc của người tiêu dùng

Đại học Michigan hôm nay sẽ công bố Chỉ số Cảm xúc Người tiêu dùng (ICS) lần đầu trong năm nay, một chỉ dấu hàng tháng đánh giá xem liệu người Mỹ cảm thấy tích cực hoặc tiêu cực về nền kinh tế. Được công bố từ những năm 1960, chỉ số này trong những tháng gần đây cho thấy sự lạc quan gần như kỷ lục, với người trưởng thành báo cáo mức độ hạnh phúc về kinh tế cao nhất trong thế kỷ 21. Chỉ những năm 1990 công chúng mới vui vẻ hơn bây giờ. Song các cử tri không cho rằng Tổng thống Donald Trump là người đem đến sự bùng nổ hiện nay.

Theo YouGov, một hãng thăm dò ý kiến, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông tiếp tục dao động quanh mức 41%, con số thường thấy của ông trong phần lớn nhiệm kỳ qua. Phân tích của The Economist cho thấy giữa ICS và tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống không có sự liên qua nào. Các cử tri từng ủng hộ các tổng thống đem lại tăng trưởng và tăng việc làm. Nhưng bây giờ họ xác định quan điểm của mình về nền kinh tế dựa trên việc liệu đảng yêu thích của họ có kiểm soát được Nhà Trắng hay không.

Lãnh tụ tối cao Iran giữa sóng gió

Các sự kiện cho thấy vị Đại Giáo chủ già nua đang lo lắng khi các cuộc biểu tình làm rung chuyển Iran. Hôm nay, lần đầu tiên sau 8 năm, Ali Khamenei sẽ dẫn đầu buổi cầu nguyện thứ Sáu tại Tehran, hoạt động hàng tuần của chế độ. Ông sẽ dùng nó để chứng minh rằng ông vẫn có thể dẫn dắt một đám đông, bất chấp nỗi tức giận lan rộng về vụ rơi máy bay giết chết 176 thường dân, và vụ che đậy sau đó. Ông sẽ khiển trách người biểu tình là những kẻ phản bội và ca ngợi Vệ binh Hồi giáo, bên đã bắn hạ chiếc máy bay, như những người bảo vệ trung thành của đất nước.

Ông cũng sẽ kêu gọi trả thù nước Mỹ, những người đã ám sát vị tướng hàng đầu của ông vào ngày 3 tháng 1. Ông Khamenei lo ngại bất kỳ gợi ý cải cách nào trong nội bộ hoặc việc tiếp cận với Mỹ sẽ bị coi là yếu mềm. Ông đang cố gắng vượt qua Tổng thống Donald Trump, người tìm cách tái đắc cử vào tháng 11. Nhưng câu trả lời của Khamenei cho sự cô lập và suy giảm kinh tế của Iran chỉ là sự chối bỏ cải cách và dùng vũ lực. Về dài hạn, bấy nhiêu là không đủ.