Virus corona là căn bệnh của chế độ chuyên chế Trung Quốc

Nguồn: Minxin Pei, “The Coronavirus Is a Disease of Chinese Autocracy”, Project Syndicate, 28/01/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Sự bùng phát dịch viêm phổi do virus corona mới bắt đầu từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đã khiến hơn 4.000 người bị lây nhiễm – chủ yếu ở Trung Quốc. Nhưng cũng đã có những nạn nhân ở một số quốc gia khác, từ Thái Lan đến Pháp và Hoa Kỳ. Dịch bệnh cũng đã khiến hơn 100 người thiệt mạng. Nếu xét lịch sử đối phó với các dịch bệnh của Trung Quốc – từ Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) tới dịch tả lợn châu Phi – cũng như nhận thức rõ ràng của các quan chức về sự cần thiết phải tăng cường năng lực giải quyết những “rủi ro lớn”, tại sao dịch bệnh vẫn xảy ra?

Không có gì ngạc nhiên khi lịch sử đang lặp lại ở Trung Quốc. Để duy trì quyền lực của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải giữ cho công chúng tin rằng mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Điều đó có nghĩa là phải thực hiện việc che đậy có hệ thống các vụ bê bối và những thiếu sót có thể làm bộc lộ sự yếu kém của lãnh đạo đảng, thay vì làm những điều cần thiết để đối phó với tình hình.

Sự bí mật này làm cản trở khả năng phản ứng nhanh của các nhà chức trách trước dịch bệnh. Dịch SARS năm 2002-2003 có thể được ngăn chặn sớm hơn nhiều nếu các quan chức Trung Quốc, bao gồm cả bộ trưởng y tế, không cố tình che giấu thông tin trước công chúng. Sau khi các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh phù hợp được thực hiện, bệnh SARS đã được kiểm soát chỉ trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như chưa học được bài học của mình. Mặc dù có sự khác biệt quan trọng giữa dịch virus corona hiện nay và dịch SARS – bao gồm năng lực công nghệ lớn hơn nhiều để theo dõi bệnh – cả hai trường hợp đều cho thấy thói quen che đậy thông tin của ĐCSTQ.

Chắc chắn là nếu thoạt nhìn chính phủ Trung Quốc đã công khai, thẳng thắn hơn về trường hợp bùng phát virus corona. Nhưng, mặc dù trường hợp đầu tiên được báo cáo vào ngày 8 tháng 12, ủy ban y tế thành phố Vũ Hán đã không đưa ra thông báo chính thức nào cho đến vài tuần sau. Và sau đó, các quan chức Vũ Hán lại hạ thấp mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, đồng thời cố tình tìm cách ngăn cản việc đưa tin về dịch bệnh.

Thông báo đó lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy căn bệnh mới có thể lây từ người sang người và tuyên bố rằng không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh. Ủy ban đã lặp lại những tuyên bố này vào ngày 5 tháng 1 mặc dù lúc đó đã có 59 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Ngay cả sau khi bệnh nhân đầu  tiên thiệt mạng ngày 11 tháng 1, ủy ban vẫn tiếp tục khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy bệnh có thể lây từ người này sang người khác và chưa có nhân viên y tế nào bị ảnh hưởng.

Trong suốt giai đoạn quan trọng này, có rất ít tin tức về tình hình bùng phát dịch bệnh. Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã làm việc tích cực để loại bỏ các thông tin thảo luận về sự bùng phát dịch bệnh khỏi các không gian công cộng, điều ngày nay đã dễ dàng hơn so với thời kỳ dịch SARS nhờ chính quyền hiện có thể kiểm soát Internet, phương tiện truyền thông và xã hội dân sự chặt chẽ hơn. Cảnh sát đã quấy rối những người dân nào “tung tin đồn” về dịch bệnh này.

Theo một nghiên cứu, các bài nói về sự bùng phát dịch bệnh trên WeChat – một ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và cổng thanh toán di động nổi tiếng của Trung Quốc – đã tăng vọt trong khoảng thời gian từ ngày 30 tháng 12 đến ngày 4 tháng 1, khoảng thời gian mà ủy ban y tế thành phố Vũ Hán lần đầu tiên thừa nhận dịch bệnh. Nhưng các bài đề cập đến căn bệnh sau đó giảm mạnh.

Các bài đăng về virus corona mới tăng nhẹ vào ngày 11 tháng 1, khi trường hợp bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng được báo cáo, nhưng sau đó nhanh chóng biến mất một lần nữa. Chỉ sau ngày 20 tháng 1 – khi đã có 136 trường hợp mới ở Vũ Hán được báo cáo, cũng như các trường hợp ở Bắc Kinh và Quảng Đông – chính phủ mới ngừng các nỗ lực kiểm duyệt thông tin của mình. Các bài đề cập đến virus corona tăng vọt.

Tuy nhiên, một lần nữa, việc chính phủ Trung Quốc cố gắng bảo vệ hình ảnh của mình đã phải trả giá đắt vì chúng làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lúc ban đầu. Chính quyền sau đó đã thay đổi cách tiếp cận, và chiến lược của họ giờ đây dường như là nhằm chứng minh chính phủ đang tích cực chống lại bệnh dịch như thế nào bằng cách áp dụng các biện pháp quyết liệt: lệnh cấm đi lại đối với Vũ Hán và các thành phố lân cận ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có 35 triệu người sinh sống.

Tại thời điểm này, không rõ liệu các bước đi này cần thiết hay hiệu quả tới mức nào. Chỉ có một điều rõ ràng là việc Trung Quốc xử lý yếu kém dịch virus corona gian đoạn đầu đã khiến hàng ngàn người bị nhiễm bệnh, hàng trăm người có thể chết, và khiến nền kinh tế, vốn đã bị suy yếu do tình trạng nợ dâng cao và chiến tranh thương mại, sẽ bị giáng thêm một đòn nữa.

Nhưng có lẽ phần bi thảm nhất của câu chuyện này là có rất ít lý do để hy vọng rằng lần sau mọi thứ sẽ khác. Sự sống còn của nhà nước độc đảng phụ thuộc vào tính bí mật, đàn áp truyền thông và kiềm chế các quyền tự do dân sự. Vì vậy, ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu chính phủ tăng cường khả năng xử lý các “rủi ro lớn”, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục làm suy yếu sự an toàn của chính mình và toàn thế giới, nhằm củng cố sự cầm quyền của ĐCSTQ.

Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng tuyên bố chiến thắng dịch bệnh, chắc chắn họ sẽ nhận công lao về tay lãnh đạo Đảng. Nhưng sự thật thì ngược lại: chính Đảng phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này.

Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.