Thế giới hôm nay: 03/02/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đã có nạn nhân đầu tiên ngoài Trung Quốc chết vì coronavirus Vũ Hán, cụ thể ở Philippines. Cho đến nay, hơn 300 người đã chết vì chủng virus mới này, phần lớn đến từ Vũ Hán hoặc khu vực lân cận. Hơn 14.000 người đã bị lây nhiễm trên toàn thế giới. Các chính phủ đang cố gắng ngăn chặn căn bệnh lây lan qua biên giới.

Ít nhất 20 tín đồ bị giẫm đạp đến chết trong một buổi lễ nhà thờ ở Tanzania. Họ đang tham dự một buổi lễ của phái Tin Lành Ngũ tuần tại một sân vận động ở thị trấn Moshi ở miền bắc; khi những người tham dự chen lấn nhau về phía trước để được xức dầu thánh. Tổng thống Tanzania, John Magufuli, kêu gọi nâng cao an ninh tại các sự kiện lớn.

Tổng thống Barham Salih của Iraq chọn Mohammed Tawfiq Allawi làm Thủ tướng mới của nước này trong nỗ lực kết thúc tình trạng bất ổn chính trị đang gia tăng. Nhưng nhiều cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trên khắp Baghdad và một số thành phố phía nam. Các cuộc tuần hành đã diễn ra kể từ tháng 10, với yêu cầu loại bỏ giới chóp bu cầm quyền Iraq cũng như tạo ra việc làm và các dịch vụ công cộng tốt hơn.

Cảnh sát London bắn chết một người đàn ông sau khi ba người bị thương trong vụ tấn công bằng dao ở Streatham, một khu dân cư phía nam thành phố. Nghi phạm được cho là mặc áo quấn bom giả. Cảnh sát cho biết vụ việc có liên quan đến khủng bố và một trong những người bị thương hiện đang nguy kịch.

Hai cuộc thăm dò trước thềm tổng tuyển cử Ireland vào thứ Bảy cho thấy đảng Sinn Fein đang dẫn đầu. Một cuộc thăm dò của hãng thăm dò ý kiến Red C cho thấy cánh chính trị cũ này của Quân đội Cộng hòa Ailen, một nhóm khủng bố, cùng chia sẻ vị trí đầu tiên với Fianna Fail, một đảng đối lập; trong khi một khảo sát khác của Panelbase cho thấy họ đang dẫn đầu.

SonntagsZeitung, một tờ báo Thụy Sĩ, cho biết Credit Suisse đã bí mật theo dõi Greenpeace, một tổ chức môi trường vốn chỉ trích họ vì đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Ngân hàng tai tiếng này, trước đây từng thừa nhận bí mật theo dõi các giám đốc điều hành cấp cao của mình, tuyên bố giám đốc điều hành của hãng, Tidjane Thiam, không biết gì về việc giám sát này.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan, Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đã kêu gọi chủ nhà tham gia nỗ lực thúc ép Trung Quốc cải thiện việc đối xử với các nhóm thiểu số Hồi giáo. Trung Quốc đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo và người dân tộc Kazakhs ở Tân Cương. Đây là một chủ đề nhạy cảm đối với Kazakhstan, nước muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Đẩy lùi coronavirus: một công việc khó khăn

Để hạn chế sự lây lan của coronavirus Vũ Hán, Mỹ và ngày càng nhiều quốc gia khác đang từ chối nhập cảnh người nước ngoài đến từ Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết điều này có thể khiến các quốc gia bị ảnh hưởng ngại báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh và buộc những người nhiễm bệnh cố gắng nhập cảnh bất hợp pháp. Nhiều quốc gia cũng đang sàng lọc những người đến từ Trung Quốc để phát hiện sốt, một dấu hiệu nhiễm bệnh. Các sân bay Trung Quốc cũng đang sàng lọc hành khách nước ngoài.

Nhưng các học giả tại Trường Y học và Vệ sinh Nhiệt đới London ước tính rằng ngay khi có sàng lọc cả xuất cảnh và nhập cảnh, 46% du khách bị nhiễm bệnh vẫn sẽ vượt qua vì họ đến trong thời gian ủ bệnh, tức trước khi các triệu chứng xuất hiện. Trong đợt bùng phát SARS năm 2003, một loại coronavirus khác, Úc đã sàng lọc 1,8 triệu hành khách đến và cách ly 794 người trong số họ để kiểm tra – song không tìm thấy trường hợp SARS nào. Sàng lọc tại các sân bay Canada hồi năm 2003 cũng tương tự. Trong khi đó, SARS đã giết chết 44 người ở Canada vào năm ấy.

GDP Hong Kong giữa tâm bão dịch

Rất ít nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi coronavirus Vũ Hán như Hong Kong. Nhiều ngành công nghiệp của họ, bao gồm du lịch và các ngành dịch vụ, phụ thuộc vào việc mọi người được di chuyển dễ dàng. Và nhiều người tiêu dùng của họ, bị ám ảnh bởi đại dịch SARS năm 2003, nhanh chóng lo lắng về bệnh tật, một trạng thái tâm lý sẽ hạn chế chi tiêu của họ cho bất cứ điều gì khác ngoài khẩu trang. GDP Hongkong có thể giảm 5,1% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó, theo ngân hàng Goldman Sachs.

Số liệu GDP công bố hôm nay, bao gồm ba tháng cuối năm 2019, sẽ không thể cho biết liệu dự đoán trên có đúng không. Nhưng nó sẽ cho thấy tình hình đã tồi tệ như thế nào ở Hong Kong ngay cả trước khi có dịch. Những tháng cuối năm 2019 được đánh dấu bằng các cuộc biểu tình chống chính phủ vốn tàn phá giao thông và du lịch. Trong tháng 11, số lượng du khách giảm 56% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ dịch SARS. Nhưng mức giảm đó có thể sớm bị vượt qua.

Đảng Dân chủ bầu cử sơ bộ ở Iowa 

Sau nhiều tháng vận động, tranh luận và gặp mặt cử tri, tối nay lượt bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra để chọn ứng viên tổng thống Mỹ tiếp theo của Đảng Dân chủ. Đối với các cuộc bỏ phiếu kín ở Iowa, các thành viên Đảng Dân chủ sẽ tập trung tại các phòng gym ở trường trung học, nhà thờ và hội trường thị trấn. Người dân Iowa sẽ bỏ phiếu độc lập, trực tiếp, và chỉ trong một đêm. Những người ủng hộ từng ứng cử viên sẽ kề sát bên nhau và cố gắng thuyết phục những người khác tham gia cùng họ. Quá trình tranh cử đem đến cho các ứng viên những người hâm mộ cuồng nhiệt.

Vì một lỗi khảo sát, Des Moines Register, một tờ báo địa phương, đã không công bố cuộc thăm dò cuối cùng của mình, nhưng chiến dịch tả khuynh của Bernie Sanders xem ra có cơ hội cao. Ông Sanders suýt đánh bại Hillary Clinton ở Iowa vào năm 2016. Những người Dân chủ muốn tham gia các cuộc bỏ phiếu kín ở Iowa thường theo cánh tả. Những người ủng hộ ông Sanders cũng rất nhiệt tình và được tổ chức tốt. Một chiến thắng ở đây, sau đó ở New Hampshire, nơi sẽ bỏ phiếu tiếp theo vào ngày 11 tháng 2, có thể nâng cao khả năng thắng cuộc của ông.

Rắc rối quanh dự án đường sắt tốc độ cao của Anh

Những người đi làm trên các chuyến tàu của Anh đã quen với việc bị hoãn chuyến. Song, dẫu có gây bực tức, nó vẫn chẳng là gì so với việc chờ đợi quyết định cuối cùng đối với dự án đường sắt High Speed 2 (HS2) của nước này. Tuyến tàu dự kiến từ London đến miền bắc nước Anh, dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu, dường như sẽ được bật đèn xanh trong tuần này. HS2 lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2009 và được chấp thuận sơ bộ vào 2012.

Nhưng khi ông Boris Johnson trở thành thủ tướng năm ngoái, nó đã được xem xét lại. Có nhiều lập luận chống lại dự án. Trong thập niên qua, các phân tích chi phí-lợi ích của chính phủ có xu hướng giảm nhẹ chi phí và đánh giá quá cao lợi ích. Tổng mức đầu tư đã tăng vọt, do quản trị kém, từ dưới 40 tỷ bảng (53 tỷ đô la) lên đến hơn 100 tỷ bảng. Và một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ đến từ các hạt nằm dọc đường đi của tuyến tàu không ủng hộ dự án. Nhưng một chính phủ cam kết “nâng cấp” miền Bắc với các dự án cơ sở hạ tầng sẽ không muốn hủy bỏ dự án này.

Tổng thống Pháp thăm Ba Lan

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Ba Lan lần đầu tiên vào hôm nay kể từ khi nhậm chức vào năm 2017. Mối quan hệ giữa Pháp với chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý Ba Lan (PiS) theo hướng dân túy đã căng thẳng từ lâu. Ngay sau khi trở thành tổng thống, ông Macron đã cáo buộc họ tự cô lập mình với châu Âu. Ông nói thêm, công dân Ba Lan “xứng đáng với những điều tốt hơn” (Thủ tướng PiS thời điểm đó phản pháo bằng cách gọi lời nhận xét của Macron là “kiêu ngạo”).

Tuần này, ông Macron hy vọng sẽ cải thiện quan hệ. Sau các cuộc họp với tổng thống và thủ tướng Ba Lan tại Warsaw, ông sẽ tới Krakow vào ngày mai để có bài phát biểu về chủ đề “Ba Lan và Pháp ở Châu Âu”. Một cuộc tranh cãi về nền pháp quyền sẽ là tâm điểm. Liên minh châu Âu phản đối cách thức đảng cầm quyền Ba Lan đang làm suy yếu hệ thống tư pháp độc lập trước đây của nước này. (Những người Ba Lan theo tư tưởng tự do cũng rất tức giận.) Chuyến thăm của ông Macron sẽ là một phép thử xem các nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng ép Ba Lan tuân thủ các quy tắc của EU tới đâu.