Thế giới hôm nay: 07/10/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa MỹTriều Tiên kết thúc không có tiến triển tại ngoại ô Stockholm. Nhà đàm phán chính của Triều Tiên nói với phóng viên rằng các cuộc đàm phán đã không đáp ứng được kỳ vọng. Nước này đã bắn thử một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm vào tuần trước. Mối quan hệ giữa hai nước đã chuyển từ mức ấm áp đáng ngạc nhiên sang sự lạnh lẽo quen thuộc.

Người biểu tình xuống đường chống lại lệnh cấm đeo mặt nạ ở Hồng Kông đã phá hoại các cửa hàng và nhà ga. Vào tối thứ Sáu, toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm đã ngừng hoạt động và nhiều nhà ga vẫn đóng cửa suốt cuối tuần. Vào Chủ nhật, hàng ngàn người tuần hành trong mưa lớn, trong đó nhiều người vẫn đeo mặt nạ một cách thách thức. Đụng độ giữa cảnh sát, người biểu tình và dân thường đã nổ ra ở nhiều nơi.

Một người tố cáo thứ hai đã xuất hiện trong câu chuyện kịch tính xoay quanh các thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Ukraine vốn khiến cho các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện mở một cuộc điều tra luận tội. Người tố cáo thứ hai được đại diện bởi cùng các luật sư của người đầu tiên, và được cho là có thể cung cấp bằng chứng trực tiếp chứng thực cho lời khai của người đầu tiên, điều mà Đảng Cộng hòa chế giễu hoàn toàn chỉ là những lời “nghe nói.”

Người biểu tình ở Kyiv, thủ đô Ukraine, đã tuần hành chống lại kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử khu vực ở miền đông đất nước của tân tổng thống Volodymyr Zelensky. Tổng thống hy vọng quyền tự chủ gia tăng có thể làm suy yếu sự ủng hộ đối với chủ nghĩa ly khai. Nhưng các đối thủ lại coi đó là một sự đầu hàng đối với nước Nga, nước đã hỗ trợ phe ly khai ở miền đông nói tiếng Nga với các thiết bị quân sự và binh sĩ bí mật.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Israel Katz, cho biết ông đã thảo luận về các hiệp ước “không xâm lược” với một số quốc gia Ả Rập mà Israel hiện không có quan hệ ngoại giao. Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đang đóng băng và Israel đang thiếu một chính phủ mới sau cuộc bầu cử mới đây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhà nước Do Thái đã âm thầm “làm thân” với các nước Ả Rập có chung mâu thuẫn với Iran.

Các thành viên công đoàn của EDF, công ty điện lực lớn nhất của Pháp, tuyên bố họ sẽ quay lại đình công vào ngày 17 tháng 10 nếu chính phủ không rút lại kế hoạch tái cấu trúc. Công nhân đã đình công vào tháng trước để phản đối một kế hoạch nếu thông qua có thể sẽ thu hút các nhà đầu tư tư nhân hoặc chia nhỏ gánh nặng nợ nần thành hai. Đình công tại các cơ sở sản xuất điện đã buộc EDF phải mua điện từ nơi khác.

Sau khi bổ nhiệm 13 hồng y mới, Giáo hoàng Francis trong bài giảng lễ Chủ nhật đã kêu gọi những người bảo thủ trong nhà thờ Công giáo sẵn sàng thay đổi. Các giám mục sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về việc cho phép những người đàn ông đã có vợ trở thành linh mục ở các khu vực Amazon bị cô lập. Đức Giáo hoàng mang tư tưởng tự do đã bổ nhiệm hơn một nửa số hồng y sau này sẽ chọn người kế vị của ông.

TIÊU ĐIỂM

Diễn biến mới nhất cuộc luận tội Trump

Mặc dù tuần này quốc hội nghỉ họp, Ủy ban Tình báo Hạ viện vẫn có kế hoạch triệu tập ít nhất 4 quan chức Bộ Ngoại giao nhằm phục vụ cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump về các thỏa thuận của ông với Ukraine. Những người này bao gồm Marie Yovanovitch, cựu đại sứ tại Ukraine mà ông Trump gọi là “tin xấu”. Các nghị sĩ Dân Chủ cũng muốn nghe điều trần từ Gordon Sondland, đại sứ Mỹ tại EU và là tác giả của các tin nhắn như của luật sư tư vấn (Tổng thống đã nói rõ: không có sự đánh đổi qua lại nào); T. Ulrich Brechbuhl, một cố vấn Bộ Ngoại giao có tên trong đơn tố cáo vốn đã châm ngòi cuộc điều tra; và George Kent, một phó trợ lý bộ trưởng.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã buộc tội Đảng Dân chủ cố tình “đe dọa [và] bắt nạt” các quan chức; ông cũng đang trong tình trạng bế tắc với họ về các tài liệu Hạ viện yêu cầu nộp. Trong khi đó, vào Chủ nhật, các luật sư của người tố cáo đã xác nhận họ đang đại diện cho một người khác nữa, người có những thông tin trực tiếp hậu thuẫn cho tố cáo của người đầu tiên.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về Brexit

Các cuộc thảo luận về kế hoạch Brexit của Boris Johnson sẽ tiếp tục tại Brussels. Nhưng EU đã nói rõ đây không phải những cuộc đàm phán đúng nghĩa: họ không coi các đề xuất của Thủ tướng Anh là cơ sở cho thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh tuần tới. Các nhà lãnh đạo Ireland và EU phản đối mạnh mẽ việc tạo ra một biên giới hải quan giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland cũng như ý tưởng trao quyền phủ quyết đơn phương đối với các thỏa thuận liên Ireland cho chính phủ Bắc Ireland.

Với cơ hội đạt thỏa thuận là mong manh, rất có thể ông Johnson sẽ buộc phải yêu cầu gia hạn Brexit vào 31 tháng 10, vì tháng trước Quốc hội đã yêu cầu ông phải làm theo luật. Nhưng ông vẫn khẳng định Anh phải rời EU vào ngày đó, dù có thỏa thuận hay không. Các cuộc chiến pháp lý, và thậm chí là nỗ lực của các nghị sĩ nhằm gạt bỏ ông Johnson, đang ở phía trước.

Bạo lực leo thang ở Iraq

Hơn 100 người Iraq đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình bùng lên vào ngày 1 tháng 10 ở miền nam Iraq, vùng đất của người Shia rất quan trọng đối với chính phủ. Chính phủ đã dùng xe tăng, vòi rồng và lệnh giới nghiêm, bên cạnh những lời hứa về việc làm, để khôi phục trật tự. Nhưng các nhà lãnh đạo Iraq ngày càng thừa nhận họ đã thua. Họ thất bại trong việc đối phó với nghèo đói, thất nghiệp ở thanh niên cũng như sự phẫn nộ lan rộng cho rằng họ đang tư túi của cải của Iraq.

Căm phẫn tăng lên sau khi lực lượng an ninh đàn áp sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm kiếm việc làm trong khu vực công vào tháng trước. Nỗi tức giận cũng nhắm vào Iran, nước bị những người biểu tình coi là kẻ bảo trợ chính của hệ thống chính trị (các dân quân đồng minh của Iran ở Iraq được cho là đang nổ súng vào đám đông biểu tình). Các lãnh tụ người Shia đã mất khả năng ổn định tình hình (như Đại Giáo Chủ Ali al-Sistan) hoặc gia nhập chính phủ (như đảng của Muqtada al- Sadr, một giáo sĩ khác). Trật tự được Mỹ xây dựng sau khi hạ bệ Saddam Hussein vào năm 2003 có thể đang phải đối mặt với thời điểm nguy hiểm nhất.

Cuộc tranh luận trước bầu cử ở Canada

Cuộc tranh luận tối nay giữa các nhà lãnh đạo của 6 đảng chính tranh cử trong cuộc bầu cử Canada vào ngày 21 tháng 10 trao cho Justin Trudeau, thủ tướng Đảng Tự do và Andrew Scheer, đối thủ từ Đảng Bảo thủ, một cơ hội để giành lấy lợi thế trong cuộc đua sít sao này. Chiến dịch đã được đánh dấu bởi các tiết lộ đáng xấu hổ. Việc ông Trudeau đeo mặt nạ đen trong một bữa tiệc khi còn trẻ (mang hàm ý phân biệt chủng tộc) và đang sử dụng hai chiếc máy bay để vận động tranh cử, đã làm lu mờ các phẩm chất tốt của ông.

Trong khi đó, việc ông Scheer nói dối ông là một nhà môi giới bảo hiểm được cấp phép và bí mật giữ hai quốc tịch Canada-Mỹ, sẽ không được coi là một điểm cộng trong kỷ nguyên Donald Trump. Nhưng tất cả sẽ chỉ là âm thanh hậu trường khi ông Trudeau và ông Scheer cố gắng thuyết phục người Canada rằng, khi nói đến các vấn đề lớn như chi phí sinh hoạt hay biến đổi khí hậu, họ là người tốt nhất cho công việc. Các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Mới và Đảng Xanh, những người cạnh tranh cho vị trí thứ ba, sẽ nhiệt tình tấn công những tuyên bố đó.

Lộ trình phát triển mới của Hy Lạp

Một chính phủ trung hữu mới, do Kyriakos Mitsotakis lãnh đạo, đã hứa sẽ khôi phục tăng trưởng kinh tế Hy Lạp. Hôm nay, họ công bố dự thảo ngân sách đầu tiên của mình. Cắt giảm thuế suất doanh nghiệp và thuế thu nhập sẽ được đưa ra. Đây là những ý tưởng hay: biện pháp thắt lưng buộc bụng tài khóa khắc nghiệt sau khủng hoảng nợ công 2009-15 bao gồm tăng lãi suất. Điều này, cùng với ngành ngân hàng đầy nợ xấu và môi trường pháp lý ngột ngạt, đã kìm hãm tăng trưởng.

Tuy nhiên, chính phủ cũng bị ràng buộc bởi một thỏa thuận ký với các chủ nợ châu Âu, yêu cầu họ phải giữ thặng dư ngân sách cơ bản (tức trước khi trả lãi) ở mức 3,5% GDP. Ông Mitsotakis phải làm cho các con số tăng lên hoặc thuyết phục các chủ nợ trong các tháng tới rằng Hy Lạp đáng được nương tay. Còn các chủ nợ có thể phải lựa chọn giữa việc kéo dài cơn đau của Hy Lạp hoặc làm phật lòng những nhân vật diều hâu ở các nước Bắc Âu, những người không muốn dễ dãi với Hy Lạp.