Thế giới hôm nay: 26/06/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Wirecard, công ty fintech Đức bị sa lầy trong vụ bê bối thất lạc 1,9 tỷ euro (2,1 tỷ đô la) khỏi bảng cân đối kế toán, tuyên bố họ sẽ nộp đơn xin phá sản. Công ty này, trị giá 13 tỷ euro vào tuần trước, mất 90% giá trị cổ phiếu trước khi giao dịch bị đình chỉ. Hội đồng quản trị của hãng nói số tiền bị thất lạc này có thể không hề tồn tại.

Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ đã giảm nhẹ xuống còn 1,48 triệu vào tuần trước. Mặc dù các số liệu thể hiện tuần thứ 12 liên tiếp giảm số lượng đơn mới, chúng vẫn cao hơn dự báo của các nhà kinh tế, và vẫn ở trên mức cao nhất từng được ghi nhận trước đại dịch.

Bayer giải quyết xong một số vụ kiện về Roundup, một loại thuốc diệt cỏ được bán bởi gã khổng lồ hóa chất Đức này, bằng tổng số tiền hơn 10 tỷ đô la. Các nguyên đơn cáo buộc rằng glyphosate, một hóa chất trong Roundup, gây ung thư. Bayer khẳng định glyphosate không gây ung thư. Thỏa thuận sẽ kết thúc ba quý liên tiếp kiện tụng đối với Bayer về Roundup.

Texas cho biết sẽ tạm dừng mở cửa lại do gia tăng số ca nhiễm covid-19. Số người nhập viện ở bang này đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu tháng 6. Đây là một trong 29 tiểu bang có số ca nhiễm đang tăng lên. Vào thứ Tư, Mỹ ghi nhận tổng số ca mới trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu – 36.880 trường hợp mới.

Chủ tịch Softbank Son Masayoshi rời khỏi hội đồng quản trị Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc. Ông Son đã tham gia hội đồng quản trị công ty này từ năm 2005 và cho biết ông tự nguyện rời đi. Sự ra đi của ông đã được sắp xếp cho diễn ra đồng thời với việc Jack Ma – người sáng lập Alibaba – rời khỏi hội đồng quản trị Softbank.

Bộ Tài chính Mỹ đã gửi các khoản kích thích kinh tế trị giá gần 1,4 tỷ đô la cho hơn một triệu người đã chết, một cơ quan giám sát cho biết. Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Hoa Kỳ, một cơ quan độc lập báo cáo trước Quốc hội, nói vấn đề phát sinh một phần là do Bộ Tài chính không có quyền truy cập vào toàn bộ hồ sơ người quá cố của chính phủ. Người ta không biết có bao nhiêu séc đã bị rút thành tiền.

Olympus, một trong những thương hiệu nhiếp ảnh nổi tiếng nhất, sẽ bán bộ phận máy ảnh của mình. Công ty Nhật Bản đã sản xuất máy ảnh trong 84 năm qua. Việc kinh doanh trở nên bất lợi trong những năm gần đây khi điện thoại thông minh được cải thiện không ngừng. Điều đó khiến Olympus chỉ còn lại những khách hàng trung thành nhất.

TIÊU ĐIỂM

Ông chủ Samsung trước nguy cơ ngồi tù lần nữa

Hôm nay, một ủy ban do các công tố viên Hàn Quốc triệu tập sẽ đưa ra khuyến nghị không ràng buộc về việc liệu Lee Jae-yong có phải đối mặt phiên tòa về các cáo buộc gian lận kế toán và thao túng thị trường hay không. Một phiên tòa sẽ giúp bổ sung danh sách các rắc rối pháp lý của ông chủ Samsung, người còn phải đối mặt với một bản tái thẩm về tội hối lộ (điều ông phủ nhận) vốn khiến ông phải ngồi tù. Các cáo buộc mới, mà ông Lee phủ nhận, liên quan đến vụ sáp nhập năm 2015 giúp ông củng cố quyền kiểm soát Samsung.

Ba giám đốc điều hành của Samsung đã bị kết án tù vì tội che giấu hoặc phá hủy các bằng chứng liên quan đến cuộc điều tra các điều khoản sáp nhập. Nếu bị kết án, ông Lee có thể sẽ gặp lại họ một lần nữa. Những rắc rối pháp lý liên tục phủ bóng lên thành tích tốt của Samsung trong đại dịch, cũng như nỗ lực đóng góp của họ trong cuộc chiến chống lại virus. Covid-19 có thể là mối lo ngại chính đối với nhiều công ty, nhưng không gây nhiều ảnh hưởng đến tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

ASEAN họp thượng đỉnh online

Các nhà lãnh đạo của mười quốc gia ASEAN hôm nay sẽ gặp nhau qua webcam để tiến hành một hội nghị thượng đỉnh diễn ra một năm hai lần. Đứng đầu danh sách những việc cần làm sẽ là phục hồi kinh tế sau đại dịch covid-19. Ngân hàng Phát triển Châu Á cho rằng tăng trưởng GDP trong khu vực sẽ giảm từ 4,4% trong năm 2019 xuống còn 2,7% trong năm nay. ASEAN sẽ tái khẳng định cam kết của mình trong việc đảm bảo dòng luân chuyển hàng hóa và vốn tự do trong toàn khu vực, thảo luận về việc mở lại biên giới và khởi động một quỹ nhằm giúp các nước thành viên bị đại dịch tác động mạnh.

Ngược lại, sẽ không có hỗ trợ rõ ràng nào cho người Rohingya, một dân tộc thiểu số bị đàn áp ở Myanmar. Gần đây, hàng trăm người đã liều mình lên những chiếc thuyền ọp ẹp trong nỗ lực đến Malaysia và Indonesia. Nhiều người đã chết trên biển. Nhưng bị ràng buộc bởi cam kết không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia thành viên, ASEAN sẽ bỏ qua nỗi đau của họ.

Liên Hợp Quốc đón sinh nhật thứ 75

Bảy mươi lăm năm trước vào hôm nay tại San Francisco, 50 nước đã cùng ký Hiến chương Liên Hợp Quốc. Không giống như tiền thân Hội Quốc Liên, vốn tồn tại ngắn ngủi và không thể ngăn chặn Thế chiến II, Liên Hợp Quốc vẫn sống tốt. Chưa có Thế chiến III. Tổ chức này giờ đã có 193 thành viên và mở rộng sang các lĩnh vực gìn giữ hòa bình cũng như cứu trợ nhân đạo. Bộ máy của nó cũng đã mở rộng. Nhưng đã có dấu hiệu của tuổi tác.

Năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an phản ánh cán cân quyền lực của năm 1945. Sự đối địch giữa Mỹ và bộ đôi Nga, Trung đồng nghĩa với việc hội đồng thường rơi vào bế tắc, thậm chí không thể có một phản ứng chung trước covid-19. Tuy nhiên, đại dịch là một ví dụ (cùng với biến đổi khí hậu, an ninh mạng và phổ biến vũ khí hạt nhân) của các mối đe dọa toàn cầu cần phải có hợp tác quốc tế để giải quyết. Thế giới không có tâm trạng để ăn mừng sinh nhật Liên Hợp Quốc, nhưng vẫn đáng tạm dừng chốc lát để ghi nhớ mục đích của nó.

Wirecard nộp đơn xin phá sản

Hôm qua, công ty fintech của Đức cho biết họ sẽ nộp đơn xin phá sản. Wirecard đã bị sa lầy trong bê bối kể từ tuần trước, khi các kiểm toán viên báo cáo thất lạc 1,9 tỷ euro (2,1 tỷ đô la) trong bảng cân đối kế toán. Vẫn không rõ vì sao vụ gian lận tài chính doanh nghiệp lớn nhất nước Đức không bị phát hiện trong nhiều năm qua.

Nhưng một điểm có vẻ rõ ràng. BaFin, cơ quan quản lý tài chính của Đức, đã thất bại trong việc giám sát công ty xử lý thanh toán. Dù ban đầu bảo vệ BaFin, bộ trưởng tài chính Olaf Scholz giờ đây nói rằng các quy tắc cần phải được xem xét lại. Wirecard được đối xử như một công ty công nghệ chứ không phải là nhà cung cấp dịch vụ tài chính, tức BaFin chỉ trực tiếp quản lý công ty con trong ngành ngân hàng của hãng, Wirecard Bank. Công ty mẹ, đứng trong hàng ngũ các công ty niêm yết có giá trị nhất theo chỉ số DAX của Đức, được giám sát bởi chính quyền quận Thượng Bavaria, một chính quyền địa phương hoàn toàn thiếu khả năng giám sát một tập đoàn đa quốc gia khổng lồ.

Ba Lan chuẩn bị bầu tổng thống

Người Ba Lan sẽ đi bầu cử vào Chủ nhật, sau khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 bị trì hoãn vì coronavirus. Andrzej Duda, người đương nhiệm được hậu thuẫn bởi đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, đang tìm kiếm một nhiệm kỳ năm năm nữa. Ông phải đối mặt với năm đối thủ chính, từ trung tả sang cực hữu. Ông Duda dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Trong những tuần gần đây, ông đang tìm cách hấp dẫn các cử tri bảo thủ xã hội bằng ngôn ngữ chống người đồng tính và ủng hộ giá trị gia đình truyền thống.

Ông đối mặt thách thức lớn từ Rafal Trzaskowski, thị trưởng theo khuynh hướng tự do của Warsaw, người đến từ đảng Nền tảng Dân sự trung dung, đảng cũ của Donald Tusk. Nếu như các cuộc khảo sát cho thấy, không người nào đạt hơn 50% số phiếu, sẽ có tiếp một cuộc bỏ phiếu vào ngày 12 tháng 7. Các cuộc thăm dò cho thấy hai người đứng sít sao nhau nếu có vòng hai. Ở Ba Lan, tổng thống là một vị trí chủ yếu mang tính nghi lễ, với quyền phủ quyết các dự luật. Nhưng kết quả bầu cử có thể cho thấy liệu Ba Lan đang trở thành một xã hội cởi mở hơn, hay bảo thủ hơn.