Hồng Kông: Từ đấu tranh cho người Việt tị nạn đến đấu tranh cho chính mình

Nguồn: Jana Lipman, “Why Hong Kong’s untold history of protecting refugee rights matters now in its struggle with China”, The Conversation, 04/06/2020.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Dự luật an ninh quốc gia mới do chính quyền Trung Quốc đề xuất sẽ làm xói mòn nghiêm trọng nền pháp quyền của Hồng Kông, hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền được xét xử theo trình tự công bằng (due process) và các quyền tự do dân sự cơ bản khác. Những người Hồng Kông đã và đang đấu tranh quyết liệt cho quyền tự trị của đặc khu trước chính quyền trung ương trong nhiều năm qua sẽ phải đối mặt với một rủi ro rất lớn.

Sự tôn trọng đối với quyền con người và nền pháp quyền, thứ được xem là bản sắc của cựu thuộc địa Anh so với Trung Quốc đại lục, bắt nguồn phần nào từ một chương ít được biết đến trong lịch sử Hồng Kông.

Từ năm 1975 đến 1997, có gần 200.000 người Việt Nam tìm đến Hồng Kông tị nạn. Phần lớn trong số họ cuối cùng được tái định cư ở Hoa Kỳ, Canada và Úc, nhưng vẫn có hàng chục ngàn người bị mắc kẹt trong các khu trại ở Hồng Kông trong lúc chờ yêu cầu tị nạn của họ được xử lý, quá trình này thường kéo dài hàng năm trời.

Một số nhà hoạt động người Việt trong các trại tị nạn đã cáo buộc chính quyền Hồng Kông vi phạm quyền con người.Với hành động đưa vụ việc ra tòa án, họ đã giúp định hình bối cảnh mà người Hồng Kông hiện đang đấu tranh với chính quyền Trung Quốc.

“Làm ơn giúp đỡ thuyền nhân!” 

“Các ông đã sống dưới chế độ cộng sản bao giờ chưa?” Một người đàn ông Việt Nam đã hỏi các quan chức Liên Hợp Quốc vào tháng 7 năm 1989, khi một số lượng lớn người Việt đang tìm đến Hồng Kông tị nạn.

“Hãy nhìn vào vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn”, ông nói thêm.

Vài tuần trước đó, vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã đàn áp đẫm máu các sinh viên tụ tập biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Đối với người đàn ông vừa mới đến Hồng Kông này, việc viện dẫn một sự kiện kinh hoàng cho các quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc để có được quy chế tị nạn dường như là một chiến lược đúng đắn.

Biết rằng người dân Hồng Kông đang theo dõi cuộc đàn áp ở Trung Quốc đại lục do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, người đàn ông có thể nghĩ rằng chính phủ Hồng Kông sẽ thấu hiểu lý do anh ta phải trốn khỏi một quốc gia cộng sản.

Thời điểm Hồng Kông nhận một lượng lớn người tị nạn Việt Nam vào cuối những năm 1980, cũng là lúc Vương quốc Anh đang đàm phán trao trả lại cho Trung Quốc vùng lãnh thổ mà họ đã giành được vào những năm 1840. Người dân Hồng Kông lo sợ rằng họ sẽ mất đi các quyền tự do chính trị và kinh tế trong quá trình chuyển giao đó.

Tuy nhiên, những lo ngại của họ về cuộc sống dưới sự cai trị của chế độ cộng sản đã không chuyển thành sự cảm thông đối với những người tị nạn Việt Nam. Nhiều người Hồng Kông phẫn nộ cho rằng người tị nạn Việt Nam được chào đón đơn giản chỉ vì họ chạy trốn chế độ cộng sản trong khi những người Trung Quốc vượt biên trái phép từ Đại lục sang thì lại nhanh chóng bị trả về.

Năm 1988, Hồng Kông thay đổi quy chế xác định tị nạn, yêu cầu những người tị nạn đến từ Việt Nam chứng minh được rằng họ đã phải chịu sự đàn áp chính trị ở quê nhà. Đây là điều khiến hàng ngàn người bị giữ lại trong thời gian dài và dẫn đến những cáo buộc vi phạm nhân quyền của chính quyền Hồng Kông.

Khi những cuộc đàm phán xoay quanh vấn đề bàn giao Hồng Kông vào năm 1997 đang diễn ra, các nhà hoạt động người Việt trong những trại tị nạn đã lãnh đạo hàng chục cuộc biểu tình phản đối và tuyệt thực. Giữa lúc tình hình đang “sôi sục” trong các khu trại, người Việt Nam hô to khẩu hiệu “Phản đối cưỡng bách hồi hương! Phản đối vi phạm nhân quyền! Người dân Hồng Kông, xin hãy giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam!”

Habeas corpus- Quyền bảo thân

Như tôi đã đề cập trong cuốn sách mới của mình “In Camps: Vietnamese Refugees, Asylum Seekers, and Repatriates” (tạm dịch: Trong các khu trại: Người Việt được tị nạn, người vẫn đang chờ và người phải hồi hương), những luật sư đại diện cho người Việt Nam đã đệ trình hàng chục vụ kiện lên tòa án Hồng Kông vào những năm 1990, chỉ ra những sai phạm trong thủ tục xét duyệt quy chế tị nạn.

Cuối cùng, vào năm 1995, các luật sư tại Hồng Kông đã nghĩ ra một chiến lược mới để giải phóng thân chủ của họ vẫn còn trong tình trạng “số phận mập mờ”. Họ bắt đầu nộp các lá đơn yêu cầu quyền bảo thân (habeas corpus), viện dẫn một nguyên tắc nền tảng trong luật pháp phương Tây bảo vệ các cá nhân khỏi việc giam giữ vô thời hạn hoặc bị giam giữ mà không biết rõ các cáo buộc.

Trong một lá đơn, các luật sư nhân quyền Hồng Kông đại diện cho ba gia đình người Việt Nam bị giam hơn bốn năm trời cho rằng thời gian giam giữ là bất thường và chính phủ Hồng Kông phải trả tự do cho các thân chủ của họ.

Chỉ ra việc Hồng Kông sắp sửa được chuyển giao cho Trung Quốc, các luật sư nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng(South China Morning Post) rằng vụ việc này có ý nghĩa đối với số phận của các quyền tự do dân sự của tất cả mọi người ở Hồng Kông sau năm 1997.

Nếu các nhà lãnh đạo Hồng Kông muốn đảm bảo rằng người dân của họ có thể duy trì các quyền tự do dân sự và kinh tế dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc thì việc bản thân chính quyền Hồng Kông cũng giam giữ hành chính vô thời hạn đối với các cá nhân sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm, các luật sư lập luận.

Một giảng viên cao cấp tại Đại học Hồng Kông giải thích trên các phương tiện truyền thông Anh ngữ của Hồng Kông rằng: “Quyền bảo thân- Habeas corpus – không được áp dụng tại Trung Quốc đại lục, với những gì đang xảy ra ở bên kia biên giới, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ quyền này”.

Vào tháng 3 năm 1996, Tòa án Tối cao cho các thuộc địa ra phán quyết nghiêng về phía những người Việt Nam, ra lệnh cho chính phủ Hồng Kông thả hơn 200 người Việt.

Luật sư trưởng Rob Brook nói về quyết định này: “Đây là một chiến thắng cho người dân Hồng Kông cũng như những người bị giam giữ”.

“Bảo vệ những người yếu thế có lợi cho tất cả mọi người”

Cận kề ngày 1 tháng 7 năm 1997, thời điểm mà Hồng Kông được chuyển giao về cho Trung Quốc, chiến thắng của người Việt Nam đã vô hình trung củng cố nền pháp quyền tại Hồng Kông, quyền bảo thân được bảo vệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ngày nay, quyền bảo thân và các quyền hợp pháp khác là trung tâm của các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông chống lại những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm áp đặt quyền kiểm soát lớn hơn đối với đặc khu này. Trong số các nhà hoạt động dân chủ bị bắt năm nay có bà Ngô Ái Nghi (吳靄儀) Magaret Ng, một chính trị gia Hồng Kông, người mà hơn 20 năm trước đã viết một cách vô cùng thuyết phục về mối quan hệ giữa quyền của những người xin tị nạn Việt Nam và quyền tự do dân sự của Hồng Kông.

Trường hợp của những người xin tị nạn Việt Nam để lại một bài học không chỉ cho cuộc đấu tranh hiện tại của Hồng Kông với Trung Quốc. Nó cho thấy rằng ở bất kỳ quốc gia nào, việc đấu tranh vì quyền lợi của một nhóm thiểu số dễ bị tổn thương cũng sẽ mang lại sự bảo vệ vững chắc các quyền tự do dân sự cho tất cả mọi người.

Jana Lipman là phó giáo sư sử học tại Đại học Tulane, Hoa Kỳ.

Hình: Người Việt Nam bị từ chối nhập cảnh Macau đến Hồng Kông tại cảng Sheung Wan, tháng 6/1978