Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào?

Tác giả: Thư Hương

Biến động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào? là cuốn sách đượcviết theo lối so sánh, đối tượng là bảy mẫu nghiên cứu ngẫu nhiên, bảy quốc gia mà Jared Diamond sống và làm việc trong hơn bảy mươi năm qua. Bảy nước này có thể nói là quen thuộc với cá nhân tác giả, thông thạo ngôn ngữ 6/7 nước, tới lui nhiều lần và quan tâm nghiêm túc đến các biến cố mà các quốc gia này gặp phải. Từ kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân và của bạn bè, ông tập trung khảo về các biến cố của hai nước châu Âu (Đức và Phần Lan), hai nước châu Á (Nhật Bản và Indonesia), Bắc Mỹ (Hoa Kỳ), Nam Mỹ (Chile) và nước Úc, không có nước nào ở châu Phi.

Ở chương đầu, tác giả viết về những biến cố cá nhân và hệ quả của nó, có người sẽ vượt qua biến cố và trỗi dậy mạnh mẽ, có người thất bại và thậm chí là tự sát. Jared Diamond bàn đến 12 nhân tố, con số theo ông là vừa đủ, tác động đến việc xử lý thành công biến cố cá nhân, từ đó tìm ra những nhân tố tương đương tác động đến các hệ quả của biến cố quốc gia.

Hai chương tiếp theo (chương 2 và 3), tác giả đề cập đến biến cố ở hai quốc gia Phần Lan và Nhật Bản, từ những cú sốc do các quốc gia khác gây ra dẫn đến sự bùng phát thành một biến cố bất ngờ.

Phần Lan đã hiểu tiềm lực quân sự của Liên Xô và nhận được những yêu sách lãnh thổ từ cường quốc có dân số gấp 50 lần và đội quân hùng hậu nhưng phớt lờ nguy cơ bị tấn công. Khi chiến tranh nổ ra vào ngày 30/11/1939 thì quân Phần Lan đạt được đồng thuận phản công ngay trong đêm trong bối cảnh không nhận được sự hỗ trợ nào từ đồng minh tiềm năng. Một chuỗi biến cố kéo dài trong thập niên 1940, cuộc chiến vệ quốc (bảo vệ thành phố Viipuri) cướp đi gần 100.000 nhân mạng hầu hết là nam giới trên tổng dân số 3,7 triệu người Phần Lan. Hai quốc gia láng giềng, một bên theo chế độ dân chủ tư bản tự do, một bên theo con đường cộng sản. Phần Lan gia tăng sức mạnh quân đội và quốc phòng đề phòng Liên Xô, ngược lại Liên Xô lưu tâm đến vị thế địa chính trị của quốc gia láng giềng. Sau hiệp ước bất tương xâm Đức-Xô, Stalin muốn đẩy biên giới của mình xa về phía tây, bốn nước cộng hòa Baltic nhận được yêu sách về việc đặt căn cứ quân sự và quyền được vận chuyển quân đội Liên Xô đến căn cứ các nước này. Đầu tháng 10/1939, Liên Xô đưa yêu sách, thương thảo diễn ra sau đó nhưng người Phần Lan cùng đồng lòng, phe Đỏ cũng như phe Trắng, dẫn đến Cuộc chiến Mùa đông huyền thoại, người Phần Lan kiên cường chống trả để bảo vệ gia đình, đất nước và nền độc lập của họ. Sau giai đoạn 1945-1948, Phần Lan hoang tàn, kiệt quệ kinh tế, và phải bồi thường chiến phí. Một chính sách hậu chiến, đường lối Paasikivi-Kekkonen, được vạch ra để ngăn cản sự tiếp quản của Liên Xô, trước đó là đối mặt và thích nghi với sự nắm quyền của phe được Liên Xô hỗ trợ. Người Phần Lan đã nhìn thấy sai lầm quá khứ khi lờ đi Liên Xô trong thập niên 1930, ý thức được mình là nước nhỏ và yếu, lại không được đồng minh trợ giúp… Phần Lan hiểu là họ cần duy trì được lòng tin của Liên Xô, cùng với đó là hy sinh một chút về kinh tế và một số tự do biểu đạt của chế độ dân chủ. Một chính sách đi dây, phát triển quan hệ với phương Tây, gìn giữ sự độc lập với Liên Xô cùng với phát triển kinh tế là các mục tiêu sau biến cố chiến tranh vệ quốc kéo dài một thập niên. Người Phần Lan nhìn lại Thế chiến II với niềm kiêu hãnh, họ linh hoạt cũng như kiên trì thử nghiệm các giải pháp để xử lý hậu quả do biến cố gây ra.

Trước biến cố tấn công nước Nhật của phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ Matthew C. Perry năm 1853, Trung Quốc đã bị phương Tây tấn công trong cuộc Chiến tranh Nha phiến 1839-1842, người Nhật không thừa nhận nguy cơ hiển hiện bị phương Tây xâm lược. Phải 15 năm sau đó, sau cuộc tiếm quyền Mạc phủ thì sự đồng thuận về cải cách mới được nhìn nhận triệt để. Trước năm 1853, Nhật Bản áp dụng phần nào đó chính sách bế quan tỏa cảng, họ biết thế giới qua thông tin từ các thương nhân Hà Lan, chính quyền kiểm soát các mối liên hệ với người nước ngoài… Thời kỳ đầu Minh Trị là một nước Nhật đầy biến động với những đề xuất mâu thuẫn nhau, kế đó là đề ra ba nguyên tắc hành động: chấp nhận các nguồn lực phương Tây; sửa đổi các hiệp ước bất bình đẳng có lộ trình, phải mất 26 năm; vay mượn và sửa đổi các hình mẫu nước ngoài phù hợp với điều kiện và giá trị Nhật Bản. Người Nhật hiểu sức mạnh phương Tây và tìm cách học phương Tây để thoát Á và vượt phương Tây, họ vay mượn có kế hoạch trên quy mô lớn các hình mẫu từ Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ trong các vấn đề: hải quân, quân đội, luật dân sự, hiến pháp… Loại bỏ chế độ phong kiến, tạo ra quân đội quốc gia hiện đại, thành lập hệ thống giáo dục quốc dân, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cải cách thuế khóa, luật pháp, thể chế, một hệ tư tưởng Minh Trị nhất quán, văn hóa lai ghép giữa các yếu tố phương Tây và truyền thống Nhật… tác động tích cực đến hầu hết các phạm vi đời sống Nhật Bản. Nói chung, mục tiêu của các nhà lãnh đạo không phải là Tây phương hóa nước Nhật, mà là mô phỏng và cải biến trong nhiều giai đoạn cho phù hợp với những truyền thống cũ được giữ lại. Tất cả đều bắt nguồn từ sự kiện hải quân Hoa Kỳ hiện diện ở vịnh Edo buộc Nhật Bản mở cửa ngày 08/07/1853.

Chương 4 và 5 là các biến cố bùng phát bất ngờ nhưng nguyên nhân đến từ bên trong hai quốc gia Chile và Indonesia.

Ở Chile là sự xung đột về cải tổ thể chế xã hội giữa phe cánh tả và cánh hữu, và vấn đề lớn nhất nằm ở chính phủ dân chủ của tổng thống Allende dẫn đến cuộc đảo chính 11/09/1973 do tướng Pinochet cầm đầu. Hai tháng sau cuộc đảo chính là những màn tra tấn, thẩm vấn moi thông tin, trấn áp tàn bạo làm hàng ngàn người Chile “biến mất” không để lại dấu vết, cùng với đó là các hoạt động khủng bố mở rộng ra khỏi biên giới Chile nhằm tiêu diệt và săn đuổi những kẻ đào tị hoặc nhân vật chính trị. Từ thể chế dân chủ chuyển qua mô hình độc tài trong khoảng thời gian ngắn, số lượng người Chile bị giết vượt xa những cuộc can thiệp quân sự trong tiến trình lịch sử của quốc gia này. Trong nửa thời gian đầu cầm quyền, Pinochet được Hoa Kỳ ủng hộ vì lập trường chống cộng của ông ta. Từ nửa sau thập niên 1980, chính phủ Hoa Kỳ quay sang chống Pinochet vì các lý do: suy thoái kinh tế giai đoạn 1982-1984, những vụ bức hại công dân Hoa Kỳ hoặc người có thẻ cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ. Khi người Mỹ dốc nguồn lực ủng hộ phe chống đối và bị các đối thủ chính trị vượt mặt, Pinochet bị hạ bệ khi vẫn còn 42% người Chile (đa phần là cộng đồng doanh nhân và giới thượng lưu) bỏ phiếu ủng hộ ông ta trong cuộc bầu cử tự do năm 1988! Liên minh đối lập giành chiến thắng, trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 1990, một liên minh có quá nhiều tầm nhìn khác nhau trong thời kỳ hậu Pinochet. Khi đó, họ nhận ra rằng mình không thể thắng cuộc chiến này nếu không học cách hợp tác với nhau. Kết quả là “một nước Chile cho mọi người Chile” có điều kiện thành hình. Ngày nay, Chile vẫn là một quốc gia dân chủ có chọn lọc giữa hai mô hình Allende và Pinochet: khoan dung, thỏa hiệp và luân phiên chia sẻ quyền lực. Biến cố chính trị Chile là một ví dụ sinh động mà sự phân cực chính trị ở Hoa Kỳ lúc này cần nhìn vào như một bài học lịch sử.

Ở Indonesia là cuộc xung đột giữa phe cộng sản và quân đội về cải tổ chính phủ. Trong suốt thập niên 1960 là thế chân vạc giữa: Sukarno – tổng thống đầu tiên và duy nhất cho đến lúc đó, lực lượng quân đội và Đảng Cộng sản Indonesia. Kết quả của cuộc đảo chính thất bại ngày 01/10/1965 là bên thắng cuộc giải quyết khủng hoảng bằng cách tiêu diệt hoàn toàn phe thất bại. Đến tháng 3/1966, vị tổng thống khai quốc Sukarno bị ép ký thư nhường quyền lực cho Suharto, mở ra giai đoạn cầm quyền 30 năm của vị tổng thống này. Một chiến lược xoay trục sang phương Tây được áp dụng vì lý do kinh tế và chiến lược…

Chương 6 và 7 mô tả những biến cố dần lộ diện ở Đức và Úc do những áp lực từ sau Thế chiến II. Nước Úc đối mặt với biến cố về căn tính quốc gia khi kiên trì giữ đặc tính của người Anh và người Úc da trắng. Ngoài ra là các vấn đề đối ngoại, chiến lược quốc phòng và cấu trúc dân số… Nước Đức đối mặt với di sản hậu phát-xít, những bất đồng với việc phân chia thể chế Đông-Tây, phủ nhận trách nhiệm của nhiều người Đức bình thường đối với tội ác của quốc-xã và đối mặt với sự hiện diện các chính phủ cộng sản ở Đông Âu… Các cử tri của hai quốc gia này biết sử dụng đúng đắn giá trị lá phiếu trên tay một cách dân chủ để giải quyết vấn đề, đạt được sự đồng thuận cấp quốc gia để thay đổi chính sách của chính phủ.

Cho đến lúc này, các biến cố quá khứ của các quốc gia trên đều được nhìn nhận và ít nhiều được giải quyết.

Bốn chương tiếp theo (chương 8-11) tác giả dành để mô tả các biến cố hiện tại và tương lai của các quốc gia: 1) Những vấn đề nước Nhật hiện đại đang đối mặt (dân số già, không chào đón người nhập cư…), liệu những ký ức và thành tựu của kỷ nguyên Minh Trị có đóng vai trò nào đó đưa nước Nhật đạt đến thành tựu mới hay không là ẩn số ở thì tương lai; 2) Những biến cố ngày càng gia tăng dẫn đến nguy cơ xói mòn nền dân chủ và sức mạnh của Hoa Kỳ trong thập niên 2010-2020. Nếu nước Nhật có ký ức tươi đẹp thời Minh Trị thì nước Mỹ có quá khứ là cuộc Nội chiến tang thương mà bên chiến thắng không tàn sát bên thua cuộc và việc Mỹ chuyển trạng thái chính trị khi tham chiến trong Thế chiến II; 3) Vấn đề lịch sử căn tính quốc gia, chính phủ tự trị, quá khứ hành động; bốn nhân tố đe dọa các dân tộc, nền văn minh toàn cầu và mức sống của người dân: hạt nhân, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng; những giải pháp như thỏa thuận song phương và đa phương, những hiệp ước giữa các quốc gia trong khu vực, các hiệp định thế giới… cũng được Jared Diamond bàn đến rất chi tiết.

Jared Diamond đã đưa ra những góc nhìn thông qua những bài học lịch sử. Biến cố cá nhân hay biến cố quốc gia là cái hiển nhiên không cưỡng được, vì vậy thái độ thừa nhận thay vì phủ nhận lâu dài, thừa nhận hay chối bỏ trách nhiệm có thể sẽ dẫn đến những thành công hoặc sai lầm. Theo Jared Diamond, sự trợ giúp từ bên ngoài đóng vai trò tích cực, tiêu cực cũng có, trong việc giải quyết các biến cố quốc gia. Đánh giá bản thân, nhìn nhận căn tính quốc gia, giá trị cốt lõi quốc gia một cách trung thực cũng là chìa khóa quan trọng để vượt qua các biến cố. Lịch sử là một bài học lớn, cần nhìn vào những thất bại lịch sử, cụ thể ở đây là bảy mẫu nghiên cứu, với sự kiên nhẫn để hiểu và vượt qua biến cố là những điều sau cùng Jared Diamond thảo luận cùng độc giả. Cũng có nhiều điều không thể lường trước được trong lịch sử, như đại dịch Covid hồi cuối năm 2019, các quốc gia thừa nhận và ứng phó với biến cố này như thế nào là một bài học lịch sử dành cho một chuyên luận khác. Covid là biến cố toàn cầu và có lẽ sẽ huy động thế giới tiến đến một giải pháp toàn cầu.

Jared Diamond, qua cuốn sách xuất sắc của mình, đặt ra các câu hỏi để đi tìm câu trả lời: 1) Liệu các quốc gia có cần đến biến cố để tái sinh đất nước thông qua những cơ hội lớn lao? 2) Các quốc gia có thể quyết định tự chuyển hóa mà không cần đến một cú sốc? 3) Liệu các nhà lãnh đạo có những quyết định làm thay đổi lịch sử hay không? Bằng phương pháp so sánh những trường hợp đơn lẻ (quốc gia), văn phong trần thuật truyền thống các sử gia thường dùng, phương pháp nghiên cứu định tính, khảo sát/khảo chứng những biến cố quốc gia “hiện đại” diễn ra trong thời đại của mình, chọn đối tượng mà cá nhân tác giả có ưu thế hiểu biết nổi trội… Jared Diamond trong vài trò người kể chuyện lịch sử, dẫn dắt người đọc nhẹ nhàng đi qua các biến cố của bảy quốc gia, trải dài trên bốn châu lục, bằng lối viết duyên dáng bậc thầy.