Nguồn: Colm Quinn, “The U.S. Declared China’s South China Sea Claims ‘Unlawful.’ Now What?”, Foreign Policy, 14/07/2020.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa quan điểm của Hoa Kỳ trở nên tương đồng với luật pháp quốc tế, mở ra con đường cho các biện pháp trừng phạt cũng như một phản ứng thống nhất hơn đối với “kẻ bắt nạt” Trung Quốc trên tuyến hàng hải huyết mạch này.
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công khai quan điểm thằng thắn nhất của Hoa Kỳ từ trước đến nay đối với hành động chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể trên Biển Đông của Trung Quốc, tuyên bố rằng yêu sách chủ quyền trên biển quá mức của Trung Quốc cũng như việc đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn là bất hợp pháp. Điều nàyđánh dấu sự kết thúc của những phát ngôn ngoại giao thận trọng trong nhiều năm qua và có thể mở đầu cho sự đáp trả cứng rắn hơn của Hoa Kỳ đối với các hành vi của Trung Quốc.
Quan điểm mới, vốn thách thức về mặt pháp lý hàng loạt các yêu sách quá mức của Trung Quốc, là một phần trong cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền Trump đối với sự xâm lấn của Bắc Kinh trong khu vực và cũng là một phần trong sự đối đầu tổng thể với Trung Quốc.
Washington đang tham gia vào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, đã trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến những trại tập trung ở Tân Cương, và định hủy bỏ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông do luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Trung Quốc áp đặt lên lãnh thổ này. Washington cũng đang xem xét các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ và đang thành công trong việc loại bỏ Huawei ra khỏi các mạng viễn thông trên thế giới.
Đáp trả động thái pháp lý mới của Mỹ, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ “chấm dứt các nỗ lực nhằm phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường yêu sách đối với tuyến đường biển giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược quan trọng này bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự lên những cồn cát và bãi san hô đang tranh chấp, đồng thời yêu sách rằng các bãi ngầm dưới nước cũng cho phép Bắc Kinh đượcquyền khai thác dầu mỏ, khí đốt và nguồn lợi thủy sản trong khu vực. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết chống lại Trung Quốc trong vụ kiện do Philippines đệ trình, cho thấy hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Mặc dù Hoa Kỳ chưa phê chuẩn công ước nhưng tuyên bố gần đây của ông Pompeo đã cho thấy một cách chính thức rằng chính sách của Hoa Kỳ là nhất quán với phán quyết đó.
Lập trường mới của Hoa Kỳ chính xác nói gì?
Động thái mới của Hoa Kỳ nhắm trực tiếp vào nhiều tuyên bố chủ quyền có vẻ “hợp pháp” mà Bắc Kinh đã sử dụng trong nhiều năm nhằm chiếm hữu phần lớn Biển Đông. “Chúng tôi đang làm rõ một điều: các yêu sách của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm kiểm soát chúng” ông Pompeo tuyên bố. Trong phần lớn thập niên qua, Trung Quốc đã sử dụng các tuyên bố chủ quyền đáng ngờ đối với những bãi cát nhỏ trên Biển Đông để đưa ra yêu sách đối với các ngư trường và các mỏ dầu khí ngoài khơi, xua đuổi tàu của các quốc gia như Philippines, Indonesia và Malaysia, là những nước cũng tuyên bố chủ quyền đối với những vùng biển này và tài nguyên trong đó.
Tuyên bố này là nhằm đưa chính sách của Hoa Kỳ phù hợp với phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016, ông Pompeo nói. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với Philippines, nước đã đệ trình vụ kiện cũng như đã chiến đấu với Trung Quốc trong nhiều năm qua về vấn đề tiếp cận những ngư trường và tiềm năng dầu mỏ dồi dào gần các thực thể nhỏ như Bãi cạn Scarborough, Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Ông Pompeo cũng phản đối mạnh mẽ những nỗ lực phi pháp của Trung Quốc nhằm chiếm những vùng biển ngoài khơi Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia.
“Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình”, ông Pompeo nói.
Tầm quan trọng của tuyên bố lần này
Theo một cách nào đó, chính sách mới của Hoa Kỳ là lần đầu tiên nước này bác bỏ hoàn toàn cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc vốn bao trọn hầu hết Biển Đông. “Bắc Kinh đã không đưa ra một cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách ‘đường 9 đoạn’ của mình trên Biển Đông kể từ khi chính thức công bố vào năm 2009”, ông Pompeo lưu ý.
Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nói rằng dù chính sách mới của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn cho thấy sự ủng hộ rõ ràng của nước này đối với luật pháp quốc tế hiện hành về các tranh chấp chủ quyền trên biển, đó không phải là một sự rời bỏ căn bản những quan điểm trước đây của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, ông Pompeo đã mô tả các yêu sách biển của Trung Quốc là bất hợp pháp nhưng vẫn giữ thái độ trung lập đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ, phù hợp với phán quyết của tòa trọng tài The Hague năm 2016.
“Nó làm rõ những thứ từng không rõ ràng dưới thời các chính quyền (Mỹ) trước đây,” ông Poling nói.
David Stillwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương và là nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại khu vực, đã giảm bớt tầm quan trọng của tuyên bố. Phát biểu hôm thứ Ba tại một sự kiện trực tuyến do CSIS tổ chức, Stillwell cho biết quyết định này chỉ đơn giản là công nhận luật biển hiện hành. “Đây giống như việc duytrì trật tự,” ông nói.
James Krasnka, chủ tịch Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) nói rằng việc duy trì trật tự đó có thể mang lại rất nhiều lợi ích. Tuyên bố của Pompeo có thể có tác động chính trị bằng cách đảm bảo rằng Quốc hội sẽ tăng ngân sách cho radar và các thiết bị giám sát khác. Trên bình diện quốc tế, đây là một tín hiệu cho các quốc gia khác rằng Hoa Kỳ đang gia tăng can dự vào vấn đề này sau khi các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc đã làm điều này trong cả chục năm qua. Tại sao lại là lúc này?
Krasnka nói rằng động thái này chỉ là một sự tăng tốc hành vi trong khu vực đã có từ trước của Hoa Kỳ. Ông dẫn chứng việc Hoa Kỳ thách thức các yêu sách hiện có bằng cách điều tàu hoặc máy bay đi qua các khu vực tranh chấp để chứngminh quyền tự do hàng hải, được khởi sự bởi chính quyền Obama và vẫn tiếp tục dưới thời chính quyền Trump. Hoa Kỳ đã tăng cường sử dụng chiến thuật này dưới thời Trump, chỉ riêng trong năm nay đã thực hiện bốn chiến dịch tự do hàng hải, bao gồm một chiến dịch vào ngày 14 tháng 7 khi Mỹ điều một tàu khu trục tên lửa dẫn đường đến gần quần đảo Trường Sa chỉ một ngày sau tuyên bố “chấn động” của ông Pompeo. Chính quyền Obama chỉ thực hiện sáu chiến dịch tự do hàng hải trong tám năm.
Đối với Poling, tuyên bố này bắt nguồn từ động lực chính trị của cuộc đối đầu đang diễn ra giữa chính quyền Trump và Trung Quốc, đồng thời phản ánh môi trường chiến lược đang thay đổi nhanh chóng. Poling nói rằng sức mạnh trên biển của Trung Quốc với một lực lượng hải quân hùng hậu cùng một lực lượng hải cảnh khổng lồ và hung hăng đang khiến các quốc gia nhỏ hơn hoạt động ngày càng khó khăn.
Ông nói: “Chúng ta không còn cách xa viễn cảnh Biển Đông sẽ trở thành ‘ao nhà’ của Trung Quốc là bao. Vì vậy, nếu không hành động, chúng ta sẽ không có cơ hội làm việc đó nữa”.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Trong ngắn hạn, việc chuyển mô tả hành vi của Trung Quốc từ đơn thuần là “gây bất ổn” sang “bất hợp pháp” có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt, Poling nói, tương tự như việc trừng phạt các cá nhân ở Trung Quốc liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt tại diễn đàn CSIS, Stillwell không nói biện pháp này đang được xem xét haykhông nhưng cho biết “không loại trừ bất kỳ phương án nào”.
Ở Trung Quốc, tờ Hoàn cầu Thời báo theo chủ nghĩa dân tộc trong một bài xã luận bất thường đã gọi tuyên bố của ông Pompeo là đáng khinh (despicable) và cáo buộc Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố như một khúc dạo đầu để kích động nhiều cuộc đối đầu hơn nữa.
Theo bài xã luận, “Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán đối với Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, và Trung Quốc cũng có quyền lịch sử ở Biển Đông”. (Những điều này không đúng, như phán quyết mà tòa trọng tài đã chỉ ra.)
Mặc dù sự gia tăng các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ trong khu vực làm tăng nguy cơ đối đầu (vũ trang) Trung – Mỹ, nhưng điều đó sẽ khó xảy ra, Poling nói. Ông nói thêm rằng nhiều khả năng hơn sẽ là những cuộc đụng độ giữa các tàu Trung Quốc với tàu từ các quốc gia châu Á nhỏ hơn vốn có thể kích hoạt các hiệp ước phòng thủ chung có sự tham gia của Hoa Kỳ, từ đó dẫn đến một cuộc đụng độ ngoài ý muốn giữa hai siêu cường. Năm ngoái, ông Pompeo đã tuyên bố một cách rõ ràng rằng bãi cạn đang bị tranh chấp Scarborough nằm trong phạm vi của hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines, làm cho những tảng đá trở thành một mối nguy hiểm tiềm tàng.
“Khả năng xảy ra không phải là con số không”, Poling nói.