VN cần mạnh mẽ chống lại sự quấy rối của TQ tại khu vực Tư Chính

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Việt Nam gần đây đã hủy một số thỏa thuận với các đối tác nước ngoài về các hoạt động thăm dò dầu khí trên thềm lục địa gần Bãi Tư Chính ở Biển Đông. Động thái này đã gây nên quan ngại rằng sự khả tín của Việt Nam trong việc bảo vệ các lợi ích biển của mình ở Biển Đông sẽ bị suy yếu, khiến Việt Nam khó thu hút được các nhà đầu tư mới cho các dự án dầu khí trong tương lai.

Tháng trước, Việt Nam đã hủy các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) dầu khí với Repsol, một công ty năng lượng quốc tế có trụ sở tại Tây Ban Nha, đối với các lô 135-136/03 và 07/03. Theo dàn xếp mới, Repsol sẽ chuyển giao lại toàn bộ lợi ích của mình trong các lô này cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đối tác địa phương của Repsol trong các PSC này. Đầu tháng này, PVN cũng đã hủy một hợp đồng khoan với Tập đoàn Noble, một nhà thầu khoan ngoài khơi có trụ sở tại London. Theo đó, giàn khoan Noble Clyde Boudreaux đã không được triển khai tại lô 06-01 gần đó để tiến hành một hoạt động khoan thăm như dự kiến ​​ban đầu. Trong cả hai trường hợp, PVN đều phải chịu tổn thất tài chính đáng kể vì phải bồi thường cho Repsol và Noble.

Rõ ràng, áp lực của Trung Quốc là lý do chính khiến Việt Nam hủy các hợp đồng này. Vào tháng 7 năm 2017, PVN đã phải yêu cầu Repsol ngừng khoan thăm tại lô 136/03 sau khi Trung Quốc được cho là đe dọa sẽ tấn công các cơ sở của Việt Nam tại Trường Sa nếu Việt Nam không dừng khoan. Trung Quốc cũng nhiều lần quấy rối các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 06-01. Năm ngoái, một cuộc đối đầu kéo dài bốn tháng giữa tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc, cùng với lực lượng hải cảnh và tàu bán quân sự của Trung Quốc đi kèm, và các tàu của Việt Nam chỉ kết thúc sau khi Việt Nam quyết định rút giàn khoan Hakuryu 5 ra khỏi lô 06-01.

Bản đồ phân lô dầu khí của Việt Nam tại thềm lục điạ phía Nam. Nguồn: Cvdvn.

Một điều chắc chắn quyết định tạm dừng hoạt động thăm dầu khí trong các lô này của Việt Nam không có nghĩa là Việt Nam thừa nhận các yêu sách biển của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính cũng như các vùng biển xung quanh. Việt Nam luôn bác bỏ những yêu sách này là vô căn cứ và bất hợp pháp, đồng thời coi những lô dầu khí này là khu vực không có tranh chấp. Trong tương lai, Việt Nam luôn có thể tái khởi động các hoạt động dầu khí tại các lô này tại thời điểm thích hợp.

Ngoài áp lực từ Trung Quốc, một số yếu tố khác cũng có thể đã góp phần vào quyết định của Việt Nam. Thứ nhất, sự sụt giảm giá dầu hiện tại, dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức thấp trong thời gian tới, khiến cho việc theo đuổi thăm dò dầu khí tại các lô ngoài khơi này không khả về mặt thương mại. Thứ hai, do Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm tới, các nhà lãnh đạo Việt Namcó thể ưu tiên ổn định chính trị và quan hệ hòa bình với Trung Quốc nhằm đảm bảo đại hội diễn ra thành công. Thứ ba, các tính toán thương mại của Repsol, đặc biệt là trách nhiệm của ban giám đốc công ty đối với các cổ đông, cũng khuyến khích công ty này rút khỏi các thỏa thuận với PVN để ngăn chặn các tổn thất tài chính. Cuối cùng, như lưu ý của một chuyên gia từ PVN, những căng thẳng mới đối với lô 06-01 có thể làm gián đoạn các hoạt động khai thác khí hiện nay ở hai mỏ khí quan trọng gần đó. Do đó, PVN có thể đãưu tiên sự an toàn thay thúc đẩy cho việc triển khai giàn khoan Clyde Boudreaux.

Do quyết định hủy bỏ các thỏa thuận này gây thiệt hại đáng kể về tài chính và uy tín cho Việt Nam, Việt Nam nên cân nhắc lại chiến lược hoạt động dầu khí của mình tại các lô này để tránh những sự cố tương tự táidiễn trong tương lai.

Thứ nhất, Việt Nam nên lập kế hoạch một cách thật sự kỹ lưỡng cho các hoạt động này, đặc biệt là về mặtthời điểm và cách đối phó với áp lực của Trung Quốc, để các hoạt động này có thể đạt được các mục tiêu thành công. Việt Nam không nên tiến hành các hoạt động như vậy nếu không sẵn sàng cương quyết chống lại các áp lực từ Trung Quốc bởi những nỗ lực nửa vời cùng sự chuẩn bị kém sẽ dẫn đến việc ngừng các hoạt động giữa chừng, gây tổn thất uy tín và tài chính, trong khi càng làm cho Trung Quốc tự tin lấn tới, o ép Việt Nam hơn nữa.

Thứ hai, Việt Nam nên có cách tiếp cận chiến lược hơn trong việc lựa chọn đối tác tham gia các PSC chocác lô này. Những công ty như Repsol chủ yếu theo đuổi các mục tiêu thương mại và có thể nhanh chóng tìm cách thoát ra nếu họ phải đối mặt với áp lực từ Trung Quốc hoặc sức ép tài chính. Chọn các đối tác từ Mỹ có thể là một lựa chọn tốt hơn. Hôm 13/07, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính, và bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong khu vực này đều là bất hợp pháp. Do đó, chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ các công ty Mỹ chống lại áp lực của Trung Quốc nếu Việt Nam hợp tác với họ thực hiện các hoạt động dầu khí trong khu vực này.

Cuối cùng, nếu Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính, Việt Nam nên xem xét đệ trình một vụ kiện chống lại các yêu sách biển của Trung Quốc tại khu vực này. Hồi năm 2016, một toà trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã ra phán quyết rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp và các thực thể ở quầnđảo Trường Sa chỉ có tối đa một vùng lãnh hải rộng 12 hải lý không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa cho riêng mình. Điều này có nghĩa là không có vùng chồng lấn giữa lãnh hải của các thực thể này với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đất liền Việt Nam. Do đó, bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính và vùng biển xung quanh đều vô căn cứ và bất hợp pháp. Tuy nhiên, phán quyết này chỉ có hiệu lực với Philippines và Trung Quốc. Nhưng xét tiền lệ năm 2016, nếu Việt Nam đệ trình một vụ kiện tương tự chống lại các yêu sách biển của Trung Quốc đối với khu vực này, Việt Nam sẽ có cơ hội cao để thắng kiện và qua đó có cơ sở pháp vững chắc hơn nhằm chống lại sự quấy rối của Trung Quốc trong tương lai.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên ISEAS Commentary.