Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Triều vua Trần Thái Tông với 8 năm thời Kiến Trung đã trình bày ở phần trước; xin khảo tiếp sự việc khoảng gần 20 năm dưới thời Thiên Ứng Chính Bình [1232-1250]. Bấy giờ đất nước tương đối thanh bình, nên triều đình chú trọng củng cố chính quyền, xây dựng, sắp xếp học hành thi cử, đắp đê ngăn lụt; lưu ý an ninh biên giới phía bắc, nhắm ngăn chặn đám du binh Nguyên Mông từ Vân Nam sang quấy phá tỉnh Quảng Tây, để có thể tiếp tục liên lạc ngoại giao với triều Tống tại miền đông bắc.
Nhắm củng cố chính quyền, nguồn nhân lực quan trọng đứng hàng đầu; tại Thanh Hóa, Nghệ An thời Kiến Trung [1225-1231] đã có lệnh xét duyệt về hộ tịch, đến nay lại giao cho các viên trọng thần như Phùng Tá Chu, Trần Thủ Độ duyệt lại; riêng toàn quốc thì đến các năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11, 12 [1242-1243] mới làm. Sử gia Ngô Thì Sĩ có nhận xét rằng Nghệ An, Thanh Hóa là các vùng thuộc phía nam đất nước, các đời trước chưa có dịp làm công tác hộ tịch kỹ như tại miền bắc, nên đòi hỏi phải làm kỹ hơn:
“Ngày Quý Tỵ, nămThiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 [1233], sai Phùng Tá Chu duyệt định các ấp lớn phủ Nghệ An.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 3 [1234] Phong Trần Thủ Độ làm Thống quốc thái sư, tri Thanh Hóa phủ sự. Gia phong thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“NămThiên Ứng Chính Bình thứ 5 [1236] Gia phong Hưng Nhân Vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo đại vương. Năm thứ 10 [1241] Phùng Tá Chu mất.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Mậu Tuất, mùa xuân, tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 7 [1238], sai Thống quốc thái sư Trần Thủ Độ duyệt định sổ đinh phủ Thanh Hoá.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“NămThiên Ứng Chính Bình thứ 11 [1242], Làm đơn số hộ khẩu. Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão. Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3, 4 mẫu thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Quý Mão, tháng giêng năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 [1243],
lệnh cho quan các lộ làm sổ dân đinh, hạn trong hai tháng phải xong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Lời bàn của Ngô Thì Sĩ – Năm Kiến Trung thứ 4 (1228) đã xét định trướng
tịch Thanh Hóa, đến nay lại giao việc ấy cho Thủ Độ đứng làm, ngoài ra chỉ có một lần sai Tá Chu duyệt các danh sắc ở Nghệ An, còn sổ dân đinh các lộ khác đến năm Thiên Ứng Chính bình thứ 12 [1243] mới làm. Việc làm trướng tịch, duy có Thanh Hóa là làm trước và tường tận hơn, lại giao việc ấy cho viên quan thân tín trông coi. Như thế, có lẽ vì cuối triều Lý, việc sắp xếp trướng tịch ở Thanh, Nghệ hãy còn sơ lược, đến nay mới một phen sắp xếp lại, nên không thể không làm cẩn thận như thế chăng?” Cương Mục, Chính Biên, quyển 6.
Riêng đối với quan lại cai trị dân, phẩm hàm chức tước được qui định rõ; đại thần cấp cao có các chức như Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái uý, hoặc Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc. Con Vua thì các Hoàng tử Quốc Khang, Quang Khải, Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Nhật Duật được phong Vương; các Hoàng tử khác đều phong Thượng vị hầu; con các Vương chỉ có con đầu được phong Vương mà thôi. Trừ trường hợp đặc biệt, theo thường lệ các quan cứ 15 năm được thăng 1 cấp, 10 năm thăng 1 bậc:
“Tháng 2, nămThiên Ứng Chính Bình thứ 5 [1236] định quan hàm cho các đại thần. Phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái uý, hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc, đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự.”[1] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 10, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 [1241] Hoàng tử thứ ba Quang Khải sinh, là em cùng mẹ với thái tử Hoảng. Quốc Khang là anh trưởng, sau đều phong đại vương. Thứ đến Nhật Vĩnh, Ích Tắc, Chiêu Văn, đều phong vương. Thứ nữa thì phong thượng vị hầu. Con trưởng của các vương thì phong vương, các con thứ thì phong thượng vị hầu, coi đó là chế độ lâu dài.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 3, năm Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 [1246] xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài. Cứ 15 năm 1 lần xét duyệt, 10 năm thăng tước 1 cấp, 15 năm thăng chức 1 bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn xét duyệt thì bổ chức ấy.
Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các, 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục, 15 năm mới được xuất thân, chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Triều đình định lệ cấp lương bổng cho các quan văn võ trong nước; đặt qui chế cấp phương tiện di chuyển xe thuyền cho quan lại Vương Hầu, Công chúa:
“Ngày Bính Thân, mùa xuân, tháng giêng, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 [1236] định lệ cấp lương bổng cho các quan văn võ trong ngoài và các quan ở cung điện, lăng miếu; chia tiền thuế, ban cấp theo thứ bậc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 8, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 7 [1238], định quy chế thuyền xe cho vương hầu, công chúa, các quan văn võ và người tông thất.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa đông, tháng 10, năm Thiên Ưng Chính Bình thứ 13 [1244] qui định lương bổng cho các quan làm việc trong ngoài và các quan túc vệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Về mặt quân sự, nhà Trần có khuynh hướng dùng quân theo mức độ tin cẩn, sử dụng người dân thuộc tỉnh Thái Bình, Nam Định quê hương nhà Vua vào các đơn vị quan trọng như Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh và Củng thần; chú ý bổ sung cho đủ quân số:
“Ngày Tân Sửu, mùa xuân, tháng 2, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 [1241], chọn người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa đông, tháng 10, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 [1243] chọn người bổ sung vào các quân bộ để sai khiến.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Bính Ngọ mùa xuân, tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 [1246], định quy chế các quân. Chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần. Đinh tráng lộ Thiên Trường [Nam Định] và Long Hưng [Thái Bình], sung vào các quân Thiên thuộc, Thiên cương, Chương thánh và Củng thần; lộ Hồng [Hải Dương] và lộ Khoái [Hưng Yên] sung quân tả hữu Thánh dực; lộ Trường Yên [Ninh Bình] và lộ Kiến Xương [nam Thái Bình] sung vào Thánh dực, Thần sách. Còn các lộ khác thì sung vào cấm quân trong Cấm vệ. Hạng thứ ba thì sung vào đoàn đội trạo nhi.”[2] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Chia đất nước thành 12 lộ, Cương Mục chép danh sách 12 lộ gồm: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hoá, Hoàng Giang, Diễn Châu;[3] đặt quan lại viên chức từ lộ đến phủ, châu, xã:
“Ngày Nhâm Dần, Mùa xuân, tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 [1242], chia nước làm 12 lộ. Đặt chức an phủ, trấn phủ, có 2 viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2, 3, 4, xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Năm Giáp Thìn, Mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Ưng Chính Bình thứ 13 [1244], sai các văn thần chia nhau đi trị nhậm các phủ, lộ trong nước gồm 12 nơi. Phủ có tri phủ, lộ có thông phán, châu có tào vận sứ và phó sứ, giữ việc vận chuyển.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 [1250 Đổi Đô vệ phủ làm Tam ty viện, gồm các viện Phụng tuyên, Thanh túc, Hiến chính.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Về phương diện pháp luật, triều đình cho san định hình luật, án xử xong phải cùng quan thẩm hình phúc thẩm mới định tội; giấy tờ quan trọng phải lấy dấu tay làm bằng; qui định thu tiền án phí:
“Tháng 9, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 [1241], xuống chiếu cho các ty xét án được lấy tiền bình bạc.”[4] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa hạ, tháng 6, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 [1243] sai viên ngoại lang Trương Thất xét xử các án ở Đô vệ phủ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 13 [1244], định các cách thức về luật hình.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 5 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 [1250] Mùa hạ, tháng 5, xuống chiếu các việc kiện tụng đã thành án, phải cùng quan thẩm hình viện xem xét định tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Đinh Dậu, mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 [1237], xuống chiếu rằng: khi làm giấy tờ về chúc thư, văn khế ruộng đất và vay mượn tiền bạc thì người làm chứng in tay ở 3 dòng trước, người bán in tay ở 4 dòng sau.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Về phương diện giáo dục, tại kinh sư lập Quốc Tử Viện, tương tự như Quốc Tử Giám triều Nguyễn, là trường đại học quốc gia đầu tiên. Cứ 7 năm 1 lần, mở kỳ thi Tiến sĩ, bắt đầu chọn tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa vào năm 1247; mở kỳ thi Tam giáo, chia làm 2 khoa Giáp và Ất; định lệ cho các tân khoa vào chầu Vua:
“Mùa thu, tháng 8, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 [1236] chọn các nho sinh đã thi đỗ vào chầu, sau làm định lệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa đông, tháng 10, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 [1236] cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 [1239], thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Lưu Miễn, Vương Giát; đệ nhị giáp là Ngô Khắc; đệ tam giáp là Vương Thế Lộc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 7, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 [1246] định lệ thi tiến sĩ, cứ 7 năm 1 khoa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa xuân, tháng 2, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 [1247], mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.
Trước đây, hai khóa Nhâm Thìn (1232) và Kỷ Hợi (1239) chia làm giáp, ất, chưa có chọn tam khôi. Đến khoa này mới đặt tam khôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 8, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 [1247] thi các khoa thông tam giáo. Ngô Tần (người Trà Lộ) đỗ giáp khoa, Đào Diễn, Hoàng Hoan (người Thanh Hóa) và Vũ Vị Phủ (người Hồng Châu) đỗ ất khoa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Ngành xây dựng thực hiện các công trình lớn như xây thành Long Phượng tức thành nội của Thăng Long [Hà Nội]; xây 2 hành cung, 1 sở tại quê nhà Vua làng Tức Mặc, 1 sở tại Thanh Hóa. Trong thành Thăng Long cho xây cầu Lâm Ba gần chùa Chân Giáo, dựng điện Linh Quang; và trùng tu chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột, xây từ thời vua Lý Thái Tông:
“Tháng 2, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 [1237] dời dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu,[5] gọi là điện Phong Thủy. Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cau và trà, nên tục gọi là điện Trà.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Kỷ Hợi, mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 8 [1239], lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó. Sai Chu về hương Tức Mặc [Xuân Trường, Nam Định] xây dựng nhà cửa, cung điện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Canh Tý, mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 [1240]. Mùa xuân, tháng giêng, sai Phùng Tá Chu dựng 5 sở hành cung ở phủ Thanh Hoá.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 2, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 [1243], đắp thành nội, gọi là thành Long Phượng và trùng tu Quốc tử giám.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa hạ, tháng 4, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 [1248], làm cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, qua hồ Ngoạn Thiềm, đến quán Thái Thanh cung Cảnh Linh, cực kỳ tráng lệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Kỷ Dậu, Mùa xuân, tháng giêng, năm Thiên Ứng Chính bình thứ 18 [1249], trùng tu chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Từ xưa đến nay thiên tai hạn hán, lụt lội xảy ra bất cứ lúc nào; bấy giờ những nơi cao ráo như cung các Lệ Thiên, Thưởng Xuân cũng bị ngập, vào năm 1243 nước lớn vỡ thành Đại La [Hà Nội]. Nhưng triều đình thời Thiên Ứng Chính Bình có ưu điểm, không để xảy ra nạn đói, lại còn tìm cách cấp tuất cho dân, như miễn một nửa tô ruộng, đại xá:
“Ngày Ất Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 4 [1236]. Mùa xuân, tháng giêng, sét đánh 30 chỗ trong thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa hạ, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 [1236] tháng 6, nước to, vỡ tràn vào cung Lệ Thiên.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 7, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 7 [1238], nước to, vỡ tràn vào cung Thưởng Xuân.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 7, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 [1240] gió lớn, mưa to, động đất.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Tháng 5, tháng 6, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 [1242] hạn hán, soát tù, đại xá. Mùa thu, tháng 7, mưa, miễn một nửa tô ruộng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 8, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 [1243] nước to, vỡ thành Đại La.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 8, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 12 [1243] nước to, vỡ đê Thanh Đàm [Thanh Trì, Hà Đông]. Mùa đông, tháng 12, gió to, mưa lớn 3 ngày, nước sông tràn ngập, rắn, cá chết nhiều.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa hạ, tháng 5, năm Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 [1246] tháp trên núi Long Đội đổ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa hạ, tháng 4, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 [1247] động đất.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Điểm tích cực nhất là bắt đầu đắp đê ngăn lụt, thực hiện tại sông Hồng và các tỉnh; lại đặt quan hà đê ngày đêm săn sóc:
“Tháng 3, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 [1248] lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là để quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập. Đặt hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Than ôi! Điểm son này bị Vua Tự Đức phê bình một cách bất công rằng:
“Lời phê – Một lần thất sách, để tai hại về sau không biết chừng nào!” Cương Mục, Chính Biên, quyển 6.
Tự Đức chê Vua Trần Thái Tông thất sách, vậy có dám phá đê không? Tự Đức trị vì mấy chục năm, đã không thực hiện được giải pháp gì khác lại để cho đê vỡ hàng chục lần, như đê Văn Giang [tỉnh Hưng Yên] vỡ 18 năm liền, từ 1863-1886 dân cư phiêu bạt, xóm làng trở thành đầm lầy, dân chúng cùng cực đói khổ; lại còn dám hạ bút chê người xưa, mà không biết ngượng!
Năm 1234 cha Vua là Thượng hoàng Trần Thừa mất tại cung Phụ Thiên lúc 51 tuổi, chôn tại làng Tĩnh Cương nay thuộc huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình. Thượng hoàng được tôn xưng là Thái Tổ; điều này giải thích tại sao nhà Vua là vị Vua đầu tiên của nhà Trần, mà chỉ xưng miếu hiệu Thái Tông mà thôi:
“Ngày Giáp Ngọ, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 3 [1234]. Mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, Thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi. Mùa thu, tháng 8, ngày 28, táng Thượng hoàng ở Thọ Lăng phủ Long Hưng. Lăng ở hương Tinh Cương [huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình]. Miếu hiệu là Huy Tông, tên thụy là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Ngày Mậu Thân, tháng giêng năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 [1248], đổi miếu hiệu của Huy Tông gọi là Thái Tổ, Thọ Lăng gọi là Huy Lăng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Nhà Vua được các quan tôn xưng là Vũ Hiếu Nguyên Hoàng Đế; năm 1250 đích thân xuống chiếu cho gọi Vua là Quan gia:
“Năm Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 [1237] Các quan dâng tôn hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền Công Hựu Thuận Thánh Văn Thần Vũ Hiếu Nguyên Hoàng Đế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 [1250], xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là quan gia.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Năm 1940 Thái tử Hoãng sinh, tức Vua Thánh Tông sau này; triều đình ăn mừng lớn, đại xá cho tù tội:
“Tháng 9, ngày 25 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 [1240], hoàng đích trưởng tử là Hoảng sinh, lập làm Đông cung thái tử. Đại xá.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Thời Thiên Ứng Chính Bình [1232-1250], từng đặc cách phong tước cho các đại thần có công như Phùng Tá Khang làm Tả nhai đạo lục; Trương Mông Ngự sử đại phu; Lê Phụ Trần Ngự sử trung thừa, Lưu Miễn An phủ sứ:
“Tháng 3, năm Thiên Ưng Chính Bình thứ 13 [1244] cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.
Bấy giờ các vương hầu bổ quan tăng đạo thì gọi la Tả nhai, vì không thể cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều. Tả nhai là phẩm cao nhất của tăng đạo. Không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn. Nay đem phong cho Tá Khang là lễ ưu hậu lắm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa đông, tháng 12, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 [1246] cho Trương Mông làm Ngự sử đại phu Mông người Thanh Hóa, có hùng tài.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 [1250] cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử trung tướng, tri Tam ty viện sự.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
“Mùa thu, tháng 7, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 [1250] cho Minh tự Lưu Miễn làm an phủ sứ phủ lộ Thanh Hóa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Năm 1248 Trần Thủ Độ sai thầy phong thủy đi trấn yểm khắp nước để mong nhà Trần giữ ngôi cao mãi mãi; đây là việc làm ngu xuẩn, phá hoại thiên nhiên, gây sự mê tín bất ổn trong lòng dân. Y là kẻ vô học, không biết chữ; làm những việc mù quáng như giết tôn thất nhà Lý, trấn yểm long mạch. Qua lịch sử chứng minh, cho dù âm mưu làm bẫy chôn sống, nhưng làm sao giết hết được con cháu họ Lý; riêng việc chặn long mạch thì thời Tần Thủy Hoàng đã làm rồi, nhưng nào có chặn nổi Hán Cao Tổ nổi dậy tại phương đông; Cao Biền thời giữ chức An Nam Đô hộ phủ đã làm, nhưng y chết mồ chưa xanh cỏ thì Tiên chúa Khúc Thừa Dụ đã dấy lên giành độc lập cho nước ta; đó là những chứng cớ hùng hồn không nên mê tín trấn yểm, phong thủy:
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 [1248] Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ[6] đục núi Chiêu Bạc[7] ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Về việc giao thiệp với Trung Quốc, tình hình nhà Tống lúc bấy giờ suy yếu, tại phía bắc sông Dương Tử quân Mông Cổ tiếp tục tấn công. Cùng lúc Mông Cổ điều một đạo quân khác đánh chiếm Tứ Xuyên; dùng chiến lược vu hồi đánh thọc xuống Vân Nam, để mong lập một mặt trận khác sau lưng quân Tống. Tuy nhiên nhà Trần vẫn chủ trương thân thiện với nhà Tống, năm 1236, sai Sứ sang cống sản vật địa phương:
“Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 168, Tống Lý Tông năm Đoan Bình thứ 2 [1236]. Ngày Mậu Tý tháng 11 [9/1/1236], nước An Nam cống sản vật địa phương.”[8]
“Tục Tư Trị Thông Giám quyển 168. Tống Lý Tông năm Đoan Bình thứ 3 [1236]. Ngày Bính Ngọ tháng 10 năm Đoan Bình thứ 3 [22/11/1236], Trần Nhật Cảnh nước An Nam sai người đến cống, vẫn ban cho chức Hiệu trung thuận hóa công thần.”[9]
Bấy giờ nhà Tống không kiểm soát được vùng đất giáp An Nam, lực lượng cát cứ nổi lên cướp phá, nhà Vua bèn sai người đến biên giới bày tỏ:
“Mùa đông, tháng 10, [Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9, 1240] quan đóng giữ Lạng Giang sai chạy trạm tâu về việc người phương Bắc đến bắt người cướp của dân cư trong hạt ấy. Vua sai thị thần là Bùi Khâm đến biên giới phía bắc để bày tỏ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Năm 1241, dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Tây lại vượt biên cướp phá, sai Đốc tướng Phạm Kính Ân sang đánh chiếm các động để cảnh cáo, rồi mang quân trở về:
“Mùa đông, tháng 10, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 [1241], người Man phương bắc đến cướp biên giới. Sai đốc tướng Phạm Kính Ân đi đánh lấy được các động Man rồi về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Cùng năm nhà Vua đích thân cầm quân làm cuộc hành quân đánh phá vùng Bằng Tường, châu Khâm, châu Liêm tại đất Quảng Tây ngày nay, rồi trở về:
“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 [1241] Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An [châu Khâm, Quảng Tây], Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] của nước Tống phía đường bộ; vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
Bấy giờ quân Mông Cổ đã chiếm được Vân Nam, thường mang du binh đến phía nam tỉnh Quảng Tây đe dọa, khiến An Nam không thể liên lạc với nhà Tống, Vua bèn ra lệnh chiếm đất Bằng Tường để tiện đường thông sứ:
“Mùa hạ, tháng 4, nămThiên Ứng Chính Bình thứ 11 [1242] Khi ấy, nước Mông Cổ lấy được Vân Nam, quân của Mông Cổ đi tuần hành đến châu Ung, châu Quảng nhà Tống, thành ra nơi quan ải bị nghẽn đường. Sứ bộ nhà Trần phái sang bên Tống, được đi độ bốn người, chỉ được đem giấy tờ đi theo, còn lễ cống thì niêm phong lại đưa đến biên giới, do quan địa phương chuyển đệ về triều, nhưng cũng không lần nào đệ về được đầy đủ. Vì thế, nhà vua sai Khuê Kình đem quân đi trấn ngự, đánh chiếm đất Bằng Tường, để lấy đường thông sang nhà Tống.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 6.
Riêng về phía nam, nước Chiêm Thành vẫn theo thông lệ sang triều cống:
“Mùa đông, nămThiên Ứng Chính Bình thứ 11 [1242] tháng 10, Chiêm Thành sang cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.
—————-
[1] Nghi đồng tam ty: nghĩa là nghi thức ngang với nghi thức của Tam ty hay Tam công. Bình chương sự: nghĩa là xếp đặt cho tốt đẹp, chỉ chức tể tướng. Đồng bình chương sự: nghĩa là ngang với tể tướng.
[2] Trạo nhi: chèo thuyền.
[3] Toàn Thư không ghi tên các lộ; Cương Mục, Chính Biên quyển 6 chép danh sách 12 lộ gồm: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hoá, Hoàng Giang, Diễn Châu. Riêng An Nam Chí Lược của Lê Trắc đưa ra một danh sách 15 lộ, nhưng chỉ có 6 lộ là có tên trong danh sách của Cương mục.
[4] Tiền bình bạc: chỉ tiền xét án.
[5] Đông Bộ Đầu: tức bến sông Hồng phía trên cầu cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay.
[6] Sông Bà Lễ: Cương Mục, Chính Biên, quyển 6 chép là sông Bà Mã. Nguyên văn: “Bà Lễ giang”, có lẽ là sông Bà Mã và sông Lễ gọi tắt. Bà Mã tức sông Mã ở Thanh Hóa, còn sông Lễ thì Cương mục chú là sông Mã, nhưng có lẽ là sông Chu, cũng tại Thanh Hóa.
[7] Núi Chiêu Bạc: Bản dịch cũ chú có lẽ là núi Chiếu Bạch; hiện có sông Chiếu Bạch ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
[8] 戊子,安南國貢方物
[9] 安南國陳日煚遣人入貢。制授安南國王,仍賜效忠順化功臣.