Bang giao Việt – Trung thời Vua Lê Đại Hành

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Sau cuộc chiến tranh Việt – Trung năm 981, vua Tống Thái Tông chủ trương thôi đánh nước Đại Cồ Việt, ý định của nhà vua được tiết lộ với quần thần qua văn bản trả lời sớ can gián của viên Chuyển vận sứ Điền Tích vào tháng 9 năm Thái Bình Thiên Quốc thứ 6 [981]. Tuy nhiên đối với nước Việt, Vua Tống vẫn tiếp tục đe dọa, bằng cách sai viên Chuyển vận sứ Lãnh Nam [Quảng Đông, Quảng Tây] Hứa Trọng Tuyên điều động quân tại biên giới và dọa sẽ sang đánh. Phía Đại Cồ Việt cũng tỏ ra hòa hoàn, Vua Lê Đại Hành dùng tên Vua cũ Đinh Toàn dâng biểu tạ tội và triều cống:

Trường Biên,[1] quyển 23. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 [982]

Tháng 3, trước đó Chuyển vận sứ Lãnh Nam Hứa Trọng Tuyên phân điều các quân chinh phạt phương nam; rồi thảo hịch dụ Giao châu, trình bày rõ uy tín quốc gia, hẹn sẽ tái cử binh. Lê Hoàn cũng sợ triều đình sẽ mang quân đánh dẹp, ngày Giáp Dần [18/4/982] lại nhân danh Đinh Toàn dâng biểu tạ tội và cống sản vật địa phương.”[2]

Mặt khác, Vua Lê Đại Hành gián tiếp biểu dương sức mạnh qua việc hai lần báo tin cho Tống biết chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, cùng gửi một số tù binh sang cho nhà Tống thấy.[3] Rồi nhà Vua chính thức báo cho vua Tống Thái Tông rằng mẹ con Vua cũ đã trao ấn cai quản nước và tự xưng là Quyền Giao châu tam sứ lưu hậu:

“Quyển 24. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 [983]

Ngày Canh Ngọ [28/6/983], Lê Hoàn sai Nha tướng Triệu Tử Ái mang sản vật địa phương đến cống, tự xưng Quyền Giao Châu tam sứ lưu hậu. Biểu ghi:

‘Tháng 10 năm ngoái, Đinh Toàn cùng mẹ đốc suất quan dân mang ấn và giây thao đưa cho Hoàn, Hoàn bèn cai quản phủ sự’.”[4]

Trước một việc đã rồi, vua Tống đành xuống nước, sai Cung phụng sứ Trương Tông Quyền đến nước ta đưa chiếu dụ đề nghị 2 giải pháp: hoặc Lê Hoàn phụ tá cho Đinh Toàn, chờ lúc Toàn lớn nếu không đủ tài trị nước thì cho thay; hoặc đem mẹ con Toàn sang Trung Quốc, cho Lê Hoàn thay thế. Nhưng cả hai đều không được vua Lê Đại Hành chấp nhận:

Họ Đinh truyền ngôi đã 3 đời, coi sóc bảo vệ một phương; khanh là kẻ thân cận, làm tâm phúc, hãy theo lời xin của người trong nước, đừng phụ lòng của họ Đinh. Trẫm muốn cho Toàn trên danh nghĩa Thống soái, riêng khanh giữ chức phó, nhưng mọi việc do một tay Khanh trông coi. Đợi Đinh Toàn đến tuổi đội mũ,[5] có thể tự lập, với sự phụ tá của khanh, trở nên sáng sủa; thì việc tưởng thưởng lòng trung thành, Trẫm đâu có tiếc. Trường hợp Đinh Toàn không có tài làm tướng, vẫn trẻ con như cũ, không thể tiếp tục nối dõi; thì đáng xả bỏ tiết việt, giáng xuống như quân lính. Theo lý làm như vậy cũng không tiện, nhưng tiếp tục cho giữ chức cũng không yên! Vậy lúc chiếu thư đến, khanh nên đem mẹ con Đinh Toàn cùng cả gia đình đến triều đình, đợi khi đến nơi, đắn đo sẽ xuống chiếu, rồi trao tiết việt cho khanh. Hai con đường, khanh nên thẩm định chọn một. Đinh Toàn đến kinh đô được ban thêm ưu lễ. Nay sai Cung phụng sứ Trương Tông Quyền đưa chiếu dụ, nói lên lòng mong mỏi của Trẫm.’

Rồi đưa cho Toàn chiếu thư giống như vậy; nhưng Lê Hoàn vẫn chuyên quyền chiếm nước, không tuân mệnh. ” [6]

Qua cuộc chiến Trung – Việt năm 981, cùng 2 lần đánh dẹp Chiêm Thành, vua quan triều Tống đánh giá được sức mạnh của quân dân Đại Cồ Việt, nên muốn hòa hoàn tại phương nam; bởi vậy sau việc từ chối thẳng lời yêu cầu của Vua Tống Thái Tông, tình hình không trở nên xấu hơn; khi Vua Lê Đại Hành sai sứ đến Trung Quốc triều cống, không có rắc rối gì xảy ra:

“Ngày Đinh Mão tháng 9 [23/10/983], Lê Hoàn tại Giao châu sai sứ đến cống sản vật địa phương.”[7]

Hai năm sau [985], nhà Vua lại cử một phái đoàn khác do Nha hiệu Trương Chiêu Phùng cầm đầu sang triều cống và xin phong:

“Năm Ung Hy thứ 2 [985], sai bọn Nha hiệu Trương Chiêu Phùng, Nguyễn Bá Trâm đến cống phương vật, cùng dâng biểu cầu xin chính thức ban tiết việt trấn thủ.”[8]

Lời thỉnh cầu được vua Tống đáp ứng, qua việc cử một phái đoàn đến nước ta vào năm sau [986]. Phái đoàn do Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết cầm đầu, Quốc tử bác sĩ Lý Giác phụ tá, mang Chế thư đến, chính thức tước bỏ tước Lưu hậu của vua cũ Đinh Toàn, và phong vua Lê Đại Hành chức Kiểm hiệu thái bảo, sử trì tiết Đô đốc Giao châu chư quân sự, An Nam đô hộ, sung Tĩnh hải quân Tiết độ sứ. Ngoài việc phong tước, phái đoàn còn nhận được tù binh mang về, trong đó có tướng Quách Quân Biện; cùng dò xét quan sát nước ta, nhận xét rằng nghi thức chế độ tiếm quyền, nhưng không dám ra mặt phản đối:

“Ngày Canh Thân tháng 10 [29/11/986], cho Lê Hoàn làm Tĩnh hải tiết độ sứ; mệnh Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc tử bác sĩ Lý Giác mang chiếu thư đi sứ. Hoàn có chế độ tiếm quyền, khi Nhược Chuyết vào nước, bảo tả hữu cẩn thận giữ nghi lễ bề tôi; riêng Hoàn bái chiếu rất cung kính. Trong ngày yến tiệc, đem hàng hóa đồ vật kỳ lạ bày ra, nhưng Chuyết không để mắt vào; lại từ khước lễ vật, chỉ nhận sứ giả Quách Quân Biện trước kia bị bắt, mang trở về. Hoàn lại bảo bọn Giác rằng:

‘Đất này sông núi hiểm trở, người Trung Quốc vừa mới trải qua, không mệt ư!’

Giác nói:

‘Quốc gia có đất phong vạn lý, quận đến 400; đất có chỗ bình dị, có chỗ hiểm trở; so với nơi này đâu đáng nói đến.’

Hoàn im lặng, xịu mặt.”[9]

Về Chế thư ban cho Vua ta, bản dịch Tống Sử như sau:

“Bực Vương giả xây dựng phép tắc, yêu mến vỗ về các phiên bang; dựng phủ đệ tại kinh sư giúp cho lễ hội đồng long trọng; ban cấp đất đai biểu dương quyền tiết chế. Nhân Giao Chỉ, đất chim diều hâu rơi thời Mã Viện,[10] chăm lo việc triều cống, muốn thay đổi tướng soái, nhắm lợi lạc việc phong hầu, lòng cung kính không quên thỉnh mệnh, bèn ban ân điển thưởng công. Nay quyền Tri châu tam sứ lưu hậu Lê Hoàn, tư chất nghĩa dũng, bản tính trung thuần, được lòng dân trong nước, kính giữ tiết phiên thần. Trước đây Đinh Toàn nhân tuổi trẻ thơ, không biết cách cai trị; Hoàn là người tâm phúc, chuyên nắm việc quân lữ, hiệu lệnh tự ban ra, uy ái cùng thi hành. Nay bỏ chức Tam sứ của Toàn, chiều theo lòng mong muốn của dân chúng. Người xa biểu lộ lòng thành, xin ban tiết việt. Bắt chước Sĩ Nhiếp cứng mạnh, thay đổi phong tục Việt; Uý Đà cung thuận, tuân chiếu Hán chẳng trái lời. Cần xứng chức nguyên nhung, dự hàng chư hầu tôn quí; khống chế man di, biểu dương thiên triều ân điển. [Cho Hoàn giữ chức] Kiểm hiệu thái bảo, sử trì tiết Đô đốc Giao châu chư quân sự, An Nam đô hộ, sung Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, Giao châu quản nội quan sát xử trí đẳng sứ, phong Kinh Triệu quận hầu, thực ấp 3.000 hộ, còn được ban hiệu Suy thành thuận hoá công thần.”[11]

Năm sau [987], Quốc tử bác sĩ Lý Giác lại sang nước ta một lần nữa; lần này Sứ thần Lý Giác có dịp trổ tài văn chương, xướng họa với Thiền sư Đỗ Thuận, Toàn Thư chép như sau:

Đinh Hợi, /Thiên Phúc/ năm thứ 8 [987]… Nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi Giác đến chùa Sách Giang,[12] vua sai pháp sư tên là Thuận giả làm người coi sông ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:

Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha.

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,

Ngữa mặt nhìn chân trời).

Pháp sư đương cầm chèo, theo vần làm nối đưa cho Giác xem:

Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bãi thanh ba.

(Nước lục phô lông trắng,

Chèo hồng sóng xanh bơi).

Giác càng lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, làm thơ gửi tặng:

Hạnh ngộ minh thì tán thịnh du,

Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu.

Đông Đô lưỡng biệt tâm lưu luyến,

Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu.

Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,

Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu.

Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu.

Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.

(May gặp thời bình được giúp mưu,

Một mình hai lượt sứ Giao Châu.

Đông Đô mấy độ còn lưu luyến,

Nam Việt nghìn trùng vẫn ước cầu.

Ngựa vượt khói mây xuyên đá chởm,

Xe qua rừng biếc vượt dòng sâu.

Ngoài trời lại có trời soi nữa.

Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu)

Thuận đem thơ này dâng lên. Vua cho gọi sư Ngô Khuông Việt[13] đến xem. Khuông Việt nói: “Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống”. Vua khen ý thơ, tặng cho rất hậu.” [14]

Tống Sử chép thêm về các năm kế tiếp như sau:

Năm Đoan Củng thứ nhất [988] gia phong Hoàn chức Kiểm hiệu thái uý, hưởng ấp 1.000 nhà; sai Lang trung bộ hộ Nguỵ Tường, Viên ngoại lang trực sử quán Lý Độ đi sứ.

Mùa hè năm Thuần Hoá thứ nhất [990] gia phong cho Hoàn đặc tiến ấp 1.000 hộ, thực phong 400 hộ; lại sai Tả chính ngôn trực sử quán Tống Cảo, Hữu chính ngôn trực sử quán Vương Thế Tắc đi sứ. Tháng 6 năm sau trở về kinh đô, Thiên tử lệnh trình bày hình thế sông núi, cùng sự tích về Lê Hoàn, bọn Cảo tâu đầy đủ như sau:

Mùa thu năm ngoái đến biên giới Giao châu, Hoàn sai Đô chỉ huy sứ Đinh Thừa Chính điều 9 chiếc thuyền, 300 quân đến đón tại Thái Bình quân.[15] Từ cửa biển vào biển lớn, trải qua sóng gió nguy hiểm; nữa tháng đến sông Bạch Đằng, qua Hải Nghĩa, thừa theo thuỷ triều mà đi. Phàm những nơi ghé nghĩ, đều trú trong 3 gian nhà lá, mái lợp còn mới; gọi đó là quán dịch. Tới Trường châu [tỉnh Ninh Bình], gần với [thủ đô] nước này, Hoàn phô bày loè loẹt, nhắm khoa trương; đem hết thuyến binh chiến cụ ra, gọi là diễu binh.

Từ đó đi đêm đến bờ biển, nơi cách Giao châu khoảng khoảng 15 lý, có 5 gian nhà tranh, đề chữ ‘Mao Kính dịch”. Đến thành khoảng 100 lý, cho lùa đàn súc vật của dân xưng càn là trâu bò công; số lượng chưa đến 1 ngàn, thì nói tăng lên là mấy vạn. Lại điều dân gộp trong quân, y phục màu sắc hỗn tạp, đi thuyền la hét. Núi ở gần thành, treo cờ trắng, biểu hiệu bày binh. Trong khoảng khắc, quân hộ vệ đưa Hoàn tới nơi, làm lễ đón tiếp ngoài thành; Hoàn gìm ngựa, cúi đầu, sau khi hỏi thăm sức khoẻ Thiên tử, buông cương cùng đi. Lúc bấy giờ đem trầu cau ra mời, nhai trên lưng ngựa; đó là phong tục hậu đãi tân khách. Thành không có dân cư, chỉ có nhà tre lợp lá khoảng chục trăm khu, dùng làm quân doanh. Còn phủ thự thì hẹp, trước cửa đề ‘Minh Đức môn”.

Hoàn dáng thô lậu, chột mắt; bảo rằng năm gần đây cùng quân Man tiếp chiến, ngã ngựa bị thương ở chân, nên nhận chiếu chỉ không thể bái. Sau khi đứng tiếp xúc, bèn mở yến tiệc. Lại đưa đến Hải Nghĩa, làm cuộc du ngoạn nhắm vui lòng khách. Hoàn chân trần lội xuống nước, cầm gậy nhắm đâm vào cá; mỗi lần trúng cá, quân lính hai bên đều hô vang. Phàm dự yến tiệc, kẻ tham dự đều được lệnh cởi thắt lưng, vẫn đội mũ. Hoàn thường mặc áo màu hồng có hoa, mũ trang sức trân châu, tự ca hát mời rượu, không hiểu lời nói gì. Từng sai mấy chục người gánh con rắn lớn dài mấy trượng, tặng sứ quán bảo rằng “Nếu có thể ăn thịt rắn này, sẽ làm đồ ăn đem hiến.” Lại mang đến 2 con cọp, để xem chơi, nhưng đều từ khước không nhận. Quân lính khoảng 3.000 tên, đều khắc trên trán hàng chữ ‘Thiên tử quân”. Lương cấp bằng lúa, ra lệnh tự xay giã mà ăn. Binh khí có cung, nõ, mộc bài, thuẫn, thương, trúc thương; người yếu không khiêng nỗi.

Hoàn tính tàn nhẫn, thân cận với tiểu nhân, năm bảy tâm phúc hoạn quan chầu chực xung uống rượu, ra lệnh bằng tay. Phàm quan lại giỏi việc, cất nhắc ngay làm thân cận, bị lỗi nhỏ cũng giết, hoặc đánh vào lưng từ 100 đến 200. Bọn phụ tá không vừa lòng cũng đánh đòn từ 30 đến 50, hoặc giáng xuống cấp thấp; hết giận lại khai phục chức vị. Có cái tháp bằng gỗ, chế tạo thô lậu; một hôm Hoàn mời lên trên đó để ngắm cảnh. Đất không lạnh, tháng 11 vẫn mặc áo kép, dùng quạt.’ ”[16]

Sau khi phái đoàn Tống Cảo sang nước ta sách phong, lúc trở về dâng bản phúc trình chi tiết lên Tống Thái Tông; năm sau triều đình cử phái đoàn Đào Cần sang Tống đáp lễ:

Tân Mão, /Hưng Thống/ năm thứ 3 /991/. Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Cần sang nhà Tống thăm đáp lễ. (Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 1).

Năm Quí Tỵ [993], Trạng nguyên triều Tống Vương Thế Tắc làm Chánh sứ mang sách thư đến phong Vua Lê Đại Hành tước Giao Chỉ Quận Vương:

“Năm Quý T,Hưng Thống thứ 5 /993/…Nhà Tống sai Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản đem sách thư sang phong cho vua làm Giao Chỉ Quận Vương.” (Cương Mục, Chính Biên, quyển 1).

Năm sau, triều đình ta cử Nha hiệu Phí Sùng Đức sang Tống đáp lễ:

“ Năm Giáp Ngọ tháng giêng năm ng Thiên th 1 /994/Sai nha hiệu là Phí Sùng Đức sang nhà Tống sang thăm đáp lễ.” (Cương Mục, Chính Biên, quyển 1).

Đến năm Ất Vị [995] tình hình bang giao giữa 2 nước trở nên xấu đi, nguyên do lúc bấy giờ người trấn Triều Dương [Mông Cái, Quảng Ninh] phạm tội giết người, đem cả họ sang Trung Quốc trốn, được bọn quan lại địa phương thuộc trấn Như Tích, châu Khâm che chở; phía ta gửi văn thư xin bắt, nhưng không đáp ứng, bèn cho người đánh phá; Tống Sử chép:

Trước đây Bốc Văn Dõng, người dân Triều Dương Giao châu giết người, đem cả gia tộc đến trấn Như Tích [châu Khâm], bọn Trấn tướng Hoàng Lệnh Đức che chở cho trốn. Hoàn ra lệnh Trấn tướng Triều Dương Hoàng Thành Nhã gửi thông điệp đến xin bắt. Lệnh Đức không cho, nên gây chuyện hải tặc liền năm đến cướp phá.”[17]

Các vụ đánh phá xảy ra cả hai mặt thủy bộ, nhưng triều đình nước ta không chính thức thừa nhận. Lại nhân lúc này bọn quan lại Trung Quốc tại biên giới tâu rằng vua Lê Đại Hành bị nhà Đinh cũ đuổi đi, trốn ra vùng biển cướp phá qua ngày; vua Tống Thái Tông cho kiểm chứng thấy gian dối, nên trị tội bọn tâu gian:

Mùa xuân năm Chí Đạo thứ nhất [995], Chuyển vận sứ Quảng Nam tây lộ [Quảng Tây] Trương Quan, Binh mã giám áp vệ Như Hồng châu Khâm Chiêu Mỹ đều tâu rằng có hơn 100 chiếc thuyền đến cướp trấn Như Hồng, bắt dân cư, lấy lương thực rồi đi. Mùa hè năm đó dân châu Tô Mậu[18] do Hoàn quản lãnh dùng 5.000 dân binh cướp phá châu Lộc thuộc Ung châu; Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh đuổi. Vua Thái Tông ý muốn chiêu phủ dân hoang dã, không hỏi tội. Trương Quan lại tâu rằng nghe đồn Lê Hoàn bị họ Đinh đuổi đi, đem quân còn sót lưu lạc tại vùng núi biển, không có căn cứ nhất định, cướp sống qua ngày, nay Hoàn đã chết; Quan còn dâng biểu chúc mừng.Chiếu ban Thái thường thừa Trần Sĩ Long, Cao phẩm Vũ Nguyên Cát phụng sứ Lãnh Nam, nhân trinh sát việc này. Bọn Sĩ Long lãnh mệnh, với lời tâu giống như Quan. Kỳ thực Hoàn vẫn sống, còn lời đồn thì sai lầm, bọn Quan không thấy rõ. Chẳng bao lâu có nhà buôn lớn từ Giao châu trở về, tâu rõ Hoàn vẫn là chủ soái như cũ. Chiếu đàn hặc bọn Quan; lúc này Quan bệnh chết, Chiêu Mỹ, Sĩ Long, Nguyên Cát bị tội.[19]

Năm Chí Đạo thứ 2 [996], nhà Tống dùng Viên ngoại lang bộ Công Trần Nghiêu Tẩu làm Chuyển vận sứ Quảng Tây, viên quan này đến tận nơi trực tiếp điều tra tình hình biên giới; bèn cho bắt Văn Dõng cùng 130 người trong họ trả lại cho trấn Triều Dương, nội vụ được dàn xếp xong. Đáp lại vua Lê Đại Hành gửi thư cảm ơn, cùng bắt 25 hải tặc gửi cho Nghiêu Tẩu; thư báo rằng đã ước thúc các thủ lĩnh khe động, không được tao động:

Năm Chí Đạo thứ 2 [996] dùng Viên ngoại lang bộ công Trực sử quán Trần Nghiêu Tẩu làm Chuyển vận sứ, nhân gửi chiếu thư cho Hoàn. Nghiêu Tẩu đến, sai Huyện uý Hải Khang thuộc Lôi Châu, Lý Kiến Trung, gửi chiếu thư uỷ lạo Hoàn. Nghiêu Tẩu lại đến Như Tích cật vấn việc che dấu cho Văn Dõng trốn, bắt được 130 người già trẻ trai gái, triệu quan trấn Triều Dương giao cho, và răn đừng làm điều phạm pháp. Thành Nhã nhận được người, gửi văn thư cảm tạ Nghiêu Tẩu. Hoàn cũng gửi tờ cảm ơn, cùng bắt 25 hải tặc gửi cho Nghiêu Tẩu; bảo rằng đã ước thúc các thủ lĩnh khe động, không được tao động”. [20]

Nhằm làm ấm lại mối bang giao, vào tháng 7 cùng năm [996], vua Tống sai Chiêu văn quán Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư, cùng đai ngọc ban cho Vua Lê Đại Hành, trước mặt Sứ thần Trung Quốc nhà Vua khẳng định sẽ giữ gìn an ninh biển Trướng Hải tức Biển Đông; lời khẳng định trước Sứ thần nhà Tống, chứng tỏ chủ quyền biển Trướng Hải thuộc nước Đại Cồ Việt:

Tháng 7, vua Thái Tông sai Chủ khách lang trung, trực Chiêu văn quán Lý Nhược Chuyết sung Quốc tín sứ mang chiếu thư và đai mỹ ngọc ban cho Lê Hoàn. Khi Nhược Chuyết đến, Hoàn ra ngoài thành đón; nhưng lời lẽ có vẻ ngạo mạn, bảo Nhược Chuyết rằng:

Từ trước tới nay cướp Như Hồng đều là bọn Man tặc ở ngoài nước, Hoàng đế có biết rằng không phải quân Giao châu hay không? Nếu quả Giao châu làm phản thì trước hết đánh Phiên Ngung [Quảng châu], thứ đến đánh Mân [Phúc Kiến], Việt [Quảng Đông]; nào phải chỉ trấn Như Hồng mà thôi!”

Nhược Chuyết thung dung bảo Hoàn:

Thiên tử lúc đầu mới nghe việc cướp phá trấn Như Hồng, tuy chưa biết ai chủ mưu; nhưng cho rằng túc hạ được cất nhắc làm Nha hiệu Giao châu, nhận tiết chế, nên đáng tận trung để báo đáp, thì có lo gì! Đến lúc thấy bắt giải đến bọn giặc, thì việc đã rõ ràng. Nhưng đại thần họp bàn, cho rằng triều đình đã lập tiết soái, để yên vùng biển, nay thấy Man tặc đến cướp phá, như vậy một mình Giao châu không chế ngự được; xin điều một vài vạn quân mạnh cùng binh Giao châu đánh dẹp; khiến vùng Giao, Quảng không có mối lo về sau. Thiên tử phán “ Chưa thể khinh suất cử sự, sợ Giao châu không biết ý định của triều đình, đâm ra kinh hãi; bất nhược giao cho Lê Hoàn đánh, rồi dần dần cũng yên; nên hôm nay không có việc hội binh.”

Hoàn ngạc nhiên dời chiếu đứng dậy nói:

“ Hải tặc phạm biên, là tội của thủ thần; Thánh quân khoan dung, ơn quá cha mẹ, không gia tru phạt. Từ nay cẩn thận giữ chức phận, giữ yên nơi Trướng Hải.” Nhân đó hướng về phía bắc cúi đầu tạ.” [21]

Sau khi Sứ thần Lý Nhược Chuyết đến thăm, tình hình bang giao được cải thiện, năm 1001, Vua Lê Đại Hành sai Sứ cống tê ngưu và voi:

Trường Biên, quyển 48. Năm Hàm Bình thứ 4 [1001]

Ngày Mậu Thân tháng 2 [3/3/1001], Lê Hoàn đất Giao châu sai Sứ tiến cống tê ngưu thuần, voi.[22]

Trong năm 1003, hai lần xãy ra việc dân biên giới trốn sang Trung Quốc xin tá túc; lúc này nhà Tống không muốn làm mất lòng nước ta, nên đều khước từ:

Trường Biên, quyển 54. Năm Hàm Bình thứ 6 [1003]

Ngày mồng một tháng 3 ngày Tân Mão [5/4/1003], châu Khâm tâu Bát châu sứ Giao châu Hoàng Khánh Tập đốc suất bọn dưới quyền hơn 450 qui phụ; chiếu sai Sứ an uỷ phủ dụ, lệnh trở về đất cũ.[23]

Trường Biên, Tháng 4 ngày Kỷ Sửu [2/6/1003], Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ Phùng Liên tâu rằng hơn 400 hộ dân Giao châu đến châu Khâm, tới bờ biển; tuân chiếu ủy dụ, khiến trở về đất cũ.[24]

Đáp lại cách xử sự hòa hoàn tại biên giới, năm sau vua Lê Đại Hành sai con là Minh Đề sang cống, được vua Tống sách phong:

Trường Biên, quyển 56. Năm Cảnh Đức thứ nhất [1004]

Ngày Giáp Tý tháng 6 [1/7/1004], Lê Hoàn đất Giao Châu sai con, Minh Đề, nhiếp quyền Thứ sử châu Hoan đến cống; Đề khẩn cầu gia ơn đến châu này để an ủy phủ dụ dân xa xôi. Hứa cho, vẫn để Minh Đề làm Thứ sử châu Hoan.[25]

***

Hoàng tử Minh Đề đi sứ chưa kịp trở về nước, thì vào tháng 3 năm Ứng Thiên thứ 12 [1005] vua Lê Đại Hành mất tại điện Trường Xuân. Trải qua 24 năm trị vị, với võ công hiển hách, nhà Vua đã nâng địa vị nước ta từ quốc gia nhược tiểu bị xâm lăng, trở thành hùng cường được tôn trọng. Quỹ tín dụng về sức mạnh dân tộc, không những dư dùng lúc Ngài trị vị, còn được dành lại cho con; qua những ngày tháng bất hạnh anh em tranh chấp; vua Tống tuy dòm ngó lăm le, lại được bọn bầy tôi dâng sẵn bản đồ xâm nhập; nhưng cuối cùng quyết định không  xâm lăng nước ta!

—————

[1] Tục Tư Trị Thông Giám, Soạn giả Lý Đào đời Tống, xin viết tắt là Trường Biên.

[2] 初,嶺南轉運使許仲宣既分遣南伐之師,乃草檄諭交州,明國威信,期必再舉。黎桓亦懼朝廷終行討滅,甲寅,復為丁璿上表謝罪,且貢方物。(周渭傳亦稱渭檄交州,今止記仲宣。蓋仲宣不待詔即分屯諸軍,功最著故也。

[3] Văn bản Trường Biên tháng 12 năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 [982] và tháng 5 năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 [983]

[4] 庚午,黎桓遣牙吏趙子愛以方物來貢,自稱權交州三使留後。表言:「去年十月,丁璿及其母率軍民以印綬與桓,桓即攝領府事。- Trường Biên, quyển 24.

[5] Tuổi đội mũ: tức “nhược quan”, từ 20 tuổi trở lên.

[6] 丁氏傳襲三世,保據一方,卿既受其倚毗,爲之心膂,克徇邦人之請,無負丁氏之心。朕且欲令璿爲統帥之名,卿居副貳之任,剸裁制置,悉系於卿。俟丁璿既冠,有所成立,卿之輔翼,令德彌光,崇獎忠勳,朕亦何吝!若丁璿將材無取,童心如故,然其奕世紹襲,載綿星紀,一旦舍去節鉞,降同士伍,理既非便,居亦靡安。詔到,卿宜遣丁璿母子及其親屬盡室來歸。俟其入朝,便當揆日降制,授卿節旄。凡茲兩途,卿宜審處其一。丁璿到京,必加優禮。今遣供奉官張宗權齎詔諭旨,當悉朕懷。」亦賜璿詔書如旨。時黎桓已專據其土,不聽命。- Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[7] 丁卯,交州黎桓遣使來貢方物。- Trường Biên, quyển 24.

[8] 雍熙二年,遣牙校張紹馮、阮伯簪等貢方物,繼上表求正領節鎮 –  Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[9] 庚申,以黎桓為靜海節度使,命左補闕李若拙、國子博士李覺齎詔往使。桓制度踰僭,若拙既入境,即遣左右戒以臣禮,桓拜詔盡恭。燕饗日,以奇貨異物列于前,若拙一不留盼,又卻其私覿,惟取陷蠻使臣鄧君辨以歸。桓又謂覺等曰:「此地山川悠遠,中朝人乍歷之,不亦勞乎!」覺對曰:「國家提封萬里,列郡四百,地有平易,亦有險固,此一方何足云也。」桓默然色沮。-  Trường Biên, quyển 27. Năm Ung Hy thứ 3 [986]

[10] Mã Viện nói về hoàn cảnh tại hồ Lãng Bạc, Giao Chỉ như sau: “Khi ta ở Lãng Bạc, Tây Lý , giặc chưa diệt xong; dưới chân nước lụt, trên đầu mây mù giăng mắc, khí độc vần vũ , nhìn lên trời thấy chim diều hâu bay rồi đột nhiên rơi phịch xuống nước…”

[11] 制曰:「王者懋建皇極,寵綏列藩。設邸京師,所以盛會同之禮;胙土方面,所以表節制之雄。矧茲ㄢ鳶之隅,克修設羽之貢,式當易帥,爰利建侯,不忘請命之恭,用舉醻勞之典。權知交州三使留後黎桓,兼資義勇,特稟忠純,能得邦人之心,彌謹藩臣之禮。往者,丁璿方在童幼,昧於撫綏。桓乃肺腑之親,專掌軍旅之事,號令自出,威愛並行。璿盡解三使之權,以徇衆人之欲。遠輸誠款,求領節旄。土燮強明,化越俗而鹹乂;尉佗恭順,稟漢詔以無違。宜正元戎之稱,以列通侯之貴,控撫夷落,對揚天休。可檢校太保、使持節、都督交州諸軍事、安南都護,充靜海軍節度、交州管內觀察處置等使,封京兆郡侯,食邑三千戶,仍賜號推誠順化功臣。」遣左補闕李若拙、國子博士李覺爲使以賜之。-  Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[12] Sông Sách: người dịch Toàn Thư chú thích rằng có lẽ lúc bấy giờ sông Sách là một đoạn của sông Thương.

[13] Ngô Khuông Việt (933-1011: tức Ngô Chân Lưu, người hương Cát Ly; huyện Trường Lạc; trụ trì chùa Phật Đà, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông.

[14] Toàn Thư, quyển 1, Bản Kỷ, trang 18b.

[15] Thái Bình quân: sau đổi là Liêm Châu tức tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, quân là đơn vị hành chính đầu thời Tống.

[16] 端拱元年,加桓檢校太尉,進邑千戶,實封五百戶。遣戶部郎中魏庠、虞部員外郎直史館李度往使焉。淳化元年夏,加桓特進,邑千戶,實封四百戶。遣左正言直史館宋鎬、右正言直史館王世則又使焉。明年六月,歸闕,上令條列山川形勢及黎桓事蹟以聞。鎬等具奏曰:

去歲秋末抵交州境,桓遣牙內都指揮使丁承正等以船九艘、卒三百人至太平軍來迎,由海口入大海,冒涉風濤,頗曆危險。經半月至白藤,徑入海氵義,乘潮而行。凡宿泊之所皆有茅舍三間,營葺尚新,目爲館驛。至長州漸近本國,桓張惶虛誕,務爲誇詫,盡出舟師戰棹,謂之耀軍。

自是宵征抵海岸,至交州僅十五里,有茅亭五間,題曰茅徑驛。至城一百里,驅部民畜產,妄稱官牛,數不滿千,揚言十萬。又廣率其民混於軍旅,衣以雜色之衣,乘船鼓噪。近城之山虛張白旗,以爲陳兵之象。俄而擁從桓至,展郊迎之禮,桓斂馬側身,問皇帝起居畢,按轡偕行。時以檳榔相遺,馬上食之,此風俗待賓之厚意也。城中無居民,止有茅竹屋數十百區,以爲軍營。而府署湫隘,題其門曰明德門。

桓質陋而目眇,自言近歲與蠻寇接戰,墜馬傷足,受詔不拜。信宿之後,乃張筵飲宴。又出臨海氵義,以爲娛賓之遊。桓跣足持竿,入水標魚,每中一魚,左右皆叫噪歡躍。凡有宴會,預坐之人悉令解帶,冠以帽子。桓多衣花纈及紅色之衣,帽以真珠爲飾,或自歌勸酒,莫能曉其詞。嘗令數十人扛大蛇長數丈,饋於使館,且曰:「若能食此,當治之爲饌以獻焉。」又羈送二虎,以備縱觀。皆卻之不受。士卒殆三千人,悉黥其額曰「天子軍」。糧以禾穗日給,令自舂爲食。兵器止有弓弩、木牌、梭槍、竹槍,弱不可用。

桓輕亻兌殘忍,昵比小人,腹心閹豎五七輩錯立其側。好狎飲,以手令爲樂。凡官屬善其事者,擢居親近左右,有小過亦殺之,或鞭其背一百至二百。賓佐小不如意,亦捶之三十至五十,黜爲閽吏;怒息,乃召復其位。有木塔,其制樸陋,桓一日請同登遊覽。地無寒氣,十一月猶衣夾衣揮扇云。-  Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[17] 交州潮陽民卜文勇等殺人,並家亡命至如昔鎮,鎮將黃令德等匿之。桓令潮陽鎮將黃成雅移牒來捕,令德固不遣,因茲海賊連年剽掠。-  Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[18] Châu Tô Mậu: Theo Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, Đào Duy Anh, trang 121, Tô Mậu ngày nay thuộc Định Lập, tỉnh Lạng Sơn.

[19] 至道元年春,廣南西路轉運使張觀、欽州如洪鎮兵馬監押衛昭美皆上言,有交州戰船百餘艘寇如洪鎮,略居民,劫廩實而去。其夏,桓所管蘇茂州,又以鄉兵五千寇邕州所管綠州,都巡檢楊文傑擊走之。太宗志在撫寧荒服,不欲問罪。觀又言,風聞黎桓爲丁氏斥逐,擁餘衆山海間,失其所據,故以寇鈔自給,今則桓已死。觀仍上表稱賀。詔太常丞陳士隆、高品武元吉奉使嶺南,因偵其事。士隆等復命,所言與觀同。其實桓尚存,而傳聞者之誤,觀等不能審核。未幾,有大賈自交趾回,具言桓爲帥如故。詔劾觀等,會觀病卒,昭美、士隆、元吉抵罪. – Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[20] 二年,以工部員外郎、直史館陳堯叟爲轉運使,因賜桓詔書。堯叟始至,遣攝雷州海康縣尉李建中齎詔勞問桓。堯叟又至如昔,詰得匿文勇之由,盡擒其男女老少一百三十口,召潮陽鎮吏付之,且戒勿加酷法。成雅得其人,以狀謝堯叟。桓遂上章感恩,並捕海賊二十五人送於堯叟,且言已約勒溪洞首領,不得騷動. – Tống Sử, Bản Kỷ, Giao Chỉ.

[21] 七月,太宗遣主客郎中、直昭文館李若拙齎詔書,充國信使,以美玉帶往賜桓。若拙既至,桓出郊迎,然其詞氣尚悖慢,謂若拙曰:「向者劫如洪鎮乃外境蠻賊也,皇帝知此非交州兵否?若使交州果叛命,則當首攻番禺,次擊閩、越,豈止如洪鎮而已!」若拙從容謂桓曰:「上初聞寇如洪鎮,雖未知其所自,然以足下拔自交州牙校,授之節制,固當盡忠以報,豈有他慮!及見執送海賊,事果明白。然而大臣僉議,以爲朝廷比建節帥,以寧海表,今既蠻賊爲寇害,乃是交州力不能獨制矣。請發勁卒數萬,會交兵以剪滅之,使交、廣無後患。上曰:’未可輕舉,慮交州不測朝旨,或致驚駭,不若且委黎桓討擊之,亦當漸至清謐。’今則不復會兵也。」桓愕然避席,曰:「海賊犯邊,守臣之罪也。聖君容貸,恩過父母,未加誅責。自今謹守職約,保永清於漲海。」因北望頓首謝. – Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

[22] 戊申,交州黎桓遣使貢馴犀、象。

[23] 三月辛卯朔,欽州言交州八州使黃慶集等率其屬四百五十餘口歸附,詔遣使慰撫之,令還本道。

[24] 己丑,廣南西路轉運使馮連言,交州民四百餘戶來投欽州,至海岸,即準詔慰諭,遣還本道。

[25] 交州黎桓遣其子攝驩州刺史明提來貢,懇求加恩使至本道慰撫遐裔。許之,仍以明提為驩州刺史.