Tính chất cách mạng, tiến bộ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Đông kinh nghĩa thục (ĐKNT) nghĩa là “trường tư thục vì nghĩa (vì dân, không vì lợi ích riêng) ở Đông Kinh (tên thành Thăng Long thời nhà Hồ). ĐKNT mô phỏng hình mẫu Khánh Ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku慶應義塾) của Fukuzawa Yukichi lập năm 1868 tại kinh đô Tolyo nước Nhật đầu thời Duy tân Minh Trị.

Sáng lập ĐKNT là cố gắng chung của nhiều sĩ phu yêu nước.[1] ĐKNT khai giảng tháng 3 năm 1907 tại Hà Nội. Tuy giấy phép mở trường có nói trường phải “theo phương châm khai hóa của chính phủ bảo hộ”, song thực ra ĐKNT chú trọng giáo dục quần chúng lòng yêu nước, các kiến thức phổ thông (chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật), truyền bá chữ quốc ngữ, tân học, lối sống mới và văn minh phương Tây.

Trường ĐKNT dạy học không thu học phí; tài liệu giảng dạy và tuyên truyền đều phát không cho học sinh, hội viên. Già trẻ gái trai ai muốn học đều được, kể cả nhà Nho muốn học tiếng Pháp. Trường dạy các môn: chữ Quốc ngữ, chữ Hán (chỉ để đọc tân thư), tiếng Pháp, khoa học thường thức (vệ sinh, địa dư, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục, kinh tế …). Thời gian đầu giáo viên không lĩnh lương; kinh phí hoạt động do đồng bào đóng góp.

Bộ máy nhà trường chia 4 ban: Ban Giáo dục lo việc mở lớp, dạy học; Ban Tu thư lo soạn sách giáo khoa; Ban Cổ độnglo tuyên truyền cổ động, và Ban Tài chính lo kinh phí. Phần lớn tài liệu giảng dạy tuyên truyền được biên soạn dựa vào các tân thư chữ Hán (do Trung Quốc dịch từ sách Nhật), một số là văn thơ của các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền… Nhiều tài liệu viết theo thể lục bát để dễ nhớ và nhanh chóng truyền khẩu khắp nước.

ĐKNT có một cơ quan ngôn luận là tờ Đại Việt Tân báo, một thư viện nhiều sách báo với thủ tục dễ mượn miễn là đọc xong phải trả; một hộp thư trưng cầu ý kiến công chúng góp cho nhà trường.

ĐKNT khai giảng sớm 2 tháng trước khi có giấy phép của chính quyền (5/1907). Số học viên ban đầu chừng 50 người, sau dăm tháng đã lên đến dăm nghìn, hình thành một phong trào ĐKNT yêu nước, đổi mới rộng khắp.

Với đặc điểm như trên, ĐKNT là một trường học kiểu mới chưa từng có ở Việt Nam. Do chủ trương hợp lòng dân, ĐKNT nhanh chóng được quốc dân ủng hộ bằng cách ghi tên dự học và giúp tiền; có lúc tiền ủng hộ nhiều tới mức thu không xuể. Một số tỉnh khác cũng lập phân hiệu ĐKNT ở địa phương. Nhiều nhà trí thức cựu học và tân học hăng hái tham gia hoạt động của trường. Hai nhà Tây học nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn tự nguyện dạy Pháp văn. Hai nhà đại cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều tham gia hoạt động của ĐKNT.

ĐKNT không chỉ dạy học mà còn tuyên truyền kêu gọi dân bài trừ hủ tục, theo lối sống mới văn minh, vệ sinh, đạo đức, tham gia hoạt động xã hội, đả phá cựu học, theo tân học, đề cao tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, vạch tội ác thực dân Pháp, hô hào làm kinh tế, phát triển thực nghiệp, mở đồn điền, xưởng máy, hầm mỏ, lập hội buôn v.v…Ngày nay khi đọc các tài liệu của ĐKNT biên soạn, ta không khỏi giật mình trước ý tưởng cách tân mạnh bạo, có tầm nhìn xa đến thế của tiền nhân.

Các buổi diễn thuyết và bình văn thơ được nhiệt liệt hoan nghênh. Các diễn giả nói về đề tài lịch sử, thời sự, xã hội; hô hào yêu nước, đả phá hủ tục và cựu học, theo lối sống mới và tân học, dùng hàng nội, tổ chức kinh doanh sản xuất. Chí sĩ Phan Châu Trinh từ miền Trung ra Hà Nội diễn thuyết ủng hộ ĐKNT. Mấy câu thơ sau nói lên hoạt động của trường:

Trường Nghĩa Thục đứng đầu dạy dỗ/ Khắp ba mươi sáu phố Hà thành/ Gái trai nô nức học hành/ Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.” hoặc “Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách tới như mưa.”…[2]

Giáo dục lòng yêu nước, kêu gọi cứu nước

Đây là nội dung hoạt động quan trọng nhất của ĐKNT, thể hiện qua các tài liệu trường biên soạn:

Giống ta chẳng giống mọi/ Dòng ta chẳng phải hèn/ Bạch đằng phá quân Nguyên/ Chi lăng đuổi tướng Minh …” “Nước non vẫn nước non này/ Từ xưa che chống, đời đời hiển vinh”.

Sách “Nam quốc địa dư” viết: “Xin có lời kính cáo đồng bào rằng: người nước ta không thể không yêu nước mình. Muốn thế trước hết xin hãy học địa dư nước ta.”

“Bài hát yêu nước” có câu kết: “Làm cho rạng rỡ ông cha/ Có lòng yêu nước mới là người Nam.”

Bài kêu gọi Phật tử viết: “Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc lập, ở chùa Duy tân/ Đêm ngày khấn vái chuyên cần/ Cầu cho ích quốc lợi dân mới là/ Tu sao mở trí dân nhà/ Tu sao độ được nước ta phú cường.

Những áng văn bất hủ như Hải ngoại huyết thư, Đề tỉnh quốc dân ca, Thiết tiền ca…dạy trong trường nhanh chóng truyền ra cả nước, góp phần thức tỉnh dân ta. Ai không xúc động khi đọc những câu:

Lẽ vinh sỉ có hai đường ấy/ Anh em ta đã nghĩ cho chưa?/ Gió tanh xông mũi khó ưa/ Gươm sao cắp nách mà ngơ cho đành/ Hòn máu uất chất quanh đầy ruột/ Anh em ơi, xin tuốt gươm ra.” và “Cờ độc lập xa trông phấp phới/ Kéo nhau ra đòi lại nước nhà.” hoặc “Giặc Pháp mà lại yêu mến dân Việt Nam ta?/ Ắt phải chờ trăm đời đến nghìn đời/ … Ai lại làm nô lệ chúng, mà phải tiêu diệt chúng!

Hội quán ĐKNT trang trọng treo một bản đồ Việt Nam lớn chưa từng thấy. Công chúng lũ lượt kéo nhau vào xem, ai nấy đều xúc động đỏ hoe mắt khi lần đầu tiên biết mảnh đất thân yêu của tổ quốc mình có hình dạng thế nào.

ĐKNT lợi dụng việc được phép hoạt động công khai để tuyên truyền yêu nước, cứu nước –– đây là thành công chính trị lớn chưa từng có, đã nâng tinh thần yêu nước của nhân dân ta lên một tầm cao mới, trong bối cảnh tất cả các cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp của nhân dân ta đều bị giặc Pháp dìm trong biển máu.

Đề xuất và tuyên truyền ý tưởng đổi mới đất nước

Các yếu nhân ĐKNT nhận rõ nguyên nhân tại sao nước ta hèn yếu thua giặc Pháp xâm lược –– đó là do chế độ phong kiến không cải cách đổi mới, làm cho Việt Nam tụt sau thế giới văn minh cả trăm năm; dân trí quá thấp, dân không biết gì về quyền lợi nghĩa vụ của mình, không chút kiến thức chính trị, khoa học kỹ thuật.

Sách của ĐKNT viết: “Nước ta mất bởi vì đâu?/ Tôi xin kể hết mấy điều tệ nhân/ Một là vua, sự dân chẳng biết/ Hai là quan chẳng thiết gì dân/ Ba là dân chỉ biết dân/ Mặc quân với quốc, mặc thần với ai.” và “Ngu sao ngu thế là ngu/ Ngán sao ngán vậy, ngán cho dân mình/ Xin ai cũng quyết tình bỏ dứt/ Gương văn minh chém đứt cho xong.

Cuộc Duy tân Minh Trị (1868) thực thi đường lối mở cửa, đổi mới, Âu hóa, làm cho nước Nhật mau chóng giàu mạnh ngang hàng các cường quốc phương Tây nói lên một chân lý: các nước lạc hậu nếu biết nâng cao dân trí, đổi mới xã hội trên mọi mặt, thì sẽ mạnh lên không kém Âu Mỹ. Cuộc “Biến pháp duy tân” (1898) ở Trung Quốc tuy được vua ủng hộ, nhưng bị thế lực phong kiến phản động dập tắt, đã đem lại bài học: muốn duy tân phải dựa vào dân, không thể dựa vua quan. Luồng tân thư mang theo các ý tưởng mới đó đã giúp các sĩ phu tiên tiến ở ta hiểu rằng muốn dân giàu nước mạnh thì nhất thiết phải đổi mới và mở cửa đất nước, học văn minh phương Tây; muốn vậy, trước hết phải bắt tay từ việc giáo dục nhân dân, nghĩa là mở trường dạy dân học.

Sách giáo khoa cơ bản của ĐKNT là “Quốc dân độc bản” có 79 bài. Lời tựa và phần mở đầu sách viết:

Sách này định nghĩa về xã hội, quốc gia, quốc dân, chính thể, quan chế, thuế khóa, pháp luật, giao thông, cảnh sát, dân chính, tôn giáo…” “Giáo dục quốc dân là làm rõ tương quan giữa nước với dân, sao cho họ biết vị trí, chức phận của họ trong xã hội, làm thế nào để gây ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị, tự lập… Một nước mà không có giáo dục quốc dân thì trăm họ u mê, không biết quốc gia, chính trị là gì.

Sách viết tiếp: “Nước ta thành một nước lớn đã hơn 4700 năm. Thế mà ngày nay các nước văn minh đều cho ta là nghèo, yếu, dã man; họ mỉa mai sỉ nhục đủ điều…. Khai phá sớm như thế mà tiến bộ chậm như thế này! Dân ta chớ nên cho khai phá sớm là vinh, mà nên cho tiến bộ chậm là nhục … Không thể như trăm năm trước nữa, cứ đóng cửa mà trị dân.” –– nghĩa là phải mở cửa đất nước.

Nước văn minh thì dân xem việc nước như việc nhà. Nước mạnh thì dân mừng, yếu thì dân lo. Dân ta không biết nước là gì, nghe ai bàn việc nước thì bịt tai bỏ chạy… Than ôi, lo không gì lo hơn mất nước … Hãy làm cho nước ta ngày càng văn minh, kế ấy là của nước, cũng là của bản thân ta.” “Dân nước ta không có quyền chính trị.”  “Người châu Âu xâm chiếm nước ta, tham vọng của họ rất lớn … cho nên họ ngấm ngầm tiêu diệt tận gốc lòng yêu nước của dân ta, làm cho dân ta khốn đốn tuyệt đường mưu sinh.” (bài 13-15).

Bài 16: “Muốn nước được bình trị mà mong ở vua hiền tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh và mạnh lâu dài.” Bài 27 (Bàn về vua): “Ngày nay dân chỉ xem vua là đại biểu; vua phải theo nguyện vọng của dân mà thi hành chính sự, cho nên quyền của vua rất nhẹ… Phải nghĩ rằng dân là gốc của nước, không thể ép dân theo ý mình.

Bài 31: “Nước Nhật sau khi thay đổi chính sự, dân trí mở mang mạnh, đã xin Nhật Hoàng chuyển chế độ chuyên chế thành chế độ lập hiến, đặt quốc hội và hội đồng địa phương …Nay xin chép lại để chí tiến thủ của dân ta thêm phấn chấn.

Bài 33: “Không nước nào trong vòng vài mươi năm mà không thay đổi nếp cũ … Khi thay đổi nếp cũ, các nước đều gặp khó khăn … Nhưng nếp cũ đã hư hỏng cùng cực rồi, còn trông cậy gì được mà không thay đổi.

Sách còn viết về giáo dục ở ta và Nhật, về pháp luật, thuế khóa, giao thông, thông tin, tổ chức việc hành chính (cảnh sát, điều tra số dân, giấy khai sinh, khai tử, giá thú), tôn giáo…Đặc biệt, sách bàn nhiều về chấn hưng kinh tế nước nhà, ích lợi của đại công nghiệp, kiến thức về tiền công, tư bản (vốn), “Nhà đại tư bản cũng có ích cho người nghèo” (tên bài 70), buôn bán, trao đổi hàng hóa; tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu, hối phiếu, séc, công ty, công ty trách nhiệm vô hạn, hữu hạn, cổ phần…

“Văn minh tân học sách” viết:

Hơn 30 năm gần đây, nước Nhật thâu thái văn minh Âu châu, nay đã đạt mục đích (dân giàu nước mạnh) rồi….Người Tàu đã tỉnh dậy, trên dưới dần dần hiểu rằng phương pháp, học thuật Âu Tây là đáng theo, đáng chuộng; họ đang thay cái lốt cũ kỹ để nhét vào đó đầu óc duy tân… Than ôi, người ta đã tỉnh giấc rồi, ta vẫn còn mê ngủ!”  “Những môn ta học chỉ là sách Tàu.. những thứ ta thi ấy chỉ là kinh nghĩa, thơ ngũ ngôn, biền ngẫu tứ lục”, trong khi người châu Âu “lấy ngoại ngữ, toán học, địa dư làm những môn học đầu tiên” rồi tiến lên học “luật học, thiên văn, võ bị, y học, cách trí … Học thành tài mới được dùng, dùng được việc mới thăng chứcNgười Âu tổ chức chính quyền có chính thể lập hiến hoặc cộng hòa. Cứ bao nhiêu người thì cử một người làm nghị viên. Việc gì cũng trước hết phải họp bàn, làm cho đúng chân lý, hợp tình hình”, thì nước ta không thế.

“Bài khuyên người đi học xa” viết: “Liệu mà sớm bảo nhau đi/ Giàu thì giúp của, nghèo thì gắng công/ Khăng khăng ghi lấy một lòng/ Sang Âu, sang Mỹ học tòng nghề hay. Bao nhiêu nghề khéo nước ngoài/ Học sao cho được hơn người mới nghe/ Bấy giờ rồi liệu trở về/ Mở trường trong nước lấy nghề dạy nhau/ Làm cho trong nước mạnh giàu/ So vào các nước Mỹ Âu kém gì.”

Cách đây hơn 100 năm, các sĩ phu ĐKNT hầu hết còn rất trẻ (Dương Bá Trạc 23, Nguyễn Hữu Cầu 28 tuổi) mà đã viết được những tài liệu có nội dung tiến bộ phù hợp xu thế toàn cầu như thế, thật đáng bái phục!

Cuộc cách mạng văn hoá lớn nhất đầu thế kỷ XX

Văn hoá là nguồn gốc sâu xa của sức mạnh dân tộc. Văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng lâu đời của văn hoá Trung Quốc, nhất là Khổng giáo; phong kiến Việt Nam và thực dân Pháp chỉ phát huy các mặt lạc hậu của Khổng giáo, khiến cho dân dốt, không biết đòi quyền lợi cho mình. Đăng cổ tùng báo viết: “Bao nhiêu cái khổ sở nhục nhằn ở nước Nam ta cũng vì cái dốt mà ra cả”.

Bởi vậy, trước hết phải làm cho toàn dân đều được học. Khổng Tử đề cao giáo dục, nhưng triều đình lại thi hành nền học vấn khoa hoạn, chỉ một số cực ít người được học, và học toàn những thứ vô dụng cho việc phát triển kinh tế, văn hoá, KHKT. Chữ Hán rất khó, chỉ một số rất ít người có điều kiện mới học được, mà đa số lại là các nhà hủ Nho, tuy yêu nước nhưng không hiểu được ta thua Pháp là do dân ngu, nước chưa mở mang. Họ coi văn minh phương Tây là man rợ, họ đề cao văn minh Nho giáo và chữ Nho, khinh chữ quốc ngữ, coi đó là chữ của thực dân Pháp; họ theo lối sống cũ, ghét lối sống mới.

Các sĩ phu ĐKNT tuy đều là nhà Nho, nhưng lại cực lực đả phá nền cựu học đào tạo ra các nhà Nho “trói gà không chặt” mà lại làm quan cai trị dân. “Khoa danh buổi đã qua rồi/ Giật mình tỉnh dậy, rằng thôi xin chừa!

Dương Bá Trạc (16 tuổi đỗ Cử nhân Nho học) nói: “Anh còn muốn cái cử nhân ư? Này, tôi bán cho anh một xu thôi.

“Cáo Hủ lậu văn” viết: “Ôi! Các bố, có óc thông minh, ở làng cao sang, đọc sách hiền triết, làm mẫu da vàng! Đương lúc này nghe thấy mới lạ, cuộc đời mở mang, sao không ra tay cứu vớt người chìm đắm, đánh thức kẻ mơ màng! … Tai hại thay hủ thư! Đục nát bét các bố! Đau đớn thay hủ nho! Làm các bố lầm lỡ!

ĐKNT hô hào “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong vài tháng đàn bà trẻ con đều biết chữ … Đó thực là bước đầu tiên mở mang trí khôn.”

Sử gia Chương Thâu nhận xét: ĐKNT đã tiến xa hơn các nhà duy tân Trung Quốc ở chỗ không chỉ hô hào bỏ khoa hoạn, bỏ “Bát cổ văn” mà còn hô hào dùng chữ quốc ngữ để khai hóa dân. “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta/ Sách các nước, sách Chi-na (tức Trung Quốc)/ Chữ nào nghĩa ấy dịch ra cho tường.” Ngoài ra, ĐKNT còn hô hào học tiếng Pháp.

ĐKNT sáng tác nhiều bài ca khuyên dân bỏ lối sống cũ, theo lối sống mới như các bài: Mẹ khuyên con, Vợ khuyên chồng, Khuyên người xem nhật báo, răn người hút thuốc phiện, uống rượu, đánh bạc… Các học viên ĐKNT bắt chước giám học Nguyễn Quyền cắt tóc ngắn, bắt chước Phan Châu Trinh mặc âu phục …

Đả phá cựu học và chữ Nho, đề xướng tân học và chữ quốc ngữ, học văn minh phương Tây, theo lối sống mới – đây là cuộc cách mạng văn hóa chưa từng có ở ta.

Vài kết luận sơ bộ

Bài này chỉ bàn sơ qua về hoạt động của ĐKNT trên các mặt giáo dục tinh thần yêu nước và đổi mới. Tuy vậy, qua vài nét kể trên đủ thấy phong trào ĐKNT có tính chất yêu nước, cách mạng, tiến bộ rất rõ rệt.

Thực dân Pháp la ó: ĐKNT “xúi giục dân quê chống lại chính phủ Pháp và giới quan lại”, “là cái lò phiến loạn của Bắc kỳ.” ĐKNT chỉ hoạt động 9 tháng đã bị đóng cửa; các tài liệu của ĐKNT bị tịch thu, ai tàng trữ sẽ bị truy tố; hầu hết các yếu nhân ĐKNT đều bị Pháp bỏ tù[3] –– sự thật đó tự nó chứng minh tất cả những điều nói trên.

Thiển nghĩ ĐKNT là sự kiện lịch sử quan trọng nhất của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX; sáng lập ĐKNT là một quyết sách sáng suốt của dân tộc ta trước khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng của giai cấp vô sản, đưa ra cương lĩnh giải phóng dân tộc. Phong trào ĐKNT có những đặc điểm độc đáo, tuy có tiếp thu nhưng không hoàn toàn đi theo đường lối cách mạng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Có thể coi ĐKNT là tổ chức đầu tiên gây dựng phong trào cách mạng dân chủ tư sản ở nước ta.

Rất tiếc là quy mô bàn thảo về ĐKNT trong hơn 100 năm qua chưa tương xứng với ý nghĩa của sự kiện này. Cho tới nay mới có rất ít sách viết về ĐKNT.[4] Bởi vậy các nhà lý luận chính trị nước ta cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá ĐKNT.■

————-

[1] Các sĩ phu đứng đơn xin chính phủ Pháp cho mở trường ĐKNT: Lương Văn Can (53 tuổi, hiệu trưởng ĐKNT), Nguyễn Quyền (39, Giám học), Nguyễn Hữu Cầu (28), Dương Bá Trạc (23), Lê Đại (32), Nguyễn Kỳ, Võ Hoành, Hoàng Tăng Bí (24).

[2] Các đoạn in ngả trong bài là trích dẫn (đã lược bớt một số từ không quan trọng) lấy từ hai cuốn sách:  – “ĐKNT và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX “(Chương Thâu, NXB Hà Nội, 1982);  – “Văn thơ ĐKNT” (NXB Văn hóa, 1997).  Đây là 2 tài liệu tham khảo chính của bài này.

[3] Chính quyền Pháp kết án: Nguyễn Quyền, Lê Đại, Võ Hoành: chung thân; Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí: 5 năm tù; Dương Bá Trạc: 15 năm tù …

[4] Ngoài 2 cuốn ở ghi chú (2) ra còn có: – sách của Đào Trinh Nhất, xuất bản năm 1938; – sách của Nguyễn Hiến Lê (1956). Thống kê này chưa đầy đủ.