Thế giới hôm nay: 14/08/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

IsraelUAE vừa đạt một thỏa thuận, một phần  nhờ Tổng thống Donald Trump làm trung gian, người gọi đây là một “bước đột phá lớn”. Israel sẽ tạm thời từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình đối với các phần đất Bờ Tây mà họ từng tuyên bố sáp nhập. Đổi lại, UAE cam kết “bình thường hóa hoàn toàn quan hệ”. Trước đây Israel không có quan hệ ngoại giao chính thức với bất kỳ quốc gia vùng Vịnh nào.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo “các hành động khiêu khích” của nước ngoài sau khi Pháp, một thành viên NATO, triển khai máy bay chiến đấu và hai tàu hải quân tới đông Địa Trung Hải. Nước này làm vậy để ủng hộ Hy Lạp, quốc gia cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò dầu và khí đốt ở các vùng biển tranh chấp bằng cách điều một tàu thăm dò vào khu vực ngoài khơi đảo Síp.

Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới ở Mỹ lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 triệu vào tuần trước kể từ khi đại dịch tấn công nước này hồi tháng 3. Mỹ hiện đã lấy lại được hơn 9 triệu việc làm trong ba tháng qua, chiếm khoảng 43% trong số 21 triệu việc làm bị mất trong tháng 3 và tháng 4.

Đại dịch covid-19 đẩy số việc làm của thanh niên Pháp xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1975. Tỷ lệ có việc của những người từ 15 đến 25 tuổi là 26,6% trong quý hai, thấp hơn 2,9% so với quý trước đó. Tỷ lệ việc làm nói chung giảm nhẹ hơn, 1,6%, xuống còn 64,4%.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác yêu cầu của Đảng Cộng hòa đòi hủy phán quyết của một thẩm phán vốn tạo điều kiện cho việc bỏ phiếu qua bưu điện ở Rhode Island. Động thái này cho phép công dân bang có thể gửi phiếu bầu của họ qua đường bưu điện mà không cần điền phiếu trước sự chứng kiến ​​của các nhân chứng. Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tàn phá và các cuộc bầu cử đang đến gần, bỏ phiếu qua bưu điện giờ trở thành một chiến trường khác cho hai đảng đấu nhau.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã điều chỉnh giảm dự báo tiêu thụ dầu trong năm 2020 và 2021, cho rằng nhu cầu toàn cầu sẽ giảm vì đại dịch. Phần lớn mức giảm là do ngành hàng không suy thoái. Cơ quan liên chính phủ này dự đoán nhu cầu 91,9 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm 8,1 triệu thùng so với mức tiêu thụ thực tế năm 2019.

Mỹ giữ lập trường trong tranh chấp với EU về trợ cấp cho Airbus và Boeing. Văn phòng thương mại nước này sẽ không mở rộng danh mục hàng hóa châu Âu, trị giá 7,5 tỷ USD, bị áp thuế trừng phạt 25% (15% đối với máy bay). Họ cũng sẽ không giảm thuế này. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt vào tháng 10 năm 2019 vì những vi phạm được WTO xác nhận.

TIÊU ĐIỂM

Thông điệp quốc gia của tổng thống Joko Widodo

Tổng thống Indonesia thường có bài phát biểu trước quốc dân hàng năm giữa chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày nước này tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan. Nhưng đất nước không có tâm trạng để ăn mừng khi Joko Widodo, có biệt danh là Jokowi, lên bục hôm nay để nói về ngân sách. Nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự đoán GDP của Indonesia sẽ giảm 1% trong năm nay. Còn chính phủ cho rằng 5,5 triệu người sẽ mất việc làm.

Có tới 19,7 triệu người Indonesia có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói. Hôm nay Jokowi sẽ vạch ra cách ông giải quyết thiệt hại. Ông có thể cam kết nhiều tiền hơn để vá mạng lưới bảo hiểm xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp. Ông cũng sẽ trấn an công chúng rằng số tiền này sẽ thực sự được chi. Chỉ mới có 1,5% của 75 nghìn tỷ rupiah (5,1 tỷ USD), vốn được phân bổ hồi tháng 3 để giúp Bộ Y tế đối phó với covid-19, được giải ngân vào cuối tháng 6.

Thái Lan lại dậy sóng vì biểu tình

Thái Lan đang căng mình đón cuộc biểu tình lớn nhất của sinh viên kể từ khi triều đại của quốc vương hiện tại bắt đầu vào năm 2016. Chủ nhật này, sinh viên sẽ yêu cầu hoàng cung chấm dứt can thiệp vào chính trị và kêu gọi xây dựng hiến pháp mới cho phép người Thái lựa chọn chính phủ của riêng họ. Tình hình rất biến động. Thái Lan đang suy thoái sâu rộng. Các quy trình nghị viện trên thực tế đã bị đình chỉ với lý do đại dịch, khiến đường phố trở thành lối thoát duy nhất cho những người bất đồng chính kiến.

Việc học sinh chế nhạo quốc vương và các lực lượng vũ trang, điều có thể khiến họ ngồi tù lâu dài, là điều chưa từng có. Đây có thể là thời điểm để những người bảo thủ có suy nghĩ mở thúc đẩy thay đổi chính trị và kinh tế. Nhưng nếu quá khứ lặp lại, thì hoàng cung và những người lính được huấn luyện để bảo vệ nó, sẽ đập tan mọi thách thức. Quân đội đã giết những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bangkok vào những năm 1973, 1976, 1992 và 2010. Người Thái hy vọng vào cuối tuần này lịch sử sẽ không lặp lại.

Luật mới về quấy rối tình dục trong trường học ở Mỹ

Hôm nay, một luật gây tranh cãi của bộ giáo dục Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Nó sẽ thay đổi cách các trường học và trường đại học xử lý các hành vi sai trái về tình dục theo “Điều IX”, theo đó cấm phân biệt giới tính tại các cơ sở được liên bang tài trợ. Nó cũng sẽ ràng buộc về mặt pháp lý, trái với các hướng dẫn do chính quyền Obama ban hành vào năm 2011, được gửi đến các trường đại học trong một bức thư mang tính đe dọa. Luật mới định nghĩa quấy rối tình dục một cách hẹp hơn và cho phép các trường nâng cao gánh nặng chứng minh bằng chứng cần thiết trước khi áp dụng biện pháp kỷ luật.

Đáng tranh cãi nhất, nó cho phép thẩm vấn chéo các nạn nhân, điều những người phản đối cho rằng có thể khiến họ bị chấn thương tâm lý. Những người ủng hộ luật và Betsy DeVos, bộ trưởng giáo dục của Tổng thống Donald Trump, lo ngại rằng vì quá vội vã tin vào phụ nữ, nhiều người đã bị buộc tội một cách bất công. Song, hầu hết các vụ tấn công tình dục vẫn không được báo cáo. Nhiều cơ sở đại học sẽ trống vào mùa thu này do sinh viên học trực tuyến vì covid-19. Nhưng điều luật vẫn có giá trị. Rốt cuộc, hành vi quấy rối cũng rất phổ biến trên internet.

Ngoại trưởng Pompeo thăm Ba Lan

Cuối tuần này Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ kết thúc công du Trung Âu bằng chuyến thăm Warsaw. Vào thứ Bảy, ông sẽ ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao với các quan chức Ba Lan, theo đó sẽ mang lại cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp lý để hợp tác chặt chẽ hơn. Ngày được chọn cũng mang giá trị tượng trưng. Đó là Ngày Lực lượng Vũ trang Ba Lan và đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày họ chặn cuộc tiến công về phía tây của Hồng quân trong Trận Warsaw.

Với việc Nga vẫn được coi là một mối đe dọa, chính quyền Ba Lan đã kêu gọi Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở nước này. Thỏa thuận mới sẽ cho phép quân số Mỹ tại Ba Lan tăng khoảng 1.000 lên 5.500 quân. Bị đánh động bởi việc chính quyền Trump có kế hoạch rút khoảng 12.000 binh sĩ khỏi Đức (trong tổng số khoảng 36.000 quân), chính quyền Ba Lan sẽ hoan nghênh sự tăng quân khiêm tốn này trên lãnh thổ của họ.

Cộng hòa Dominica có tổng thống mới

Vào Chủ nhật, dưới các quy tắc giãn cách xã hội, lễ chuyển giao ghế tổng thống cho Luis Abinader sẽ diễn ra. Nó kết thúc một câu chuyện dài sau khi cuộc bầu cử hồi tháng 5 đã bị trì hoãn bởi đại dịch. Khi bầu cử cuối cùng cũng được tổ chức vào tháng 7, đảng cầm quyền đã thất bại. Ông Abinader hứa  nâng cao quản lý kỹ trị và chấm dứt tham nhũng, nhưng không có đề xuất mang tính cách mạng nào. Nhiệm vụ trước mắt của ông là giải quyết sự lây lan của covid-19 trong khi vẫn giữ cho nền kinh tế mở cửa trở lại.

Cộng hòa Dominica đã báo cáo khoảng 83.000 ca nhiễm, nhiều hơn các đảo quốc Caribe cộng lại. Ông Abinader, người bị nhiễm covid-19 trong chiến dịch tranh cử, hứa sẽ tăng xét nghiệm. Ông cũng muốn cân bằng ngân sách và thúc đẩy việc làm chính thức. Nhưng phục hồi vẫn còn xa vời. Đất nước mở cửa trở lại cho du khách vào ngày 1 tháng 7, nhưng vẫn chứng kiến lượng khách du lịch giảm 89% trong tháng đó so với năm 2019. Nền kinh tế dự kiến suy thoái 6,5% trong năm nay.