Thế giới hôm nay: 24/10/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quy trình thông qua luật về Brexit của chính phủ Anh vẫn còn bế tắc sau khi thủ tướng Boris Johnson không thể thống nhất thời gian biểu thông qua Nghị viện với Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập. Ông Johnson đã hứa sẽ tiến hành một cuộc tổng tuyển cử nếu Anh không rời EU vào ngày 31 tháng 10. Ông Corbyn nói ông sẽ ủng hộ một cuộc bầu cử, miễn các nhà lãnh đạo châu Âu cho phép trì hoãn Brexit.

Boeing công bố thu nhập quý ba giảm 43% so với cùng kì năm trước, một ngày sau khi sa thải người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại. Dòng máy bay chở khách 737 MAX của hãng này đã bị cấm cất cánh kể từ tháng 3 sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng. Các nhà điều tra Indonesia hôm qua cho biết các lỗi thiết kế là thủ phạm của một trong hai vụ tai nạn, khiến 189 người thiệt mạng. Mặc cho những trở ngại này, Boeing vẫn hy vọng 737 MAX sẽ quay lại hoạt động trước cuối năm nay.

Cơ quan lập pháp Hồng Kông chính thức rút bỏ dự luật dẫn độ vốn gây ra nhiều tháng bất ổn. Việc hủy bỏ dự luật – đã bị đình chỉ và nếu được thông qua sẽ cho phép các bị cáo được dẫn độ đến Trung Quốc đại lục – sẽ khó có thể làm thỏa mãn những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Tờ Financial Times cho biết Trung Quốc có kế hoạch thay thế trưởng đặc khu Carrie Lam, người bị mất uy tín nặng nề vì giới thiệu dự luật này.

Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã cố gắng xông vào một phòng điều trần nơi Laura Cooper, một quan chức quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm ở Ukraine và Nga, dự kiến sẽ khai kín liên quan đến cuộc điều tra luận tội Donald Trump. Ngày hôm trước, ông Trump đã thúc giục những người Cộng hòa hãy cứng rắn hơn trước nỗ lực luận tội ông của đảng Dân chủ. Cảnh sát được gọi đến giải tán đám đông và ổn định trật tự.

Công ty cho thuê văn phòng WeWork đang lên kế hoạch cắt giảm 4.000 nhân viên sau khi được tiếp quản bởi SoftBank, tập đoàn đầu tư Nhật Bản đồng thời là cổ đông lớn nhất. WeWork, sau khi đã từ bỏ kế hoạch IPO hồi đầu năm, sẽ tập trung vào ba thị trường – Châu Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản – và giảm hiện diện ở các khu vực khác bao gồm Trung Quốc và Mỹ Latinh.

Hãng xuất ô tô Pháp đang hồi sinh PSA tuyên bố doanh thu quý 3 tăng 1% so với cùng kì năm trước để đạt 15,6 tỷ euro (17,3 tỷ đô la). Chủ sở hữu các nhãn hiệu PeugeotOpel tuyên bố một “rổ sản phẩm mạnh mẽ” đã giúp họ tránh bị sụt giảm doanh thu, điều khiến nhiều đối thủ khác thất bại trong năm qua.

Cổ phiếu của Caterpillar, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp và xây dựng hạng nặng của Mỹ, đã giảm khoảng 5% trước khi thị trường mở cửa, sau khi công ty này cho biết họ đã giảm dự báo lợi nhuận quý ba và giảm kì vọng doanh thu của cả năm. Lợi nhuận quý 3 giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Caterpillar nói nhu cầu yếu khiến họ bị ảnh hưởng.

TIÊU ĐIỂM

Những ngày cuối cùng của Mario Draghi ở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)

Hôm nay Mario Draghi sẽ chủ trì cuộc họp chính sách tiền tệ của ECB lần cuối. Nhiệm kỳ 8 năm của nhà quản lý ngân hàng người Italia sẽ kết thúc vào 31 tháng 10. Ông đã tạo được danh tiếng mà về sau sẽ tiếp tục được nhớ đến như là vị cứu tinh của đồng euro. Năm 2012, khi khu vực đồng euro bị nhấn chìm bởi cuộc khủng hoảng nợ công, ông đã xoa dịu nỗi lo liên minh tiền tệ có thể tan rã bằng cách hứa sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ đồng euro. Dưới sự điều hành của ông, ngân hàng đã sử dụng các công cụ phi truyền thống để hỗ trợ nền kinh tế.

Song điều này cũng gây tranh cãi. Quyết định mở lại các giao dịch mua tài sản vào tháng trước đã bị chỉ trích là quá mức bởi các nhà quản lý ngân hàng trung ương, chủ yếu từ các nước Bắc Âu. Tuy nhiên, lạm phát có rất ít khả năng tăng để đạt được mục tiêu của ECB là “gần 2%”. Christine Lagarde, người kế nhiệm ông Draghi và là cựu giám đốc IMF, phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là xoa dịu các nhà phê bình trong khi đạt được mục tiêu lạm phát.

Tỉ lệ lạm phát ở khu vực đồng Euro.

Các lời khai bất lợi cho ông Trump xuất hiện

Nỗ lực của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn các nhà ngoại giao và công chức cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra luận tội đang được đảng Dân chủ theo đuổi tại Hạ viện đã thất bại một cách ngoạn mục. Lời khai tuần này từ William Taylor, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Ukraine, dường như đã chứng thực cho cáo buộc chính chống lại Tổng thống Donald Trump: ông sử dụng chính sách đối ngoại nhằm đạt được lợi ích chính trị của mình bằng cách gây áp lực đòi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, Joe Biden.

Ông Taylor dường như cũng đã xác nhận yếu tố gây tranh cãi duy nhất về lời cáo buộc này – đó là việc ông Trump đóng băng khoản viện trợ 400 triệu đô la hỗ trợ an ninh để gây áp lực lên ông Zelensky. Nhận thấy sức nặng của lời khai, chính quyền Trump đã gán cho ông Taylor – một cựu chiến binh Việt Nam được chỉ định đại diện cho Mỹ ở Ukraine bởi các chính quyền Cộng hòa liên tiếp – là một “công chức cực đoan không qua bầu cử”. Cách ứng xử tệ hại như vậy có thể làm tăng khả năng xuất hiện những tiết lộ tiếp theo từ các quan chức đang bất mãn với chính quyền Trump.

Chỉ số thuận tiện kinh doanh của Ngân hàng Thế giới

Phải mất bao nhiêu ngày để bắt đầu kinh doanh, thực thi hợp đồng hoặc thu hồi khoản vay? Trong 17 năm liền Ngân hàng Thế giới đã đặt ra những câu hỏi như thế này cho các luật sư, kế toán viên và những người khác để đánh giá mức độ thuận lợi cho kinh doanh trên toàn thế giới. Hôm nay họ sẽ công bố bảng điểm gần đây nhất. Song những người chỉ trích nói báo cáo bị đặt tên sai. Bởi vì nó bỏ qua cơ sở hạ tầng, ổn định giá cả, sự sinh động của thị trường hoặc kỹ năng của người lao động, nó không thực sự đo lường sự thuận lợi trong kinh doanh.

Thay vào đó, nó chỉ lấy số liệu về chi phí tuân thủ các quy định chính thức của các công ty không đủ nhỏ để lách luật và không đủ lớn để sửa luật. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các nơi khác rất coi trọng báo cáo, tuyên bố sẽ nâng xếp hạng của nước mình. Và điều đó đặt ra một mối quan tâm khác. Khi một biện pháp đo lường trở thành mục tiêu, như một nhà kinh tế sáng suốt đã từng nói, nó thường không còn là một biện pháp đo lường tốt.

Cuộc bầu cử ở Kashmir

Kể từ tháng 8, khi Ấn Độ đình chỉ quyền bán tự trị mà bang Jammu & Kashmir được hưởng trong nhiều thập kỷ, chính phủ đã rất cố gắng thể hiện như thể mọi chuyện đều ổn ở bang đa số Hồi giáo này. Còn gì tốt hơn một cuộc bầu cử để chứng minh điều đó? Nhưng các cuộc bỏ phiếu hôm nay lại rất khác thường. Người dân sẽ đi bầu 310 ghế trong một cấp chính quyền nằm giữa cấp hội đồng làng và cấp huyện vốn chưa từng có trước đây. Chỉ có 25.000 thành viên của các hội đồng làng mới được bỏ phiếu.

Khi mà các chính trị gia hàng đầu của bang này vẫn đang bị bắt giữ, mọi đảng trừ Đảng Nhân dân Ấn Độ của thủ tướng Narendra Modi đều tẩy chay cuộc bầu cử. Hầu hết trong số 1.000 ứng cử viên là những người độc lập, tìm kiếm sự ưu ái từ chính phủ đang mong muốn xây dựng các nhà lãnh đạo mới, trung thành. Nhưng sự thù địch đang thể hiện rất rõ trong công chúng, đặc biệt là ở Thung lũng Kashmir, khiến nhiều ứng viên e ngại xuất hiện công khai. Ngay cả trước khi Ấn Độ nắm quyền ở bang này, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thường là rất thấp. Không ai mong đợi lần này sẽ khác.

Thêm một bước tiến nữa trong cuộc chiến chống bệnh bại liệt

Một ủy ban toàn cầu hôm nay dự kiến sẽ công bố rằng virus bại liệt loại 3 đã bị xóa sổ, nay chỉ còn một trong số ba loài virus này là chưa bị tiêu diệt. Loại 1, loại còn lại, hiện chỉ tồn tại ở hai quốc gia: Afghanistan và Pakistan, nơi xung đột bạo lực đang cản trở việc tiêm phòng. Một vấn đề lớn hiện nay là bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vắc-xin, và trong năm nay số trường hợp mắc bệnh đã được báo cáo bởi 12 quốc gia so với bảy vào năm ngoái. Điều này là do đột biến của virus suy yếu trong vắc-xin bại liệt gây ra.

Ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp và vệ sinh kém, virus có nguồn gốc từ vắc-xin có thể lây từ người chưa tiêm phòng này sang người khác trong thời gian đủ lâu để biến thành phiên bản virus gây bại liệt. Vì vậy, tăng cường tiêm chủng là chìa khóa để quét sạch bệnh bại liệt dưới mọi hình thức. Thông báo của hôm nay là một điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng việc xóa bỏ hoàn toàn vẫn chưa thể đạt được: trở lại năm 1988, các chính phủ và Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu thế giới không còn bệnh bại liệt vào năm 2000.