Hợp tác Việt – Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám 1945

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Lê Vinh Quốc

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mãi mãi là một trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cuộc cách mạng vĩ đại này, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mà đông đảo công chúng ít được biết tới, trong đó có vấn đề về quan hệ Việt-Mỹ trong quá trình cách mạng. Dưới đây là một số sự kiện chủ yếu về mối quan hệ đó.                                                        

Bối cảnh cách mạng

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định “đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để giành lấy độc lập dân tộc”[1] là đường lối của Đảng. Năm 1940, nước Pháp đầu hàng phát xít Đức và Nhật Bản kéo vào Đông Dương, Đảng chủ trương đánh Pháp đuổi Nhật để giành độc lập.

Trở về nước đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là mặt trận Việt Minh) để tập hợp lực lượng của toàn dân tộc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cùng với chương trình hoạt động trong nước, Việt Minh còn tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài, dựa trên sự biến chuyển của tình hình chiến tranh thế giới.

Ngày 7-12-1941, Nhật Bản tấn công hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng, mở đầu cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương và Hoa Kỳ chính thức tham chiến. Từ đó phe Đồng Minh dân chủ chống phát xít bao gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa và nhiều nước khác đã ra đời. Đảng Cộng sản Đông Dương ra thông cáo “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng”, khẳng định rằng “vô sản giai cấp Đông Dương và nhân dân Đông Dương ta phải đứng về phe dân chủ chống phát xít xâm lược”.[2]

Ngày 13-8-1942, lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc trở thành nhà cách mạng dân tộc Hồ Chí Minh đại diện cho Việt Minh bí mật sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của giới lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng nhà đương cục Quốc Dân Đảng tỉnh Quảng Tây, do nghi ngờ về hành tung của Hồ tiên sinh, đã bắt giam ông trong hơn một năm, và chỉ trả lại tự do cho ông vào tháng 9-1943, khi phe Đồng Minh đã chuyển sang phản công trên khắp các mặt trận.

Tháng 7-1943, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt tuyên bố sẽ thiết lập chế độ ủy thác quốc tế ở Đông Dương nhằm trao trả nền độc lập hoàn toàn cho xứ này vào một thời điểm thích hợp sau chiến tranh. Tại Hội nghị thượng đỉnh Tam Cường ở Tehran (28-11 đến 01-12-1943), Tổng thống Mỹ Roosevelt và lãnh tụ Liên Xô Stalin đã nhất trí với nhau rằng nước Pháp sẽ phải trả giá cho sự cộng tác với phát xít Đức, và rằng các nước Đồng Minh không thể đổ máu để cho nước Pháp khôi phục chế độ thuộc địa ở Động Dương. Tổng thống gợi ý nên thành lập một hội đồng quản thác quốc tế (trusteeship) để chuẩn bị cho Đông Dương tự cai trị sau 30-40 năm nữa. Sau đó, ông gửi thư cho ngoại trưởng của mình là Cordell Hull (24-01-1944) chỉ đạo rằng “Đông Dương không nên trở lại làm thuộc địa Pháp mà nên được quản lý bởi một sự ủy thác quốc tế”.[3]

Vấn đề này được ghi nhận trong biên bản của Hội nghị thượng đỉnh Tam cường Yalta (tháng 2-1945) và tại Hội nghị San Francisco (25-6-1945) đã được chấp thuận để đưa vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Các quan điểm của Tổng thống Roosevelt về quyền dân tộc tự quyết, về việc xóa bỏ chế độ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương tiến tới trao trả độc lập cho xứ này sau một giai đoạn quản thác quốc tế, đã vạch ra một con đường cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam hợp tác với Hoa Kỳ và toàn thể phe Đồng Minh trong chiến tranh thế giới.

Bộ đội Việt-Mỹ

Trở về Việt Nam cuối tháng 9-1944 tại căn cứ địa Việt Bắc, nhà cách mạng Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo Việt Minh theo chủ trương đã được vạch rõ: “Lợi dụng dịp tốt khởi nghĩa giành chính quyền đồng thời giao thiệp với Anh-Mỹ-Trung Quốc để họ công nhận quyền tự do độc lập của nhân dân Đông Dương và rút ra khỏi Đông Dương sau khi đã cùng ta đánh bại phát xít Nhật-Pháp”.[4]

Ông quyết định phải tiếp xúc với người Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với Việt Minh, qua đó tìm kiếm một vị trí nhất định của cách mạng Việt Nam trong phe Đồng Minh chống phát xít.

Tại khu căn cứ địa Việt Bắc, du kích Việt Minh đã nhiều lần giải cứu các phi công Mỹ nhảy dù xuống Việt Nam khi máy bay của họ bị Nhật bắn rơi, bảo vệ và đưa họ sang Trung Quốc an toàn. Trong số đó, có phi công William Saw bị bắn hạ ở Cao Bằng cuối năm 1944 đã được đích thân Hồ Chí Minh hộ tống qua Trung Quốc bàn giao cho Bộ Tư lệnh Mỹ ở Côn Minh. Nhân chuyến đi này, nhà lãnh đạo Việt Minh đã liên lạc với các sĩ quan OSS (Cơ quan Tình báo Chiến lược) và OWI (Phòng Thông tin Chiến tranh), đề nghị họ công nhận Việt Minh để thiết lập quan hệ hợp tác chính thức chống Nhật.

Các nhà lãnh đạo Việt Minh – Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với thiếu tá A. K. Thomas (ngồi cạnh cụ Hồ) và đội “Con Nai” tại Tân Trào, Khu Giải phóng Việt Bắc.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), OSS gặp nhiều khó khăn về thông tin ở đây, nên chính phủ Mỹ đã cho phép họ liên lạc với Việt Minh. Trung úy Charles Fenn thuộc Ban Cứu trợ Không quân Mỹ (AGAS) được cử đến gặp Hồ Chí Minh và dẫn ông sang Trung Quốc gặp tướng Claire Chennault, tư lệnh Tập đoàn Không quân 14 Hoa Kỳ tại Côn Minh (ngày 29-3-1945). Tại cuộc gặp, hai bên đã thỏa thuận về sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Việt Minh sẽ lập trạm cứu trợ phi công Mỹ ở Bắc Kỳ, cung cấp tin tức về tình hình quân đội Nhật ở Đông Dương; còn phía Mỹ sẽ giúp phương tiện cần thiết bao gồm vũ khí và huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Từ đó, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Minh với các lực lượng quân Mỹ có trách nhiệm ở Đông Dương đã được thiết lập.

Theo những sự thỏa thuận trên, cán bộ Việt Minh tại Côn Minh đã in truyền đơn bằng tiếng Việt cổ động cho hợp tác Việt-Mỹ trong chiến đấu để không quân Mỹ rải khắp Bắc Kỳ. Tổng cộng có 8 vạn tờ truyền đơn đã được rải qua 2 phi vụ. Ngày 16-7-1945, một đơn vị biệt kích Mỹ thuộc OSS có biệt danh “Đội Con Nai” đã nhảy dù xuống khu giải phóng Việt Bắc, được du kích Việt Minh tiếp đón và đưa về trú đóng ngay tại cơ quan đầu não của cách mạng ở Tân Trào. Gồm 7 sĩ quan và hạ sĩ quan do thiếu tá Allison K. Thomas chỉ huy, đơn vị này trực tiếp làm việc với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp về kế hoạch hoạt động. Khoảng 200 chiến sĩ du kích Việt Minh được tuyển lựa để Đội Con Nai huấn luyện trở thành “Bộ đội Việt-Mỹ” do Đàm Quang Trung chỉ huy và thiếu tá Thomas đảm nhiệm vai trò tham mưu trưởng. Nhiều vũ khí và khí tài của Hoa Kỳ đã được thả dù xuống hoặc vận chuyển từ Trung Quốc sang tiếp tế cho du kích Việt Minh khi ấy đã trở thành Việt Nam Giải Phóng Quân. Nhờ có điện đài rất tốt, các nhà lãnh đạo Đảng đã xác định chính xác thời điểm Nhật đầu hàng Đồng Minh để chớp đúng thời cơ phát động Tổng khởi nghĩa. Khi Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào để quyết định các vấn đề trọng yếu của cuộc tổng khởi nghĩa, chính Đội Con Nai đã có mặt ngay cạnh hội trường, sau đó “Bộ đội Việt-Mỹ” trong hàng ngũ Việt Nam Giải Phóng Quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến đánh Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội. Ngay cả bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham khảo khi soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam cũng do sĩ quan Mỹ cung cấp.

Cuộc cách mạng tháng Tám đã nhanh chóng thành công ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, trước khi quân đội Trung Hoa tiến vào miền Bắc và quân Anh vào miền Nam để tước vũ khí quân Nhật.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn đã mở đầu bằng một nguyên lý bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.[5] Nguyên lý ấy được tô đậm thêm bằng đoạn trích Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1793 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Khẳng định “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố nguyên lý ấy, được kết tinh từ hệ tư tưởng Khai sáng thế kỷ 18 về Nhân quyền, cũng là nền tảng triết lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như của Hoa Kỳ và mọi chế độ dân chủ khác trên thế giới. Với những thông điệp như trên, bản Tuyên ngôn bày tỏ: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng Minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.”[6]

Thiếu tướng Mỹ Philip E. Gallagher với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa trong buổi lễ tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật Bản tại Hà Nội (10-11-1945).

Cùng với Tuyên ngôn Độc lập, bản Hiến pháp năm 1946 cùng mọi tư liệu và nhân chứng lịch sử cho thấy rõ chế độ chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời là một chế độ dân chủ đích thực của dân, do dân và vì dân.

Toàn bộ quá trình xây dựng chế độ mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra dưới sự quan sát trực tiếp của đại diện các cường quốc Đồng Minh là Mỹ, Trung Hoa và cả Liên Xô. Nền độc lập của Việt Nam dường như đã có một tương lai tươi sáng, theo sự mô tả của một nhà quan sát Hoa Kỳ: “ Khi lực lượng của ông Hồ tiếp quản thủ đô Hà Nội, sự có mặt của nhiều sĩ quan cao cấp Mỹ ở các công sở Việt Minh và cờ Mỹ bay trên nóc nhà của họ, đã cho những người Pháp sống sót và dân chúng biết rằng Mỹ đã có quan hệ chính thức với chế độ Việt Minh và hoàn toàn ủng hộ những người cách mạng”.[7]

Người Mỹ im lặng

Sau khi tuyên bố độc lập, tình hình nước ta cực kỳ phức tạp và hết sức nguy nan.  Hơn 20 vạn quân Trung Hoa Dân Quốc (thường được gọi là quân Tàu) do tướng Lư Hán làm tư lệnh tràn vào miền Bắc gây muôn vàn khó khăn nhằm lật đổ chính quyền Việt Minh mà họ cho là cộng sản; trong khi 2 vạn quân Anh tiến vào miền Nam dọn đường cho thực dân Pháp tái chiếm thuộc địa theo chỉ thị của tướng Charsles De Gaulle – Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp. Chiến sự Pháp -Việt đã bùng nổ tại Nam Bộ từ ngày 23-9-1945, chỉ 3 tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Muốn bảo vệ nền độc lập vừa giành được, nước cộng hòa non trẻ phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, đồng thời còn cần được các cường quốc dân chủ trên thế giới thừa nhận và hậu thuẫn. Để giải quyết vấn đề hết sức quan trọng đó, Hồ Chủ tịch đặt kỳ vọng ở Hoa Kỳ, cường quốc đồng minh giàu mạnh nhất đã nhiều lần tuyên bố không cho phép Pháp lập lại ách thống trị thực dân, sẽ lập chế độ ủy thác quốc tế ở Đông Dương tiến tới trao trả độc lập cho xứ này, và đã có quan hệ tốt đẹp với Việt Minh  trong chiến tranh. Ngày 17-10-1945, Hồ Chủ tịch gửi điện văn cho Tổng thống Mỹ Hary S. Truman (người kế vị Tổng thống Roosevelt đã từ trần vào tháng 4-1945), đề nghị Hoa Kỳ công nhận cho Việt Nam được tham gia Ủy ban Tư vấn về Viễn Đông của các nước đồng minh. Điện văn này không được phúc đáp, Hồ Chủ tịch lại lần lượt gửi 2 điện văn nữa cho ngoại trưởng Hoa Kỳ và một thư nữa cho tổng thống Truman.

Ngày 16-2, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ nhà ngoại giao Mỹ Kenneth Landon (đang công tác tại Hà Nội) chuyển cho Truman một bức thư, tố cáo cuộc xâm lược của thực dân Pháp chống Việt Nam ở Nam Bộ, yêu cầu Tổng thống Mỹ “công nhận nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và sự hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”.[8] Ngày 18-2, Hồ Chủ tịch gửi công hàm cho 4 cường quốc Đồng Minh là Mỹ, Anh, Trung Hoa và Liên Xô, đề nghị các nước này “can thiệp khẩn cấp, ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương, (…) đưa vấn đề Đông Dương ra trước Tổ chức Liên Hiệp Quốc”.[9]

Ngày 28-2, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa gửi điện cho Truman, “tha thiết kêu gọi Ngài và nhân dân Mỹ khẩn trương can thiệp nhằm ủng hộ nền độc lập của chúng tôi và tiến hành thêm các cuộc đàm phán theo những nguyên tắc của các Hiến chương Đại Tây Dương và San Francisco”.[10]

Điện văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Hary S. Truman (28-2-1946).

Tổng cộng trong năm đầu tiên của nước Việt Nam mới, Hồ Chủ tịch đã gửi cho Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ 6 bức thư và điện, thêm 1 công hàm và 1 bức điện chung cho chính phủ 4 cường quốc (Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa); nhưng không hề nhận được một câu trả lời. Sự im lặng này chỉ có thể hiểu là sự từ chối công nhận nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Truman hoàn toàn biết rõ những gì đã diễn ra ở Việt Nam; nhưng tại sao ông lại khước từ công nhận nền độc lập của một quốc gia theo chế độ dân chủ cộng hòa, dựa trên nguyên lý trong bản Tuyên ngôn Độc lập của chính nước Mỹ, lấy Hiến chương Đại Tây Dương cùng Hiến chương Liên Hiệp Quốc làm nền tảng và đã tình nguyện hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ? Câu hỏi này chưa bao giờ được Truman giải đáp, nhưng hoàn toàn có thể giải thích qua những biến chuyển của tình hình thế giới dẫn tới sự thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ.

Trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới, từ chỗ là đồng minh chống phát xít, Hoa Kỳ và Liên Xô chuyển dần sang tình trạng đối đầu sau chiến tranh. Đó sẽ là cuộc đối đầu giữa “thế giới tự do” mà Hoa Kỳ đại diện với “thế giới cộng sản” do Liên Xô đứng đầu, mà chẳng bao lâu sau được gọi là “chiến tranh lạnh”. Ngay từ mùa thu năm 1944, khi Liên Xô đã giải phóng hầu hết đất nước mình và bắt đầu tiến vào các nước Đông Âu, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và giới lãnh đạo OSS đã khuyên Tổng thống Roosevelt bỏ chủ trương lập chế độ ủy thác quốc tế ở Đông Dương để lôi kéo Pháp đứng về phía Mỹ chuẩn bị chống Liên Xô.

Sau khi Tổng thống Roosevelt từ trần, chính phủ Truman tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương và không phản đối sự phục hồi quyền lực của Pháp. Hơn thế nữa, Hoa Kỳ đã giúp thực dân Pháp chiếm lại Đông Dương bằng cách chấp thuận để quân đội Anh chuyển giao cho Pháp 800 xe quân sự cùng nhiều vũ khí và khí tài khác trị giá hơn 70 triệu USD, ứng tiền cho Pháp mua 75 tàu chở quân của Mỹ, viện trợ cho Pháp 8 chiến hạm để đưa Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 sang Đông Dương và đánh chiếm Nam Bộ.

Cùng với thực dân Pháp, chính phủ Hoa Kỳ của Tổng thống Truman phải chịu trách nhiệm nặng nề về sự bùng nổ chiến tranh tại Việt Nam.

Năm mươi năm sau

Người Mỹ (và người Pháp) đã phải hối tiếc về những sai lầm trong quan hệ của họ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, đẩy lịch sử đi theo con đường nguy hiểm qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc mà chính họ là những kẻ bại trận với những hậu quả tai hại. Tuy nhiên, Việt Nam mới là nước phải chịu những hậu quả nặng nề nhất của các sai lầm đó, với biết bao tổn thất về sinh mạng, tài sản và trình độ phát triển, để giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh chống hai cường quốc hàng đầu thế giới ấy.

Ngày 12-7-1995, chính phủ Hoa Kỳ của tổng thống Bill Clinton chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đó là sự kiện lịch sử mà đúng 50 năm trở về trước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất với tổng thống Truman nhưng không được đáp ứng. Thế là sau nửa thế kỷ đi sai đường, quan hệ Việt-Mỹ lại trở về đúng nơi xuất phát.

Lịch sử sẽ như thế nào nếu sự kiện ấy diễn ra vào năm 1945? Lịch sử không bao giờ làm lại được, nên nó thường không có chữ “nếu”. Nhưng trong trường hợp này, chữ ấy gắn liền với gánh nặng khủng khiếp về sự tàn phá và những thảm họa  mà dân tộc Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc, hai dân tộc láng giềng trên bán đảo Đông Dương, cũng như người Pháp và người Mỹ phải chịu đựng. Vì thế, chữ “nếu” cần được suy ngẫm để thế hệ ngày nay yên tâm khép lại quá khứ mà hướng đến tương lai.

TS. Lê Vinh Quốc nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Hình: Hồ Chí Minh tiếp xúc với tình báo quân sự Mỹ (OSS) năm 1945.

————

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, tập 3, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung Ương, Hà Nội 1972, tr. 56.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, tập 7, Sđd, tr. 239.

[3] http:// vietbao.vn/Phong-su/Stalin-Roosevelt-va-Dong Duong/40028176/262/

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, tập 7, Sđd, tr. 246.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.9.

[6] Như trên.

[7] Bernard Fall, The Two Viet Nam, Praeger, New York, 1967. Dẫn theo: “Đấu tranh ngoại giao trong Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân (1945-1954)” (lưu hành nội bộ), Học viện Quan hệ Quốc tế xuất bản, Hà Nội 2002, tr. 109.

[8] Hồ Chí Minh , Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 176-177.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 182.

[10] Hoàng Anh, Một tư liệu lịch sử chưa được công bố, Đặc san Sài Gòn Giải Phóng Tết dương lịch 2006.