Ba trụ cột trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ dưới thời Biden

Nguồn: Anne-Marie Slaughter, “The three pillars of US foreign policy under Biden”, Financial Times, 19/10/2020.

Biên dịch: Trần Hùng

Thế giới đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ trong cảm giác kinh hoàng: đó là một quá trình mà người đương nhiệm dường như quyết tâm thuyết phục những người ủng hộ mình rằng bất kỳ kết quả nào khác ngoài chiến thắng cho ông ta đều có nghĩa là cuộc bầu cử đã bị gian lận. Một chiến thắng dành cho Joe Biden sẽ trấn an hầu hết các nhà lãnh đạo nước ngoài rằng sự hỗn loạn như vậy, ít nhất, đã kết thúc. Nhưng thực tế chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ thực sự thay đổi bao nhiêu? Về mặt phong cách sẽ đáng kể. Nhưng về hành động thực chất, có thay đổi nhưng không hoàn toàn.

Mỹ sẽ đón nhận lại chủ nghĩa đa phương và tiếp cận với các đồng minh và đối tác với một sức sống mới. Nhưng Mỹ vẫn sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước hơn. Mỹ sẽ trở lại hợp tác toàn cầu dựa trên sự cần thiết của việc chống lại biến đổi khí hậu, đại dịch và các mối đe dọa toàn cầu khác. Nhưng Mỹ vẫn sẽ chấp nhận cạnh tranh quyền lực nước lớn và tập trung vào Trung Quốc như là đối thủ chính của mình. Hoa Kỳ sẽ áp dụng một chính sách đối ngoại dựa trên giá trị thay cho một cách tiếp cận dựa trên sức mạnh. Nhưng Hoa Kỳ sẽ không đưa quân trở lại Syria hoặc Afghanistan và sẽ vẫn hoài nghi về sự can thiệp vào nước ngoài.

Các bài viết của ông Biden và những người có khả năng nắm giữ các vị trí chính sách đối ngoại cấp cao trong chính quyền của ông cho thấy rằng các trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông có thể gồm ba chữ D: Domestic (Đối nội), Deterrence (Răn đe) và Democracy (Dân chủ). Các đầu mục này chứa rất nhiều chính sách phụ, nhưng chúng là những nguyên tắc chung hướng dẫn việc đầu tư thời gian và nguồn lực của chính quyền Biden.

Các cố vấn chính sách đối ngoại của Biden sẽ không bao giờ sử dụng thuật ngữ “Nước Mỹ trên hết”, mà đối với họ có nghĩa là “Nước Mỹ đơn độc”, chĩa mũi dùi vào thế giới và xúc phạm các đồng minh. Nhưng họ sẽ tập trung vào đầu tư trong nước để đổi mới nước Mỹ. Jake Sullivan, một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Biden, và Jennifer Harris, người từng làm việc tại bộ ngoại giao dưới thời Obama, gắn các khoản đầu tư này với sự cạnh tranh Mỹ – Trung, cho rằng kết quả phụ thuộc “vào mức độ hiệu quả của mỗi quốc gia trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia và định hình nền kinh tế toàn cầu”.

Theo quan điểm này, Mỹ cần đầu tư lớn vào “cơ sở hạ tầng, công nghệ, đổi mới và giáo dục”. Tôi muốn bổ sung vào đây sự cần thiết phải thu hẹp một cách rõ ràng khoảng cách chủng tộc đang gia tăng trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ. Chính sách công nghiệp cũng sẽ rất cần thiết, đặc biệt là nhằm trợ cấp cho các công ty Mỹ chuyển đổi sang năng lượng sạch và cạnh tranh trong một nền kinh tế xanh đang nổi lên. Và chính phủ liên bang sẽ cần đầu tư để đảm bảo Mỹ tự chủ hơn trong việc sản xuất mọi thứ, từ thiết bị y tế đến công nghệ quân sự.

Một khía cạnh khác của việc tăng cường sức mạnh trong nước của Mỹ là tập trung vào thuế để đảm bảo các tập đoàn đóng góp một phần công bằng cho đất nước. Các giao dịch thương mại cũng sẽ được nhìn nhận nhiều hơn thông qua lăng kính “thương mại công bằng” hơn là lăng kính “thương mại tự do” – một khía cạnh khác mà Biden khác Tổng thống Donald Trump chủ yếu về mặt phong cách thay vì thực chất.

Ngoài việc đổi mới trong nước, chính sách đối ngoại của Biden sẽ làm sống lại tầm quan trọng của khả năng răn đe như thời Chiến tranh Lạnh, nhưng với một điều chỉnh cho phù hợp với thế kỷ 21. Đối với Liên Xô, khả năng răn đe chủ yếu là việc đếm số lượng tên lửa. Tên lửa vẫn còn quan trọng, nhưng khả năng răn đe ngày nay phải được điều chỉnh để ứng phó với các chiến thuật ưa thích của các đối thủ, chủ yếu là Trung Quốc và Nga cũng như Iran và Triều Tiên.

Michèle Flournoy, một ứng cử viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Biden, đã đưa ra các bước cần thiết để “thiết lập lại khả năng răn đe khả tín đối với Trung Quốc” bằng cách thay đổi tính toán chi phí-lợi ích của Bắc Kinh khi nước này xem xét các hành động hiếu chiến. Bà đặc biệt tin tưởng vào sự cần thiết của Lầu Năm Góc trong việc đầu tư vào các công nghệ mới nhằm bảo vệ các mạng lưới thông tin liên lạc và quản lý khả năng chiến đấu của Hoa Kỳ trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu chúng. Việc ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của Nga và những nỗ lực gây chia rẽ và bóp méo nền dân chủ ở Mỹ và châu Âu đòi hỏi các công cụ khác, nhiều trong số đó hướng đến việc thực thi pháp luật trong nước và toàn cầu hơn là chính sách đối ngoại.

Nguyên tắc thứ ba của chính sách đối ngoại Biden là lấy dân chủ làm cơ sở để lựa chọn đối tác. Ông đã thông báo rằng ông có kế hoạch triệu tập một hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống; Antony Blinken, một cố vấn chính sách đối ngoại lâu năm của Biden và là cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đã đề xuất một Liên minh Dân chủ.

Nhà bình luận James Traub chỉ ra rằng những cụm từ như “thế giới tự do” được Biden đón nhận một cách tự nhiên, dù chúng có vẻ lỗi thời đối với nhóm cánh tả tiến bộ đến đâu. Trong công thức này, Biden “sẽ tái tạo lại ‘phương Tây’ để ứng phó với một thời đại mới của các vấn đề không biên giới”. Có lẽ Biden và các cố vấn của ông vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi giải quyết các vấn đề đòi hỏi phải đánh bại hoặc gắn kết với các quốc gia khác hơn là những vấn đề vượt ra khỏi biên giới các quốc gia như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không giống như Trump, họ thừa nhận sự cần thiết phải quản lý cả hai loại vấn đề này.

Anne-Marie Slaughter là Giám đốc điều hành của viện nghiên cứu chính sách New America.