Thế giới hôm nay: 03/11/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một vụ tấn công tại Đại học Kabul, Afghanistan, đã khiến 19 người chết và 22 người bị thương. Vụ giao tranh kéo dài nhiều giờ cho đến khi ba tay súng bị tiêu diệt. Taliban phủ nhận liên quan. Bạo lực ở Afghanistan gia tăng gần đây. Hồi tháng trước, nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đã giết chết hơn 40 người trong một vụ đánh bom liều chết vào một trung tâm giáo dục ở phía tây Kabul.

Donald Trump ám chỉ sẽ sa thải Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ và là người có tiếng nói đáng tin cậy về covid-19, sau cuộc bầu cử. Ông Fauci gần đây có những lời lẽ cứng rắn về cách chính phủ phản ứng trước đại dịch. Sau khi người ủng hộ hô “Fire Fauci” (Sa thải Fauci) tại một cuộc mít tinh ở Florida, ông Trump nói: “Đừng nói cho ai nghe, nhưng hãy để tôi đợi thêm một chút tới sau bầu cử.”

Các cuộc biểu tình chống Pháp tiếp tục diễn ra ở các nước Hồi giáo, trong đó phong trào Hồi giáo lớn nhất ở Bangladesh buộc chính phủ trong 24 giờ phải cắt đứt quan hệ với Pháp hoặc đối mặt với hậu quả khôn lường. Tổng thống Emmanuel Macron kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận sau vụ chặt đầu một giáo viên vì cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad, và sau đó là vụ sát hại ba người tại một nhà thờ ở Nice.

Vào buổi tối trước ngày bầu cử, hai chiến dịch của Trump và Biden đua nhau ở Pennsylvania, bang có nhiều khả năng bỏ lá phiếu đại cử tri thứ 270 quyết định người chiến thắng, theo dự báo bầu cử của The Economist. Ông Trump thắng sít sao ở bang này vào năm 2016, đánh bại Hillary Clinton với cách biệt chưa đầy một điểm phần trăm. Ông Biden, người hay nói về nguồn gốc Scranton (ở Pennsylvania) của mình, hiện đang dẫn trước ông Trump gần sáu điểm.

Edward Snowden, cựu nhà thầu tình báo, người đã tiết lộ thông tin chi tiết về các hoạt động giám sát của Mỹ, đang nộp đơn xin nhập tịch Nga. (Ông muốn giữ lại cả quốc tịch Mỹ của mình.) Ông Snowden được cấp phép tị nạn ở Nga sau khi công bố các tài liệu hồi năm 2013; ông bị truy nã ở Mỹ với tội danh gián điệp. Vào tháng 8, Donald Trump đã ám chỉ việc ân xá cho Snowden.

Tòa án Tối cao Anh đã phê duyệt việc đưa Unilever hiện được niêm yết kép thành một tổ chức duy nhất có trụ sở tại London. Dường như đã chắc chắn tập đoàn sẽ ngừng giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Amsterdam vào cuối tháng 11, bất chấp một số lời phàn nàn ở Hà Lan, và đề xuất của một đảng đối lập ở Hà Lan là đánh “thuế xuất cảnh” lên công ty.

Một bức tượng ở Hà Lan đã cho thấy giá trị của nghệ thuật điêu khắc công cộng khi nó giữ cho một đoàn tàu không rơi xuống đất từ độ cao mười mét. Tàu điện ngầm ở Spijkenisse, gần Rotterdam, đã đâm xuyên qua rào chắn nhưng lơ lửng nhờ chiếc vây của một tác phẩm nghệ thuật có tên “Được cứu bởi Đuôi cá voi”. Người lái thoát ra ngoài không bị thương; không có hành khách nào trên tàu.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ bước vào ngày bầu cử

Hôm nay một phần các cử tri Mỹ sẽ “đi bỏ phiếu”. Hơn 90 triệu người đã bỏ phiếu, nhờ việc mở rộng bỏ phiếu qua thư và việc bỏ phiếu trực tiếp sớm, vì đại dịch covid-19. Hai bang — Texas và Hawaii — đã nhận được nhiều phiếu bầu hơn so với 2016. Joe Biden dẫn đầu trong các cuộc thăm dò quốc gia và hầu như trong tất cả các dự báo của các bang về chiến thắng cử tri đoàn. Song người ủng hộ ông vẫn chưa quên ký ức năm 2016, khi các cuộc thăm dò đánh giá quá cao thế dẫn trước của Hillary Clinton (dù khi ấy bà dẫn ít hơn nhiều so với Biden). Tổng thống Donald Trump thì khẳng định chỉ có các cuộc thăm dò “giả” mới cho thấy ông Biden đang dẫn trước.

Kiểm phiếu luôn là một tiến trình lâu dài. Năm nay nó sẽ còn căng thẳng hơn, với kiện tụng về gửi phiếu qua thư và các cuộc bỏ phiếu sớm khác vẫn đang tiếp diễn. Một số chuyên gia lo ngại kết quả một phần có thể có lợi cho ông Trump, khiến ông tuyên bố chiến thắng trong khi kiểm phiếu vẫn chưa xong. Các phiếu bầu đến muộn thường thuộc về đảng Dân chủ. Người Mỹ xứng đáng được kết thúc nhanh một cuộc bầu cử mệt mỏi và chia rẽ. Chỉ có một chiến thắng cách biệt mới làm được điều đó.

Chính sách tiền tệ của Úc trong đại dịch: lãi suất gần bằng 0

Tiểu bang đông dân thứ hai của Úc, Victoria, chỉ vừa mới kết thúc 112 ngày phong tỏa. Nhưng các nhà quản lý ngân hàng trung ương cho rằng nền kinh tế quốc gia đã tạo ra một số tăng trưởng trong quý ba. Song nó không có nghĩa là Úc đã vượt qua hết khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Dự trữ là 2-3%. Vì vậy, các nhà phân tích kỳ vọng họ sẽ cắt giảm lãi suất từ 0,25% xuống 0,1% vào hôm nay.

Để khuyến khích cho vay, ngân hàng có thể sẽ cho phép các tổ chức tài chính được vay với mức lãi suất 0,1% từ một quỹ trị giá 200 tỷ đô la Úc (140 tỷ đô la Mỹ) mà họ lập ra từ tháng 3. Và cũng sẽ có nhiều nới lỏng định lượng hơn. Úc đến nay mua ít trái phiếu hơn so với các nước đang gặp khó khăn vì covid khác, nhưng có thể cam kết mua vào trái phiếu chính phủ trị giá 100 tỷ đô la Úc trở lên. Nếu điều này giúp giảm mạnh tỷ giá hối đoái thì càng tốt: đồng đô la Úc rẻ hơn sẽ thúc đẩy xuất khẩu của họ.

Carrie Lam thăm Bắc Kinh

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm nay bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới đại lục để gặp các bộ trưởng Trung Quốc. Bà có thể cho phép bản thân một ít thời gian tự chúc mừng. Các cuộc bầu cử lập pháp có khả năng gây xấu hổ cho bà ở Hồng Kông đã bị hoãn lại, trong khi những người biểu tình đòi dân chủ đã bị luật an ninh quốc gia hà khắc của Trung Quốc làm cho im tiếng. Không chỉ con người bị kiềm chế; covid-19 cũng vậy.

Số ca lây nhiễm cộng đồng đã dao động quanh mức 0 trong nhiều tuần; biên giới với đất liền sẽ sớm mở lại. Dù vậy, bà Lam có thể cảm thấy lo lắng. Tầm quan trọng của Hồng Kông đối với Trung Quốc đang giảm dần. Nó vẫn là đường dẫn tài chính giữa Trung Quốc và thế giới, như một năm bội thu của các hãng công nghệ Trung Quốc cho thấy. Nhưng vào năm 1997 – khi Anh trao trả lại lãnh thổ – nền kinh tế của Hong Kong tương đương 18,4% của đại lục; giờ đây chỉ còn 2,7%. Và trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch biến Khu vực Vịnh Lớn trở thành một đầu tàu kinh tế, ông ngày càng coi Thâm Quyến, chứ không phải Hồng Kông, mới là trung tâm của nó.

Kỉ niệm hiến pháp hòa bình của Nhật 

Người dân trên khắp Nhật Bản hôm nay sẽ tề tựu để kỷ niệm Bunka no Hi, hay Ngày Văn hóa (mặc dù với số lượng ít hơn bình thường vì đại dịch covid-19). Ngày lễ hiền hòa này, với mục đích chính thức là tôn vinh nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản, có một lịch sử đầy màu sắc. Được tổ chức lần đầu năm 1868 để đánh dấu ngày sinh của Hoàng đế Minh Trị, nó sau đó được thay đổi để kỷ niệm việc công bố hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản vào năm 1948.

Sửa đổi hiến pháp đó để hợp pháp hóa các lực lượng vũ trang Nhật Bản là nhiệm vụ suốt đời của Abe Shinzo, người đã từ chức thủ tướng vào tháng 9 năm nay sau gần tám năm tại vị, trong khi hiến pháp vẫn chưa được điều chỉnh. Mặc dù Suga Yoshihide, người kế nhiệm ông Abe, ủng hộ ý tưởng sửa đổi, nhưng ông còn những ưu tiên khác, chẳng hạn như kiềm chế đại dịch, số hóa nền kinh tế Nhật Bản và giải quyết biến đổi khí hậu. Xem ra còn lâu nữa Ngày Văn hóa mới bị thay đổi.

Sàn Giao dịch Chứng khoán London bán bớt công ty

Hôm nay, Sàn Giao dịch Chứng khoán London (LSE) sẽ yêu cầu sự chấp thuận của các cổ đông để bán Borsa Italiana, thị trường chứng khoán duy nhất của Ý, cho Euronext, một nhà điều hành thị trường có trụ sở ở Pháp, với giá 4,3 tỷ euro (5 tỷ đô la). Thỏa thuận này rất lớn đối với Euronext, công ty có vốn hóa thị trường chỉ 6,3 tỷ euro. Nhưng họ sẽ được trợ giúp, dưới hình thức đầu tư 700 triệu euro từ Cassa Depositi e Prestiti Equity, một ngân hàng do chính phủ Ý kiểm soát, và Intesa SanPaolo, ngân hàng lớn nhất Ý.

Bán Borsa có thể giúp LSE lớn hơn. Năm ngoái, công ty đã đồng ý mua Refinitiv, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính, với giá 27 tỷ đô la. Nhưng các cơ quan quản lý cạnh tranh châu Âu e ngại sức mạnh kết hợp của LSE và Refinitiv sẽ thống trị thị trường trái phiếu. Do vậy hãng đang loại bỏ Borsa để đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý. Và LSE khó có thể phàn nàn về thương vụ: nó mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều 1,6 tỷ euro họ trả để mua Borsa vào năm 2007.