Thế giới hôm nay: 17/08/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói với hàng nghìn người ủng hộ ở thủ đô Minsk rằng cuộc bầu cử của đất nước sẽ không được tổ chức lại, và gọi các đối thủ là “lũ chuột”. Đám đông của ông kém xa cuộc tuần hành được tổ chức ở trung tâm thành phố để phản đối cuộc bầu cử gian lận và bạo lực sau đó của chính phủ. Nga đề nghị hỗ trợ quân sự cho ông Luskashenko nếu cần thiết.

Hàn Quốc ghi nhận 279 ca nhiễm covid-19 mới vào thứ Bảy, con số trong ngày cao nhất kể từ tháng 3. Phần lớn các trường hợp là ở Seoul, bên cạnh Busan và Daegu. Dù thành công ban đầu trong việc ngăn chặn virus lây lan, Hàn Quốc giờ đã vượt mốc 15.000 ca nhiễm chính thức, với hơn 300 trường hợp tử vong.

Hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập ở Bangkok để kêu gọi cải cách hiến pháp và chế độ quân chủ của Thái Lan, cuộc biểu tình mới nhất trong số các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo những tuần gần đây. Người biểu tình cũng kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha từ chức. Ông Prayuth, một cựu tướng lĩnh, lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi vào năm ngoái.

Các nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ đã mời tổng giám đốc Bưu điện Hoa Kỳ Louis DeJoy đến điều trần khẩn cấp tại Ủy ban Giám sát Hạ viện vào ngày 24 tháng 8. Họ cáo buộc ông DeJoy, một đồng minh của Tổng thống Trump, đã áp đặt các chính sách được thiết kế nhằm làm cho Dịch vụ Bưu điện Hoa Kỳ hoạt động kém hiệu quả hơn trước cuộc bầu cử tổng thống, bao gồm việc loại bỏ các hộp thư và thiết bị phân loại thư.

Sinh viên Anh đã nộp đơn xin vào các trường đại học phải đối mặt với tâm thế bất định khi cơ quan quản lý kỳ thi, Ofqual, công bố rồi lại đình chỉ hướng dẫn đăng ký phúc khảo kết quả được thông báo hồi tuần trước cho kỳ thi A-level (tốt nghiệp cấp 3). Các bài kiểm tra đã bị hủy vì covid-19, vì vậy học sinh được cho điểm theo công thức bao gồm đánh giá của giáo viên và thành tích trước đây của trường. Những người xuất thân từ tầng lớp dưới bị ảnh hưởng lớn, khi 40% điểm do giáo viên đánh giá đã bị hạ xuống.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun nói cuộc điều tra vụ nổ hôm 4 tháng 8 khiến 180 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương sẽ “cần thời gian”. Kể từ sau vụ nổ, người biểu tình đã cáo buộc chính phủ sơ suất vì trữ các hóa chất dễ cháy ở cảng Beirut. Ông Aoun đã loại trừ khả năng từ chức như thủ tướng Lebanon, Hassan Diab.

Đài truyền hình nhà nước của UAE đã công bố một thỏa thuận giữa APEX National Investment, một công ty đầu tư của Tiểu vương quốc và TeraGroup, một công ty nghiên cứu của Israel, để tiến hành nghiên cứu chung về covid-19. Thương vụ này đến sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE công bố hôm thứ Năm. Đường dây điện thoại cũng đã được mở và ngoại trưởng hai nước đã thực hiện cuộc gọi công khai đầu tiên.

TIÊU ĐIỂM

Tập trận RIMPAC năm nay nhỏ hơn mọi năm

Thông thường, cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” do Mỹ dẫn đầu, hay còn gọi là RIMPAC, là cơ hội để hải quân các nước giao lưu  củng cố liên minh thông qua các buổi diễn tập. Sự kiện 2020 bắt đầu từ hôm nay sẽ kém đông vui hơn, với chỉ khoảng 10 nước và 20 tàu dự kiến tham dự. Các cuộc tập trận có thể giảm quy mô, nhưng ý nghĩa vẫn quan trọng. Khi quan hệ Trung-Mỹ xấu đi, căng thẳng quân sự ở Tây Thái Bình Dương đã leo thang.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã gây hấn với Philippines, Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông. Mỹ tập trận chung với Nhật Bản và Australia; Trung Quốc đáp trả bằng tập trận bắn đạn thật. Việc Mỹ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, đã gây ra xích mích, bên cạnh các cuộc xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát. Khi Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và lợi thế quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương bị xói mòn, thì ngay cả một RIMPAC thu nhỏ cũng là cơ hội tốt để vun đắp tình đồng minh, cả cũ và mới.

Nepal mở cửa biên giới

Sau nhiều tháng tương đối yên tĩnh trên đỉnh núi thường đông đúc của mình, đỉnh Everest đã mở cửa trở lại cho các nhà leo núi nước ngoài. Hôm nay, Nepal mở cửa biên giới, cho phép các nhà thám hiểm chinh phục điểm tham quan nổi tiếng nhất của đất nước lần đầu tiên kể từ 13 tháng 3. Lúc đầu, phong tỏa nghiêm ngặt đã giúp 28 triệu dân Nepal tránh được những ảnh hưởng tồi tệ nhất của covid-19, với ít hơn 2.000 ca nhiễm được báo cáo cho đến cuối tháng 5.

Nhưng kể từ đó họ đã chứng kiến thêm 20.000 ca và số ca hàng ngày vẫn đang tăng lên. Nền kinh tế của đất nước đã bị ảnh hưởng. Ngân hàng trung ương Nepal ước tính các doanh nghiệp đã sa thải gần một phần tư nhân công. Kiều hối, trị giá một phần tư GDP, đã giảm mạnh. Vào tháng 6, những người Nepal trẻ tuổi đã xuống đường ở Kathmandu để phản đối sự kém cỏi của chính phủ trong việc xử lý đại dịch. Nước này hy vọng bằng cách thúc đẩy du lịch, một ngành công nghiệp quan trọng, sẽ giúp kích thích nền kinh tế. Nhưng virus còn lâu mới kết thúc với Nepal.

Đại hội Toàn quốc  Đảng Dân chủ Mỹ khai mạc

Với việc Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ kéo dài 4 ngày khai mạc vào hôm nay, cuộc đua tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định. Ngoài Joe Biden, người sẽ chấp nhận đề cử vào thứ Năm, và đối tác đồng tranh cử Kamala Harris, các diễn giả còn bao gồm vợ chồng Clinton, vợ chồng Obama, một số cựu ứng viên bao gồm Elizabeth Warren và Cory Booker, bên cạnh các ngôi sao đang lên, như Alexandria Ocasio-Cortez và thị trưởng Atlanta, Keisha Lance Bottoms.

Ban đầu được lên kế hoạch tổ chức ở Milwaukee – thành phố lớn nhất Wisconsin, bang chiến trường có lẽ là quan trọng nhất trong năm nay – hội nghị giờ đã chuyển sang trực tuyến. Có thể đoán nội dung sẽ bao gồm sự đa dạng, khả năng quản trị và phục hồi hiệu quả, cũng như vấn đề vai trò lãnh đạo của ông Trump đã gây tác hại, chia rẽ và kém cỏi như thế nào. Biden và  Harris cũng sẽ đề ra thông điệp tích cực cho tấm vé của họ, thay vì chỉ mang thông điệp tiêu cực là lật đổ người đương nhiệm. Các đảng viên Dân chủ có lý do để lạc quan: các cuộc thăm dò cho thấy  Biden dẫn trước Donald Trump trên toàn quốc và ở một số bang chiến trường, mặc dù những động thái bám đuổi gần đây [của tổng thống] không cho phép họ tự mãn.

Nhiều nước ở Nam Phi khủng hoảng

Các cuộc họp của Cộng đồng Phát triển Nam Châu Phi (SADC) hiếm khi là điểm nổi bật trong các vấn đề ngoại giao. Những cuộc gặp giữa các quốc gia Nam Phi này, nhiều nước vẫn do các đảng đã lật đổ chế độ da trắng lãnh đạo, thường là cơ hội để thể hiện tình đồng chí và đoàn kết. Nhưng cuộc họp hôm nay quan trọng hơn bao giờ hết. Khu vực đang gặp khó khăn sâu sắc.

Zambia đang chìm trong khủng hoảng nợ. Angola và Botswana thiệt hại vì giá dầu và kim cương thấp, trong khi kinh tế Zimbabwe rơi tự do giữa bối cảnh tin đồn âm mưu và đảo chính. Một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở phía bắc  Mozambique đang khiến phần còn lại của khu vực lo lắng, đặc biệt là Tanzania và Nam Phi. Ngay cả cường quốc của khu vực, Nam Phi, cũng đang phải vật lộn. Nước này có số ca nhiễm covid-19 chính thức cao thứ năm trên thế giới và  đã suy thoái từ trước đại dịch. Cuộc họp SADC có thể chỉ là một buổi họp mặt. Nhưng có rất nhiều điều để nói.

Anh quyết tâm giải quyết vấn đề người di cư qua eo biển Manche

Tuần này, bộ trưởng nội vụ cứng rắn của Anh Priti Patel sẽ tiếp tục “cuộc đàn áp” của bà đối với những người di cư qua eo biển Manche. Dan O’Mahoney, một cựu thủy quân lục chiến đóng vai trò “chỉ huy bí mật” mới được bổ nhiệm của bà sẽ đến Paris để đàm phán. Ông phải đối mặt với những câu hỏi khó xử về các báo cáo cho thấy bà Patel nói với các nghị sĩ Bảo thủ cùng đảng rằng người di cư coi Pháp là một quốc gia phân biệt chủng tộc.

Trong năm nay, khoảng 4.000 người di cư đã vượt eo biển Manche, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số hơn 30.000 người xin tị nạn ở Anh mỗi năm, thấp hơn nhiều so với 124.000 người nộp đơn ở Pháp. Đừng bận tâm – các tờ báo lá cải đã tuyên bố vấn đề là một “cuộc khủng hoảng”. Nếu bà Patel quyết tâm giải quyết vấn đề, bà có thể bắt đầu bằng cách đối xử lịch thiệp hơn với chính phủ Pháp. Nếu không có sự hợp tác của họ, bà sẽ không đạt được gì.