Những điều ít biết về đội vệ binh Thụy Sĩ của Tòa Thánh Vatican

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Ai đến thăm Toà Thánh Vatican đều không thể không tìm đến ngắm nhìn đội vệ binh Thuỵ Sĩ cao lớn oai nghiêm mặc quân phục cổ xưa ba màu vàng lam đỏ, tay cầm giáo dài, chuyên canh gác cổng ra vào của quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

Vatican nằm trên lãnh thổ Italy tại sao không dùng người Italy làm vệ binh mà lại dùng người Thuỵ Sĩ và đã dùng họ suốt 5 thế kỷ qua? Đây thật là một câu hỏi thú vị không phải bất cứ ai cũng biết lời giải đáp.

Sơ lược về Vatican

Vatican rộng 0,44 km2, số dân không quá 1000 người, nằm gọn trong lòng thành phố Rome thủ đô Italy. Ngôn ngữ chính thức là tiếng La Tinh, ngoài ra còn tiếng Italy, Pháp, và ngôn ngữ ký hiệu tu viện (Monastic Sign Language). Tôn giáo là đạo Thiên chúa La Mã (Roman Catholic). Vatican trước kia dùng đồng Lira (đọc “Lia”) của Italy, nay dùng đồng Euro của EU làm đơn vị tiền tệ. Trong nhiều thế kỷ xa xưa, các Giáo hoàng có chủ quyền trên hơn một nửa lãnh thổ của Italy, rộng chừng 16 nghìn dặm vuông với hơn 3 triệu dân. Năm 1861, vùng đất này bị sáp nhập vào Vương quốc mới của Italy; theo một đạo luật ban hành năm 1871, chủ quyền của Giáo hoàng bị giới hạn trong các cung điện của Vatican và Lateran ở Rome. Luật này cũng bảo đảm bồi thường cho Giáo hoàng và những người kế nhiệm một khoản tiền hàng năm hơn 620.000 USD. Năm 1929, Hồng y Giáo chủ Gasparri ký với Thủ tướng Italy Mussolini một Hiệp định hoà giải và một thoả thuận tài chính, xác nhận nền độc lập của quốc gia-thành phố Vatican, và quy chế đặc biệt của Giáo hội Thiên chúa. Hiệp định này được đưa vào điều 7 Hiến pháp Italy năm 1947.

Thành phố Vatican gồm Thánh đường Peter (Basilica of Saint Peter), cung Vatican, Viện Bảo tàng Vatican (ngày trước là điện Lateran) và các toà nhà, khu vườn, đất còn lại. Giáo hoàng đứng đầu nhà nước. Hội đồng Hồng y giáo chủ (gồm hơn 150 người) bỏ phiếu kín bầu ra Giáo hoàng, chức vụ này được duy trì suốt đời. Trong suốt 456 năm các Giáo hoàng đều là người Italy. Ngày 16 tháng 10 năm 1978, lần đầu tiên một người không phải là Italy là John Paul II (sinh năm 1920, người Ba Lan) được bầu làm Giáo hoàng.

Nhà nước Vatican có quan hệ ngoại giao với khá nhiều nước. Năm 1984 Mỹ khôi phục quan hệ với Vatican sau khi Quốc hội Mỹ bãi bỏ một đạo luật cấm lập quan hệ ngoại giao với Vatican ban hành năm 1867. Vatican cũng lập quan hệ chính thức với Israel vào cuối năm 1993. Ngày 20/10/2018, Vatican và Việt Nam nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức “Đại diện Thường trú”.

Thu nhập tài chính của nhà nước Vatican chủ yếu dựa trên lợi nhuận thu từ các khoản đầu tư ở Italy và các nước khác, quyên góp của các tín đồ khắp thế giới, thu nhập từ hàng triệu du khách hàng năm đến thăm nơi này v.v…

Tại sao Đội vệ binh của thành Vatican chỉ dùng người Thuỵ Sĩ ?

Việc bảo đảm an ninh của Vatican và việc thực thi các nghi lễ của quốc gia này đều do đội vệ binh người Thuỵ Sĩ đảm nhiệm.

Ai cũng biết Thuỵ Sĩ nhiều năm nay là một nước rất giàu, có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Thủa xưa, xứ này là tỉnh Helvetia của La Mã, về sau là một tập hợp mấy bang nghèo nhất châu Âu, năm 1291 mới lập thành Liên bang Thuỵ Sĩ. Hai dãy núi Alps (An-pơ) và Jura chiếm 70% diện tích, đất trồng trọt đã rất ít lại cằn cỗi, dân không đủ ăn phải bỏ tổ quốc đi làm lính đánh thuê cho các nước khác. Từ thế kỷ 15 trở đi, Thuỵ Sĩ bắt đầu xuất khẩu có tổ chức lính đánh thuê. Chủ thuê chuyển tiền cho chính quyền các địa phương phụ trách mộ lính, gia đình người lính chỉ được chia một phần số tiền thù lao đó. Địa hình núi non hiểm trở rèn luyện người Thuỵ Sĩ trở nên có tính gan dạ, thiện chiến, kỷ luật nghiêm minh, trở thành lính đánh thuê được các nước châu Âu, kể cả Giáo hoàng La mã tranh nhau thuê. Trong lịch sử từng xảy ra những cuộc chiến người Thuỵ Sĩ tàn sát lẫn nhau vì họ đánh thuê cho các nước đối địch. Trong mấy trăm năm qua đã có khoảng 2 triệu dân Thuỵ Sĩ bán tính mạng mình làm lính đánh thuê cho nước ngoài.

Nói cho đúng ra thì đội vệ binh Thuỵ Sĩ thành Vatican không phải là lính đánh thuê, mà chỉ là sự “hợp tác quân sự song phương” giữa Vatican với Liên bang Thuỵ Sĩ. Thế kỷ 15, Giáo hoàng Sixtus IV ký hiệp ước hợp tác an ninh với các lãnh chúa Thuỵ Sĩ. Sau đó các Giáo hoàng Vatican khác cũng mấy lần mời Thuỵ Sĩ phái quân đội đến giúp Vatican chống lại sự đe doạ của công tước xứ Milan và Hoàng gia Pháp. Ngày 22 tháng 1 năm 1506, Giáo hoàng Julius II đích thân cầu phúc cho một đội quân 150 người Thuỵ Sĩ đóng tại Vatican và gọi họ là “Người bảo vệ tự do của Toà Thánh”, từ đó xác lập địa vị của đội vệ binh Thuỵ Sĩ trong Toà Thánh. Ngày 6 tháng 5 năm 1527, lính đánh thuê Tây Ban Nha cướp phá La Mã và Vatican. Đội vệ binh gồm 189 lính Thuỵ Sĩ thề chết bảo vệ Giáo hoàng Clement VII. Trong chiến đấu, 147 người hy sinh. 42 người còn lại hộ tống Giáo hoàng đến nơi lánh nạn an toàn ở bên ngoài thành Vatican. Đội vệ binh Thuỵ Sĩ đã dùng xương máu của mình chứng tỏ lòng trung thành của họ với Giáo hoàng. Từ đó trở đi ngày 6 tháng 5 hàng năm trở thành ngày tuyên thệ của các tân binh trong đội này. Luật pháp Thuỵ Sĩ cấm công dân nước họ phục vụ trong quân đội nước ngoài nhưng lại cho phép được tham gia đội vệ binh Thuỵ Sĩ thành Vatican.

Biểu tượng của Thuỵ Sĩ tại Vatican

Để được tham dự đội quân vẻ vang có lịch sử lâu đời này cần có đủ mấy điều kiện: là công dân Thuỵ Sĩ, tín đồ Thiên chúa giáo, có lý lịch tốt, đã qua đào tạo quân sự, tuổi từ 19 đến 20 (riêng sĩ quan có thể nhiều tuổi hơn), cao ít nhất 1,74 mét, chưa vợ, ít nhất có một bằng tốt nghiệp trường dạy nghề hoặc trung học. Năm 2003, lần đầu tiên đội phá lệ nhận một người gốc Ấn Độ. Anh này từ nhỏ được một cặp vợ chồng người Thuỵ Sĩ nuôi, có quốc tịch Thuỵ Sĩ.

Hồi xưa khi mới bắt đầu lập đội vệ binh Thuỵ Sĩ, Giáo hoàng trả cho mỗi binh sĩ mỗi năm 50 đồng Ducato (tiền vàng cổ của thành Venice), sĩ quan được lĩnh 500 Ducato. Lương bổng hậu hĩnh, được phục vụ Giáo hoàng, được ra nước ngoài – đây là điều quan tâm nhất của các thành viên đội. Hiện nay nói chung hàng năm có 30 tân binh được bổ sung vào đội; thời hạn phục vụ 2 năm; thu nhập hàng tháng bằng 1800 đồng CHF (Franc Thuỵ Sĩ, 1 CHF = 1,1 USD), nghĩa là thấp hơn nhiều so với mức lương trung bình ở Thuỵ Sĩ hiện nay (lương tối thiểu năm 2020 là 3772 CHF/tháng). Thế nhưng vệ binh Vatican ngày nay không còn lo phải nguy hiểm hy sinh tính mạng như ngày xưa, lại được trở thành người hộ vệ của đức Giáo hoàng, thậm chí được chính Ngài tiếp kiến và ban phúc – đây là động lực chính khiến các tín đồ Thiên chúa giáo trẻ Thuỵ Sĩ muốn tham gia đội. Hàng năm vào ngày 6 tháng 5, các tân binh của đội phải làm lễ tuyên thệ trang nghiêm sùng kính; khi hành lễ, tay trái họ nắm cán quân kỳ, tay phải giơ 3 ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để tỏ ý “Thiên Chúa Ba Ngôi (Tam vị nhất thể)”: Chúa Cha (Thượng Đế), Chúa Con (con của Thượng Đế, tức Chúa Jesus Christ), và Chúa Thánh linh (Holy Ghost).

Hiện nay đội vệ binh Thuỵ Sĩ có 110 người, trong đó gồm 6 sĩ quan cấp cao, 26 cấp trung, hạ và 78 lính. Khi trực họ không mang theo bất kỳ vũ khí hiện đại nào mà chỉ cầm một thanh giáo dài 2 mét kiểu cổ – thứ vũ khí tượng trưng cho đội vệ binh Thuỵ Sĩ suốt 500 năm qua. Thực ra đội cũng được trang bị súng trường và súng ngắn do Thuỵ Sĩ chế tạo, nhưng bình thường không được mang theo người. Binh sĩ trực mặc quân phục 3 màu vàng, lam, đỏ; tương truyền là do hoạ sĩ-kiến trúc sư thiên tài người Ý Michelangelo (1475-1564) vẽ kiểu. Bộ quân phục hiện dùng là do một sĩ quan chỉ huy đội hồi đầu thế kỷ 20 cải tiến từ kiểu quân phục cũ, bổ sung cổ áo trắng viền đăng ten và găng tay trắng, trông sang trọng hơn trước. Bình thường các binh sĩ chỉ mặc quân phục một màu lam. Khi giải ngũ, quân phục đều phải nộp lại để tiêu huỷ, tránh bị người ta mua bán làm mất vinh dự của đội.

Benoir người Geneva, một binh sĩ của đội vệ binh Thuỵ Sĩ đã giải ngũ, rất tự hào nhớ lại 2 năm phục vụ trong đội. Năm 19 tuổi, Benoir tốt nghiệp trường dạy nghề. Anh có đủ các điều kiện để tham gia đội. Được một linh mục Italy khuyến khích, anh ghi tên xin vào đội vệ binh Vatican. Benoir nhớ lại: không phải tín đồ Thiên chúa giáo nào cũng có may mắn được tỏ lòng trung thành với đức Giáo hoàng. Đội chia làm từng nhóm 3 người, ở trong doanh trại rộng rãi, đời sống hoàn toàn quân sự hoá. Công việc thường ngày là canh gác nước của Giáo hoàng, cũng có khi được bảo vệ sát bên Giáo hoàng. Anh đã tham gia công tác bảo vệ các Tổng thống Bush, Arafat, Putin, Nữ hoàng Elizabeth II khi họ thăm Vatican, và hai lần được Giáo hoàng Paul II tiếp riêng. Anh nhớ rõ, ngày 25 tháng 12 năm 1999, John Paul II đi qua chỗ anh đứng gác, Ngài chúc anh “Lễ Giáng sinh vui vẻ”. Khi Giáo hoàng đi thăm nước ngoài, đội vệ binh cũng cử người đi theo bảo vệ. Năm 1979, đội trưởng đội vệ binh Thuỵ Sĩ theo Giáo hoàng ra nước ngoài công cán, khi Giáo hoàng bị ám sát, đội trưởng đã lấy thân mình che chắn, nhờ đó Giáo hoàng không bị trúng đạn.

Ngoài việc canh gác ra, hàng ngày đội vệ binh Thuỵ Sĩ phải tập quân sự và học giáo lý, tham gia đội quân nhạc, đồng ca và tập thể thao. Sĩ quan có thể mang theo vợ con sang ở Vatican. Binh sĩ có thể xin nghỉ phép ra ngoài Vatican chơi, nhưng không được mang bạn gái về doanh trại. Trước khi giải ngũ, Benoir có làm quen với một cô gái Pháp ở Rome rồi yêu nhau. Hiện nay họ đã có một bé gái 18 tháng tuổi, đặt tên là “Món quà của Thượng Đế”

Ngày 22 tháng 1 năm 2006, các cựu binh của đội vệ binh Thuỵ Sĩ tập trung tại nhà thờ St. Nicola ở Thuỵ Sĩ cùng 500 quan khách, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng nước này, để chúc mừng 500 năm ngày thành lập chính thức đội vệ binh Thuỵ Sĩ thành Vatican. Qua cầu truyền hình trực tiếp, Giáo hoàng Joseph Ratzinger (Benedict XVI) từ Vatican nói lời cảm ơn chân thành các đội viên đội vệ binh Thuỵ Sĩ, ca ngợi chiến công xuất sắc bất hủ của họ trong công tác bảo vệ an toàn của Giáo hoàng và nhà nước của Giáo hoàng suốt 5 thế kỷ qua.

Ngư­ời Thuỵ Sĩ ngày nay giàu nhất thế giới, không cần phải đi làm lính đánh thuê để kiếm ăn nữa, như­ng họ vẫn duy trì Đội vệ binh của họ ở thành Vatican, coi đó là một biểu t­ượng của truyền thống từ nghèo khổ phấn đấu đi lên trở thành nư­ớc giàu, dùng biểu t­ượng này để nhắc nhở nhân dân n­ước họ không vì giàu có mà quên quá khứ gian khổ vẻ vang của tổ tiên mình, phải kế tục truyền thống phấn đấu ấy để tiến xa hơn nữa./.