Lỗ Tấn: Thánh nhân số một của Trung Quốc?

Tác giả: Chân Lương (Trung Quốc) | Người dịch: Nguyễn Hải Hoành

Trong cuộc tọa đàm tại Vũ Hán ngày 20/11/1971, Mao Trạch Đông từng nói: “Tôi khuyên các đồng chí nên đọc tạp văn của Lỗ Tấn. Lỗ Tấn là đệ nhất thánh nhân của Trung Quốc. Thánh nhân số một của Trung Quốc không phải là Khổng Phu Tử, cũng không phải là tôi; tôi là hiền nhân, là học trò của thánh nhân.”

Tại sao Mao Trạch Đông tôn sùng Lỗ Tấn như vậy? Nên xem xét mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông với Lỗ Tấn như thế nào? Bài này sẽ thử giải đáp vấn đề đó.

“Thánh nhân” vốn là nhân cách lý tưởng mà giới trí thức Trung Quốc thời xưa mưu cầu theo đuổi; Mao Trạch Đông thời kỳ đầu cũng vậy, song ông có sự lý giải riêng của mình. Đọc sách “Các bài viết của Mao Trạch Đông thời kỳ đầu” có thể thấy hồi năm 1917 khi đang học ở trường Sư phạm số 1 Hồ Nam ông đã suy nghĩ vấn đề này. Trong bài “Nghiên cứu thể dục” ông viết: Thánh nhân là nhà tư tưởng lớn nhất. Trong “Thư gửi Lê Cẩm Hy” ông lại trình bày rõ hơn, cho rằng thánh nhân tức là người có được “đại bản” [nắm được nguồn gốc chính của sự vật], còn hiền nhân thì thấp một bậc, là “người có được một chút đại bản”. Vì thánh nhân nắm được chân lý cho nên có thể “làm lay động lòng thiên hạ”, sinh ra hiệu quả “lay chuyển thiên hạ”. Hồi đó Mao Trạch Đông cũng như các nhà trí thức khác nói chung cho rằng Khổng Tử, Mạnh Tử là thánh nhân. Trong “Phê phán và chú thích Nguyên lý luân lý học”, Mao Trạch Đông lại viết: Thánh nhân hình thành từ sự chống lại cái đại ác. Các nhận thức ấy của Mao Trạch Đông tuy còn bị giới hạn bởi truyền thống song đã chứa đựng tinh thần mưu cầu chân lý và tấm lòng cứu nước cứu dân.

Nhận thức của con người bao giờ cũng thay đổi theo hoàn cảnh khách quan. Tiếng súng Cách mạng tháng Mười đem lại chân lý chủ nghĩa Mác Lê cho Trung Quốc. Dưới sự cảm hóa và kêu gọi của cuộc cách mạng ấy, Bắc Kinh nổ ra phong trào Ngũ Tứ [Phong trào mồng 4 tháng 5 năm 1919]. Trước đó, Mao Trạch Đông làm việc ở Thư viện trường Đại học Bắc Kinh. Chịu ảnh hưởng của Lý Đại Chiêu và những người khác, ông “phát triển theo hướng chủ nghĩa Mác Lê”, vì thế quan niệm thánh nhân vốn có của ông không thể không thay đổi. Sau đó Mao Trạch Đông trở về Hồ Nam lãnh đạo phong trào học sinh, làm báo “Tương Giang bình luận”. Trong bài “Sự thành lập Kiện Học hội”, ông viết: “Những người như chúng tôi chống Khổng Tử có rất nhiều lý do khác. Riêng việc [Khổng học] độc quyền bá chiếm Trung Quốc, làm cho tư tưởng của chúng tôi không được tự do, phải buồn khổ làm nô lệ cho thần tượng này suốt hai nghìn năm, thì cũng đã không thể không phản đối.” Cùng với sự truyền bá tư tưởng mới, thánh nhân Khổng Tử theo quan niệm cũ đã lùi vào phía sau sân khấu lịch sử, song thánh nhân với tư cách là một nhân cách lý tưởng người đời theo đuổi thì không thể hoàn toàn bị Mao Trạch Đông vứt bỏ, mà chỉ thay nội dung. Dưới điều kiện lịch sử mới, cái gốc chủ yếu [của mọi sự vật] là chủ nghĩa Mác Lê, còn thánh nhân dĩ nhiên là người nắm được chủ nghĩa đó. Với một người đi theo con đường cách mạng như Mao Trạch Đông thì những suy nghĩ ấy là kiến thức hiển nhiên và tất phải thu nhận được.

Hôm giỗ đầu của Lỗ Tấn (19/10/1937), tại Diên An, Mao Trạch Đông đọc bài diễn thuyết “Bàn về Lỗ Tấn”. Ông nói: “Theo tôi, phải coi Lỗ Tấn là thánh nhân bậc thứ nhất ở Trung Quốc. Khổng Phu Tử là thánh nhân của xã hội phong kiến, còn Lỗ Tấn là thánh nhân của Trung Quốc hiện nay.” Việc suy tôn Lỗ Tấn làm thánh nhân, xét về “Tinh thần Lỗ Tấn” có nguyên do là “Tư tưởng, hành động và trước tác của ông đều là chủ nghĩa Mác Lê cả”, cũng tức là ông nắm được “đại bản đại nguyên” [gốc rễ chủ yếu, nguồn gốc chủ yếu]. Đặc điểm đầu tiên của Lỗ Tấn là có viễn kiến chính trị phù hợp tiêu chuẩn “Thánh nhân thông tỏ trời đất, nhìn thấu quá khứ, hiện tại, tương lai”. Đặc điểm thứ hai là tinh thần đấu tranh, đặc điểm thứ ba là tinh thần hy sinh, cũng đều nhất trí với điều kiện xuất hiện thánh nhân “chống lại cái cực ác mà thành”.

Việc Mao Trạch Đông thời Diên An tôn sùng Lỗ Tấn như thế là có nhiều lý do.

Trước tiên, sau khi dẫn Hồng quân trung ương làm cuộc Trường chinh thắng lợi, đến được Thiểm Bắc ít lâu Mao Trạch Đông đã nhận được điện của Lỗ Tấn và Mao Thuẫn liên danh gửi tới chúc mừng. Trong “Thư trả lời phái Trotsky”, Lỗ Tấn cũng ba lần nhắc tới Mao Trạch Đông, tỏ ý tán thành Mặt trận thống nhất dân tộc chống Nhật do Mao Trạch Đông đề xuất. Trong thư này Lỗ Tấn viết: “Tôi coi việc được làm đồng chí [của Mao Trạch Đông] là một vinh dự”. Những lời ấy là sự cổ vũ lớn đối với Mao Trạch Đông và những người cộng sản Trung Quốc đang bị Quốc dân đảng bao vây càn quét.

Thứ hai, việc giương cao ngọn cờ lớn văn hóa Lỗ Tấn rõ ràng sẽ tăng được sức mạnh văn hóa tinh thần của lực lượng bên phía đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng tức là tăng sức mạnh chống Quốc dân đảng trên mặt văn hóa. Về sau, trong bài “Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới”, Mao Trạch Đông nói thời kỳ nội chiến 10 năm có “sự thâm nhập cách mạng nông thôn và thâm nhập cách mạng văn hóa”, “Trong cuộc bao vây càn quét ấy, người cộng sản Trung Quốc Lỗ Tấn trở thành vĩ nhân của cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc”. Mao Trạch Đông cũng coi Lỗ Tấn là đồng chí. Lẽ đương nhiên ông xác lập phương hướng của Lỗ Tấn là “phương hướng văn hóa mới của dân tộc Trung Quốc”. Nhận định tác dụng của Lỗ Tấn như vậy dĩ nhiên sẽ đi tới sự đánh giá cao và lại rất công bằng: “Lỗ Tấn là chủ tướng của cách mạng văn hóa Trung Quốc, ông không những là nhà văn vĩ đại mà còn là nhà tư tưởng vĩ đại và nhà cách mạng vĩ đại”.

Một điểm rất quan trọng nữa là các bài viết của Lỗ Tấn đã thuyết phục được Mao Trạch Đông, một đại gia viết lách có cách đánh giá độc đáo đối với Lỗ Tấn. Nói chung người bình thường đều hiểu được giá trị văn học của tiểu thuyết, tản văn, thơ thể cũ của Lỗ Tấn; nhưng e rằng các nhà bình luận văn nghệ nói chung rất khó hiểu được giá trị chủ nghĩa Mác Lê thể hiện trong các bài tạp văn của ông, nhất là tạp văn thời kỳ cuối. Cần thừa nhận ý nghĩa khai sáng của việc Mao Trạch Đông tôn sùng các bài tạp văn thời kỳ cuối của Lỗ Tấn. Có lẽ chính vì thế mà Mao Trạch Đông đặc biệt coi trọng chủ trương sáng tác của Lỗ Tấn. Thời gian Chỉnh phong Diên An 1942, trong các báo cáo “Chống đảng bát cổ” [bát cổ: lối văn khuôn sáo], Mao Trạch Đông nhiều lần nhắc tới Lỗ Tấn; trong 4 bài viết ông đề nghị mọi người phải đọc, thì bài của Lỗ Tấn được xếp sau bài của Lê Nin và Dimitrov [Tổng Thư ký Quốc tế Cộng sản, người Bun-ga-ri], trước bài của Mao Trạch Đông; đồng thời ông có giải thích tỉ mỉ. Qua đó có thể thấy ông giới thiệu Lỗ Tấn với toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc như một bậc thầy.

Thời gian từ mùa xuân năm 1956 tới mùa xuân năm 1957, trong các bài nói với giới văn hóa hoặc nói trong nội bộ Đảng xung quanh việc quán triệt phương châm “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, Mao Trạch Đông nhiều lần nhắc tới Lỗ Tấn. Ngày 8/3/1957, khi nói chuyện với giới văn hóa, ông giả thiết trường hợp Lỗ Tấn bây giờ còn sống: “Theo tôi, nếu Lỗ Tấn vẫn còn thì ông sẽ viết tạp văn, chứ tiểu thuyết thì có lẽ không viết nổi nữa; chắc ông sẽ là chủ tịch Hội Nhà văn; lúc họp hành ông sẽ phát biểu; nếu ông mà nói hoặc viết thì sẽ giải quyết được 33 vấn đề ta đang bàn. Ông ấy nhất định có ý kiến để nói, nhất định sẽ phát biểu, hơn nữa sẽ nói rất dũng cảm.” Trên thực tế, thời kỳ ấy Mao Trạch Đông coi Lỗ Tấn là tấm gương của các nhà văn ưu tú mà nước Trung Quốc mới nên có.

Khi nói chuyện với giới âm nhạc về vấn đề dân tộc hóa nghệ thuật, ông nói: “Tiểu thuyết của Lỗ Tấn vừa khác với nước ngoài vừa khác với tiểu thuyết Trung Quốc thời xưa; đó là tiểu thuyết của Trung Quốc hiện đại”, đã dân tộc hóa. Mao Trạch Đông còn vạch ra sự thiếu chính xác trong quan điểm của Lỗ Tấn về Kinh kịch. Nhưng đề tài ông nói nhiều nhất vẫn là tạp văn thời kỳ cuối của Lỗ Tấn. Ông nói “Tạp văn ấy có sức mạnh là nhờ có thế giới quan chủ nghĩa Mác.” Khi tiếp các đại diện của giới xuất bản, ông nói: “Tôi muốn đưa Lỗ Tấn ra để các đồng chí học hỏi ông.” Tại hội nghị công tác tuyên truyền toàn quốc, khi bàn về biện pháp tránh tính phiến diện, Mao Trạch Đông nói: “Các bài tạp văn thời kỳ cuối của Lỗ Tấn có sức mạnh sâu sắc nhất, không có tính phiến diện; đó là vì khi ấy Lỗ Tấn đã nắm được phép biện chứng”, đồng thời ông còn nhắc tới việc một số bài viết của Lê Nin cũng có thể gọi là tạp văn, tức coi Lỗ Tấn ngang với Lê Nin.

Ngày 8/7/1966, trong bức thư viết từ hang Giọt Nước ở Thiệu Sơn, Mao Trạch Đông viết: “Nguyễn Tịch chống lại Lưu Bang, ông đi từ Lạc Dương đến Thành Cao, than rằng: thế gian này không có anh hùng, khiến cho thằng đầy tớ nhãi ranh ấy [tức Lưu Bang] thành danh. Lỗ Tấn cũng từng nói như thế về tạp văn của mình. Trái tim tôi hòa với trái tim Lỗ Tấn.” Điều đó cho thấy Mao Trạch Đông coi Lỗ Tấn là bạn tri âm của mình, vì thế ông lại nói: “Tôi thích tính thẳng thắn của Lỗ Tấn. Ông nói, tự mổ xẻ mình thường là nghiêm ngặt hơn mổ xẻ người khác. Sau khi vấp ngã vài lần, tôi cũng thường như vậy.” Rõ ràng địa vị của Lỗ Tấn đã được nâng cao trong con mắt của Mao Trạch Đông.

Mao Trạch Đông cuối đời vẫn ưa “đọc Lỗ Tấn”, niềm thích thú ấy không giảm đi do ốm yếu bệnh tật mà ngược lại càng tăng lên. Khi cân nhắc vấn đề sử dụng một số lượng lớn cán bộ cũ, ông từng nói: Phải đả phá tư tưởng sai lầm siêu hình “vàng phải là vàng mười, người phải là người hoàn hảo”, chắc là ông đã mượn cách nói của Lỗ Tấn trong bài “Chuẩn phong nguyệt đàm — về vấn đề phiên dịch (hạ)”. Mao Trạch Đông còn kêu gọi cán bộ các cấp hãy “đọc một chút Lỗ Tấn”.

Mao Trạch Đông luôn tôn sùng Lỗ Tấn, cho dù nguyên nhân và dụng ý của việc ấy trong các thời kỳ lịch sử khác nhau thì khác nhau[1] nhưng tư tưởng tôn sùng Lỗ Tấn thì trước sau vẫn thế. Trong sách “Văn nhân Mao Trạch Đông”, khi bàn tới vấn đề này Trần Tấn có viết một câu: “Tâm hồn tương thông mà chưa gặp nhau bao giờ thì có lẽ càng tăng thêm sức quyến rũ với đối phương”. Câu này rất có ý vị sâu xa.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch và ghi chú từ nguồn tiếng Trung (cctv.com, 2007.09.14).

——————

[1] Sau giải phóng, có lần Mao nói đại ý nếu Lỗ Tấn bây giờ mà còn thì không vào trại lao động cải tạo cũng bị ngồi chơi xơi nước. Điều đó chứng tỏ Mao nhìn thấy bản chất của Lỗ Tấn là yêu tự do dân chủ, chống đối chuyên chế, chống cả chính Mao.