Mao Trạch Đông ‘để mất’ Việt Nam như thế nào?

Tác giả: Jung Chang và Jon Halliday | Người dịch: Nguyễn Hải Hoành

Ngay ở châu Á, chỗ nào Mao Trạch Đông cũng gặp trở ngại. Thảm hại nhất là vụ “để mất” Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1950, Stalin đã giao cho Mao “quản lý” Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều năm qua, Mao xuất tiền xuất người giúp Đảng Cộng sản Việt Nam đánh Pháp, rồi đánh Mỹ. Nhưng vì Mao coi Đảng Cộng sản Việt Nam như quân cờ trên bàn cờ của mình nên người Việt Nam bất hòa với Mao.

Năm 1954, Mao bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp quân sự, cần mua nhiều vật tư cấm vận của phương Tây. Ông muốn dùng Pháp làm đột phá khẩu phá thế cấm vận. Hồi ấy Pháp đang đánh nhau với Việt Nam. Kế hoạch của Mao là bảo Đảng Cộng sản Việt Nam mở rộng chiến tranh “nhằm tăng thêm khó khăn bên trong nước Pháp” (lời Chu Ân Lai), khi nào Pháp sứt đầu mẻ trán thì Trung Quốc đứng ra giúp Pháp thương lượng với Việt Nam, qua đó đổi lấy sự thông cảm của Pháp trên vấn đề xuất khẩu vật tư chiến lược cho Trung Quốc.

Tháng 4/1954, hội nghị Geneva giải quyết vấn đề Việt Nam và Triều Tiên bắt đầu họp, Chu Ân Lai dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến dự. Hơn một tháng trước đó, Mao đã quyết định phải đạt được hiệp định đình chiến tại Việt Nam, nhưng ông không cho Đảng Cộng sản Việt Nam biết chuyện đó mà lại tạo ra cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ấn tượng là Mao ủng hộ Việt Nam tiếp tục chiến đấu.

Hồi ấy Đảng Cộng sản Việt Nam có lực lượng mạnh ở miền Nam Việt Nam, còn ở miền Bắc, họ đang tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 4/4, Mao chỉ thị Vi Quốc Thanh, Tổng Cố vấn quân sự Trung Quốc bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển lời đến lãnh đạo Việt Nam: “Tranh thủ kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ trước mùa mưa (đầu tháng 5), lợi dụng mùa mưa để nghỉ ngơi, bổ sung lực lượng. Tháng 8 hoặc tháng 9 bắt đầu tấn công Luang Prabang và Vientiane, giải phóng hai thành phố này.”. Luang Prabang và Vientiane là hai kinh đô của nước Lào. Mao yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam “Tích cực chuẩn bị mùa đông năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau bắt đầu tấn công vùng Hà Nội và Hải Phòng, tranh thủ năm 1955 giải phóng đồng bằng Bắc Bộ.

(Mao tham dự chỉ huy cuộc chiến tranh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi bắt đầu chiến tranh Triều Tiên, Mao thu hẹp quy mô chiến tranh Việt Nam. Tháng 5/1953, Mao quyết định đình chiến ở Triều Tiên rồi phái nhiều cán bộ chỉ huy quân đội Trung Quốc từ Triều Tiên sang thẳng Việt Nam. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính Vi Quốc Thanh tự tay giao cho Hồ Chí Minh bản “Kế hoạch Nava” tuyệt mật bố trí chiến lược của Pháp. Bản kế hoạch mang tên viên tướng Pháp Henri Navarre này do Trung Quốc lấy được từ Pháp. Chính là căn cứ vào tình báo đó [Việt Nam] mới quyết định đánh trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Tháng 5/1954, được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Quốc và được cố vấn Trung Quốc giúp đỡ, trận quyết chiến này đã giành toàn thắng.)

Ngày 7/5/1954, Việt Nam chiếm được Điện Biên Phủ. Ngày 17/6 chính phủ Pháp đổ. Đã đến thời điểm giao thiệp với nhau. Ngày 23/6, Chu Ân Lai gặp tân Thủ tướng Pháp Pierre Mendès France tại Thụy Sĩ, cùng nhau bàn phương án đình chiến.

Chu Ân Lai yêu cầu Việt Nam tiếp thu phương án này. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn ký [hiệp định đình chiến]. Sau này Lê Duẩn nhớ lại: Chu Ân Lai tỏ ý ‘Nếu Việt Nam còn muốn đánh tiếp thì đành phải tự dựa vào sức mình thôi, ông ấy sẽ không giúp nữa, ông ấy ép chúng ta ngừng chiến’. Không có Trung Quốc thì Việt Nam không thể tiếp tục tiến hành chiến tranh. Hồ Chí Minh yêu cầu người chủ trì đàm phán là Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký [hiệp định đình chiến]. Phạm Văn Đồng ứa nước mắt ký. Lê Duẩn được trao nhiệm vụ thông báo tin tức này cho bộ đội Việt Nam ở miền Nam: “Tôi ngồi xe bò đi vào miền Nam. Dọc đường đồng bào đến hoan nghênh tôi, họ đều nghĩ rằng chúng ta đã thắng lớn. Thật là vô cùng đau khổ.”

Từ đó Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu không tin Đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn Pháp thì bắt đầu nới rộng sự cấm vận với Trung Quốc.

Có thể nói trong nhiều năm qua Trung Quốc là nước duy nhất giúp Bắc Việt Nam. Đầu năm 1965, tân lãnh đạo Liên Xô Brezhnev bắt đầu viện trợ mạnh cho Việt Nam, cung cấp những vũ khí hạng nặng cần thiết nhất để bắn máy bay Mỹ như pháo cao xạ, tên lửa đất đối không. Mao sợ Liên Xô sẽ thay thế địa vị người bảo hộ Đảng Cộng sản Việt Nam của Mao. Ông khuyên Liên Xô chớ nên “quản” chuyện Việt Nam. Mao nói với Thủ tướng Liên Xô Kosygin: “Nhân dân Bắc Việt Nam không có sự viện trợ của Liên Xô cũng có thể tiến hành tốt cuộc chiến đấu …. Họ có thể dựa vào sức mình đánh đuổi người Mỹ.” Mao còn nói: “Người Việt Nam có thể tự lo cho họ, Mỹ ném bom không làm chết nhiều người, vả lại chết một số người cũng chẳng có gì ghê gớm cả.” Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị Liên Xô “Đối phó với đế quốc Mỹ ở phương Tây và các nơi khác”.

Mao cũng ra sức khuyên Đảng Cộng sản Việt Nam từ chối viện trợ của Liên Xô. Chu Ân Lai từng bảo Phạm Văn Đồng: “Không có viện trợ của Liên Xô càng tốt, tôi không tán thành Liên Xô cử nhân viên tình nguyện sang Việt Nam, cũng không tán thành Liên Xô viện trợ Việt Nam.” Thậm chí Chu Ân Lai còn bảo Hồ Chí Minh: Liên Xô viện trợ Việt Nam nhằm mục đích “cải thiện quan hệ Xô-Mỹ”. Cho dù Chu Ân Lai giỏi uốn ba tấc lưỡi thì kiểu logic ấy thực là thiếu sức thuyết phục.

Mao không còn cách nào ngăn Đảng Cộng sản Việt Nam nhận viện trợ Liên Xô, lại càng không thể kéo Đảng Cộng sản Việt Nam cắt quan hệ với Liên Xô. […] Muốn duy trì ảnh hưởng của mình đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Mao chỉ còn cách duy nhất là cho họ nhiều tiền, nhiều hàng, cho nhiều lính sang giúp Việt Nam.

(Từ 1965 đến 1968, Trung Quốc đã cử sang Việt Nam hơn 320 nghìn quân, gồm hơn 150 nghìn lính bộ đội cao xạ, có đơn vị đến năm 1975 mới về nước. Nhờ có số quân Trung Quốc này, Bắc Việt Nam mới có thể dành ra lực lượng quân đội vào miền Nam chiến đấu. Có đơn vị bộ đội Việt Nam còn có cố vấn Trung Quốc đi kèm.)

Dù thế, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không chịu lép vế. Ngày 3/4/1968, dù chưa được Mao Trạch Đông đồng ý, Việt Nam ra tuyên bố nói bắt đầu đàm phán với Mỹ. Chu Ân Lai trách Việt Nam: “Nhiều người không hiểu vì sao các đồng chí phải vội vã ra bản tuyên bố ấy….. đây là quan điểm của nhân dân thế giới.” Chu Ân Lai lại còn gán cho Đảng Cộng sản Việt Nam cái tội làm cho thủ lĩnh người da màu Mỹ Martin Luther King bị ám sát chết. Chu nói: “Nếu bản tuyên bố của các đồng chí ra muộn một hai ngày thì căn bản không thể xảy ra vụ ám sát ấy.”

Mao muốn thọc tay vào quá trình đàm phán [Việt Nam-Mỹ]. Chu Ân Lai nói với Đảng Cộng sản Việt Nam rằng Trung Quốc có kinh nghiệm đàm phán hơn Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam phớt lờ Chu. Mao trả thù bằng cách bảo Chu từ chối tiếp phái đoàn Đảng và Chính phủ Việt Nam sang xin viện trợ, với lý do nhà lãnh đạo Trung Quốc “bận việc trong nước”. Nhưng cuối cùng Mao vẫn không thể không tiếp tục rải tiền cho Việt Nam. Muốn làm lãnh tụ thế giới, Mao không thể không đứng đằng sau Việt Nam đang đánh Mỹ.

Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những không nghe Mao mà còn phát triển phạm vi thế lực của mình ngay trước mắt Mao. Cho dù Trung Quốc viện trợ mạnh cho đảng cộng sản Lào, nhưng người Lào vẫn theo Việt Nam. Tháng 9/1968, nhà lãnh đạo Lào mấy lần khéo léo mời vị tổ trưởng Tổ Liên lạc của Trung Quốc “về nước nghỉ ngơi”. Cuối cùng phía Trung Quốc đành phải rút tổ này về. Lào cũng như Đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng gần gũi với Moskva.

Cho đến cuối thập niên 1960, lãnh tụ “chống Mỹ” của thế giới vẫn là Liên Xô chứ không phải là Mao Trạch Đông. Trong mọi cuộc hội nghị lớn nhỏ, các quan chức Trung Quốc đều không ngừng lên án Liên Xô giúp đỡ bọn đế quốc. Người nghe thường không chịu nổi mà xấu hổ cho Trung Quốc. Đã nhiều lần có người đứng lên đòi Trung Quốc im mồm. Chính phủ Mỹ rút ra kết luận: Chủ nghĩa Mao-ít không còn gây ra mối đe dọa ở các nước đang phát triển. Mao biết rõ thất bại của mình. Năm 1969, Mao nói với Tổ Cách mạng văn hóa Trung ương: “Bây giờ chúng ta bị cô lập rồi, chẳng ai để ý đến chúng ta nữa”. Mao cho rằng các nhóm “Mao-ít” kia thực ra là vô dụng, ông cắt giảm viện trợ cho họ.

Ngày 18/3/1970, Campuchia xảy ra đảo chính. Hoàng thân Sihanouk bị lật đổ. Tin chắc đảo chính là do CIA gây ra, Sihanouk quyết tâm chiến đấu chống Mỹ tới cùng. Ngày thứ hai sau đảo chính, Sihanouk từ Liên Xô đến Trung Quốc. Mao mời ông ở lại. Từ đó cuộc chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến chống Mỹ của toàn Đông Dương. Lãnh tụ của một trong ba nước Đông Dương là Sihanouk nay sống lưu vong tại Trung Quốc, Mao mong rằng có thể dựa vào Sihanouk để tạo dựng cho Mao hình ảnh vị lãnh tụ chống Mỹ.

Sau khi Sihanouk ở lại Trung Quốc, Mao cấp cho ông ta 7 đầu bếp, 7 chuyên gia làm bánh ngọt, lại còn dùng máy bay chở gan ngỗng từ Paris về. Tại Trung Quốc, Sihanouk có đoàn tàu riêng, khi ra nước ngoài có hai máy bay riêng, một chiếc chở hành lý và quà tặng. Mao bảo Sihanouk: “Ngài cần gì cứ bảo chúng tôi. Chúng tôi có thể làm thêm chút việc cho ngài. Chẳng có gì ghê gớm đâu mà.” Nói đến chuyện tiền nong, Sihanouk áy náy ngại làm tăng gánh nặng cho Trung Quốc, Mao bảo: “Tôi đề nghị ngài hãy tăng nữa lên phần chúng tôi cần gánh vác.”

Nhà lãnh đạo Khơ-me Đỏ Pol Pot lúc đó đang bí mật ở Trung Quốc. Dưới sức ép của Trung Quốc, Pol Pot phải hợp tác với Sihanouk. Trong quá khứ Trung Quốc từng ủng hộ “Khơ-me Đỏ” lật Sihanouk. Hai năm trước, tháng 3/1968, Sihanouk công khai lên án Bắc Kinh “chơi trò bẩn thỉu”, và nói “Khơ-me Đỏ là do Bắc Kinh nặn ra”, “Mới cách đây hai ngày, chúng tôi thu được một lượng lớn vũ khí, đều là do Trung Quốc chở đến.”

Bây giờ Sihanouk trở thành của quý của Mao. Mao lấy danh nghĩa Sihanouk tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba nước Đông Dương. Hội nghị họp vào tháng 4 tại Quảng Châu. Ngày khai mạc, Trung Quốc phóng được vệ tinh nhân tạo đầu tiên, ra oai với những người dự họp và với toàn thế giới. Vệ tinh bay vòng quanh trái đất và phát nhạc bài tụng ca Mao “Phương Đông hồng [Dong Fang Hong]” . Khi tiếp các công thần phóng vệ tinh, Mao mừng rỡ toét miệng nhắc đi nhắc lại câu: “Giỏi lắm! Giỏi lắm!

Sau đó Mao ra bản tuyên bố “20 tháng 5” với giọng điệu của vị lãnh tụ cuộc đấu tranh chống Mỹ trên toàn cầu. Bản tuyên bố có tiêu đề “Nhân dân toàn thế giới đoàn kết lại đánh bại bọn xâm lược Mỹ và tất cả lũ chó săn của chúng!” Mao lên thành lầu Thiên An Môn, Sihanouk đứng cạnh. Lâm Bưu (ngày ấy còn đang có quyền thế) đọc bản tuyên bố nói trên trong cuộc mít tinh có nửa triệu người tham gia.

Lâm Bưu đang bệnh tật đầy người, để đọc được bản tuyên bố ấy, bác sĩ phải tiêm cho Lâm một liều thuốc kích thích. Trước khi đi lên Thiên An Môn, Sihanouk để ý thấy Lâm Bưu “xem ra hình như bốc đồng, không tự chủ được, ông ta thỉnh thoảng ngắt lời Mao rồi hoa chân múa tay, thao thao bất tuyệt cao giọng đọc bài diễn thuyết chống Mỹ”.

Đến khi đọc bản tuyên bố, Lâm Bưu giọng run rẩy chậm rãi nói: “Tôi muốn nói! – Tôi nói về Việt Nam – hai Việt Nam – một nửa Việt Nam.” Cứ thế ông ta nói lung tung mấy câu chẳng đâu vào đâu rồi mới đọc tới phần chính bản tuyên bố. Nhưng rồi lại vẫn đọc nhầm Palestin thành Pakistan.

Bản tuyên bố gọi đích danh Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra để lên án. Nixon uống rượu say tức giận định ra lệnh điều tàu chiến Mỹ trả đũa. Nhưng ông ta nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Cố vấn An ninh quốc gia Kissinger nói với Nixon rằng Mao “Ngoài việc nói miệng ủng hộ Việt Nam ra, thực tế chẳng làm được chuyện gì”. Thế là người Mỹ không có phản ứng với bản tuyên bố “20 tháng 5” của Mao nữa.

Trong chiến tranh Đông Dương, người phương Tây chỉ coi trọng Việt Nam. Báo The Times (London) viết: Sihanouk “muốn trở lại sân khấu chính trị thì phải dựa vào Việt Nam. Kissinger mở miệng là nói tới “Dã tâm của Việt Nam đối với Campuchia”.

Mao tức giận khi thấy phương Tây không coi ông ta ra gì. Ông thoá mạ Kissinger là “Đồ trí thức thối thây”, “Giáo sư đại học mà chẳng biết quái gì về ngoại giao”.

Cuối cùng Mao Trạch Đông nghĩ ra một cách làm cho mình được cả thế giới chú ý [nguyên văn: xuất hiện dưới ánh đèn flash của cả thế giới]: Đó là “dụ” Tổng thống Mỹ đến Trung Quốc!

Bài viết trích từ bản Trung văn cuốn“Chuyện chưa biết về Mao” của Jung Chang (Trương Nhung) và Jon Halliday.

Đồng chí B nói về âm mưu chống VN của bè lũ phản động TQ