Tác giả: Hà Văn Thùy
Trên Nghiên cứu quốc tế tháng 4 năm 2020, tác giả Nguyễn Trần Hoàng có bài Cần khoa học khi nhận định về nguồn gốc dân tộc Việt. Trong đó ông phản bác kết luận “ Người Kinh-Việt Nam không phải là hậu duệ của người Bách Việt hoặc Lạc Việt” của ông Nguyễn Hải Hoành trong bài “Bàn thêm về nước Nam Việt của Triệu Đà và lịch sử Việt Nam” đăng tải trước đó. Đọc các bài viết, chúng tôi thấy cả hai tác giả cùng bất cập về phương pháp luận khi không xác định nội hàm những danh xưng Bách Việt, Lạc Việt, dân tộc Việt. Rõ ràng, Bách Việt, Lạc Việt và dân tộc Việt là đối tương nghiên cứu trong những chuyên luận này. Một khi không xác định nội hàm của đối tượng nghiên cứu thì việc nghiên cứu sẽ thiếu cơ sở. Do vậy, chúng tôi xin đóng góp đôi điều.
1. Về danh xưng Bách Việt
Theo La Hương Lâm viết trong Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa, thuật ngữ Bách Việt xuất hiện đầu tiên tại thiên Thị quân sách Lã Thị Xuân Thu: “Phía nam Dương Hán, trong khoảng Bách Việt, những đất Tệ Kha, Chư Phu, Dư My, các nước Phộc Lâu, Dương Xuất, Hoan Đâu, phần nhiều không có vua.”[1] Âu Đại Nhậm trong Bách Việt tiên hiền chí viết: “Cháu sáu đời của Câu Tiễn là Vô Cương cất quân đánh Sở, bị vua Sở Hùng Thích đánh bại. Vô Cương bỏ Lang Gia, đi đến ở Đông Vũ. Nước Việt tan. Các con của Vô Cương định cư ở duyên hải Giang Nam, chia nhau kẻ làm quân trưởng, người làm vương, tất cả đều thần phục Sở, gọi là Bách Việt.”[2] Xuất hiện muộn màng, khoảng năm 333 TCN, chấm dứt năm 222 TCN khi Nam Việt bị tiêu diệt, do vậy Bách Việt không thể là nguồn gốc của dân tộc Việt. Mặt khác, vì là những mảnh vỡ của nước Việt nên Bách Việt chỉ có thể là tên gọi chung của nhiều tiểu quốc của người Việt mà không phải là trăm tộc Việt. Đó là những điều mà xưa nay nhiều người ngộ nhận.
Một câu hỏi cũng cần được trả lời là vì sao, từ lâu trong cộng đồng vẫn tồn tại ý tưởng cho rằng, Bách Việt là cội nguồn của dân tộc Việt? Có thể bắt đầu từ Sử ký: Ông Thiếu Khang dòng dõi của Hạ Vũ xuống Nam Dương Tử, cắt tóc vẽ mình sống chung với người Việt rồi lập nước Việt. Sách cũng ghi, khi Việt bị Sở diệt, dân nước Việt chạy xống Bắc Việt Nam, tạo nên dân cư Việt Nam. Những ý tưởng như thế truyền qua cha ông, tới chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, khoa học hiện đại cho thấy, ngay cả Hạ Vũ cũng là hậu duệ muộn màng của tộc Việt mà người Việt Nam là tộc trưởng nên dân nước Việt của Câu Tiễn không phải là tổ tiên người Việt Nam.
2. Về thuật ngữ Lạc Việt
Trước đây Lạc Việt là danh xưng chỉ tộc người sống ở Việt Nam và Nam Trung Hoa. Sang thế kỷ mới, khi khảo cứu nhiều di chỉ khảo cổ trên đất Trung Hoa như Lương Chử (Chiết Giang), Giả Hồ (Hà Nam), Ngưỡng Thiều (Sơn Tây), các nhà khảo cổ học phát hiện chủ nhân các văn hóa này đều là người Lạc Việt, mang mã di truyền O3 M122. Truy nguyên chủng người này, khi khảo sát 70 sọ cổ tìm được ở Việt Nam từ Thời đồ đá tới Thời kim khí, kết hợp tư liệu di truyền học từ đầu thế kỷ 21, nhân học xác định đó là chủng người Indonesian, xuất hiện tại Việt Nam 70.000 năm trước cùng với các chủng Melanesian, Negritoid và Vedoid. Sau đó người Lạc Việt cùng với các chủng người Việt khác chiếm lĩnh toàn bộ Đông Á. Trong đó người Lạc Việt chiếm 60% nhân số.[3]
Với khám phá trên thì người Lạc Việt là tổ tiên, cội nguồn của đại đa số dân cư Đông Á.
3. Về thuật ngữ dân tộc Việt
Dân tộc Việt được hình thành theo hai thời kỳ. Thời kỳ đầu, mang mã di truyền Australoid, được sinh ta ở Việt Nam, do sự hòa huyết của đại chủng Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới. Thời kỳ sau bắt đầu từ 7.000 năm trước tại Nam Hoàng Hà, do người Việt cổ Australoid hòa huyết với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sinh ra người Việt hiện đại Mongoloid phương Nam (South Mongoloid). Sau đó người Việt hiện đại di cư xuống Nam Dương Tử và Việt Nam, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang Mongoloid phương Nam. 2000 năm TCN, toàn bộ dân cư Việt Nam mang mã di truyền Mongoloid phương Nam và tới đầu Công nguyên, toàn bộ dân cư Đông Á cùng một chủng Mongoloid phương Nam. Trên thực tế, hầu như dân cư Đông Á thuộc dân tộc Việt.
4. Về thuật ngữ dân tộc Việt Nam
Do nhận thức mới về hình thành dân cư Đông Á mà chủ thể là dân tộc Việt (Viet race, Viet nation) nên hôm nay gọi người Việt Nam là dân tộc Việt không còn phù hợp mà phải gọi cụ thể hơn: dân tộc Việt Nam (Vietnamese nation). Từ đó có định nghĩa: Người Việt Nam là người Lạc Việt sống trên đất Việt Nam.
Ở đây cũng có có vấn đề cần minh định là thuật ngữ người Kinh. Hiện trong dân gian cũng như những văn bản chính thức cho rằng người Kinh là người Việt, các sắc dân còn lại là dân tộc thiểu số mà không phải người Việt. Đó là nhầm lẫn đáng tiếc và kéo dài do khoa nhân học không đưa ra định nghĩa chính xác và hướng dẫn xã hội. Từ 4.000 năm trước, toàn bộ dân cư Việt Nam cùng một chủng tộc (race) hay cùng một dân tộc (nation), được gọi là dân tộc Việt. Các tộc người như Kinh, Tày, Thái, Mường, Bahna, Êdê, Khmer, Hoa… là những sắc tộc (ethnicity) khác nhau trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
—————-
[1] La Hương Lâm. Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa. Trung Hoa tùng thư. Đài Loan thư điếm, 1955. Bản dịch chép tay của Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn.
[2] Âu Đại Nhậm. Tựa Bách Việt tiên hiền chí. Thư viện Việt Nam, California, Hoa Kỳ, 2006.
[3] Hà Văn Thùy. Người Việt khai phá lưu vực Hoàng Hà.